ĐẶT LỜI VÀO MIỆNG NGƯỜI KHÁC !
Sống ở đời, biết bao nhiêu cái khổ rồi, đè nặng cái khổ lên vai người khác chi cho mệt vậy ?

Một trong những chuyện mà con người gây khổ cho nhau đó chính là việc đặt lời vào miệng người khác. Có những thể loại suốt ngày cứ “còm men” rồi nhận định đủ thứ mọi chuyện của người khác theo ý của mình. Bao nhiêu tranh cãi, bao nhiêu hiểu lầm gây ra từ mồm miệng của những người đó. Chả hiểu sao mâm nào họ cũng có thể ngồi vào được và bất cứ cái gì họ cũng nói mà tôi nghĩ chả biết họ nói gì và nghĩ gì nữa.

Nhớ cái thời đi giúp tĩnh tâm cho các cộng đoàn nữ. Các Sơ cứ gặp là hỏi : “Cha ơi ! Cha thấy hoa chúng con cắm có đẹp không Cha ?”

Trả lời sao cho đúng đây ? Bảo các Sơ cắm hoa đẹp thì cũng không đúng và dối với lòng mình. Bảo các sơ cắm hoa không đẹp thì xem chừng ra không vừa lòng các sơ.

Các sơ hỏi mãi nên nói luôn một lần cho nó xong : “Các Sơ ơi ! Các sơ ngắm hoa các sơ ngắm từ phía trước thì hoa đẹp thật nhưng con ngồi đối diện với các sơ thì trước mặt con thì bình hoa mà các sơ cắm là cục mút, mấy cọng tre và mấy cọng kẽm buộc hoa cho hoa đứng vững. Như thế thì con có thể khen hoa các sơ được không ạ ?”.

Nghe câu trả lời chắc các sơ hiểu ý. Thế là lần sau, Các sơ cắm hoa xung quanh phủ kín không thấy mút cũng như không thấy tre và kẽm nữa.

Hình ảnh bình hoa các sơ cắm cho ta thấy sự việc của cuộc đời. Cũng là giỏ hoa đó nhưng nếu nhìn từ phía trước thì thấy hoa đẹp còn nếu người ngồi đàng sau và nhìn thì sẽ thấy cục xốp và cọng tre thôi.

Lẵng hoa mà người ta đi viếng đám tang cũng như thế thôi. Nếu nhìn từ phía trước xem chừng ra rực rỡ nhưng nếu ta đi từ trong nhà đám ra thì nhìn phía sau cũng toàn mút và dây nhợ thôi.

Cuộc đời là vậy. Cũng một sự việc nhưng cách nhìn của mỗi người sẽ khác nhau từ mỗi góc cạnh, mỗi vị trí nhìn của mỗi người. Chính vì lẽ đó, để khen chê hay đánh giá một sự việc nào đó nên chăng ta phải hiểu rõ hay nhìn đúng góc cạnh của nó như khi ngắm hoa và khen hoa đẹp thì phải nhìn phía trước chứ không nhìn từ đàng sau.

Thực tế cuộc đời nó cũng như giỏ hoa và góc nhìn vậy. Người nhìn góc này, người nhìn góc kia để rồi không thể nào có nhận định đúng được. Và nếu như không cảm thông cho nhau sẽ dễ gây tranh cãi.

Có lẽ, càng về già, càng đứng tuổi thì kinh nghiệm sống của người ta sẽ dày dạn hơn để khi buông ra một lời nhận định thì cũng sẽ hết sức cẩn trọng. Ngược lại, những người muốn làm thầy thiên hạ và ta đây cái gì cũng hay cũng giỏi thì rất ư là thích phán. Có người cứ suốt ngày ngồi chờ chực ai làm gì đó là phán mà dường như không bao giờ suy nghĩ hay suy xét lời mình nói.

Có những bài viết, có những tâm trạng mà tác giả (là bản thân tôi) muốn diễn tả theo lối nhìn và suy nghĩ của bản thân nhưng rồi có người nhảy vào nhận định như biết rồi : Hình như ...

Đời ! Sao lại có chuyện hình như. Có những chuyện mình thấy tận mắt nhưng chưa chắc đúng nữa thì làm sao lại cứ phải hình như. Chính vì lẽ cứ hình như hay đặt lời vào miệng người khác để rồi sinh ra bao nhiêu vấn đề.

Thật sự mà nói, kinh nghiệm rõ nét cho cuộc đời. Có những sự việc, có những câu chuyện như ... à ! Mà không nói được vì tế nhị ! Mình thấy nó vậy nhưng khi nghe ra nó không phải là vậy. Chính vì thế trong mọi sự nên hết sức bình tĩnh cũng như thận trọng để nhận định vấn đề.

Cuộc sống mà, nên chăng dành thời gian để hiểu nhau và yêu thương nhau chứ đừng giành thời gian để gieo thêm hận thù ghen ghét. Thay vì dành thời gian để ghét thì nên chăng giành thời gian để yêu. Yêu cũng sống mà ghét cũng sống, tại sao mình không yêu người để mà sống và để cho đời sống của mình nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Điều gì mình muốn người khác làm cho mình thì mình hãy làm cho người khác như vậy ! Câu nói như kim chỉ nam trong cuộc đời làm người. Mình muốn người khác làm điều tốt thì trước tiên mình phải làm điều tốt cho người khác. Quy luật hoa quả là như thế thôi. Đơn giản mà. Cứ hãy gieo yêu thương thì sẽ gặt yêu thương.

Cuộc sống, bớt điều khiển người khác, bớt bắt người khác suy nghĩ theo lối suy nghĩ của mình, bớt đặt lời vào miệng của người khác đi. Khi sống như vậy lòng ta sẽ thanh thản và bình an.

Lm. Anmai, CSsR