24.1Thánh Phanxicô đệ Salê, Gmtsht

2 Sm 7:4-17; Tv 89:4-5,27-28,29-30; Mc 4:1-20

ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA NHƯ THẾ NÀO ?


Thánh Phanxicô ra đời tại biệt thự Sales danh tiếng vùng Savoie nước Pháp ngày 21/8/1567. Thân phụ Ngài là ông Phanxicô Nouvelles, một lãnh chúa và thân mẫu ngài là bà Phanxicô Sion, miền Sales. Cả hai là những tín hữu khôn ngoan, nhân đức, hết lòng chăm sóc cho con và giáo dục chúng nên người. Nhờ được sống trong bầu khí đạo đức đày tình yêu thương như thế mà cậu Phanxicô sớm tỏ ra là một thiếu niên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Phanxicô còn được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng ngay từ nhỏ nên đã sớm trở nên một đứa trẻ đạo đức, thánh thiện và bác ái.

Hơn mười tuổi, Phanxicô chịu phép Thêm sức, xưng tội lần đầu. Và vừa 14 tuổi được cha mẹ cho đi tu. Mấy năm sau ngài chịu phép cắt tóc.

Năm 1580 Phanxicô được gửi đến Paris theo học khóa tu từ và triết lý, dưới quyền giám hộ của linh mục thánh thiện Morac Deâge. Dù sống giữa đô thị lớn, ngập lụt những xa hoa trần tục, thầy Phanxicô không để mình xao xuyến, hay bị lôi cuốn. Chàng vẫn giữ tấm hồn trong sạch, trung thành với lý tưởng tận hiến. Đó là kết quả lòng tin tưởng thầm kín vào Chúa như lời ngài thường nói: “Thiên Chúa là Thầy dạy duy nhất của tôi về mọi khoa nên thánh. Và tôi hoàn toàn tín nhiệm vào Ngài”. Tại Paris ngài xin gia nhập Hiệp hội Thánh Mẫu sinh viên do các cha dòng Tên khởi xướng lập nên.

Qua sáu năm học tại Paris, Phanxicô trở về Savoie rồi sang Ý theo học tại trường Đại học Padoua. Tại đây ngài chuyên về luật khoa và thần học. Hai năm sau ngài nhận mũ tiến sĩ do Đức Giám mục thành Padoua trao tặng. Phanxicô từ giã kinh thành văn hóa, đi hành hương Rôma, Loretto, và về Savoie.

Với tấm bằng tiến sĩ Luật, Ngài Ngài nắm trong tay một tương lai sáng lạn, huy hoàng. Gia đình Ngài mong ước cho Ngài được nhận tước quận công miền Villaroget, giữ ghế luật sư tại Savoie, và sau cùng kết hôn với ái nữ của lãnh chúa trong vùng.

Thế nhưng họ đã thất vọng. Cha của Ngài đã phẫn nộ vô ích trước lòng cương quyết và từ tốn của thánh nhân. Dù cuộc đời Ngài có dễ dàng thăng quan, tiến chức, có chỗ vững chắc trong xã hội, nhưng thánh nhân quyết tâm từ bỏ tất cả, để đi theo Chúa Giêsu.

Thánh nhân được thụ phong linh mục năm 1595. Thánh nhân được Ðức Giám mục Granier tin tưởng, tín nhiệm đề cử làm nhà hộ giáo, giảng thuyết chính thức chống lại bè rối Calvin ở Challais. Với một tâm hồn lạc quan, vui tươi, tin tưởng và phó thác cho Chúa: "Chúa là nguồn vui của Con", thánh Phanxicô đã đưa trở lại với Giáo Hội 72 ngàn người lạc giáo.

Và vào năm 1602 ngay sau khi Ðức Cha Granier từ trần Chúa yêu thương, cất nhắc Ngài, đặt Ngài làm giám mục thay thế Ðức Cha vừa qua đời. Thánh Phanxicô Salêsiô đã lập Dòng Chị Em Con Ðức Mẹ, sau này được đổi thành Dòng Thăm Viếng.

Ngài sống một đời sống hiền lành và khiêm nhường cố gắng làm việc cho tới phút cuối cùng. Ngài được Chúa gọi về trong một chuyến công tác tại Lyon. Hôm ấy nhằm ngày 27-12-1622. Theo lời ngài trối lại, người ta đưa xác ngài về dòng Thăm viếng tại Annecy. Đến ngày 19-4-1685, Đức Giáo Hoàng Alêxanđria VII phong người lên bậc hiển thánh, và tới năm 1877 dưới thời Đức Thánh Cha Piô IX, thánh Giám mục Phanxicô được tặng phong là một thánh tiến sĩ của Giáo Hội.

Khi nói đến những vấn đề trừu tượng khó hiểu như Nước trời chẳng hạn, Đức Giêsu hay dùng dụ ngôn để diễn tả những ý tưởng đó. Dụ ngôn người gieo giống trong đoạn Tin mừng này cho chúng ta thấy những thái độ và hiệu quả của việc đón nhận Lời Chúa khác nhau. Cũng vậy, Tin mừng được gieo vào lòng chúng ta, thế nhưng mảnh đất tâm hồn chúng ta thế nào ? Mảnh đất của chúng ta có điều kiện để hạt giống Tin mừng được sinh hoa kết quả; hay là mảnh đất khô cằn, chai cứng ?

Để dễ hiểu đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta cần lưu ý: cách gieo giống của người Do thái thời Đức Giêsu khác với cách gieo giống của ta ngày hôm nay:

Vì còn lạc hậu nên đất chia ra làm nhiều mảnh vụn. Ranh giới giữa các mảnh ruộng thường dùng làm đường đi nên khi gieo có nhiều hạt vương trên bờ.

Vì vùng đất hoang khô cằn, nên mảnh ruộng có nhiều sỏi đá, và cây gai vì thế khi gieo có những hạt rơi trên sỏi đá và hạt chen vào bụi gai.

Ngoài ra, cũng có những vùng đất tốt được phân làm nhiều loại và năng suất của mỗi loại đất cũng khác nhau.Thực ra, các môn đệ cũng chưa hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn này, nên lúc còn một mình Chúa với các môn đệ, Ngài giải thích thêm cho các ông: người đi gieo là kẻ giảng lời Chúa. Hạt rơi bên đường chỉ người nghe rồi bị ma quỉ cướp mất. Hạt rơi trên sỏi đá chỉ kẻ nghe thì vui nhận, nhưng vì thiếu kiên nhẫn khi bị gian nan thử thách thì bỏ qua. Hạt rơi trong gai góc là hạng người nghe lời giảng thì vâng giữ, nhưng vì ham mê danh vọng của cải thế gian nên Lời Chúa cũng bị chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt là những người nghe lời Chúa, suy niệm trong lòng rồi chịu khó đưa ra thực hành trong đời sống hằng ngày, nên sinh bông trái là phần rỗi linh hồn.

Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai. Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi “những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác”. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự “thinh lặng nội tâm” thì Lời Chúa dễ thâm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

Tuy thế, lòng người dù có sỏi đá, vệ đường, bụi gai, nhưng vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo được. Chẳng hạn các vị thánh như Phaolô, Augustinô, Phanxicô Xaviê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước trời được mùa gặt bội thu.

Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng: từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Đấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.

Huệ Minh