LỄ CHÚA THĂNG THIÊN 2024:
TIN TƯỞNG TRAO PHÓ TRÁCH NHIỆM

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Có lần gặp gỡ, nói chuyện với một đôi vợ chồng lớn tuổi đang làm nghề kinh doanh. Tôi hỏi: Hai ông bà cũng đã lớn tuổi rồi mà vẫn chưa nghỉ ngơi dưỡng già sao? Chứ thấy công việc vất vả quá. Người chồng trả lời: Con cũng trăn trở lắm! vì giờ đã lớn tuổi, đã thấm mệt, nhưng không biết sẽ trao phó việc kinh doanh này cho ai. Vì trong các con, đứa thì không có khả năng, đứa thì không chí thú làm ăn, đứa thì muốn làm ngành nghề khác, không theo nghề của gia đình. Thế nên, vợ chồng con đáng lẽ đến tuổi phải nghỉ ngơi rồi, nhưng vẫn vất vả suốt ngày vì công việc, ngưng việc thì không được, mà tiếp tục thì vất vả có khi đến chết. Hoàn cảnh của đôi vợ chồng già này là như thế. Nhưng ngược lại, cũng có những người dám mạnh dạn buông bỏ, để cho con cái thay mình điều hành công việc, với suy nghĩ rằng: Con cái nó trẻ trung, hiện đại sẽ năng động hơn, còn cha mẹ đứng sau để cố vấn, hướng dẫn với những kinh nghiệm đã có.

Thưa quý OBACE, từ thực tế của một số gia đình nêu trên, chúng ta thấy rằng: Đức Giêsu đã quá liều lĩnh, đã quá tin tưởng ở các môn đệ của mình. Trước khi chia tay các ông để trở về trong vinh quang Thiên Chúa, Đức Giêsu đã trao phó tất cả sự nghiệp, trách nhiệm cho các tông đồ, mặc dù Chúa biết các ông không có khả năng. Sau nhiều năm miệt mài rao giảng, quy tụ, vất vả xây dựng và vừa mới khai trương Giáo Hội, là sự nghiệp, là gia sản của Ngài, nay Chúa trao lại tất cả cho các môn đệ và còn trao cho các ông sứ mạng tiếp tục phát triển Giáo Hội qua việc: Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.

Các bài đọc hôm nay kể lại sự kiện Chúa Giêsu được đưa lên Trời. Đây là cách diễn đạt để nói về việc Đức Giêsu, sau khi hoàn tất sứ mạng tại trần gian qua cái chết và sự sống lại, nay Chúa trở về trong vinh quang của một Vị Thiên Chúa. Chúa lên Trời không phải Người trở về một hành tinh nào đó, cũng không phải là một thế giới nào khác, nhưng là Người thay đổi cách hiện diện. Trước đây, Chúa hiện diện với các tông đồ bằng xương bằng thịt của con người giới hạn, nay Người hiện diện cách vô hình nhưng vẫn rất gần gũi và rất cụ thể. Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa, nhưng để cứu chuộc nhân loại, Chúa đã chấp nhận mang thân xác của nhân loại, chịu mọi sự giới hạn, đau khổ, vui buồn như tất cả mọi người. Vinh quang Thiên Chúa đã bị che khuất bởi thân xác, thì nay, với cái chết và sự sống lại, thân xác của Chúa đã được biến đổi và được mang vinh quang của Thiên Chúa. Chúa về Trời là Người trở lại với địa vị Thiên Chúa, Người mang theo cả con người bằng xương bằng thịt của Người vào Nước Trời.

Tin Mừng Marcô khi thuật lại sự kiện này đã cho thấy, trước khi chia tay với các môn đệ, Chúa Giêsu đã có cuộc gặp gỡ rất thân tình với các ông. Trong cuộc gặp này, Chúa đã không hề trách các học trò về quá khứ nhát đảm, sợ hãi hay phản bội, nhưng Chúa hết sức tin tưởng và trao cho các ông tiếp nối sứ mạng của Chúa: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Sách Công Vụ còn cho thấy, trước khi được đưa về Trời, Chúa Giêsu còn căn dặn các tông đồ chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa Thánh Thần và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần: Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.

Sách Công vụ và Tin Mừng Marcô khi kể lại mệnh lệnh này đều cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của Chúa Giêsu nơi các tông đồ; và sứ mạng loan báo Tin Mừng trở thành sứ mạng thiêng liêng, chính yếu của Giáo Hội. Sứ mạng này được Chúa Giêsu ủy thác vào thời điểm hết sức quan trọng, đó là lúc Chúa kết thúc sứ vụ và mở ra một giai đoạn mới cho Giáo Hội và các tông đồ. Mệnh lệnh của Chúa truyền lại cho các tông đồ, mang tính thúc bách, không thể chậm trễ và không giới hạn. Vì thế, thánh Marcô ghi lại: Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. Các tông đồ ra đi trong niềm tin rằng: Chúa vẫn đang hiện diện và cùng đồng hành với các ông để bảo vệ và xác nhận lời rao giảng của các ông bằng các dấu lạ. Tin Mừng và sách Công Vụ cũng cho thấy: Chúa được nhấc lên ngay trước mặt các tông đồ, có đám mây che phủ Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa, nhưng Chúa vẫn ở lại, vẫn hiện diện với các ông. Chúa được nâng lên nghĩa là được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Chúa về Trời, Người không biến mất khỏi trần gian, nhưng các ông tin rằng, Người vẫn ở gần, ở bên các ông và Chúa sẽ trở lại để hoàn tất mọi chương trình cứu chuộc của Người.

