THỨ NĂM TUẦN THÁNH:
ĐỈNH CAO CỦA HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Thưa quý OBACE! Đối với các nhà leo núi, để chinh phục những đỉnh cao như Everest, họ không chỉ cần có một thể lực phi thường, mà còn phải mang trong mình ngọn lửa đam mê bất diệt và ý chí sắt đá. Trên hành trình đầy thử thách ấy, họ phải đối mặt với những vách đá dựng đứng nguy hiểm, những đoạn đường cô độc giữa băng giá tê tái, cùng bao hiểm nguy rình rập từ thời tiết khắc nghiệt. Chỉ cần thiếu đi lòng quyết tâm hay để ngọn lửa đam mê vụt tắt, họ sẽ dễ dàng bị cám dỗ buông xuôi, quay đầu, bỏ cuộc.

Nếu nhìn trong bầu khí của Năm Thánh Hành Hương Trong Hy Vọng, chúng ta có thể nói rằng, hôm nay chúng ta cùng đi theo Đức Giêsu bước vào chặng cuối, cũng là chặng đường hành hương gian nan nhất và quan trọng nhất của Người trên trần gian này. Giờ đây, Chúa Giêsu chỉ còn lại một mình đối diện với nỗi đau thể xác tàn khốc và cái chết nhục nhã trên thập tự. Nếu không được thúc đẩy bởi lòng quyết tâm trong vâng phục và tình yêu mến mãnh liệt dành cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại, có lẽ Đức Giêsu đã không thể hoàn tất hành trình thập giá này, như Người đã cầu xin: Lạy Cha! Nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha mà thôi.

Bài đọc một trình bày cuộc hành hương vĩ đại của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập như một bản anh hùng ca vang dội. Người Do Thái bước vào cuộc hành trình vượt Biển Đỏ như một cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên người Ai Cập và thần minh của họ. Trong cuộc xuất hành này, dân Do Thái xác tín cách mạnh mẽ rằng, Thiên Chúa của họ quả thật là Đấng giải thoát họ khỏi bàn tay vua Pharaon. Bữa tiệc Vượt Qua, con chiên được sát tế, trở thành một nghi lễ thiêng liêng và vô cùng quan trọng đối với người Do Thái. Con chiên bị sát tế đêm đó, trở thành hình ảnh, dấu chỉ của một cuộc giải thoát và cứu sống: Mỗi gia đình phải làm thịt một con chiên, lấy máu bôi lên khung cửa; nhà nào có dấu máu chiên bôi trên cửa thì sẽ được cứu sống; thịt chiên trở thành bữa ăn cùng với bánh không men, cung cấp năng lượng cho một hành trình dài trong sa mạc. Bữa ăn này trở thành một nghi lễ tôn giáo quan trọng mà người Do Thái phải cử hành hàng năm và phải nhắc lại cho thế hệ con cháu về biến cố giải thoát quan trọng này.

Nếu như cuộc xuất hành của người Do Thái ra khỏi Ai Cập được trình bày như bản anh hùng ca vĩ đại, thì Hành trình khổ nạn của Đức Giêsu lại là bản trường ca bi hùng, được viết nên bằng mực yêu thương đến tận cùng. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng khởi đầu cho chặng hành hương khổ giá này bằng bữa tiệc Vượt Qua truyền thống hàng năm: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người đã yêu thương họ đến cùng.

Chính trong bữa ăn quan trọng này, để diễn tả tình yêu đến cùng dành cho nhân loại, Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Người. Thánh Phaolô thuật lại: Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; Người cầm chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi anh em uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Qua việc làm này, Chúa Giêsu đã không còn giữ lại gì cho riêng Mình, mà muốn trao tặng tất cả con người và sự sống của Mình cho các môn đệ. Trở nên Của ăn Của uống, Chúa Giêsu muốn đáp ứng nhu cầu căn bản của con người. Ngài muốn được mọi người đón nhận, được đi vào trong tâm hồn, trong trái tim của mỗi người để ở lại, làm bạn, là nguồn dinh dưỡng, ban sức mạnh và sự trợ giúp cho con người.

Không những thế, Chúa Giêsu còn có một sáng kiến tuyệt vời khi trao ban cho các môn đệ mệnh lệnh: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Với mệnh lệnh này, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ chức linh mục, cho các ông có quyền để tiếp nối và làm cho Chúa được liên tục ở lại nuôi dưỡng nhân loại. Mặc dù Chúa Giêsu biết rằng, các môn đệ của Người vẫn còn mang nặng tính con người, vẫn tham sân si, nhưng vì yêu mến và tin tưởng hoàn toàn, Chúa đã chấp nhận “trao nộp” Mình vào tay các ông. Từ đây, mỗi khi các môn đệ của Chúa làm như Chúa đã làm, thì Chúa lại hiện diện và tiếp tục yêu thương, tiếp tục trở nên Của ăn Của uống cho nhân loại và tiếp tục được ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế.

