Người đạp xe ôm

(Riêng tặng anh em chủng sinh đang tu học ở hải ngoại)

Sau năm 1975, một thay đổi rất dễ nhìn thấy: xe đạp tràn ngập đường phố quê nhà, xe đạp từ trong nhà ra ngoài ngõ. Đi xe Honda trở thành chuyện khó coi và tỏ ra thiếu đồng hành với dân tộc. Nên nhiều người phải bán Honda để trở thành như mọi người hay để có chút ít tiền làm vốn kiếm sống. Rất nhiều người dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển cho hợp thời và hợp với túi tiền trong thời nhiên liệu khan hiếm cực độ: gạo châu, củi quế, xăng đong từng xị như ba xi đế. Cũng có rất nhiều người dùng xe đạp chở người kiếm sống, gọi là “xe đạp ôm”.

Trên chuyến xe hai người nầy, mới thoạt nhìn, ai cũng nhận là đẹp: Đẹp như đôi tình nhân đang đu đưa chả muốn xa nhau, đẹp như đôi bạn cố tri muốn kéo dài mẫu chuyện đời trước khi tạm biệt. Cả người đạp xe và người được chở, đều ngồi gọn gàng trên một chiếc xe đạp, thật gần gũi và thân tình, kẻ trên yên, gò lưng đạp, người ngồi sau cố ôm cứng lấy eo. Đạp xe ôm, nghề dễ làm, không cần nhiều vốn liếng: một xe đạp, một cặp giò khỏe là xong. Đạp xe ôm, nghề tự do, ai làm cũng được, không bằng cấp, không lý lịch, không nghiệp đoàn, chỉ cần lanh lợi bắt mối là có ăn. Đạp xe ôm, nghề thật lương thiện vì miếng ăn kiếm được từ chính mồ hôi và công sức củamình.

Hơn 70 thầy Đại Chủng Sinh địa phận không một ai có xe Honda trong những năm đầu sau 1975. Tôi cũng có một chiếc xe đạp làm chân như mọi người. Đạp xe, khỏe giò, ai cũng công nhận, nhưng đạp nhiều quá thì rã giò. Nhất là bụng đói mà phải gò lưng lên dốc cầu cao, sẽ thấy nhiều sao trời lấp lánh giữa ban ngày và chỉ còn muốn “xin Chúa thương gọi con về!” Dân không đủ ăn thì làm gì có đủ ngân khoản cho cầu đường. Đường tráng nhựa nhiều năm bị xoáy mòn, tạo nhiều ổ gà, nhồi cong cả vành xe đạp. Đường xấu, phụ tùng xe tái chế, vỏ ruột xe phục hồi, nên đôi chân người đạp xe càng nổi thêm gân guốc. Nhiều mái ny lông, với vài cây chống cong vẹo xuất hiện dọc dài hai bên đường phố, làm tụ điểm vá ép và sửa xe đạp.

Càng đi tu lâu năm, ý thức nhạy bén về sinh kế càng mụ mẫm. Tôi không có một sáng kiến nào để có chút ít tiền thỏa đáp nhu cầu cá nhân. Thêm vào đó, cả hai hàm răng tôi đều tới thời kỳ phải bỏ một ít chiếc và trồng lại theo yêu cầu của nha sĩ. Khoản tiền cho những chiếc răng mới lớn hơn cả gia sản của một thầy tu đi giúp xứ. Thế là tôi chọn nghề đạp xe ôm, không để lập công về sau hay nêu gương lao động cho người xung quanh, nhưng để trồng răng mới và để có chút ít tiền cho nhu cầu cá nhân. Cái khó cho tôi là giờ giấc, tôi không biết mình sẽ được bề trên gọi và sai bảo lúc nào. Nếu không kịp thưa “dạ có con!” khi được gọi thì e có ngày tôi sẽ không còn ơn gọi. Dành nhiều ngày nghiên cứu hoàn cảnh trong nhà, tôi thấy mình có thể hành nghề đạp ôm khá an toàn vào khoảng từ sau cơm trưa cho đến 3 giờ chiều. Thế là, tôi chọn ngày Thứ Hai, ngày cầu cho Các Đẳng để khai trương nghề đạp xe ôm. Mong Các Đẳng phù hộ cho trúng mùa như lời cha sở tôi dạy ngày xưa.

Ngày đầu ra quân, thật hồi hộp, không biết thắng bại ra sao. Buổi cơm trưa đó, tôi cố ăn no lấy sức, nhưng kết thúc thật nhanh để có nhiều giờ đạp. Cơm xong, về phòng, đóng bộ “đạp ôm” chính hiệu, đã được chuẩn bị từ khi ôm ấp nghề đạp xe ôm: vài lỗ vá trên vai áo, chiếc áo không còn định rõ màu xanh hay vàng, vài đốm sờn tróc của dấu vết lao động. Ngắm mình lại một lần trong gương cho chắc ăn, miệng lảm nhảm “ê đạp ôm!” Chụp thêm cái mũ cũ lên đầu, sọt chân vào đôi dép râu và vội vàng thoát ra cổng nhà thờ, chả dám nhìn lại phía sau, cong lưng thẳng tiến Cầu Bắc, miệng không quên lẫm rẫm đọc kinh, nhất là kinh Thánh Giuse, cầu ơn trên cho đầu xuôi đuôi lọt, xin Các Đẳng cho con trúng mùa “đạp ôm”.

Vừa quẹo cua xuống Cầu Bắc, tôi nghe tiếng phụ nữ gọi từ bên kia đường “ê đạp ôm!”. Lòng mừng vô hạn, nghĩ là Chúa thật quá thương mình, vừa ra nghề là có mối ngay. Tay vừa bóp thắng thật mạnh, đồng thời thả chân mang dép râu rà mặt đường và quẹo cua thật gắt, đạp rề tới gần người gọi. Vừa đủ gần để nhận rõ mặt người gọi xe ôm, tôi giật bắn người, đạp xe thật mạnh, biến mất để chỉ còn kịp nghe tiếng Bà Tám phàn nàn “Thằng đạp xe ôm phải gió, tưởng ngừng, khi không lại chạy luôn, cái đồ mát!” Bà Tám ơi! Nếu bà nhìn rõ được mặt của thằng “phải gió” nầy, thì bà còn dám lên ngồi xe ôm cho nó đạp chở bà không? Hẹn gặp bà chiều nay sau thánh lễ nghe Bà Tám. Lòng chùn xuống, mới ra quân mà đã “phải gió” rồi, mừng hụt vì tưởng đâu được mấy đồng, nào ngờ vỡ mộng!

Trong cả ba Thánh Lễ Chúa Nhật ở giáo xứ, tôi thường xuất hiện để tập hát chung và dạy giáo lý chung. Do đó phải ít là 1000 giáo dân trong thành phố quen mặt tôi và tôi quen mặt họ. Thật chả hay ho chút nào khi phải gặp người quen trong khi hành nghề xe đạp ôm nầy. Né tránh thật nhanh, biện pháp tôi chọn để ứng phó trong trường hợp gặp những người quen bất đắc dĩ nầy. Né để không ai biết mình đạp xe ôm, né để yên thân hành nghề cho tới ngày có bộ răng mới. Xin Chúa cho những người công giáo con quen có nhiều xe đạp đi và siêng đạp xe để họ khỏi quấy rầy thằng “phải gió” nầy. Xong lời nguyện ngắn đầy thực tế, tôi rong xe xuống gần Cầu Bắc. Đúng là Chúa thương, tôi bắt được khách liên tục, giá cả sòng phẳng, kẻ lên xe ngồi, ôm cứng eo, người gò lưng đạp liên tục, mặc cho mồ hôi ướt đẫm lưng. Tiền khách trả, thứ chẵn tôi cất riêng cho bộ răng, thứ lẻ dành bổ dưỡng bằng những ly nước đá mía ngọt lịm, giàu sinh tố.

