Chúa nhật II Mùa Vọng – Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (3,1-6)
Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa

Thánh sử Luca giới thiệu sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả với lời mào đầu long trọng, và đặt biến cố này vào trong lịch sử thế giới cũng như lịch sử dân Chúa khi nêu tên các nhân vật lãnh đạo chính trị và tôn giáo thời đó: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê.”

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các chi tiết lịch sử được nhắc tới trong đoạn Tin Mừng:

1/ Cách tính niên lịch vào thời Chúa Giêsu không giống với cách tính của chúng ta hiện nay. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô” tương ứng với năm 27 hoặc 28 sau công nguyên.

2/ Vua Hêrôđê được nêu ở đây là vua Hêrôđê Antipa, con của vua Hêrôđê Cả, người đã tìm cách giết Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2).

3/ Khi liệt kê những nhân vật lãnh đạo chính trị và tôn giáo, vừa ở đất Do Thái (Giuđê và Galilê), vừa ở vùng dân ngoại (I-tu-rê, Tra-kho-nít và A-bi-lên), thánh sử Luca không những xác quyết Chúa Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử, mà còn khẳng định rằng Người là Ðấng Cứu Ðộ không chỉ riêng cho dân Do Thái mà còn cho mọi dân tộc.

Khi nói “có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan”, thánh Luca muốn nói với mọi người rằng ông Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ đích thật, người được Chúa tuyển chọn, và đã làm tròn sứ mạng của một ngôn sứ: “Ông rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” Điều làm chúng ta chú ý, đó là khi rao giảng, ông Gioan đã trích dẫn lời của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Is 40,3-5)

Chúng ta biết rằng lời tiên báo trên của Isaia dành cho những người đồng hương cùng thời với ông ở thế kỷ thứ VI trước công nguyên, nghĩa là dành cho những người đang sống trong thảm cảnh bị lưu đày ở Babylon. Isaia loan báo rằng họ sẽ được trở về quê cha đất tổ trong niềm hân hoan như lời ngôn sứ Barúc mà chúng ta nghe trong bài đọc I, vì chính Chúa sẽ viếng thăm và dẫn đường cho họ.Vì thế, họ phải dọn đường, sửa lối cho Người đến.

Khi để Gioan Tẩy Giả nhắc lại lời tiên tri Isaia với lời kết “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, thánh Luca muốn khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ: giờ đây, không chỉ dân lưu đày ở Babylon, mà mọi loài thụ tạo sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, với điều kiện là phải dọn tâm hồn để đón tiếp Người.

Ðó cũng là thông điệp được gởi đến mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng này. Ðây là thời gian thuận tiện nhắc nhở chúng ta luôn sống thái độ tỉnh thức, đợi chờ để đón tiếp Chúa. Không phải là thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu lười biếng “há miệng chờ sung”, nhưng một cách tích cực. Chúng ta được mời gọi hành động, mời gọi ra đi và mời gọi lên đường. Trước hết để uốn nắn lại đời sống của chính mình, can đảm nhìn nhận những khiếm khuyết, thiếu sót, loại bỏ những ích kỷ hẹp hòi, nhỏ nhen đố kỵ; hãy tìm cách san phẳng những hố sâu ngăn cách với anh chị em sống quanh ta bằng sự giúp đỡ ân cần, bằng những quan tâm, chia sẻ, những lời động viên, khích lệ, những nụ cười thân thương, cái bắt tay hòa giải... Vâng, đó chính là thái độ tỉnh thức giúp mỗi chúng ta chuẩn bị tâm hồn thanh thoát, rộng mở đón chờ Chúa đến trong vui mừng và hy vọng.

Chúng ta biết rằng, ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại đã có sự hiện diện của tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thua sự ác; và chung cuộc, tình yêu của Người luôn chiến thắng: “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn biểu lộ qua mọi thời đại, và rõ nét nhất là qua Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người.

Ước mong Mùa Vọng năm nay là dịp để mỗi kitô hữu chúng ta cảm nhận sâu xa hơn tình thương cứu độ của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Từ đó giúp chúng ta hoán cải tâm hồn và gieo rắc tình yêu thương trong gia đình, trong cộng đoàn để “mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa



Audio player

--->DOWNLOAD<---