Tác giả sách Công Vụ không ngần ngại cho thấy, các môn đệ của Chúa cho đến lúc này, vẫn chưa hiểu hết. Các ông vẫn còn sân si, tính toán theo kiểu thế gian. Các ông vẫn hy vọng và nghĩ rằng, Thầy của các ông tái lập lại vương quốc Israel. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho các ông thấy, sứ mạng của Người không nhằm tái lập Israel hay một quốc gia chính trị trần thế, nhưng Người khai mở và xây dựng Vương Quốc Nước Trời. Chỉ sau khi được đón nhận Chúa Thánh Thần, được Chúa Thánh Thần soi sáng, các tông đồ mới hiểu điều Chúa muốn và sứ mạng Chúa trao. Cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ không còn rụt rè sợ hãi, không còn phân bì ganh tỵ nhưng tất cả đều hăng hái nhiệt thành lên đường.

Sách Công vụ Tông đồ cũng là cuốn sách ghi chép lại các hoạt động truyền giáo của các tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần. Các ông toả đi mỗi người một nơi và manh dạn làm chứng rằng: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, Người đã bị giết chết nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại và đặt Người làm Đấng Kitô thống trị trên trời dưới đất. Cụ thể đoạn sách hôm nay cho thấy, Phaolô tuy bị cầm tù, bị bắt bớ bách hại nhưng ông vẫn không ngừng kêu gọi các tín hữu sống xứng đáng với ơn gọi làm Kitô hữu, ăn ở hiền từ, nhẫn nại, khiêm nhường và sống tình bác ái với nhau. Đồng thời, thánh Phaolô cũng mạnh dạn tuyên xưng và rao giảng về Chúa Giêsu – Đấng đã hạ mình xuống và đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh trên mọi vật, mọi loài và mọi tầng trời.

Thưa quý OBACE, mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời hôm nay, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta trong khi còn sống, còn làm việc trên trần gian này, thì đừng quên hướng lòng trí về Trời. Vì Quê Trời mới là quê hương đích thật, vĩnh cửu của chúng ta. Cho dù ở trần gian, chúng ta giàu có hay nghèo túng, vui hay buồn thì cũng có ngày chúng ta phải bỏ thế gian này để trở về. Chỉ có điều, hành trình về Quê Trời đòi chúng ta phải chuẩn bị hành trang ngay từ hôm nay, dám buông bỏ những gì không cần thiết để mang theo mình hành trang là những việc lành việc tốt, việc bác ái. Chúng ta cũng cần phải tập sống yêu thương chan hoà ngay từ trần gian này, tha thứ, cảm thông, yêu thương đón nhận nhau. Vì ở trần gian, ta không thể sống yêu thương đón nhận nhau thì chắc chắn ta cũng không thể sống cùng nhau trên Nước Trời được.

Mừng lễ Chúa Lên Trời hôm nay, mỗi chúng ta hãy gỡ bỏ lớp màn đang che phủ khiến ta không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa. Có nhiều khi ta thành công, ta sống trong bức màn kiêu ngạo, có khi ta thất bại ta rơi vào bóng tối thất vọng mà quên rằng Chúa vẫn đang hiện diện, đang đồng hành, đang ở bên, để nâng đỡ chia sẻ với ta. Chúa đang ở bên ta qua những người bạn, người thân, Chúa ở bên ta qua Giáo Hội, qua Lời của Chúa, nhất là qua Thánh lễ mỗi ngày. Khi chúng ta siêng năng đến với Chúa, đón rước Thánh Thể Chúa, Chúa sẽ cất khỏi mắt ta những đám mây mờ, giúp ta nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Sau cùng, lễ Chúa Lên Trời hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ và thi hành mệnh lệnh Chúa trao: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy. Nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Kitô và được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng cõi đất. Chúng ta sẽ phải thi hành sứ mạng này trong từng ngày của cuộc sống. Bất cứ nơi đâu chúng ta sống và hiện diện, nơi đó mọi người sẽ được thấy Chúa hiện diện nơi chúng ta qua đời sống, qua lời nói, qua việc làm. Chúng ta sẽ thi hành sứ vụ này dưới sự thúc đẩy và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Vì thế, ta cần có những lúc thinh lặng trong cầu nguyện, gặp gỡ với Chúa, ta sẽ được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để biết việc phải làm và thêm sức, ban ơn để ta làm tốt công việc Chúa trao.

Xin Chúa Thánh Thần thôi thúc tất cả chúng ta và biến chúng ta trở thành sứ giả nhiệt thành của Chúa, thành chứng nhân đáng tin cậy của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen