TĨNH TÂM LINH MỤC NĂM 1987: CON NÓI VỀ MẸ
+ Cố GM Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm


DẪN NHẬP

Ghi lại tuần tĩnh tâm Linh mục Đà lạt năm 1987, tôi muốn gửi đến những người anh em thân yêu nhất của tôi, một món quà nhỏ mọn nhưng đầy tình nghĩa, để kỷ niệm năm Đức Mẹ.

Điều kiện sức khoẻ và công việc khiến tôi không thể soạn lại được các “bài nói”, bổ sung tư tưởng và hoàn chỉnh lời văn. Như thế đã không đẹp đối với anh em, huống nữa là đối với Đức Mẹ!

Nhưng ước gì nội dung và hình thức thô sơ này luôn nhắc nhở chúng ta phải cố gắng thêm mãi để hiểu biết, mến yêu, ca ngợi và rao giảng Người Mẹ tuyệt vời mà Chúa Kitô đã đoái thương trối lại cho chúng ta.

Đà lạt, ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1987
GM. BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN SƠN LÂM

BÀI I: ĐỨC MẸ LÀ THIẾU NỮ SION

Tĩnh tâm trong năm Đức Mẹ, chúng ta muốn được nghe nói về người. Biết vậy, nhưng tôi vẫn ngại. Tôi đâm nghi ngờ câu nói thời danh: “De Maria nunquan satis”. Chúng ta đã nghe nhiều, giảng nhiều về Đức Mẹ. Có điều gì chúng ta chưa biết? Có lời nào chúng ta chưa nghe? Nhất là tư tưởng nào cảm hoá được lòng chúng ta? Thế nhưng tôi vẫn không trốn tránh. Nghĩa vụ dù khó tôi vẫn phải làm. Tôi xin ơn Chúa đến giúp đỡ. Tôi xin anh em cầu nguyện cho tôi, cho chúng ta.

Trong năm Đức Mẹ, những ngày này đối với chúng ta, phải tái hiện những giờ phút ngày xưa Đức Mẹ cùng các Tông Đồ kiên trì cầu nguyện, chờ đợi ơn Thánh Thần. Đức Mẹ không phải chỉ là một thành viên trong cộng đoàn cầu nguyện ấy. Người nuôi dưỡng, soi sáng, hướng dẫn, lôi cuốn việc cầu nguyện của các Tông Đồ. Họ nhìn người, nghe người, bắt chước người, đến nỗi từ từ họ biến đổi mà không hay biết, cho đến khi đã chín mùi cho ơn Thánh Thần ngự đến xâm nhập, thay đổi họ hoàn toàn nên những con người mới, đầy khả năng ra đi thi hành lệnh Chúa để lại: Đến với mọi tạo vật và biến chúng nên môn đệ của Chúa. Tuần tĩnh tâm này sẽ rất tốt đẹp nếu kết quả được như vậy. Chúng ta hãy khao khát, hãy cầu xin, và như vậy, hãy theo gương Gioan đem Đức Maria đến sống với mình, bắt chước các Tông Đồ quây quần bên Đức Mẹ, nhìn người, nghe người, nhận lấy tình thương của người. Chính mối tình hiền mẫu sẽ ảnh hưởng đến chúng ta, sẽ khiến chúng ta trở nên con ngoan của Mẹ hiền hơn. Đời chúng ta thánh thiện hơn và mục vụ của chúng ta sẽ đem lại nhiều kết quả.

Bài đầu tiên này muốn nói ĐỨC MẸ LÀ THIẾU NỮ SION. Tại sao lại khởi sự như vậy? Chính Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đưa tôi vào phương hướng ấy. Chính hôm từ giã cuộc đời này, người đã nói với Mẹ nhà tập: “Ước chi con có thể làm Linh Mục để giảng về Đức Mẹ. Chỉ một lần giảng thôi cũng đủ để bộc lộ hết tư tưởng của con về người”. Một bài giảng về người muốn có kết quả, phải trình bày cuộc đời thật của người y như Tin Mừng cho biết, phải nói rằng người cũng đã sống đức tin như chúng ta.

Do đó, chúng ta sẽ bám sát lịch sử, sẽ đọc Phúc Âm từ các dữ kiện chân thực. Nhưng lập tức, chúng ta gặp ngay một trở ngại: các sách Tin Mừng kể cho chúng ta quá ít về Đức Mẹ. Chúng ta phải nhờ đức tin soi sáng. Nhưng trước hết không nên bỏ qua các dữ kiện của lịch sử đời, vì Đức Mẹ cũng như chúng ta trước hết là một con người.

Chắc chắn Đức Mẹ là một người Do-thái; nói thẳng ra người đã bắt đầu là một em gái người Israel. Sinh ra ngày tháng năm nào, không rõ lắm. Dựa vào các dữ kiện sẽ nói sau này, có thể đoán Maria đã chào đời vào khoảng năm 20 trước công nguyên. Sự kiện một em gái chào đời là một niềm vui đạo đức cho gia đình người Israel. Đó là dấu hiệu Chúa ban phúc, thi hành lời hứa với tổ phụ Abraham, sẽ cho dòng dõi ông nhiều như sao trên trời và như cát biển. Chính người mẹ phải nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Người cha chỉ để ý đến mặt xã hội, liệu sao đừng để ai có cơ hội nói xấu gia đình mình. Tuy con gái không có nhiều nghĩa vụ công dân trong một nước đầy luật lệ tôn giáo, những người phụ nữ có tư cách như Kinh Thánh ca tụng, có con mắt nhìn xa, phải quan tâm chỉ dẫn cho con gái biết mọi chi tiết của lề luật để sau này nó giáo dục con cái và nhắc nhở chồng con. Cách thức Đức Maria chu toàn luật pháp sau này, cho thấy người đã nhận được một nền giáo dục về đạo đức rất chu đáo, trong đó việc thuộc Kinh Thánh và kính sợ Thiên Chúa là căn bản. Chắc chắn Đức Maria đã nhiều lần ngồi trên đầu gối mẹ và được dạy Kinh, nhất là kinh "Shema" của Cựu Ước trong sách thứ luật 6,1.. . , được dạy hát Thánh Vịnh và thánh ca (đối chiếu bài ca Magnificat với bài hát của Anna mẹ của Samuel - 1Sm 2,1-10 - chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của nền giáo dục này). Rồi như mọi em bé, Maria thích được nghe kể chuyện; và thời đó truyện nào hơn truyện các tổ phụ Abraham, Maisen, Đavit? Là thiếu nữ Sion, Maria được giáo dục lòng yêu nước, thương dân tộc, quý tổ tiên. Là tác phẩm của Chúa Thánh Thần, Maria phải có năng khiếu đạo đức và nhạy cảm rất đặc biệt đối với khía cạnh tôn giáo, đức tin, đức mến, đức cậy trong các câu chuyện về các tổ phụ cũng như về các hành động của Đức Chúa trong dân được tuyển chọn. Nền giáo dục đạo đức này còn là gương mẫu chất vấn chúng ta đang muốn tiến lên trong đời sống thiêng liêng. Rồi thái độ của người đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse, và những người khác, ở Cana cũng như dưới chân Thập Giá, khiến chúng ta phải giả thiết nền giáo dục nhân bản của người rất tinh tế và vững vàng.

Do đó, chúng ta cũng có thể đoán rằng gia đình của người không đến nỗi túng lắm; ít ra không gặp cảnh khốn cùng thương tâm đến nỗi người cha phải đem bán con- và thường là con gái- để có tiền giải quyết một cảnh huống cực chẳng đã. Tội cho đứa bé nào như thế, vì từ đó nó là một đứa nô lệ! Trường hợp của Maria chắc chắn khá hơn nhiều, nếu quả thật lại là con một của gia đình, thì không những được hưởng trọn vẹn tình yêu của cha mẹ, nhưng còn được cả gia tài nữa.

