|
Chúa nhật I Mùa Vọng – Năm C
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (21,25-28.34-36)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Ý nghĩa Mùa Vọng
Hôm nay chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Mục đích của năm phụng vụ là trình bày trong một năm tất cả các mầu nhiệm về Chúa Kitô, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, Phục Sinh đến Thăng Thiên, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và cho tới cuộc tái lâm vinh hiển của Chúa Kitô.
Năm phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, thường được hiểu là thời gian giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người tại Bêlem, và sống giữa con người cách đây hơn 2000 năm. Vậy tại sao Tin Mừng ngày Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng lại nói về ngày Chúa quang lâm ?
Từ “Mùa Vọng” dịch từ gốc la-tinh “adventus”, có nghĩa là “đến, hiển trị, quang lâm”. Ở đây nói đến sự hiển trị, sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quang vào ngày tận thế. Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta thêm một ý nghĩa khác của sự chờ đợi trong Mùa Vọng, đó là chờ đợi Chúa đến trong vinh quang.
Thực vậy, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần để chuẩn bị mừng cả hai cuộc chờ đợi: chờ đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và chờ đợi Chúa Giáng Sinh, mặc dù biến cố này đã diễn ra hơn 2000 năm trước. Thực ra, mừng biến cố ra đời của Chúa Kitô là hiện tại hóa biến cố này. Vì vậy, đối với chúng ta, chờ đợi sự ra đời của Con Thiên Chúa là một sự chờ đợi thực sự và tích cực, và nó đòi chúng ta phải có một thái độ sống cụ thể để nói lên sự chờ đợi của mình.
Ngôn ngữ và những hình ảnh trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng hôm nay nghe có vẻ khủng khiếp đối với người tín hữu thời nay. Thực ra, tác giả Tin Mừng sử dụng thể văn khải huyền để loan báo sự can thiệp và sự chiến thắng của Chúa trên các quyền lực ác thần. Chúng ta biết rằng, ngoại trừ nước Do Thái, thì các dân tộc phương Đông thời cổ đại đều tin vào các tinh tú như những thần linh cai quản vũ trụ. Vì vậy, khi bài Tin Mừng nói đến hiện tượng mặt trời và mặt trăng trở nên tối tăm, các ngôi sao sa xuống, đó là xác nhận sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các tà thần.
Trong phần thứ hai của Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về thái độ cần có của người đang mong chờ Chúa đến, đó là: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Tỉnh thức không chỉ là sự tỉnh táo, không ngủ mê về phương diện thể lý, nhưng nó nói lên thái độ sẵn sàng từ bỏ, không “ngủ mê” trong danh vọng, quyền bính, lạc thú hay tiền bạc. Tỉnh thức để đọc được những dấu chỉ cuộc sống và nhận ra lời mời gọi của Chúa ngang qua các biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời mình. Và vì thế, tỉnh thức không vẫn chưa đủ, nhưng còn phải cầu nguyện. Tỉnh thức và cầu nguyện để luôn kết hiệp với Chúa, sống tương quan tình yêu với Chúa và làm theo ý Người trong khi mong đợi Người quang lâm để cứu chuộc chúng ta.
Trong bài đọc I, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một phương cách đặc biệt để giúp tâm hồn chúng ta luôn tỉnh thức khi chờ đợi, đó là tiến bước trong tình yêu với tha nhân. Thái độ chờ đợi không phải với tâm trạng tiêu cực, thụ động như kiểu “ăn không ngồi rồi”, nhưng cần tích cực chu toàn bổn phận của mình trong đời sống hằng ngày và hướng đến anh chị em mình trong những việc bác ái cụ thể. Chúng ta mong chờ Chúa đến, nhưng chúng ta biết rằng Chúa đã đến rồi, và Người vẫn đang đến gặp gỡ mỗi người ngang qua những anh chị em đang cần đến tình yêu thương và sự giúp đỡ của chúng ta.
Tóm lại, Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống ba chiều kích:
1/ Chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng Sinh, cử hành biến cố Con Chúa Nhập Thể.
2/ Cố gắng nhận ra các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay, vì Chúa Kitô Phục Sinh luôn hiện diện giữa chúng ta.
3/ Hướng về niềm trông đợi Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai khi đến thời viên mãn.
Như thế, Tin Mừng của bốn Chúa nhật Mùa Vọng được đánh dấu bằng ba chiều kích: quá khứ vì Chúa Kitô đã đến; hiện tại vì Chúa Kitô vẫn đang đến với chúng ta mỗi ngày; và tương lai vì Người sẽ đến vào ngày sau hết.
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy “giữ mình”. Giữ mình để đừng bị cuốn theo những “chè chén say sưa và lo lắng việc đời”, để thấy điều gì đang đè nặng tâm hồn hoặc làm mình xa cách Chúa. Sống trong một xã hội tiêu thụ, vốn quen với việc chỉ tìm kiếm hạnh phúc nơi những của cải, lạc thú trần gian chóng qua, có lẽ mỗi người cần tự hỏi mình phải làm gì để có thể đứng vững trong niềm mong đợi biến cố Chúa Kitô đang đến và sẽ đến?
Cầu chúc cho mỗi người chúng ta bước vào Mùa Vọng trong tâm thế của những người lính canh, luôn tỉnh thức và chờ đợi, để trong ngày Chúa đến, chúng ta có thể “đứng dậy và ngẩng đầu” ra đón Người trong niềm vui của người được Chúa cứu chuộc.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|