Buổi tối thứ nhất sau ngày ra nghề, xác mệt đừ, giò mỏi nhưng lòng thật rộn niềm vui. Vui vì số tiền vừa kiếm được, nó không lớn lao gì, và cũng không phải là lần đầu tôi có được nó. Nhưng phải nhìn nhận là tôi quí nó hơn nhiều món tiền lớn tôi đã từng có từ trước. Nó chính là công sức của tôi, nó sẽ trả lời cho những nhu cầu cá nhân của tôi. Tôi mượn lời Sách Sáng Thế Ký để kết thúc cho một ngày lao động sáng tạo: mọi sự đều tốt đẹp, đó là ngày thứ nhất!. Đêm đó tôi lên giường trong nụ cười hy vọng và mơ thấy hàm răng mới chập chờn.

Ngày thứ hai hành nghề khá vô mánh. Cũng lại gặp người quen và cũng bỏ chạy như phương án đã định. Dân nghèo, nhưng sao còn nhiều người vẫn mập quá chừng, tôi bắt được một ông khách mập khác thường. Thật tội nghiệp cho chiếc xe đạp, nó sao quá mỏng manh so với khối thịt của ông khách nầy. Tôi đạp thẳng giò và thật mạnh từng cái một, nhưng xe di chuyển thật chậm, chậm như đi bộ vậy. Lại còn lên dốc cầu nữa chớ. Mồ hôi xối xả, lưng tôi gò cong hơn để đẩy chiếc xe di chuyển từng chút một. Trời đã nắng cháy da mà còn gió ngược nữa chớ! Bụng vừa cằn nhằn, vừa cầu xin cho đoạn đường ngắn lại. Ông khách bụng tốt xuống xe, tôi có hy vọng được thêm chút ít tiền, nhưng không, không một lời cám ơn, không một đồng xu “pour boire”. Đạp đến đâu người ta trả tiền đến đó sòng phẳng, sao lại còn có hy vọng là được cám ơn và cho thêm chút ít, đúng là nhảm!

Ngày thứ ba, vô mánh và vô cả tủi nhục. Tôi thấy mình lanh lợi khác thường khi hành nghề đạp xe ôm, mới ra nghề, nhưng tôi giành mối thuộc loại có hạng. Tôi xuống tận phà mời khách, xách giỏ, nắm tay. Thấy ai đứng bên đường, tôi đều rà xe tới và mời mọc rất nhã nhặn. Dường như tôi khá ăn khách trong chuyện mời mọc nầy, có lẽ vì khách thấy tôi khá to con, hy vọng đạp xe nhanh hơn chăng? Một bạn đồng nghiệp không hề quen mặt và không hề biết tên đã xỉa xói ngay mặt tôi và chưởi thề: Đ.M. mầy! vì một cô khách đã chịu đi xe tôi. Nóng bừng mặt, lần đầu tiên trong đời, phải nghe những lời khốn nạn nầy dành cho mình. Bản tính tự nhiên, tôi định dừng lại, định phân bua phải trái, thì cô khách nhỏ nhẹ can ngăn: nhịn họ đi, anh làm không lại đâu! Tôi nhịn trong tủi nhục, nhục vì mình bị chưởi quá nặng. Nhưng cô khách nói đúng, nếu ở lại ăn thua, phần ăn không có, vì khách sẽ bỏ đi. Phần thua nắm chắc, vì tôi chưởi thua họ và rất có thể còn bị ăn đòn nữa. Thôi, chín nhịn làm mười! dân lao động cả mà, cũng vì nghèo thôi!

Cô khách tôi giành được sau khi bị chưởi, dáng người thanh tú và rất dễ thương. Cô ngồi trên xe theo kiểu một bên như nữ sinh Gia Long ngày xưa vậy. Chuyến xe đạp ôm nầy quả thật đáng nhớ đời. Cô lấy nón che nắng cho cả tôi. Không lẽ có người thương anh đạp xe ôm. Lòng tôi rộn vui, đạp xe thư thả và mong cho đường dài hơn. Cô bảo: anh có cái gì khang khác hơn những anh đạp xe ôm khác, nên dù anh kia mời trước nhưng tôi chọn đi xe anh, do đó mà anh bị chưởi! Đoạn đường nào rồi cũng có bến đỗ. Cô khách xuống xe, đi khuất rồi, nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy chút gì luyến tiếc và mơ ước xa xôi. Ước gì tôi được chở cô khách dễ thương nầy thêm nhiều lần nữa. Nhưng rồi thực tế: Mình đang tu mà, những cái răng mới cần trồng, nhu cầu cá nhân, và thân phận đạp xe ôm “phải gió”... đã làm tôi rẽ sang đường khác, chào mời người khách kế tiếp.