Nhưng phỏng gia đình ấy có gì không? Hầu chắc là không! Cha mẹ của Maria cũng như cha mẹ của Đức Giêsu sau này thuộc thành phần nghèo khó trong dân Chúa, sống bằng lao động và nhất là tựa vào tình thương của Chúa.

Đến tuổi khoảng 13, người con gái được cầu hôn. Đúng ra cha mẹ một người con trai đến nói chuyện với cha mẹ người con gái. Hai bên thoả thuận là có thể đính hôn, tức là bên trai đem sang bên gái một ít tiền và đôi khi với một ít đồ lỡi. Người con gái vui ít mà sợ nhiều, sợ nhất viễn tượng không đi đến hôn lễ được, vì bên trai bỏ- và điều này rất dễ dàng xảy ra, khiến người con gái trở thành mất giá. Suýt nữa Maria đã rơi vào tình cảnh đó, nếu Giuse không phải là người công chính và không có sự can thiệp của Chúa. Sợ bị bỏ, người hôn thê còn sợ son sẻ, sợ goá bụa….

Chúng ta không cần hỏi: Giuse có đem gì thêm vào cuộc đời của Maria không? Vì khi hai người chưa về ở với nhau, Maria đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần rồi. Từ nay không còn gì đáng kể để sánh với Quả có phúc trong lòng Maria nữa. Có thể nói Giuse có đem gì đến, cũng là để cho Đức Giêsu, cho Người được vào hoàng tộc Đavit, giúp đỡ Người khi còn ấu thơ, tập nghề cho Người và nuôi sống Người thôi. Ngược lại Giuse đã nhận được rất nhiều từ Maria, về lòng đạo đức, mà không ai có thể nói hết được….

Như vậy, chúng ta có thể chấm dứt bài I này ở đây. Chúng ta đã nói về Đức Maria cho đến khi người gặp Đức Kitô. Đó là một thiếu nữ Sion bình dị, chia sẻ thân phận những người con gái Israel thời bấy giờ, nhưng người đã nhận được một nền giáo dục đạo đức mô phạm. Phải biết rõ nền đạo đức thời ấy mới hiểu được cô thiếu nữ Sion này. Dần dần chúng ta sẽ gợi lên một số nét; vì về người còn nhiều điều cần nói hơn nữa. Tuy nhiên để thông cảm với tính tò mò, chúng ta cứ tìm hiểu thêm một vài chi tiết lịch sử xã hội.

Chúng ta đã nói: Maria có lẽ sinh vào khoảng năm 20 trước công nguyên, là vì người đã đính hôn vào khoảng tuổi 13, nên hơn Đức Giêsu chừng 15 tuổi. Mà cách tính lịch hiện nay, do sự lầm lẫn của tu sĩ Denys le Petit ở thế kỷ thứ VI, chậm mất khoảng 5 năm. Do đó Đức Giêsu phải sinh vào khoảng 5 năm trước công nguyên và Đức Mẹ vào khoảng năm 20.

Cha mẹ người là ai? Hai bản gia phả Matthêu và Luca đều chú trọng đến dòng dõi Giuse, con cháu Đavit, để Đức Giêsu được gọi là con cháu Đavit theo pháp lý. Và như vậy đủ rồi. Không cần tìm hiểu xem Đức Maria có thuộc dòng dõi Đavit hay không, kẻo không chú trọng đủ đến những điều Phúc âm muốn khẳng định. Tuy nhiên có những cây bút muốn thoả mãn tính tò mò của lòng đạo đức bình dân. Bên cạnh những bản viết được chính thức công nhận để đem đọc công khai trong các buổi họp phụng vụ, đã có rất sớm những bản văn lén lút chuyền đọc "chui", mà tiếng chuyên môn gọi là ngụy thư hoặc ngụy kinh. Vậy ngụy thư Tin Mừng theo thánh Giacôbê nói: Gioankim và Anna là thân phụ thân mẫu Đức Maria, sống rất đạo đức, thuộc thành phần “khó nghèo của đức Giavê”, chia của cải thành ba phần: một phần cho người nghèo, phần khác cho đền thờ, phần sau cho bản thân. Nhưng già rồi mà chẳng có con, hai người khóc lóc thảm thiết. Chúa ban ơn… quá sức tưởng tượng. Nhưng đó chỉ là hư cấu. Mãi đến thế kỷ 15 người ta còn bị ảnh hưởng, đọc câu Lc 3,23 trại đi một chút, thay vì “khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, thiên hạ tưởng Người là con ông Giuse, con ông Êli”, người ta đọc: “Người là con ông Êli, nhưng thiên hạ tưởng Ngươi là con ông Giuse”. Thế là từ chữ Êli, người ta nghĩ đến chữ Êliakim hoặc Gioankim…, và người ta sung sướng vừa thấy tên Thân phụ Đức Maria vừa thấy người thuộc dòng dõi Đavit. Tuy nhiên như đã nói, đừng lan man đi theo tính tò mò mà quên sót những khẳng định chính yếu của Tin Mừng đích thực.

Do đó, cũng chẳng nên thắc mắc về nơi sinh của Đức Maria, cho dù ngay từ thời Constantine, người ta đã lập một nhà nguyện nhỏ tại nơi bây giờ có đền thờ nơi sinh của Đức Mẹ, xây vào thế kỷ XII, gần đền thờ Giêrusalem, chỗ hồ nước Bezatha (Ga 5,2). Tất cả những điều trên cùng lắm chỉ nói lên điều này, là các tín hữu đã bắt đầu tôn kính Đức Mẹ và những gì thuộc về người rất sớm.

Nếu muốn để ý đến những chi tiết không cần, có chăng nên chú ý đến chính tên của Đức Mẹ và phải đọc là Maria, chứ không phải là Myriam như thời còn nói đúng giọng Dothái. Đó cũng là một danh từ thông dụng, có nghĩa là "Bà", nhưng lại thích hợp cho Đức Bà là người nữ xứng đáng hơn hết mọi người nữ. Người ta cũng có thể để ý đến năm sinh của Đức Mẹ, trùng với năm Hêrôđê dùng tới 11.000 nhân công để xây dựng ngôi đền thờ mà sau này môn đệ Chúa nhiều khi trầm trồ khen ngợi. Nhưng ngôi đền vật chất ấy là gì sánh với thân thể Đức Trinh nữ sau này sẽ cưu mang Chúa, cũng đã sinh ra trùng năm xây cất đền thờ?

Thật, tất cả vinh dự của Đức Mẹ là ở chỗ cưu mang và sinh ra Chúa. Người xuất hiện trong lịch sử từ ngày nhận lời truyền tin, và người ta không tìm thấy người ở đâu mà lại không gắn liền với Chúa, để chia sẻ vinh quang của Chúa. Thế gian, dân tộc, gia đình, của cải… của người, có thể nói chẳng là gì. Ngay cá nhân người cũng chẵng có gì khiến ai phải chú ý… nhưng mầu nhiệm thay! Người lại lọt mắt Chúa, khiến lời người nói thật đúng: tôi là nữ tỳ, phận nhỏ khó nghèo, mà Chúa đã dùng để biểu dương sự toàn năng của ngài.

Sự khiêm tốn của Đức Mẹ mà chúng ta nói dựa vào xã hội học và dân tộc Do thái, không được chính sách Tin Mừng khẳng định sao? Chưa phải là lúc nói về việc truyền tin Chúa, nhưng chúng ta có thể đọc lại những câu đầu tiên trong sách Tin Mừng nói về Đức Mẹ. Tính cách khó nghèo của người thiếu nữ Sion hiện ra ngay tức khắc.