Trao nộp chính Mình vào tay các môn đệ, ban cho các ông tác vụ làm như Chúa đã làm, nhưng tác vụ này không phải để các ông thi hành quyền bính, ban phát theo kiểu trần gian, mà là để các ông biết khiêm tốn phục vụ trong vai trò là kẻ được sai đi, như người đầy tớ. Do đó, trong giờ phút thiêng liêng và cảm động của Bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu còn để lại cho các môn đệ bài học yêu thương cách cụ thể, bằng việc làm chứ không phải là lý thuyết: Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương phục vụ. Tin Mừng Gioan kể lại: Chúa Giêsu trỗi dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn mà thắt lưng. Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Qua lời tường thuật này, chúng ta có cảm tưởng như các môn đệ hết sức ngỡ ngàng, không hiểu điều gì đang diễn ra trước mắt. Từng việc làm của Thầy như hình ảnh chạy chậm, thấm vào trong tâm trí các tông đồ. Một Vị Thầy - là Thiên Chúa - mà đã chấp nhận rời khỏi địa vị cao sang để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. Không chỉ như thế, Người còn lấy nước, cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình. Người đã làm công việc của một nô lệ làm cho chủ. Chúa Giêsu đã hoán đổi vị trí: Từ Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Người Thầy đáng kính trọng, trở nên người nô lệ. Sự việc xảy ra quá bất ngờ và vượt khỏi lẽ thông thường, khiến các môn đệ không thể hiểu và không thể chấp nhận. Vì thế, Phêrô đã phản ứng: Thưa Thầy, không thể như thế được. Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Chúa Giêsu đã trả lời ông: Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu được nhưng sau này anh sẽ hiểu.

Sau khi trở về chỗ, mặc áo lại, lúc này Chúa Giêsu mới đưa ra bài học cho các môn đệ: Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa… Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Bài học Chúa Giêsu đưa ra lúc này quá rõ ràng là: Anh em đừng tự cao, tự đại, đừng tự ái, tự mãn, đừng đặt mình cao sang hơn người khác, mà hãy khiêm nhường cúi xuống để phục vụ và rửa chân cho nhau. Anh em là môn đệ của Thầy mà anh em không dám rửa chân cho nhau, không thể phục vụ nhau, thì anh em cũng sẽ không thể phục vụ, rửa chân cho ai khác được. Thông điệp Người truyền trao thật minh bạch: Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng hãy làm cho nhau như Thầy đã làm cho anh em, hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Thưa quý OBACE, cử hành ngày Thứ Năm Thánh hôm nay, chúng ta nhớ lại và được mời gọi thực hành bài học yêu thương mà Chúa đã truyền dạy cho chúng ta. Để yêu như Chúa yêu, làm như Chúa làm, đòi chúng ta khiêm nhường đón nhận bài học và mẫu gương của Chúa Giêsu và cố gắng thi hành trong cuộc đời của mình như Chúa mong muốn. Chúa muốn chúng ta bắt đầu thực hành bài học yêu thương phục vụ, rửa chân cho nhau từ trong gia đình, từ vợ chồng, cha mẹ yêu thương con cái cách cụ thể, đón nhận con cái Chúa ban cho dù chúng bất toàn và sẵn sàng hy sinh để phục vụ. Sự hy sinh phục vụ của cha mẹ là sự hy sinh cao đẹp, phản ánh sự hy sinh của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Cha mẹ hy sinh cả cuộc đời lao công vất vả để đem lại cuộc sống no ấm cho con cái là một việc hy sinh cao đẹp, nhưng cao đẹp hơn nữa là sự hy sinh cố gắng từng ngày để xây dựng và vun đắp cho đời sống đạo đức của gia đình, tìm kiếm của ăn là Lời Chúa và Thánh Thể cho gia đình mỗi ngày.

Cử hành Thánh lễ Tiệc Ly hôm nay mời gọi chúng ta siêng năng đến tôn thờ và đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Bí tích này chính là bí tích của tình yêu thương đến cùng mà Chúa dành cho chúng ta. Người muốn ở lại, muốn ta đón nhận, rước Người vào tâm hồn, để Người biến đổi và ban sức sống thần linh cho chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục của Chúa, xin Chúa gìn giữ, thánh hoá các linh mục. Các ngài cũng là những con người thấp hèn tầm thường, cũng yếu đuối tội lỗi, nhưng Chúa đã chọn, đã trao cho các ngài quyền được thi hành thừa tác vụ nhân danh Chúa và thay cho Chúa. Qua con người yếu hèn của các linh mục, Chúa có thể đụng chạm, tiếp xúc và yêu thương con người cách cụ thể.

Xin cho chúng ta thấm nhuần bài học yêu thương và phục vụ của Chúa, để mỗi người luôn biết sống khiêm nhường, sẵn sàng phục vụ, yêu thương anh chị em cách vô điều kiện, như Chúa đã phục vụ và yêu thương mỗi chúng ta. Amen.