Mỗi ngày hai tiếng đồng hồ đạp xe ôm ròng rã hai năm dài đã ảnh hưởng nơi tôi khá nhiều. Da tôi sạm nắng, chân nhiều gân guốc, mặt thường bơ phờ, mệt nhọc, lời ăn tiếng nói ngày càng kém hiền hòa nhỏ nhẹ. Tiếng đồn: ông thầy đạp xe ôm, nghe mỗi ngày nhiều hơn. Nếu đến tai bề trên, sẽ bất tiện lớn! Làm ăn trái phép! Sau khi lượng định được chiều dày của xấp tiền chẵn dành dụm từ chuyến xe đạp đầu tiên. Tôi nghĩ mình đã tới đích, hàm răng mới đang chờ gắn. Phần tiền lẻ, không nhiều, nhưng đủ trả lời cho những nhu cầu cá nhân từ hai năm qua. Tôi không quên tạ ơn Chúa và quyết định giã từ nghề đạp xe ôm.

Từ đó, cơm trưa, tôi ăn chậm hơn, không cần ăn no lắm và tôi có thể lên võng toòng teng cho giấc trưa hè. Nhiều khi nghe tiếng võng đong đưa kẽo kẹt mà tôi ngỡ mình nghe tiếng khách gọi “ê đạp ôm!” Tôi ngồi phắt dậy, trong trí nghĩ là phải quay xe đón khách nhưng rồi sực tỉnh và biết là: qua rồi cái kiếp đạp xe ôm. Nhiều khi nghe tiếng người chưởi nhau bên hàng xóm, tôi nghĩ là người ta chưởi tôi. Nóng mặt lên và định sang ăn thua. Nhiều khi đang tập hát, tôi chợt nhìn đăm đăm một khuôn mặt đẹp và mong nghe lại tiếng cô gái dễ thương ngồi xe đạp ôm của tôi ngày nào: anh có cái gì khang khác! Dù sau khi đã có hàm răng mới, thỉnh thoảng tôi vẫn sờ thăm chừng coi xem nó có thật và còn đó không. Nếu nó không thật và không còn thì phải thêm hai năm dài làm kiếp đạp xe ôm. Một nỗi lo sợ cực mạnh chạy rần cột xương sống. Xin Chúa cho con khỏi uống lại chén đắng nghề đạp xe ôm! Lưng còng, chân mỏi mà nhiều tủi nhục lắm Chúa ơi! Đó là lời nguyện thường xuyên của tôi mỗi khi chiều đến, vừa ngồi lần chuỗi trong khuôn viên giáo đường, vừa nhìn ra đường chứng kiến nhiều anh đạp xe ôm đang còng lưng hành nghề. Đạp xe ôm, nghề dễ làm, tự do và lương thiện nhưng nhiều mồ hôi và lắm tủi hờn.

Người có tuổi, hay nhớ chuyện đời xưa! Tôi hay nhớ chuyện đời mình, ngồi ghi lại để nói với chính mình về hồng ân Chúa ban và cũng để chia sẻ những suy tư có liên quan đến con người và cuộc sống hiện tại. Tôi nhớ chuyện mình đạp xe ôm nhiều chục năm trước và nhớ đến nhiều anh em chủng sinh từ Việt Nam sang và đang tu học ở nước ngoài. Tôi nhớ tên, biết mặt và biết được hoàn cảnh chung của từng người. Không còn ai làm nghề đạp xe ôm cong xương sống như tôi ngày xưa. Không ai ôm eo ếch anh em để anh em kiếm tiền, nhưng anh em chủng sinh đang ôm ấp lý tưởng làm linh mục. Ôm ấp lý tưởng linh mục càng chặt, anh em càng được nhiều giáo dân thương yêu, ôm ấp và chăm sóc tận tình.

