|
COI CHỪNG BIẾN CHẤT !
Cuộc đời này, cái gì bền, cái gì tốt, cái không phai màu ... chung chung là bền thì người ta thích. Bởi đơn giản đa phần phai tàn theo năm tháng, biến dạng theo thời gian và mất chất vào một ngày nào đó.
Chuyện mà người Kitô hữu nào dường như cũng đã hơn một lần nghe đó là câu chuyện về muối.
Ai ai cũng biết công dụng của muối để rồi Chúa nhắc nhở các môn đệ của Chúa rằng muối mà nhạt đi thì chỉ để cho người ta đạp lên mà thôi.
Muối là điều “cần thiết cho cuộc sống con người” (Hc 39,26). Muối bảo quản đồ ăn cho khỏi hư và làm cho thức ăn có vị đậm đà. Nhưng muối cũng được dùng để “bỏ vào mọi lễ phẩm dâng tiến” (Lv 2,13). Chính Đức Giêsu cũng ca ngợi: “Muối thì tốt… Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em…” (Mc 9,50). Thánh Phaolô cũng khuyên lời nói của người tín hữu nên dễ thương và mặn mà vì “được nêm bằng muối” (Côlôsê 4,6). Nói chung, muối thường được nhìn dưới cái nhìn tích cực. Nhưng muối lại không đứng một mình. Muối đi với một vật, thấm nhập, và biến đổi nó tự bên trong. Cá không ăn muối cá ươn. Đức Giêsu không chỉ nói chúng ta là muối, Ngài nói chúng ta là muối cho trái đất này, nơi loài người đang ở. Những gì muối làm cho đồ ăn, chúng ta cũng phải làm cho nhân loại.
Trái đất hôm nay với 8 tỷ con người, vẫn cần đến muối của các Kitô hữu để cuộc sống có ý vị hơn. Ai cũng muốn ra khỏi cái nhạt nhẽo vô vị hàng ngày: Bữa ăn nhạt, câu chuyện nhạt, cuộc tình trở nên phai nhạt… Ai cũng muốn thấy mỗi ngày của đời mình đậm đà ý nghĩa. Rất tiếc, vì lý do nào đó mà muối trở nên nhạt. Muối nhạt thì không còn là muối nữa, và chẳng muối được ai. Con người hôm nay chờ các kitô hữu là muối còn vị mặn. Nếu cuộc sống trên trái đất còn nhạt, thì các kitô hữu phải xét lại phẩm chất muối của mình.
Chúa dùng muối để nói lên chất của người môn đệ. Rồi hôm nay, chúng ta cũng nghe được Chúa nói đến cái “chất” của người môn đệ đó là ngang qua cái “bài sai” khó : Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
Công nhận Chúa “vô duyên” thật ! Khi sai môn đệ của mình đi thì ít nhất cũng cho vài đồng bạc lận lưng hay chút gì đó để đảm bảo cho đời sống để khi đó mới an tâm loan báo Tin Mừng chứ. Đàng này không thể tưởng : Không được mang gì đi đường !
Lời Chúa xem chừng như là một cái tát thẳng vào mặt của tôi ngang qua cái chỉ thị của Chúa đó. Tôi tự nhủ : “Tôi là ai sao mà còn trần gian thế !”.
Thật thế ! Tôi trần gian thật. Ngày bước vào Tập Viện có 2 giỏ xách. Ngày lên Học Viện cũng với 2 giỏ xách. Thế nhưng rồi vịn đủ thứ cớ trong thời gian Học Viện đó không phải có 2 túi xách mà nhiều lần 2 túi xách.
Đến ngày ra trường, phải để lại cho người khác dùng vì khi đó mình ra môi trường làm việc.
Còn nhớ ngày đầu đi cũng gọn nhẹ lắm ! Rồi cứ ngày này qua ngày kia tích lũy hồi nào không biết. Căn phòng ở cứ chật dần chật dần. Cái lòng tham nó cứ càng bốc lên dẫu rằng lòng mình cũng biết ngang qua lời dạy của Chúa chứ.
Lần gần nhất khi chuyển chỗ cùng nhiều lắm cơ ! Hiện tại cũng bớt bớt rồi nhưng xem chừng cũng chưa thỏa mãn với lời mời gọi của Chúa. Dẫu rằng vẫn tin rằng Chúa lo liệu đó nhưng lòng tham nó vẫn cứ tham.
Tiền bạc xem chừng ra là mối nguy hiểm cũng như là vũ khí phá nát đời con người, đặc biệt là đời tu. Nếu không cẩn trọng, đời tu sẽ bị vật chất nghiền nát lúc nào không biết.