Luca viết về hai việc truyền tin: cho Giacaria và cho Đức Mẹ, cách nhau 6 tháng. Một bên trang trọng biết bao, một bên quá sức đơn sơ. Sáu tháng trước, sự việc xảy ra trong đền thờ, sát nơi cực thánh, trong buổi lễ dâng hương, có sự tham dự cầu nguyện của đông đảo dân chúng. Giacaria hôm ấy trịnh trọng khác thường, có thể nói đặc biệt nhất trong suốt đời của ông. Ông thuộc dòng Tư tế. Vợ ông cũng vậy. Hai người được coi là công chính trước mặt Chúa, có đời sống không có gì đáng trách. Hôm ấy là ngày trọng đại nhất cho hai người: đến lượt Giacaria được vào đền thờ dâng hương, vinh dự hầu như chỉ xảy ra một lần trong đời thầy Tư tế đạo cũ…

Sáu tháng sau, mọi việc khiêm tốn hơn nhiều. Maria là một thiếu nữ Sion bình dị, đang ở nhà, tại một làng mà Nathanael cũng như mọi người đều khinh. Luca không nói đến dòng tộc, không nói đến nhân đức của Maria. Người không chờ đợi gì riêng cho mình, đang khi thầy Tư tế kia cùng bạn mình đang khao khát một đứa con. Tuy nhiên, ở nơi tầm thường ấy, cô gái bình dị kia lại được sứ thần Gabriel đến chào kính. Khác với Giacaria, phải vào đền thờ, gặp Thiên thần ở đấy. Gabriel đến mang theo sứ điệp của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến với con người, con người hèn mọn, tại nơi tầm thường, không ai nhìn thấy, để nói lên sự kiện phi thường: tất cả đều là ơn Chúa đến đổ đầy cho nhân loại, cho nhân tính không có công trạng gì (hay ít ra bề ngoài như vậy). Đó là ý nghĩa việc nhập thể, ý nghĩa ơn gọi, ơn tuyển chọn của Đức Mẹ và của chúng ta.

Chúng ta hôm nay hãy dùng tâm tình chân thật của người trong kinh Magnificat và qua những điều chúng ta vừa hiểu biết, để đi vào tĩnh tâm, để đến trước mặt Chúa. Người đã nắn chúng ta từ không, đã gọi chúng ta từ nhỏ, đã chọn chúng ta có lẽ chỉ vì chúng ta kém hơn cả, để bây giờ chúng ta hơn nhiều người và dám nói hơn mọi người vì chức Tư tế tuyệt diệu của chúng ta… Hiện nay, trước mặt người, ai trong chúng ta dám vênh vang? Thánh Phaolô có nói: Tôi chỉ có thể kể ra những sự yếu đuối khi nghĩ về mình thôi, huống nữa là chúng ta? Tôi tưởng chúng ta sẽ sống trung thực:

1. Khi nói như Thánh Phaolô: Tôi biết Đấng tôi tin tưởng là ai! Người không muốn sự chết nhưng sự sống; Người đã ban Con Một của Người cho ta; Người chỉ quý lòng thống hối ăn năn làm vui cả thiên đàng - và điều này cần suy để thấy thật như vậy, khi một người con lạc hướng trở về; - Người đợi chúng ta trong tuần tĩnh tâm này.

2. Cuộc hội ngộ chỉ tốt đẹp nếu chúng ta thật sự chia sẻ lòng thương xót của Chúa, mà cũng biết thưương xót anh em, nhất là anh em linh mục. Nhờ dịp này, chúng ta hãy biết thông cảm những thiếu sót và khuyết điểm của nhau hơn. Đừng khinh, đừng động vào người được xức dầu…, vì Chúa chứ không vì họ!

3. Từ đó, Chúa cũng muốn chúng ta thi hành một mục vụ thương xót, săn sóc người phận nhỏ, dịu dàng với tội nhân, không thù không ghét bất cứ ai; ngược lại còn xin ơn can đảm chịu đựng mọi nhục mạ bất công để có thể tế lễ một cách thấm thía.

4. Cho được như vậy, cần can đảm chấp nhận Công đồng Vatican II khi nói về Giáo hội khiêm nhường phục vụ như mẹ hiền, tận tụy, đảm đang nhưng hiền hoà theo gương Đức Mẹ là Mẹ của Hội Thánh.

5. Và chúng ta cũng cần nhìn vào nền giáo dục gia đình của Đức Mẹ để tự hỏi về việc giáo dục trong các gia đình Kitô giáo hiện nay: có chất liệu Kinh Thánh đủ không? Và có liên kết lòng mến Chúa với lòng yêu dân tộc, yêu xã hội để đào tạo những con người cứu thế không?

6. Cũng như chúng ta cần tập cho giáo dân biết sống đạo khiêm tốn, hiền hoà, noi gương Đức Mẹ; bỏ những thái độ đắc thắng, tự cao của biệt phái đối với những người chung quanh; quan niệm Giáo xứ, Giáo Phận, Giáo Hội như đàn chiên nhỏ trong lòng dân tộc và xã hội.

Để kết thúc, chúng ta hãy đọc lại mấy hàng trong Huấn thị Thánh bộ Truyền giáo gửi cho các vị Đại diện Tông toà đầu tiên của chúng ta: “Không phải nhờ những khéo léo giao tế mà Lời Chúa được phổ bá đâu; song chính là nhờ đức bác ái, nhờ việc coi thường thế sự, nhờ thái độ khiêm nhường, đời sống đơn giản, lòng kiên nhẫn, tinh thần cầu nguyện và các nhân đức tông đồ khác mà thôi”.

Không phải gia thế hoặc thân thế của Đức Maria đã làm cho người được muôn đời ca khen là diễm phúc, nhưng chỉ vì Đấng Tối Cao đã làm cho người những việc cao cả. Người còn tiếp tục nâng những người phận nhỏ lên. Người kêu gọi chúng ta!

BÀI II: ĐỨC MẸ LÀ DÒNG DÕI ĐẶC TUYỂN CỦA ISRAEL

Thực ra khi nói Đức Mẹ là thiếu nữ Sion, chúng ta hầu như đã chỉ dùng lăng kính xã hội học chứ chưa nói theo ý của Giáo Hội đâu. Và cũng vội vã nữa, vì xã hội Do thái không phải như các dân tộc khác. Họ là dân được tuyển chọn. Do đó nói về người của dân tộc ấy, nhất là những người đặc biệt và tiêu biểu, cần phải chú trọng rất nhiều đến ơn gọi của họ. Thế nên bài này phải bổ sung cho bài trước và nói về Đức Mẹ Là Dòng Dõi Đặc Tuyển Của Israel, để hiểu đúng ý của Giáo Hội khi tuyên xưng Đức Mẹ là thiếu nữ Sion.

Thiên Chúa đã không chọn riêng cho mình một dân tộc vĩ đại, văn minh, thịnh vượng, thế lực. Người đã chọn một người cao niên, thân đã tàn, để sinh ra một dòng dõi trong tuổi già và chúc phúc cho họ hơn mọi dân tộc khác. Người chỉ đòi hỏi một điều kiện là Niềm tin. Tin Người là Chúa duy nhất, siêu việt nhưng nhân ái. Và niềm tin ấy phải tuyệt đối. Abraham đã tỏ ra xứng đáng với ơn tuyển chọn của Người. Ông không ngần ngại đưa Isaac đi hiến tế. Chắc chắn khi ấy nhìn về phía trước, đôi mắt xác thịt của Abraham không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng niềm tin của ông vẫn khẳng định Chúa sẽ giữ lời hứa.

