Chúa nhật IV Phục Sinh – Năm B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (10,11-18)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên.

Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Mục Tử Nhân Lành

Trong nền văn minh đô thị ngày nay, hình ảnh mục tử ít được sử dụng, hoặc bị coi thường, hoặc bị ngộ nhận vì được hiểu như sự thống trị của một người đối với một nhóm người không biết gì, chỉ biết nghe theo sự lãnh đạo của người khác như một đàn cừu ngoan ngoãn.

Tuy nhiên, mục tử lại là hình ảnh rất thân thuộc trong đời sống và văn hóa Do Thái. Trong Kinh Thánh, từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã được diễn tả như người mục tử: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi” (Tv 22,1), mà đoàn chiên là dân Israel: “...còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 94,7). Hình ảnh người mục tử này nói lên sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa, Đấng quy tụ dân Ngài: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Và thuật ngữ này còn được sử dụng để nói về các vua, các tư tế và tất cả những người có trách nhiệm lãnh đạo đối với dân Chúa.

Chúng ta biết rằng, thời xưa việc có nhiều gia súc là biểu hiện của sự giàu có. Trong sách Sáng Thế, ông Abraham được giới thiệu là “rất giàu, ông có nhiều súc vật và vàng bạc” (St 13,2). Vì thế, nếu bầy chiên được coi là của cải, là biểu hiện của sự giàu có, thì chúng ta có thể dám nghĩ rằng, đối với Thiên Chúa, chúng ta chính là tất cả gia sản, là “của cải” của Người.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng sử dụng hình ảnh mục tử để diễn tả ý nghĩa sứ mạng và mối quan hệ của Người với con người.

Trước tiên, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là mục tử, vì Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người. Là mục tử nhân lành, Người “đi tìm con chiên bị mất, đưa về con chiên đi lạc, băng bó con chiên bị thương và con nào bệnh tật Người sẽ làm cho mạnh” (Ez 34,16), Người quy tụ những con chiên tản mác lại với nhau trong cùng một ràn chiên duy nhất, cho chúng được nghỉ ngơi. Người là mục tử duy nhất đã “hy sinh mạng sống mình” cho đoàn chiên (Chúa Giêsu lặp lại điều này đến bốn lần trong đoạn Tin Mừng ngắn này).

Trang Tin Mừng mà chúng ta đọc hôm nay được thánh Gioan viết vào cuối thế kỷ thứ nhất dành cho các cộng đoàn mà sự hiệp nhất đang bị đe dọa. Thánh sử muốn nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng, nguồn gốc của sự hiệp nhất Kitô giáo chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. Chúa Giêsu là mục tử đã yêu đến hy sinh mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đối với Thiên Chúa, tình yêu là điều kiện duy nhất để trở thành mục tử. Nếu không có tình yêu đối với đàn chiên, họ chỉ là người làm thuê. Khi gặp khó khăn nguy hiểm, họ sẽ bỏ chiên mà chạy. Mục tử là người không chỉ chăm sóc nhưng còn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đàn chiên của mình.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ ở Biển Hồ Tibêria. Khi đó Người hỏi Phêrô ba lần có yêu mến Người không, và ba lần ông đáp lại: “Thầy biết con yêu mến Thầy”, thì Người giao cho ông trách nhiệm của mục tử: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,15-17). Và chính qua hình ảnh người mục tử này mà người ta đặt tên cho các “mục tử của Giáo hội” là Đức giáo hoàng, giám mục, linh mục, cũng như các mục sư của Giáo hội Tin lành. Nhưng danh hiệu mục tử không chỉ dành cho những vị có chức thánh. Người ta còn dùng trong các “mục vụ giới trẻ”, “mục vụ gia đình”, “mục vụ ngoại kiều”... “hội đồng mục vụ”, v.v. Như vậy, tất cả dân Chúa đều được mời gọi tích cực tham gia vào hoạt động mục vụ của Chúa Kitô. Thật vậy, qua phép Thánh tẩy, mỗi người chúng ta đã trở nên “chi thể của Đức Kitô, Đấng là tư tế, tiên tri và vương đế”. Vì vậy, mỗi người đều được mời gọi trở thành “mục tử nhân lành”.

Ơn gọi linh mục và tu sĩ mà Giáo hội cầu nguyện cách đặc biệt ngày hôm nay dựa trên điểm cốt yếu này: tình yêu đối với Thiên Chúa. Có thể nói rằng, linh mục, tu sĩ, đó là những người đã khám phá ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và họ muốn đáp lại tình yêu ấy bằng cách đi theo Chúa Kitô là Đấng yêu thương họ. Càng tiến gần Người, họ càng được lôi cuốn trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho thế gian này. Như thế, nguồn gốc của mọi ơn gọi, đó là tình yêu, một tình yêu duy nhất dành cho Thiên Chúa và con người.

Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cách riêng cho ơn gọi linh mục, tu sĩ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho có nhiều bạn trẻ biết quảng đại đáp lại tình yêu của Chúa trong ơn gọi tu trì, và cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ được sống tròn đầy ơn gọi của mình. Tuy nhiên chúng ta cũng không quên rằng, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành “mục tử nhân lành” trong những trách nhiệm và vai trò mà chúng ta đang đảm nhận. Vì vậy chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau biết sống tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân trong đời sống hằng ngày, bằng chứng từ phục vụ và hiến thân, bằng việc quan tâm đến những người khác, bằng lời cầu nguyện cũng như các hoạt động cho sự hiệp thông và hiệp nhất.



Audio player

--->DOWNLOAD<---