Không khéo thì cái chất của người tu sẽ bị biến và bị nhạt. Có khi biến cái chính thành cái phụ và biến cái phụ thành cái chính. Ví dụ đơn giản như áo Lễ hay chén Lễ. Tất cả chỉ cần đơn giản nhưng không khéo sẽ chạy theo những cái chén Lễ đắt tiền và những cái áo Lễ đắt tiền cộng với diêm dúa như thầy tụng. Nếu không cẩn trọng thì cái áo Lễ biến thành thời trang để đi diễn hơn là dùng để đúng với nghi thức phụng vụ.
Xe cộ, điện thoại, vật chất ... gọi là dùng để phục vụ nhu cầu của người loan báo Tin Mừng nhưng không khéo người loan báo Tin Mừng lại lệ thuộc vào những cái đó. Khi đã chạy theo những cái đó thì chả khác gì người đời và người tu sẽ biến chất.
Hẳn mọi người còn nhớ chàng thanh niên trong Tin Mừng khi chàng đến hỏi Chúa Giêsu về sự sống đời đời.
Tiền của đã làm cho chàng thanh niên phải bỏ cuộc, không còn đủ sức đi theo Chúa. Chàng đành phải sống một nếp sống bình thường. Bởi sức ràng buộc của nó, tiền của là một trở ngại lớn để vào Nước Trời. Vì thế Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải từ bỏ. Sự từ bỏ này mang nhiều hình thức và mức độ khác nhau tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Nhưng trong mọi trường hợp, điều không thể thiếu vắng đó là lòng siêu thoát. Vậy thì chúng ta phải sống tinh thần siêu thoát ấy như thế nào?
Trong một thế giới mà sức mạnh của đồng tiền được khẳng định và sự thịnh vượng vật chất đang nổi lên hàng đầu. Đất nước nào cũng mơ ước sẽ trở thành những con rồng kinh tế. Liệu chúng ta có phải quay lưng lại với sự giàu sang để ca tụng tinh thần nghèo khó hay không? Thực ra chẳng có ai chống lại sự thịnh vượng giàu có và cũng chẳng có ai tìm kiếm sự nghèo khổ. Kitô giáo lại càng không làm như vậy. Chính Thiên Chúa đã truyền cho con người phải tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, nghĩa là phải làm chủ và khai thác tối đa tài nguyên của thế giới này để nâng cao mức sống. Kitô giáo không phải là kẻ thù của sự phát triển và là đồng minh với sự nghèo đói. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền của cũng phục vụ con người.
Thật tình, mỗi khi nghe lời Chúa nhắc nhở, bản thân tôi xấu hổ lắm cơ. Miệng thì nói tín thác, miệng thì nói Chúa lo nhưng sao cứ phải lo lo làm sao đó.
Thực tế cũng dạy cho bản thân tôi nhiều mỗi khi về nhà Mẹ, cách riêng ở khu nhà hưu dưỡng. Ở cái nhà hưu dưỡng ấy xem chừng ra ai cũng như ai, phòng ốc bây giờ đã có lối đi chứ không còn không có lối đi như khi còn trai trẻ.
Đơn cử là Cha Tập Sư của anh em chúng tôi. Phòng Ngài cũng khá gọi là tươm tất. Đệ tử ruột như tôi mới được vào phòng của Ngài. Đến giờ, tất cả cũng phải buông bỏ với cái giường bệnh cùng với cái bình oxy phòng khi yếu hơi thở.
Rồi cha già ở cạnh. Nghe nói trước đây “cầm quyền trị nước”. Có lúc có cả ô tô nữa cơ ! Nhưng đến giờ thì phòng không nhà trống. Cũng còn sở hữu 4 bánh nhưng là 2 bánh lớn 2 bánh nhỏ.
Ý thức được những điều đó và nhất là với bài bài sai của Chúa làm cho bản thân tôi phải chạnh lòng, phải cân chỉnh cuộc sống của mình.
Thật sự bài sai của Chúa khó mà thực hiện bởi lẽ cái vật chất, cái đồng tiền luôn là mãnh lực thu hút con người kể cả người tu. Để sống đúng với bài sai mà Chúa đã chỉ thị e rằng không hề đơn giản.
Cứ trăn trở với bài sai này và lòng nhủ lòng ngày mỗi ngày ráng bớt đi chút gì đó để cho nó nhẹ lòng và nếu như có chết thì người dọn phòng bớt khổ.
Lm. Anmai, CSsR
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|