PHẢI THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Thứ Năm tuần 12 Thường niên năm II

1. Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực… không phải cần một niềm tin trên lý thuyết, trên môi miệng… nhưng điều cần thiết nhất là phải thi hành ý của Thiên Chúa, sống theo lời Chúa Giê-su dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống của chúng ta lại không theo giáo huấn của Người. Mỗi tín hữu cần xác tín rằng chỉ có Chúa Giê-su là ánh sáng Lời Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Chúa Giê-su, không ai có thể cho chúng ta sự sống đích thực.

2. Bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành Lời Chúa thì có nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.

3. Chúa Giê-su đưa ra hình ảnh người xây nhà. Nếu người xây nhà mà khôn ngoan, kinh nghiệm thì sẽ xây nhà mình trên đá, còn nếu thiếu khôn ngoan và hiểu biết thì sẽ xây nhà trên những thứ tạm bợ. Tiếp theo, Ngài đưa ra hình ảnh của những trận mưa lớn và nước dâng. Hậu quả là những ai xây nhà trên nền đá sẽ vững vàng, còn ai xây trên cát sẽ sụp đổ tan tành.

Hình ảnh của người xây nhà trên đá chính là hình ảnh của những người trung thành với giáo huấn của Chúa và tuân theo. Họ gắn bó ngôi nhà cuộc đời của họ trên nền tảng Lời Chúa, gắn bó trong Chúa, nên không có gì và không ai có thể phá đổ được họ.

Còn hình ảnh những người xây nhà trên cát, chính là những người làm việc đạo đức, chiếu lệ, chứ không dựa trên nền tảng Lời Chúa, vì thế, họ là những người thất bại tan tành. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận cũng nói về những hạng người giả hình này như sau: ”Đường Hy vọng dài thăm thẳm, Con đừng làm “Thánh lâm thời”: Phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỷ” (Đường Hy vọng, 44).

4. Căn nhà bền vững, chắc chắn trước thời tiết khắc nghiệt qua năm tháng là nhờ được xây trên một nền móng vững chắc. Thời Chúa Giê-su, cái nền móng ấy thường được xây bằng đá tảng. Chúa Giê-su dùng hình ảnh đời thường quen thuộc ấy để áp dụng trong đời sống đức tin. Với Ngài, nền móng đá tảng cho cuộc đời cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội là nghe và thực hành Lời Chúa: thi hành ý muốn của Chúa Cha, qua lời giảng dạy của Chúa Con. Thiếu việc thực hành Lời Chúa, chúng ta đang xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên cát, không nền móng: ngôi nhà ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ trước khó khăn, thử thách. Các gia đình ngày nay có nhìn nhận và giải quyết mọi vấn đề của mình dưới ánh sáng Lời Chúa, mới có thể bền vững trước những khó khăn, thách đố (5 phút Lời Chúa).

5. Người Ki-tô hữu phải sống theo căn tính của mình là “Sống đạo”. Sống đạo rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt Công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là Thánh Lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức.

Điều mà chúng thường gặp phải đó là “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm, hoặc làm nửa vời cho qua lần chiếu lệ. Nói lời Chúa thì hay mà sống thì chẳng ra gì. Điều này được Chúa ví như xây nhà trên cát, nghĩa là không có móng, là mất gốc, mất căn bản của niềm tin, vì không bám sâu vào Lời Chúa, gặp khi thử thách xẩy đến sẽ buông xuôi ngã lòng…

6. “Lạy Chúa, lạy Chúa”, đó là công thức cầu nguyện, đọc kinh. Chúa khẳng định rằng ngay cả việc đọc kinh cầu nguyện cũng chưa đủ để đưa tôi vào Nước Trời; có một việc quan trọng hơn, thậm chí quan trọng nhất, đó là thực hành ý Chúa Cha. Muốn được thế cần phải nghe Lời Chúa và vâng theo những lời Chúa chỉ dạy.

7. Truyện: Phải biết vâng lời.

Cách đây ít lâu, có một thủy thủ thuộc hải quân hoàng gia Anh, bị nghiêm phạt vì vi phạm kỷ luật. Hình phạt nặng đến độ dư luận dân chúng cho rằng quá khắt khe. Nhưng một người từng phục vụ nhiều năm trong ngành hải quân đã trả lời rằng: Theo quan điểm ông ta, đó không phải là hình phạt quá nặng, ông cho rằng kỷ luật là biện pháp tối cần thiết, vì mục đích của kỷ luật là khiến con người tự động vâng lệnh khống thắc mắc, và sự sống tùy thuộc vào sự vâng lệnh này.

Ông kể lại một kinh nghiệm khi cẩu chiếc tầu rất nặng đang bị biển động. Chiếc tầu hư được cặp vào tầu ông bằng một sợi cáp. Thình lình giữa cơn gió bão có lệnh của thuyền trưởng: ”Xuống”! Tức khắc đoàn thủy thủ phóng xuống hầm tầu. Ngay lúc đó, sợi dây cáp cột tầu bị đứt, quất xuống như một con rắn thép điên cuồng, trúng người nào thì người đó chết ngay tại chỗ, nhưng thủy thủ đoàn đã vâng lệnh nên tất cả thoát hiểm. Nếu có ai dừng lại để tranh luận hay hỏi lý do, chắc người ấy đã chết. Quả thật, vâng lời đã cứu mạng.

Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm