Toàn con người và cuộc đời của Kitô hữu là lễ vật tôn vinh Thiên Chúa


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 7-1-2009

Sau các ngày nghỉ lễ, sáng thứ tư 7-1-2009 đã có gần 8000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên của Đức Thánh Cha trong năm 2009. Giọng nói của Đức Thánh Cha khàn vì ngài bị cảm lạnh.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về thánh Phaolô và khai triển đề tài việc phụng tự mà tín hữu kitô phải chu toàn đối với Thiên Chúa. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha chúc mừng năm mới mọi người và đưa ra lời khích lệ như sau:

”Chúng ta hãy làm sống lại trong mình dấn thân rộng mở tâm trí cho Chúa Kitô để là và sống như là bạn hữu thật của Người. Sự đồng hành của Người sẽ khiến cho năm nay là một lộ trình tràn đầy niềm vui và an bình mặc dù nó bao gồm các khó khăn không thể tránh được. Thật thế chỉ khi sống kết hiệp với Chúa Giêsu năm mới sẽ thật sự là một năm tốt lành và hạnh phúc”.

Dấn thân sống kết hiệp với Chúa Kitô là một trong các khía cạnh quan trọng thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta trong giáo huấn và tư tưởng của người. Đó là điều mà thánh nhân gọi là việc phụng tự của các Kitô hữu. Thánh nhân nhận ra nơi thập giá của Chúa Kitô một khúc rẽ lịch sử biến đổi triệt để thực tại của việc phụng tự. Có ba văn bản đề cập tới quan điểm phụng tự mới này. Thứ nhất là chương 3 câu 25 thư gửi tín hữu Roma, tromg đó sau khi nói tới ơn cứu chuộc do Chúa Kitô Giêsu hiện thực, thánh nhân đưa ra một công thức bí nhiệm ”Thiên Chúa đã thiết định Người phục vụ như dụng cụ đền tội qua lòng tin, trong máu của Người”. Qua kiểu nói ”dụng cụ đền tội” thánh nhân muốn ám chỉ nắp hòm bia thánh, được coi như điểm tiếp xúc giữa Thiên Chúa và con người, vì nắp Hòm Bia diễn tả sự hiện diện bí nhiệm của Thiên Chúa trong thế giới loài người. Và trong ngày lễ ”Xá Tội - Yôm Kippur” máu của thú vật sát tế được rảy trên nằp Hòm Bia đó. Nó tượng trưng cho việc đem tội lỗi của toàn năm đến đụng chạm đến Chúa để ném chúng vào vực thẳm lòng lành của Chúa và để chúng được sức mạnh của Chúa thu hút, được thắng vượt và tha thứ. Và thế là cuộc sống bắt đầu trở lại.

Thánh Phaolô nêu bật lễ nghi ấy và khẳng định rằng nó diễn tả ước muốn thực sự của tín hữu ném tội lỗi của mình vào vực thẳm lòng xót thương của Thiên Chúa để cho chúng biến mất. Nhưng tiến trình đó không được hiện thực với máu của súc vật, mà là nơi thập giá Chúa Kitô, là Con Thiên Chúa làm người thật, Đấng đã mang trên mình mọi tội lỗi của chúng ta. Người là điểm tiếp xúc giữa cái khốn cùng của con người và lòng xót thương của Thiên Chúa. Khối sự dữ buồn phiền của nhân loại tan chảy trong trái tim của Người và sự sống được canh tân. Cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu Thiên Chúa trở thành tình yêu nhân loại đó chấm dứt giai đoạn các lễ vật sát tế cũ trong đền thờ Giêrusalem. Cái chết hiến tế của Thiên Chúa làm người trên thập giá là phụng tự mới đích thật thay thế phụng tự biểu tượng tạm thời của Cựu Ước. Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu là đền thờ mới ”không do bàn tay con người làm ra” (x. Mc 14,58; Ga 2,19 tt.).

Trích văn bản thứ hai nói về phụng tự mới là chương 12 thư gửi tín hữu Roma, Đức Thánh Cha nói:

”Tôi khích lệ anh chị em hãy tiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện, và đẹp lòng Thiên Chúa: đó là cách thức xứng hợp để anh chị em thờ phụng Người” (12,1). Thay vì cái chết của súc vật sát tế bị cắt cổ và một phần bị đốt đi thánh Phaolô nói tới sự sống của Kitô hữu. Việc ”dâng hiến thân mình” ám chỉ toàn con người (Rm 6,13), và của lễ đó có mục đích ”tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác” (1 Cr 6,20), nghĩa là tôn vinh Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày với mọi biến cố lớn nhỏ của nó.

Thánh Phaolô gọi đó là ”hiến tế sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Sự thánh thiện ở đây không gắn liền với các nơi chốn hay vật dụng, mà gắn liền với chính con người tín hữu. Toàn con người của tín hữu bao gồm lý trí, hồn xác trở thành việc tôn thờ, vinh danh Thiên Chúa hằng sống. Kiểu nói thánh Phaolô dùng là kết qủa của một sự phát triển dài của kinh nghiệm tôn giáo trong các thế kỷ trước Chúa Kitô, như có thể gặp trong các phát triển thần học của Cựu Ước và thông thường trong tư tưởng hy lạp. Các ngôn sứ và nhiều tác giả thánh vịnh đã mạnh mẽ phê bình các hiến tế đổ máu trong đền thờ: Thiên Chúa ưa thích tâm lòng thống hối ăn năn, chứ không muốn các của lễ sát tế và máu súc vật (Tv 50, 12-14; 51, 18 tt.; Đn 3,38 tt.). Tuy nhiên việc tinh thần hóa và luân lý hóa phụng tự này cũng có nguy cơ biến phụng tự thành đối tượng của con tim và tinh thần, mà thiếu chiều kích của thân xác và của cộng đoàn. Và chúng ta hiểu tại sao thánh vịnh 50 và văn bản sách Daniel, tuy vẫn phê bình, nhưng vẫn muốn trở về thời của các lễ vật hiến tế. Thật ra đây là một hiến tế được canh tân.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Thánh Phaolô là người thừa hưởng các phát triển này của ước muốn phụng tự đích thật, trong đó con người trở thành vinh quang của Thiên Chúa và tôn thờ Chúa với tất cả con người mình. Thánh nhân lập lại những gì người đã nói trong chương 3 thư gửi tín hữu Roma: thời của các hiến tế bằng súc vật đã chấm dứt, giờ đây là thời của việc phụng tự đích thật. Nhưng ở đây cũng có thể xảy ra sự hiểu lầm lẫn lộn hiến tế đích thật với khuynh hướng luân lý: thay thế phụng tự bằng nỗ lực luân lý. Nhưng đây không phải là tư tưởng của thánh Phaolô. Như thế phải giải thích ”phụng tự tinh thần, có lý lẽ” như thế nào đây? Thánh Phaolô luôn luôn giả thiết rằng chúng ta trở thành ”một trong Chúa Kitô Giêsu” (Gi 3,28), chết đi trong bí tích Rửa Tội (Rm 1) và giờ đây sống với Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Trong sự kết hiệp ấy chúng ta có thể trở nên trong Người và với Người ”của lễ sống động” và dâng tiến lên Chúa một ”phụng tự đích thực”. Khi tận hiến mình cho Thiên Chúa Cha và cho chúng ta, Chúa Kitô đã đem theo trong Người con người phàm, các tội lỗi của chúng ta và ước muốn của chúng ta: Người đại diện cho chúng ta thực sự và nhận lấy chúng ta trong Người. Trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô được hiện thực trong lòng tin và trong các bí tích, chúng ta trở nên hiến tế sống động, mặc dù tất cả các thiếu sót của chúng ta.

Giáo Hội biết rằng trong Bí tích Thánh Thể rất thánh việc tự hiến dâng của Chúa Kitô, hiến tế đích thật của Người hiện diện thực sự. Nhưng Giáo Hội cầu xin cho cộng đoàn cử hành thực sự hiệp nhất với Chúa Kitô được biến đổi, để chúng ta tất cả được trở thành hiến tế đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Agostino đã minh giải điểm này trong cuốn X của tác phẩm ”Kinh Thành của Thiên Chúa”: Tuy nhiều nhưng các tín hữu chỉ là một trong một thân thể duy nhất của Chúa Kitô... Toàn cộng đoàn được cứu chuộc, cộng đoàn của các thánh là lễ vật dâng lên Thiên Chúa qua vị Thượng Tế đã tự hiến mình (10,6; CCL 47,27 tt.).

Sau cùng thánh Phaolô viết trong chương 15 thư gửi tín hữu Roma: ”Tôi viết thế là nhờ vào ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho tôi là người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa” (15,15-16). Trong văn bản tuyệt diệu này thánh Phaolô giải thích công việc truyền giáo của người giữa các dân ngoại để xây dựng Giáo Hội Phổ Quát, như là một hành động phụng tự của linh mục. Loan báo Tin Mừng để hiệp nhất các dân tộc trong sự hiệp thông của Chúa Kitô là một hành động tư tế. Tông đồ Phúc Âm là một linh mục đích thực chuẩn bị cho hiến tế đích thực. Mục đích của hoạt động truyền giáo là phụng tự vũ hoàn làm vinh danh Thiên Chúa. Sự tự hiến của Chúa Kitô hiệp nhất các dân nước và lôi cuốn tất cả vào sự hiệp thông của Thân Mình Người. Chỉ trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, Con Người gương mẫu, làm một với Thiên Chúa, thế giới mới trở thành như mọi người chúng ta mong mỏi: là tấm gương phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa. Năng động này luôn hiện diện trong bí tích Thánh Thể; nó phải gợi hứng và nhào nặn cuộc sống chúng ta trong năm mới này.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Radio Vatican
Linh Tiến Khải