Nhưng trong miêu duệ ông, không phải người nào cũng xứng đáng như vậy. Đa số không chịu nổi thứ tôn giáo đòi hỏi quá mức sánh với các lân quốc. Thờ một Chúa đã khó. Không được diễn tả Người theo bất cứ ảnh tượng nào lại còn khó hơn nữa. Đạo gì mà cứ phải sống như luôn đi trước mắt Đấng Vô Hình! Luật pháp cao siêu thật đấy, nhưng càng đọc càng thấy phải thanh tẩy tâm hồn và đời sống! Thế mà phải mang luật ấy trên trán, trên ngực, khi đi, khi đứng, lúc ở nhà cũng như lúc lên đường…Từ thế hệ này sang thế hệ khác, đa số người dân được tuyển chọn đã bất trung, sa ngã. Nhưng mỗi dịp như vậy lòng nhân ái trung thành của Chúa lại tỏ hiện hơn và cũng đòi hỏi hơn. Lời các ngôn sứ lại còn thiêng liêng hơn cả những điều viết trong luật pháp. Những con người xác thịt không thi hành. Nhưng một số ít, những phần tử được tuyển chọn, vẫn không ngớt lắng nghe, suy niệm và thi hành các sấm ngôn. Họ là những con người đơn sơ chất phác, thanh bạch đến nỗi được gọi là hạng nghèo khó của Đức Chúa. Đối với họ, Đức Chúa là tất cả, còn mọi sự chỉ là hư không. Sáng sáng họ mở tai môn đệ nghe lời Người. Tâm hồn họ không ngớt nhớ Luật Pháp. Và trong cuộc sống họ quí trọng khôn ngoan đạo đức hơn tất cả vàng bạc châu báu.

Maria lớn lên trong môi trường này. Hơn nữa, là người được Thiên Chúa tiền định làm Mẹ Đấng Cứu Thế, người không thể thua ai trong lớp tuổi của người về việc đáp trả ơn Chúa kêu gọi và tuyển chọn. Lời sứ thần Gabriel kính chào “Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”, là lời chứng không thể bác bỏ. Lời ấy gợi lên một giao ước sống động: Thiên Chúa luôn ưu ái nhìn xuống Maria và Maria luôn dâng lòng mình làm nơi Thiên Chúa ngự. Giao ước cũ linh động nhất ở nơi người. Ơn Thiên Chúa tuyển chọn dân Israel thành công nhất ở nơi người. Người là dõng dõi tuyển chọn dân Israel theo nghĩa sâu xa đó. Thái độ của người trong câu truyện truyền tin nói lên rõ ràng, đối với người, Thiên Chúa là tất cả và mọi sự dường như không có. Rồi lời kinh Magnificat của người cho thấy rõ người thuộc thành phần những người nghèo khó của Đức Chúa, sống bằng lời Chúa và đặt trọn niềm tin cậy vào ơn cứu độ. Lời kinh ấy phản ánh trung thực và sâu sắc nền đạo đức thuần thúy nhất của Cựu Ước. Niềm tin buổi ban đầu của Abraham nay đã nở thành hoa. Chưa bao giờ dòng dõi ông phát huy hết ơn gọi của mình như ở đây. Người ta sẽ dễ hiểu thái độ của Đức Mẹ trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế hơn, nếu người ta đọc được lòng đạo đức của người trong bản thi ca tuyệt mỹ ấy. Với những người giáo dân chất phát khó đi vào được những phân tích Thánh Kinh khoa học, chúng ta chỉ cần biết diễn tả thái độ của Đức Mẹ khi nghe lời Chúa, suy niệm trong lòng, mau mắn thi hành, giữ hết tất cả những điều Luật dạy, thường xuyên vào các Hội đường trong ngày Sabat và hàng năm trẩy lễ lên Giêrusalem, là ai ai cũng phải thán phục lòng đạo đức của Đức Mẹ. Đó là bông hoa của Cựu Ước, là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là dòng dõi được tuyển chọn của Israel….

Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy lời chứng trong những lời đầu tiên mà sách Tin Mừng nói về Đức Mẹ. Tôi không muốn đi vào chuyên môn, nhưng tôi phải bắt chước Đức Mẹ. Sửng sốt, bỡ ngỡ hoặc rối trí không biết lời chào ấy có nghĩa gì? Đó là lời Gabriel nói với Đức Maria. Chưa nói đến cả câu. Hãy nói đến chữ đầu tiên thôi: Thật lạ, Gabriel không chào bằng công thức thông thường: Ave, Kính mừng. Có người muốn dịch chữ đầu tiên từ miệng Gabriel như vậy thôi. Cha Lyonnet đã nghiên cứu tỉ mỉ và không đồng ý như vậy. Đó không phải là chức tương đương với ý nghĩa Shalom là bình an, là chào kính theo kiểu Do Thái. Chữ của Luca là chữ của bản LXX, tức là Khairê, là hãy vui lên. Vì nếu là từ chào, sao không có tên Maria kèm theo, như trường hợp với Giacaria ? Và tại sao Maria lại thấy xao xuyến ? Nếu không có ý nghĩa vui mừng, thì đây không phải là tin vui nữa sao, đề tài của những đoạn đầu của sách Tin Mừng ? Sau này mục tử còn được loan tin vui, các môn đệ cũng vậy (Ga 15,11; 16, 24; 17,13), chỉ trừ Đức Mẹ ư? Không, đây là tin vui. Lời chào này gợi lại Zacarya 9,9 : “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion ! Hãy nhảy lên hỡi cô gái Giêrusalem ! Này vua ngươi đến”. Những lời này không hợp nhất cho Đức Mẹ sao ? Người là thiếu nữ Sion, tên riêng của người đó. Sôphônia 3,14-17 và Giôel 2,21.23-27 cũng nói như vậy. Và hãy kể thêm Isaia 54,1 : “Hãy reo lên, hỡi người son sẻ…”. Những lời ấy quá hợp cho Đức Mẹ, báo cho người biết ơn cứu độ, Cứu Chúa đã đến… Người Trinh Nữ sẽ thụ thai… Lời Gabriel không khẳng định Maria là thiếu nữ Sion tuyệt vời sao ?

Nhưng còn hơn thế nhiều, Maria đã được báo trước trong Cựu Ước, và nhất là được cả Cựu Ước chuẩn bị cho để xuất hiện. Đó là những điều cần được chú ý. Chúng ta biết ba đoạn văn thường được đọc trong các lễ về Đức Mẹ: Is 7,14; Mi 5,1-2; Kn 3,15. Cho dù vị Ngôn sứ ở thế kỷ VIII chỉ muốn trực tiếp nói đến một dấu hiệu tức thời để trấn an dân Chúa đang cơn nao núng: một thiếu nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai mà nàng sẽ đặt tên cho là Emmanuel, để chứng minh rằng Đức Chúa không bỏ dân rơi vào tay quân xâm lược. Hài nhi ấy có thể là Êzêkia. Nhưng chẳng bao lâu sau, người ta đã nhận ra lời sấm ấy phải hiểu xa và sâu hơn nhiều. Do đó bản văn LXX đã thay chữ “thiếu nữ” bằng “trinh nữ”, và chẳng hài nhi nào xứng đáng mang tước hiệu Emanuel bằng Đấng Cứu Thế sẽ đến sau này. Thế nên Thánh Mathêu đã không chút do dự áp dụng lời sấm kia vào Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu. Và ngài cũng bắt luôn lời sấm của Mikê nói về thị trấn Belem nhỏ bé, sẽ là nơi phát xuất của Đấng Con Vua Đavít sẽ chào đời khi đến một lúc người phụ nữ được tiền định sẽ mãn nguyệt khai hoa. Mikê đã giải thích Isaia trước Mathêu. Và có hai ngôn sứ có thể cũng đã giải thích câu 3,15 sách Sáng Thế (Khởi nguyên). Ở đây, Thiên Chúa quyết định tạo dựng một dòng dõi loài người mới, thay thế dòng dõi Adong và Evà đã phạm tội và sắp bị luận phạt. Tước hiệu Đức Maria là người nữ mới tuyển chọn người, để có dân được tuyển chọn, chứ người không phải chỉ là ngôi sao của dân được đặc tuyển như trên đây đã nói.

