|
NHỮNG TIẾP CẬN CỦA ĐỨC TIN
Trên đường đến nhà ông Gia-ia, trưởng hội đồng, có một người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm trà trộn giữa đám đông. Bà đã bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tập mang. Nghe tin đồn có Đức Giêsu đi qua, bà tin vào quyền năng của Đấng ấy có thể chữa lành cho bà. Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Thế là bà lách qua đám đông, tiến lại phía sau và sờ vào áo Ngài. Đó là một hình thức tiếp cận gián tiếp với Đấng bà tin; nhưng khi bà đụng đến áo của Chúa Giêsu, Ngài đã thấy có một năng lực từ mình phát ra. Đó là sự tương giao giữa người yêu thương và người đáng được yêu thương. Quả đúng như lòng bà mong ước. Bà đã được lành bệnh ngay tức khắc. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu quay lại giữa đám đông và hỏi: “ Ai đã sờ vào áo tôi?”. Đám đông đang chen lấn chung quanh Ngài như thế thì làm sao biết ai sờ vào áo! Thế mà Chúa Giêsu biết. Người phụ nữ sợ phát run lên, vì bà biết những gì sẽ xảy ra cho bà với con mắt người đời. Bà đến phủ phục trước mặt Chúa và nói hết sự thật với Ngài. Sự tương giao của tình thương đã được Chúa công khai cho mọi người biết, không phải để làm nhục, bôi xấu người phụ nữ bị xã hội ruồng bỏ, nhưng để khen lòng tin của bà và công khai đưa bà vào cuộc sống mới với mọi người.: “ Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Chúa Giêsu không những đã chữa lành bệnh về thân xác mà còn chữa lành bệnh về tinh thần cho bà: “ Con hãy về bình an”.
Rồi đến trường hợp ông Gia-ia: ông có người con thập tử nhất sinh. Ông đã chạy đến với Chúa Giêsu. Ông không còn thấy sự cách biệt giữa Chúa và ông qua địa vị xã hội. Ông tin vào quyền năng của Đấng mà ông đến để van xin. Thấy Chúa Giêsu, ông đã sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin: “ Con bé nhà tôi gần chết. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Đó là một hình thức cầu nguyện trức tiếp với Đấng ông tin là có đủ quyền năng để chữa lành cho con ông. Ông xin Chúa đến để tiếp cận với con ông bằng cách đặt tay lên cháu. Ông không xin cho chính ông , nhưng xin cho con của ông, vì ông thương con, ông đã hạ mình xuống bất kể địa vị xã hội; rồi khi nghe người nhà báo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy làm chi nữa?” Ông vẫn không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng vào quyền năng của Đấng mà ông cầu xin. Và khi nghe người nhà báo tin, Chúa Giêsu đã động viên ông: “ Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Lòng tin của ông trở nên vững vàng hơn. Đến bên đứa trẻ đã chết, Chúa Giêsu cầm lấy tay nó và nói: “ Talitha kum, Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!” và con ông đã chết và đã sống lại. Ở đây, lại một lần nữa, Chúa đã đụng chạm đến đứa bé như một sự tương giao có sức truyền sự sống cho đứa bé đã chết.
Người phụ nữ bị băng huyết thì tin trong lòng. Ông trưởng hội đường lại tin bằng hành động. Thiên Chúa can thiệp không phải chỉ khi chúng ta cầu xin, mà Ngài còn nhận biết nỗi khổ của con người để can thiệp. Sống tin yêu và phó thác để Thiên Chúa hành động.
Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật về thân xác và tâm linh, một phương thuốc tuyệt vời và hiệu nghiệm mà Chúa Giêsu thường dùng để chữa lành, đó là đức tin. Đức tin có một sức mạnh làm cho Chúa không thể từ chối ai bất cứ điều gì. Hai phép lạ mà chúng ta vừa đề cập tới chứng minh điều đó. Nhưng tin là gì?
Sách Giáo Lý Công giáo định nghĩa “tin là gắn bó bản thân con người cả trí khôn và ý chí với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải qua các việc làm và lời nói của Người.”( GLCG số 176). Như thế, tin quy chiếu vào hai điểm: vào Đấng mặc khải và vào chân lý mặc khải. Thánh Phaolô đã cho thấy tác dụng của đức tin như sau:“ Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.”( Dt 11: 1)
Đức tin là điều cần thiết để được cứu độ như điều kiện cần thiết để Chúa chữa lành các tật bệnh. Đức tin tạo cho chúng ta sức mạnh như lời Chúa nói với ông Gia-ia: “ Đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa buộc Ngài không thể từ chối chúng ta bất cứ điều gì miễn là chúng không làm hại đến hạnh phúc của con người.
Cầu nguyện là một trong những hình thức tiếp cận của đức tin. Không tin thì chẳng ai cầu nguyện. Cầu nguyện là tỏ thái độ khiêm tốn, yếu đuối, bất lực của con người. Có nhận ra mình yếu đuối bất lực thì mới tin tưởng phó thác vào Đấng Sáng Tạo vũ trụ và là Đấng Toàn năng, vì “ Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” ( Lc 1:37)
Cầu nguyện là cơ hội để tiếp cận Đấng chúng ta tin để rồi từ đó Thiên Chúa lại tiếp cận với chúng ta qua mối tương giao tình thương giữa Thiên Chúa và con người. Chúa đụng đến chúng ta và chúng ta đụng đến Chúa khi chúng ta tiếp xúc Lời Chúa, là khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa vào lòng, là khi chúng ta xoa dịu nỗi khổ cho những người anh em.
Một lần kia, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm với Giáo Hội. Mẹ nói với ông: “ Tôi nghĩ ông nên có đức tin.” Người phóng viên hỏi: “ Tôi phải làm gì để có đức tin?” Mẹ đáp: “ Ông hãy cầu nguyện.” Ông chống chế: “ Tôi không biết và tôi không thể cầu nguyện.” Mẹ Têrêxa dịu dàng nói: “ Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta.”
Khi chúng ta chưa đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy, thì chúng ta vẫn còn sống trong tình trạng bán tín bán nghi như thánh Giacôbê đã viết: “ Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hài lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm.”( Gc 1: 5-8)
Là người Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta cũng phải tiếp cận với Thiên Chúa như người phụ nữ sờ vào áo bằng cầu nguyện để được Ngài quan tâm nâng đỡ, để cũng được Ngài cầm lấy tay như Ngài đã cầm lấy tay em bé để truyền ban sự sống. Nhưng chúng ta tiếp cận với Ngài bằng cách nào? Hãy tiếp cận với Ngài bằng đọc, suy gẫm, sống Tin Mừng Ngài đã trao ban, tiếp nhận Ngài qua bí tích Thánh Thể, và tiếp cận với Ngài qua những người anh em đang đau khổ. Đức tin phải được thể hiện qua hành động.
Hoang Trung
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|