THA THỨ : DỄ MÀ KHÓ – KHÓ MÀ DỄ
Sống trong cuộc sống này, thật tình mà nói thì tha thứ là điều cực khó. Đơn giản rằng thì là nếu như làm ai nào đó bị trúng thương thể xác thì ít lâu vết thương sẽ lành nhưng vết thương tâm hồn xem chừng ra khó mà tha thứ. Đặc biệt hơn nữa là khi đứng trước người giết mình. Để tha thứ không phải là chuyện dễ dàng.

Biết là tha thứ thì thật khó nhưng Chúa Giêsu – bậc thầy của tha thứ - đã tha thứ cho những ai giết hại mình. Trên đỉnh đồi Thập Tự, Chúa đã nói lời thứ tha.

Chúa Giêsu đến trong cuộc đời này phải chăng chỉ vì yêu. Thật thế, yêu nên xuống thế gian và rồi cũng vì yêu mà chết. Chả phải một cái chết bình thường mà là một cái chết bi thảm.

Thật tình mà nói, thực tế cuộc sống, người ta có giết con heo con gà đi chăng nữa thì chả có ai hành hình như hành hình con người mang tên Giêsu cả. Cứ xem, đọc, nghe lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu thì biết được con người đã xử như thế nào với một con người mà con người ấy lại là con người vô tội.

Liền sau Lễ Giáng Sinh – Lễ Tình Yêu – Giáo hội cùng chiêm ngắm khuôn mặt cũng yêu và yêu cho đến cùng và yêu cho đến chết như Thầy Giêsu đó là Thánh Stephano. Chết một cách cay đắng, chết một cách nhục nhã. Và đỉnh cao của cái chết của Thánh Stephano đó là sự tha thứ như Thầy Giêsu đã tha thứ.

Trải dài dòng chảy lịch sử cứu độ, ta lại thấy nhiều mẫu gương như Thánh Stephano đã để lại cho Hội Thánh. Các Thánh Tử Đạo, ngang qua cái chết của mình cũng đã tha thứ cho những người giết hại mình.

Nhìn lại cuộc đời các Thánh và đặc biệt là Thánh Stephano, ắt hẳn mỗi chúng ta cũng sẽ thốt lên rằng sao mà hay thế ! Sao mà các ngài đã nói lên lời tha thứ như vậy.

Nói đến sự hận thù, ghen ghét, chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng hơn một lần bị tổn thương. Như đã nói, ai nào đó vô tình làm ta đứt tay hay gây tai nạn giao thông thì từ từ vết thương nó sẽ lành và ta dễ quên cũng như tha thứ cho những ai làm ta đau đớn. Nhưng, với những ai làm ta tổn thương trong tâm hồn thì thật sự khó mà tha thứ vì cái vết thương lòng cứ nhắc đến người đó, hình ảnh người đó là trong lòng lại rực lên một nỗi căm hờn. Cũng dễ hiểu cho những người như vậy vì lẽ họ mang trong mình cái nỗi đau mà khó có ai xóa nhòa được. Có chăng đừng để họ gặp mặt hay sống chung vì lẽ sự tổn thương mà người này gây cho người kia đủ lớn để họ không nhìn mặt nhau.

Đau lắm khi gia đình chỉ có 2 anh em thôi mà rồi 2 anh em lại tự thề với lòng sẽ không nhìn mặt nhau sau khi bà mẹ mất. Bà mẹ già vì lý do nào đó không chuẩn mực khi phân chia gia tài để rồi đứa em lờn mặt và coi anh không ra gì. Dẫu rằng gia đình người em sung túc và ổn định nhưng lòng tham nó trỗi dậy và bằng mọi giá phải chiếm phần gia tài bà mẹ để lại.

Chuyện gia tài nó đã đành. Người em quét rác can đảm hất rác từ trên lầu xuống đầu của người anh. Nhiều và nhiều chuyện hành xử bất nhân của người em để rồi người anh không can đảm sống chung với người em sau khi mẹ mất được.

Cuộc đời này nó rất ngắn và rất vội để rồi hận thù chỉ chồng thêm hận thù cũng như hận thù chả giải quyết được chuyện gì.