Và cũng chính điều này khiến chúng ta có thể khẳng định hình ảnh Đức Maria bàng bạc khắp nơi trong Cựu Ước, vì diễn tiến của lịch sử cứu độ chỉ là những bước dẫn tới việc thực thi lời hứa từ muôn thuở: Miêu duệ người nữ ấy sẽ đạp dập đầu mày (x.Ga 4,4-5). Niềm tin của dân Chúa không những dễ nhận ra các nét đặc biệt trong Cựu Ước, như: Evà, Sara, Đêbôra, Yuđita, Esther, mà ngay cả những hiện tượng thiên nhiên, nhiều biến cố lịch sử, nhiều thiết định phục vụ, cũng được hiểu về Đức Maria một cách dễ dàng. Người ta chào người là Sao Mai và Hừng Đông đến trước Mặt Trời mọc, là Cầu Vồng nối đất với trời, là sương sa làm nảy sinh mầm non, là đất tốt sinh ra hoa trái. Người cũng được ví như địa đàng tiếp nhận nhân loại mới, như tầu Noe giữ được sự sống khỏi biến đi, là thang Giacóp nối trời và đất, là bụi gai cháy mang sự hiện diện của Đức Chúa mà Maisen đã nhìn thấy, là chùm lông cừu mà Ghêđêon đã trải ra đón nhận sương trời… Dĩ nhiên mọi hình ảnh trên chỉ được sáng lên khi được ánh sáng Tân Ước chiếu vào; nhưng Cựu Ước chẳng tìm thấy hết ý nghĩa của mình trong Tân Ước sao? Cũng vậy, giá trị và tầm quan trọng mà Cựu Ước dành cho Đền Thờ, cho cung thánh, cho hòm bia, cho hộp đựng Manna, cho cửa cấm dành riêng cho Thiên Chúa đi vào… tất cả đã trở nên ý nghĩa khác thường khi được coi là hình ảnh tiên báo về Đức Mẹ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta phải dành sự chú ý đặc biệt cho mấy quan niệm rất mầu nhiệm nhưng vô cùng phong phú, từng ám ảnh tâm trí dân cũ. Những người này luôn luôn tự hỏi về chân tính đích thực của Đức Khôn Ngoan, hiện diện ngay trong tư tưởng của Đấng Tạo Hóa, được Người quí chuộng, cộng tác với Người trong mọi công việc và đặc biệt trong việc thông ban ân phúc cứu độ cho loài người. Tước hiệu Đức Maria là Tòa Đấng Khôn Ngoan chỉ hiểu được khi đọc lại những trang Cựu Ước mầu nhiệm nói về Đức Khôn Ngoan. Còn người bạn của Đức Chúa, người hiền thê trong sách ngôn sứ, người bạn tình trong Ca Đệ Nhất (Diệu Ca), người vợ của Hôsê, đích thực là ai? Là dân Chúa với những nét rất phong phú, đến nỗi chẳng có thể chỉ là dân Do Thái… mà phải là Israel lý tưởng, là dân được tuyển chọn, dân đáp lại ơn gọi của mình… mà tuyệt đỉnh là Đức Maria. Trước và sau người không cá nhân, đoàn thể nào được như vậy, trong khi người vẫn chỉ là một thành phần trong dân được tuyển chọn.

Nhìn người như miêu duệ của Adong, của Abraham, của tộc Giêsê, để nêu rõ tư cách đặc tuyển của người là phải; nghiên cứu về lòng đạo đức chân thành sâu xa của con cái Israel để tìm hiểu tâm hồn người là hay; khai thác những sấm ngôn ít nhiều trực tiếp nói về người sẽ gợi lên được chỗ đứng ưu việt của người. Nhưng vẫn chưa đủ ! Lịch sử cứu độ là mầu nhiệm, dẫn đến người và Đức Kitô, nói đúng hơn, đến Đức Kitô có người ở bên. Người ở trong chương trình mầu nhiệm, mà đã là mầu nhiệm thì không thể trình bày khách quan nhưng phải bơi vào để thấy càng ngày càng bát ngát và sâu thẳm. Đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã tạo dựng và không ngớt tỏ hiện quyền năng và yêu thương qua thời gian và không gian, đặc biệt qua việc tuyển chọn dòng dõi Abraham, giao ước với con cái Israel, mà luật pháp và Sứ ngôn đem dần đến mạc khải Tân Ước, mở đầu bằng việc Đức Maria sinh ra Chúa Cứu Thế. Do đó, không phải Cựu Ước giúp ta hiểu Đức Mẹ, nhưng chính Đức Mẹ chiếu sáng trên lịch sử dân được tuyển chọn. Thiên Chúa kiên trì theo đuổi chương trình kì diệu của Người vì Đức Mẹ, để Giao ước thành đạt. Tình yêu của Thiên Chúa muốn tìm một tạo dựng vẹn toàn để yêu thương như con, như bạn, để đặt làm mẹ sinh ra dòng dõi đạp đầu con rắn. Tạo dựng ấy có tên là Maria, Đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở với người.

Chắc chắn trước và sau người không ai được như thế ! Nhưng những người ở trong dòng dõi được tuyển chọn phải chiêm ngưỡng ơn gọi ở nơi người và phải bắt chước người. Đó là ơn gọi gắn liền với Đức Giêsu Kitô. Nên Linh mục chúng ta hãy nhờ Đức Mẹ sống mật thiết hơn với Con của người, bằng chuyên cần đọc Tin Mừng để hiểu và yêu mến Đức Giêsu hơn, để mang lấy Người trong mình khi cầu nguyện, dâng lễ, làm các bí tích, thi hành mục vụ… Hầu tôi sống, nhưng không, chính Đức Kitô sống trong tôi. Tôi là một "Alter Christus", phục vụ Nhiệm thể và cứu độ trần gian. Tôi biểu dương thế nào là đời sống Kitô giáo. Tôi quan tâm siêu nhiên hóa, thiêng liêng hóa, nội tâm hóa đời sống con người và xã hội. Tôi phục vụ Lịch sử cứu độ chứ không xây nếp sống trần gian. Người ta dễ hiểu giáo lý tôi giảng khi đời sống của tôi là bài giảng đó.