Giáo dân Việt Nam ly hương có lòng quý mến linh mục, tu sĩ, chủng sinh cách đặc biệt. Anh em chủng sinh không thiếu vắng trong những bữa tiệc chung của giáo xứ và nhiều bữa cơm thân tình trong gia đình giáo dân. Ngày Chúa Nhật, anh em được mời góp phần vào những sinh hoạt trong giáo xứ: dạy giáo lý, điều khiển ca đoàn, lo cho các em giúp lễ. Nhiều người sẵn sàng mời anh em chủng sinh và các linh mục một ly cà phê, một tổ phở tái sau thánh lễ Chúa Nhật. Đôi lần chúng ta cảm thấy khó sắp xếp chương trình ổn thoả để đáp trả cho nhiều lời mời tình nghĩa chân tình xảy ra cùng lúc. Giáo dân thật sự thương anh em, có những người đang âm thầm tổ chức một đóng góp tài chánh đều đặn, để có thể giúp anh em chủng sinh hiệu quả hơn và lâu dài hơn. Có nhiều người đang quan sát xem anh em chủng sinh và các linh mục cần gì để họ giúp đỡ: cắt tóc, thay nhớt xe, lên gấu quần, sửa computer. . . không nhiều, không to tát, nhưng sâu đậm tình người. Thật sự, anh em chủng sinh không độc hành, nhưng có nhiều người đang đồng hành. Không đồng hành theo kiểu ngồi phía sau ôm và anh em phải cong lưng gò đạp, nhưng họ đang cùng đạp, cùng mang chiếc xe cuộc đời nhiều lo nghĩ của anh em tiến gần lý tưởng linh mục.

Nhiều buổi tối về nằm ngủ với chiếc bụng căng, tôi cảm tạ Chúa cho tình người giáo dân Việt Nam. Tôi nhớ đến chiếc bụng xẹp lép của mình ngày xưa sau một ngày đạm xe ôm rã giò. Quê người, xe hơi nhiều hơn xe đạp. Không sao tìm được thứ mồ hôi đạp xe cong lưng lên dốc cầu giữa trưa hè nóng bức. Mồ hôi đó đã cho tôi lòng tri ân sâu xa và chân thành với đoạn đường đã qua. Tri ân Chúa, và tri ân những ai đã giúp đỡ tôi, dù chỉ là khách đi một chuyến xe đạp ôm. Mồ hôi đó đã cho tôi sự đánh giá đúng mức từng đồng tiền người ta trả công cho tôi hay ban tặng cho tôi.

Tôi viết ra đây với tất cả tâm tình cảm tạ. Cảm tạ Chúa thay cho anh em chủng sinh có nhiều may mắn, được sang hải ngoại học làm linh mục và được người Việt Nam ly hương sưởi ấm bằng những chăm sóc thật tình nghĩa. Hãy tận hưởng với lòng tri ân. Mai ngày, khi làm linh mục, anh em sẽ trà trộn trong những giáo xứ người bản xứ. Những nghĩa cử ôm ấp chân thành dạt dào tình người nầy sẽ rất khan hiếm. Anh em sẽ nuối tiếc cho những tháng năm sống gần người Công Giáo Việt Nam ly hương. Hãy ôm chặt hơn lý tưởng linh mục! Nhiều người đang giang vòng tay thật rộng để ôm gọn anh em cùng với lý tưởng cao đẹp nầy qua tình yêu thương chân thành và sự giúp đỡ tận tình của họ. Hãy can đảm bước tới, phấn khởi và tri ân! Chúa đang mời gọi, giáo dân đang đồng hành với anh em. Cầu cho chuyến xe đạp ôm ba người nầy ngon trớn và mau tới đích!


LM.Trần Thế Tuyên