Câu chuyện buồn của một gia đình xảy đến khi năm hết Tết về. Người chồng ky cóp được một phần tiết kiệm. Người vợ thì thích làm giàu bằng cách tung tiền để đầu tư vào chuyện này chuyện kia. Người chồng đắng và đau vì lẽ bao mồ hôi và nước mắt cũng như sự giành dụm để có được ngân khoản như thế. Và đau hơn là gia đình vẫn còn đang trong một khoản nợ chưa thanh toán.

Người chồng ấm ức lắm khi câu chuyện xảy ra như vậy.

Lòng nhủ lòng tôi khuyên người chồng thôi thì cứ tự nhủ như kiểu ông bà ta nói “của đi thay người”. Tôi nói với anh rằng giờ mà có nhớ đến hay hận thì cũng chả giải quyết được chuyện gì. Thù hận thì tiền cũng chả quay trở lại để rồi ta tha thứ.

Phải chăng trong thời gian đi rao giảng, bậc thầy của sự tha thứ đã dạy cho các môn đệ sự tha thứ rồi hay sao ? Chả phải tha 1 lần, tha 7 lần nhưng là 70 lần bảy.

Thực tế, tha thứ thì được nhưng bảo tiếp tục tin thì hơi bị khó.

Câu chuyện này xảy ra trong những mối tương quan gia đình, anh chị em, bạn bè đã bị đổ vỡ. Khi thương, họ đặt hết tình thương vào cái tình thương mà mình đặt nhưng khi đã không tin rồi thì sẽ không dám tin lại lần thứ hai.

Cuộc đời, ai ai cũng có những tổn thương nhưng cách giải quyết tổn thương của mỗi người mỗi khác. Nếu như mình đón nhận và mình tha thứ thì lòng mình nó sẽ nhẹ. Còn không, mình cứ giữ mãi cái hận thù thì tâm của mình sẽ mệt mỏi.

Mình yêu ai thì người đó ở trong tâm của mình và mình ghét ai thì người đó ở trong trí của mình.

Một bà kia giận hờn người hàng xóm đến độ không để trong bụng được. Bà tìm đến tôi và chia sẻ. Cả buổi trời, bà cứ kể hết chuyện này đến chuyện khác về người hàng xóm. Tôi kiên nhẫn lắng nghe bà trải lòng.

Nghe xong câu chuyện thì tôi nói với bà rằng bà xem lại lối sống và suy nghĩ của bà. Theo như bà kể thì tôi thấy bà yêu người hàng xóm đó đến tột cùng. Bà hỏi tại sao tôi nói vậy thì tôi giải thích rằng bà có thấy không ? Bà có thấy rằng hình ảnh của người hàng xóm đó ở trong trí của bà từ giờ ăn cho đến lúc ngủ. Bất cứ lúc nào trong đầu của bà, bà cũng nghĩ về người hàng xóm. Như thế bà thương chứ bà có ghét đâu !

Thật thế ! Ta thấy khi ta ghét ai đó thì người đó lúc nào cũng ở trong cái trí của ta. Mắc cái mớ gì mà ta để cho họ ở trong trí của mình. Buông họ ra cho nhẹ cái đầu. Và điều cay đắng là khi mình ghét họ họ vẫn cứ sống phây phây còn mình thì mất ăn mất ngủ. Có khi họ còn cười vì mình ghét họ nữa mà mình không biết.

Cuộc sống của chúng ta vốn dĩ đã nặng nề rồi. Ôm thêm những mối hận thù chỉ làm cho đầu óc của ta thêm nặng mà thôi.

Ai ai cũng nặng gánh với cuộc sống rồi. Ôm thêm hận thù làm chi nữa cho đời nó chóng chết. Cứ thư thả mà sống đời sẽ bình an. Và có khi tha thứ mình sẽ đón nhận được hồng ân lớn lao hơn những gì mình mong đợi.

Tha thứ hay không cũng tùy thuộc vào mỗi người vì ai ai cũng có quyền tự do. Ai nào đó tha thứ sẽ thật sự là môn đệ của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Với trải nghiệm của cuộc đời, tôi tha thứ để được thứ tha như lời kinh Lạy Cha và kinh Hòa Bình. Biết là khó nhưng với ơn Chúa và nhờ ơn Chúa, ta sẽ thứ tha được thôi.

Dễ mà bạn ! Hận thù càng thêm cay đắng ! Tha thứ để đời vạn lần vui.

Lm. Anmai, CSsR