Tôi phải bắt chước Đức Mẹ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, quan sát lắng nghe, tìm hiểu người như một môn đệ ngoan ngoãn. Và mỗi khi tôi đến với Đức Mẹ hãy để người nói cho tôi biết về Chúa Giêsu, xin người mạc khải Chúa Giêsu cho tôi, giúp tôi yêu mến Chúa Giêsu. Nhưng sở dĩ Đức Mẹ có thể gắn bó với Chúa Giêsu là vì trước đó, người đã gắn bó với dân Chúa. Như ngày hôm nay chúng ta tìm hiểu. Chưa đến lúc Mẹ Maria gặp Sứ Thần truyền tin Chúa. Maria đã gắn bó với dân Chúa, đồng hóa với dân Chúa, sống niềm tin, đức mến, đức cậy của dân Chúa. Đức Mẹ cũng làm gương cho chúng ta về điểm này. Muốn kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta phải gắn bó với dân Chúa là Hội Thánh. Hội Thánh địa phương là Giáo phận. Chính Hội Thánh đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu qua bí tích Rửa tội, Thêm sức : nhất là chính Hội Thánh đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu, gục đầu vào lòng Chúa Giêsu trong bí tích Truyền Chức Thánh. Hội Thánh còn là người mẹ sẽ an táng, đưa linh hồn chúng ta về đời sau. Chúng ta hãy biết ơn, mến yêu Hội Thánh. Hãy sống cho Hội Thánh và Hội Thánh hữu hình địa phương là Giáo phận. Nếu chúng ta chỉ biết Giáo xứ, không nhìn xa hơn Giáo xứ, không quan tâm phục vụ gì ngoài giáo xứ, chúng ta thiếu sót bổn phận đối với Hội Thánh. Trong hai Thánh lễ truyền chức vừa qua, tôi đã muốn làm cho mọi người hiểu Linh mục thuộc về Hội Thánh : không còn là người của gia đình nữa. Tôi muốn đi thêm một bước nữa, tuy tôi đã cố gắng nhưng chưa cương quyết: là lúc chết, linh mục cũng hãy hoàn toàn là người của Hội Thánh, của Giáo phận. Giáo xứ lo được tí nào cho Linh mục vừa nằm xuống, Giáo phận xin cám ơn nhưng phải theo ý Giáo phận. Giáo phận lo hết những gì Giáo xứ không làm được. Huống nữa là đối với gia đình Linh mục. Giáo phận trân trọng và thành thật chia buồn với gia đình, mời gia đình tham dự lễ an táng nơi dành riêng, ngõ lời cám ơn gia đình. Nhưng cũng như hôm chịu chức, tôi không muốn gia đình đứng ra cám ơn, làm như thế linh mục còn là người của gia đình. Tôi không hiểu anh em có sẵn sàng chia sẻ quan điểm đó với tôi không? Nếu vậy, linh mục chúng ta hãy sống tháo gỡ dần dần những bó buộc mình vào gia đình, ngay cả vào giáo xứ, nhất là vào một vài gia đình cho dù là gia đình thiêng liêng. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã đi trước chúng ta dạy chúng ta bài học này. Chúa đã dạy ngay cả Abraham. Ông đã nhìn thấy gương của Người mà hy sinh sát tế mối dây dàng buộc huyết nhục, nên được kể là công chính. Chúng ta hãy sống cho giáo phận, lo cho giáo phận, cũng như tin tưởng yên tâm để giáo phận lo cho mình, thì sẽ thuộc về Hội Thánh, để dễ thuộc về Chúa Giêsu hơn. Nhất là hãy tránh đừng vì tư lợi mà để giáo phận thiệt hại, vì ý riêng của mình mà khiến giám mục gặp khó khăn, thiệt hại cho giáo phận.

Cụ thể hơn nữa, ngày chịu chức, chúng ta là người của giáo phận khi đi vào Linh mục đoàn. Hãy đề cao, xây dựng, vun đắp cho Linh mục đoàn giáo phận, để chúng ta được hạnh phúc. Hôm lễ truyền chức, tôi đã dám nói với người sắp được tuyển chọn : bất hạnh cho con khi con xa rời hàng ngũ các anh linh mục kính yêu hôm nay nhận con vào lòng Giáo Hội địa phương! Người muốn có vinh dự hơn linh mục đoàn, trước sau sẽ hổ ngươi bẽ bàng. Ai ở trong Linh mục đoàn, sống tinh thần Linh mục đoàn cách sâu sắc, sẽ giống như Đức Mẹ sống hết tinh thần của dân Chúa.

Những linh mục yêu mến Hội Thánh một cách chân thành, cụ thể, để gắn bó với Đức Kitô và công cuộc của Người, cũng biết lôi cuốn giáo dân vào con đường tốt đẹp ấy. Không ai không biết người giáo dân Việt Nam nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến Hội Thánh. Nếu không ý tứ, linh mục hứng lấy tất cả cho mình những tâm tình, thái độ và hành động tốt đẹp mà Giáo dân muốn dâng cho Giáo Hội. Ước gì linh mục ý thức rằng, các cảm tình và sự giúp đỡ của Giáo dân muốn và phải được đưa đi xa hơn và đưa lên cao hơn cá nhân con người linh mục, để giáo dân cũng thực sự biết noi gương Đức Mẹ sống gắn bó với dân Chúa.

Và họ cũng phải sống cho dân tộc. Đây không phải là giới răn mới. Hai ngàn năm trước chúng ta, Đức Maria đã gắn bó với dân tộc mình. Giáo lý ngàn đời của Hội Thánh, đặc biệt của công đồng Vatican II thúc giục các linh mục chúng ta phải chia sẻ vận mệnh của quê hương và đưa giáo dân vào con đường sống đạo giữa đời. Biết bao nhiêu nhân đức và nét đẹp của đạo có thể làm phong phú đời sống dân tộc! Linh mục, giáo dân hay nhìn Đức Mẹ là người thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tinh hoa của Dân được tuyển chọn.

Xin Mẹ chỉ bảo đàng lành dẫn đưa chúng ta vào Lịch sử cứu độ. Xin người là Mẹ và Thày dạy đường thiêng liêng, giúp chúng ta sống và hoạt động xứng đáng là người được đặc tuyển của Dân được tuyển chọn.

TĨNH TÂM LINH MỤC. BÀI III: ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Hai bài trước chúng ta đến gặp Đức Mẹ trong Tân Ước. Nhiều người tiếc: Tân Ước không có một quyển sách riêng về Đức Mẹ, trong khi có một quyển về công vụ các Tông Đồ. Hơn nữa, Đức Mẹ cũng chẳng chiếm nhiều trang trong sách Tân Ước. Những trang ấy lại chẳng nối kết với nhau. Đức Mẹ quá khiêm nhường! Nhưng thánh Thomas de Villeneuve viết : “Tôi đã nhiều lần tự hỏi : Tại sao các tác giả Phúc Âm viết quá sơ sài về Đức Trinh Nữ Maria như thế? Tại sao?... Phải, tại sao? Và tôi có lẽ chỉ có một câu trả lời… là Chúa Thánh Thần muốn như vậy. Vinh quang của Đức Trinh Nữ chỉ hoàn toàn nội tâm, nên dễ nghĩ hơn là diễn tả. Và đã viết đủ về cuộc đời của người rồi, khi đã viết người là Mẹ Thiên Chúa. Bạn thử nghĩ xem còn nét đẹp nào, nhân đức nào, ân sủng nào, vinh quang nào không có trong thiên chức làm Thân Mẫu Thiên Chúa?”.

Đúng, nơi Đức Mẹ, không ân sủng và tước hiệu nào sánh được với việc người đã sinh ra Chúa Cứu Thế. Mọi đặc ân và vinh quang khác đều tùy thuộc, gắn bó với ơn đặc biệt này. Và đây cũng là điều đầu tiên các sách Tin Mừng cho chúng ta biết về Đức Mẹ (Mt 1,18-25; Lc 1, 26-38). Chính Thiên Chúa dùng miệng sứ thần của Người giới thiệu Đức Mẹ với chúng ta là người nhờ quyền năng Thánh Thần sẽ sinh ra “Đấng Cứu Chúa ở cùng chúng ta”. Và đức tin của dân Chúa ở đây không bao giờ rung động. Sự xuất hiện của những lạc giáo hòai nghi về thiên tính của Đức Giêsu chỉ là dịp càng làm nỗi bật hơn nữa tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Có chăng chỉ còn một số người chưa đồng ý với Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Đồng Trinh, đồng trinh trọn đời, đồng trinh cả trước, trong và sau khi sinh. Chúng ta chẳng cần làm công việc biện giáo hoặc hộ giáo, nhất là ở đây. Tuy nhiên hiểu biết là điều cần để đời sống thiêng liêng đạo đức của chúng ta được thêm phong phú.

Chúng ta hãy bắt đầu với các sách Tin Mừng. Matthêu đứng về phía truyền thống Giuse nhiều hơn, trong khi Luca lại dùng truyền thống về Đức Maria. Cả hai khẳng định việc thụ thai trinh khiết của Đức Mẹ. Giọng văn bình tĩnh, lối thuật trong sáng của các ngài, cho thấy các ngài và độc giả thời các ngài không có vấn đề nào. Đức Mẹ sinh con mà vẫn đồng trinh là một sự kiện lịch sử, thế thôi. Chỉ sau này mới có kẻ đâm ra thắc mắc, nhân dịp nghĩ đến nhiều chuyện khác, như chuyện tội nguyên tổ và sự lưu truyền của tội ấy chẳng hạn. Nhưng chẳng đám mây đen nào từ đâu kéo tới có thể che lấp được vẻ trong sáng của các lời Tin Mừng.

Mt 1,23 nói rõ : “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai”. Vẫn biết tác giả trích lời ngôn sứ Isaia. Nhưng người hữu ý dùng bản LXX, cho dù người biết các kinh sư Do Thái đồng thời không nghĩ như vậy. Hơn nữa, người muốn dùng chứng của chính Giuse cho có giá trị hơn! Quả thật, Giuse đã được đưa vào mầu nhiệm để làm chứng cho mầu nhiệm nơi Đức Trinh Nữ: “Maria cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (1,20). Không chối bỏ được sự việc hiển nhiên ấy, có người muốn phủ nhận sự đồng trinh của Đức Mẹ khi nói sau Đức Giêsu, Đức Maria còn có những người con khác. Họ không hiểu ngôn ngữ Thánh Kinh khi nói về các anh em "họ" của Đức Giêsu. Nhất là họ không hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa. Họ không nhớ lời Đức Giêsu nói về những lý do có thể có về việc đồng trinh (Mt 19,10-12). Maria và Giuse là những người đầu tiên gặp Nước Trời và hiểu Nước Trời hơn ai hết mà không biết bỏ và bán mọi sự để được Nước Trời sao ? Bao nhiêu điều các sách Tân Ước viết về các trinh nữ và về Hội thánh đồng trinh, sẽ hiểu sao được khi không tin Đức Mẹ đồng trinh ?

Tuy nhiên người ta thích nhắc đến bài tường thuật của Luca hơn. Đó là lời chứng của Đức Mẹ. Tế nhị lắm, nhất là khi đem so sánh với việc mới xảy ra được sáu tháng. Cũng thiên thần Gabriel đã đến với ông Zacaria: "Này, đừng có sợ, Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai." "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã quá tuổi…" "Thì ông sẽ câm không nói được cho đến khi các điều ấy xảy ra.… Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai". Câu chuyện tuy lạ nhưng vẫn còn thường tình, và cũng xảy ra nhiều trường hợp tương tự. Cứ đọc các bài tường thuật ấy, rồi nhìn vào câu truyện truyền tin cho Đức Mẹ. Người ta sẽ đi và một thế giới khác, không còn thường tình nữa. Rõ ràng Đức Maria thụ thai bởi Thánh Linh. Rõ ràng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Rõ ràng Đức Maria không còn phải thắc mắc : "Làm sao có chuyện ấy được vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Và Maria chỉ còn biết thưa: "Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói".

Mọi lời giải thích thêm đều dư thừa. Tuy nhiên chúng ta đừng vội bỏ qua mà không bắt lấy một số gợi ý phong phú khác. Câu thắc mắc của Đức Mẹ có thể làm ta nghĩ tới một lời khấn đồng trinh nào của người không? Đó là ý kiến của thánh Augustinô và sau đó của rất nhiều người. Nó có thể trả lời những vấn nạn xưa kia rất dễ dàng, những vấn nạn căn cứ nguyên vào việc Maria đã đính hôn với Giuse. Maria đã đính hôn thật chứ, nhưng là theo thông lệ thời bấy giờ; và hơn nữa để có thể có một người dễ thông cảm với quyết định sống đồng trinh của mình, nơi Giuse người công chính. Nhưng người thời nay lại vấn nạn có vẻ thông thái hơn: Làm sao Maria có thể khấn đồng trinh được cả khi môi trường xã hội Do Thái thời bấy giờ coi người nữ không chồng là một bất hạnh. Nhưng thật ra lịch sử đã đem lại nhiều ánh sáng mới. Nhất là các khám phá mới đây ở Qumran cho thấy vào thời Đức Mẹ, không thiếu các người đạo đức sống độc thân. Và sự kiện này khiến người ta phải đọc lại Cựu Ước và thấy rằng nền đạo đức ở đây không phải không hướng về một sự đồng trinh vì Nước Trời đâu.

Tuy nhiên chúng ta hãy theo lập trường của các nhà Kinh Thánh thời danh (Lyonnet, Feuillet…), đừng dùng những danh từ “khấn hứa” để nói về Đức Mẹ kẻo người thành các nữ tu thời nay. Hãy nhìn người như một thiếu nữ Sion thanh bạch, trong trắng và nhất là đạo đức. Hãy nhìn người như Gabriel hôm truyền tin đã thấy người. Maria là người được Thiên Chúa sủng ái. Người tôn thờ Đức Chúa một cách tuyệt đối. Người hơn một thiếu nữ trước khi vào dòng, nếu được ví như vậy. Người có tâm trạng khó tả, muốn quyết mà chưa thể định vì ý sâu xa của mình khó giải thích quá và chắc chắn không được sự tán đồng. Người chờ đợi một dấu hiệu, một sự thông cảm của Giuse chẳng hạn… Đúng lúc ấy sứ thần Gabriel đến. Thiên Chúa ban cho người quá sức tưởng tượng. Đúng là Tin Mừng Chúa gửi đến cho người. Gabriel bảo người vui lên là có lý. Lời sứ thần ám chỉ ơn cứu độ. Ơn ấy đến với người và cho chúng ta. Thiên Chúa đã đem giải pháp đến cho người, nên người có thể bình tĩnh trước sự băn khoăn sau này của Giuse. Phúc cho người vì đã tin !

Đức tin kéo ơn Chúa xuống. Ở đây Thánh Thần đến, đưa Maria vào dưới bóng Đấng Tối Cao. Người ta có thể nhớ lại bao hiện tượng trong Cựu Ước. Nào việc Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước để tạo dựng (Kn 1,2), nào việc mây che phủ Lều Hội Ngộ (Xh 40,34-35), nào việc mây của Đức Chúa che phủ con cái Israel nơi samạc (Ds 10,34), nào việc mây xuống đầy nhà Giavê (1V 8,10). Nhưng không nơi nào sự hiện diện của thần tính lại cụ thể như nơi Đức Maria. Chính việc Thánh Thần đến như thế mà Hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Việc Maria thụ thai trở thành không tiền khoáng hậu. Đức Giêsu sẽ là Thiên Chúa sinh ra làm người. Là Thiên Chúa, Người là Con của Chúa Cha; là con người, Người là Con của Đức Trinh Nữ. Nhưng Người đã sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần mà không làm thiệt hại sự vẹn tuyền của Đức Mẹ.

Chúng ta đừng tưởng sách Tin Mừng thứ IV không nói về việc Đức Mẹ đồng trinh sinh Chúa. Sách này ra sau. Tác giả cũng như độc giả đã biết sách Tin Mừng Nhất lãm. Điều đã rõ rồi, tả lại làm gì ? Nhưng suy niệm thì vẫn cần. Lời tựa của Gioan là tư tưởng bay cao như cánh chim Phượng hoàng. Ông khẳng định : “Đức Giêsu là Ngôi Lời đã làm người để cho những ai tin vào Danh Người được quyền trở nên Con Thiên Chúa… không phải do khí huyết, cũng chẳng phải do ý muốn tự nhiên của con người, hoặc do ý muốn của phái nam, nhưng chính Thiên Chúa đã sinh ra họ”. Gioan đã không muốn trình bày đức tin của ông về việc giáng sinh của Con Một Thiên Chúa bởi Đức Mẹ đồng trinh sao?

Một cái nhìn tổng quát như vậy đã quá đủ cho chúng ta xác tín. Nhưng đọc kỹ hơn một tý, chúng ta sẽ thấy thánh Thomas de Villeneuve đã không có lý hoàn toàn đâu khi nói tới các sách Tin Mừng đã viết sơ sài về Đức Mẹ. Chúng ta thử lấy lại đoạn văn quen thuộc nhất, đoạn văn Truyền tin. Hôm qua chúng ta đã nói đến lời đầu tiên mà sứ thần Gabriel đã thốt ra khi đến với Đức Mẹ. Thật tiếc, bản dịch mới cũng chỉ dùng lại câu: "Kính chào Bà". Bản dịch TOB sâu sắc hơn khi dùng câu: Sois yoyeuse và tham chiếu với lời sấm của Sophonie, của Zacharie, để khẳng định đây là câu đưa Tin Mừng cứu độ về Đấng Thiên Sai. Không hiểu như vậy, những sấm ngôn kia và những lời sấm của Yô 2,21 cũng như của Is 54,1 chỉ còn là những lời văn chương không áp dụng đúng được cho trường hợp nào cả. Và bản văn của Luca sẽ lạc lõng trong bối cảnh và văn mạch của lúc khởi đầu Tin Mừng.

Tuy nhiên, những lời sau của Luca có thể nói còn khiến chúng ta hiểu về Đức Mẹ hơn nữa. Lời vừa rồi muốn loan tin cho thiếu nữ Sion đích thực. Lời sau thật độc đáo, dành riêng cho Đức Mẹ, không được dùng ở chỗ nào khác, trừ Ep 1,6: “Ân sủng Người đã đổ đầy chúng ta trong Con yêu dấu của Người”. Nhưng chính câu này lại giúp chúng ta bắt được ý của Luca. Nay ở trong Con yêu dấu của Chúa, chúng ta mới được đầy ân sủng. Còn Đức Maria đã được chào là con - người - đầy - ơn - sủng ngay cả trước khi thụ thai Ngôi Lời. Chỉ người có tên riêng đặc biệt ấy. Kekharitoménè: Đầy ơn sủng hay "sung sủng". Sách Huấn Ca 9,8 bảo đừng có đưa mắt nhìn người nữ Kekharitoménè, đầy nhan sắc. Ở đây, Gabriel không được vô phép như vậy. Thiên thần không có thân xác, không có cái nhìn xác thịt, chỉ có cái nhìn thiêng liêng, chiều sâu tâm hồn; và như vậy tâm hồn Maria đẹp một cách linh thiêng (do đó nay có lễ Đức Maria là tình yêu xinh đẹp) tràn đầy vẻ đẹp. Ừ, từ "đầy" nhắc chúng ta nhớ đến có nhiều thứ ân sủng…, nhưng mọi ân sủng qui về một mối là Thánh Thần. Tâm hồn đầy Thánh Thần là đầy ân sủng, là đầy sự thánh thiện, đầy ơn thánh hóa. Từ bao giờ? Gioan Tẩy Giả được đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ (Lc 1,15). Không lẽ Đức Mẹ thua kém. Chính người đem ơn ấy đến cho Gioan. Như vậy, ngay từ khi được thụ thai, Đức Mẹ đã đầy ơn sủng và ta có thể dựa vào đây để nói về việc đầu thai vô nhiễm của người. Tuy nhiên, ở đây chỉ cần khẳng định với Gabriel : Tâm hồn Maria (nói tắt Maria) xinh đẹp lạ lùng. Lời chào ấy quả thật gây bối rối cho Maria. Người không sợ như Giacaria. Thiên Thần không làm cho người sợ. Người chỉ sửng sốt về những lời vừa nghe động đến nội tâm tinh tế của một thiếu nữ đạo đức.

Lúc này sứ thần phải trấn an Người: “Đừng sợ, Maria ạ”. Luca đã viết trước lời trấn an của Chúa Giêsu phục sinh sau này, đặc biệt với Maria. Người gọi tên bà và bà đã sung sướng nhận tin phục sinh. Ở đây Đức Maria được trấn an và nhận tin sinh Con Thiên Chúa. Maria bắt được ngay nội dung và phản ứng nhẹ nhàng, tin tưởng nhưng nhiều ý nghĩa: "Làm sao được, tôi không biết người nam". Chính câu này ám chỉ trạng thái của tâm hồn Maria : không nghĩ gì đến người nam? Vì Maria đã thấm đầy Lời Chúa. Chỉ đọc Cựu Ước cũng đã thấy Đức Chúa khao khát tìm thấy trái tim của dân Người hòan toàn thuộc về Người. Ngày nay chúng ta xác thịt nặng nề còn hiểu được như vậy, huống chi một tâm hồn đã được Chúa Thánh Thần nhào nặn, cư ngụ ngay từ đầu. Maria đã muốn hiến trái tim mình cho Chúa (cho dù chẳng biết gì về hình thức khấn hứa).

Đủ rồi ! Chúng ta hãy khai triển vắn tắt thêm một vài khía cạnh của ơn làm Mẹ Thiên Chúa.

Và trước hết chúng ta có thể tự hỏi: Đức Maria có ý thức hết nội dung của sứ điệp để dám nói lên hai chữ Xin vâng không? Maria là con người của đời sống nội tâm; có phản ứng chậm vì luôn lắng nghe và suy niệm. Sự xuất hiện của Thiên thần không làm người hoảng hốt. Ngay lời đầu tiên cũng không làm người rạng mặt lên. Ngược lại đến tiếng "đầy ơn phúc" chạm đến nội tâm mới làm người tạm nói là xao xuyến mất bình tĩnh. Công với lời sau, báo tin Thiên Chúa ở với người, như ở với Maisen khi được sai đến Pharaon (Xh3,11), như Ghêđêon sắp được sai đi diệt giặc (Thp 6,11-16). Gabriel trấn an trình bày. Câu hỏi lại của Maria liên quan đến vấn đề đồng trinh tỏ ra người đã rất sáng suốt và bình tĩnh. Người tiếp tục nghe: hiểu rõ đây là việc lạ Chúa làm. Thai mình mang do Thiên Chúa. Đó là Con của Ngài. Vốn sẵn khiêm nhu, Maria tin việc Chúa làm; và vâng lời. Vâng lời để Thiên Chúa làm công việc cứu thế ở nơi mình, để đi vào công việc ấy. Thế nào không rõ, nhưng hết mình, như một môn đệ… và một tôi tớ. Maria thật tỏ ra xứng đáng với ơn Nhập thế. Con nào mẹ ấy. Mẹ nào con ấy. Tiếng Xin vâng của Đức Mẹ đồng nghĩa với lời nguyện làm theo ý Cha của Đức Kitô khi vào thế gian (Hr 10,5-9) và với bao lời khác. Người đã tuyên bố đến chỉ làm theo ý Đấng đã sai Người. Thái độ của Maria đáng khen hơn nữa, sau lời Gabriel nói đến vinh quang của con Vua Đavít. Đức Maria dường như không để ý đến vinh dự, cũng như Đức Giêsu ở bàn tiệc ly ý thức mọi quyền được ban cho mình mà vẫn muốn làm tôi tớ. Đối với Đức Mẹ, vinh quang là của Chúa, mình phải khiêm nhường. Khác với Evà. Do đó, các tác giả có lý để so sánh Evà với Đức Maria, sau khi thấy Phaolô đã sánh Adong với Đức Giêsu.

Thánh Phaolô khẳng định Đức Giêsu là Adong mới (Rm 5,12-20). Nhiều giáo phụ theo sau và tuyên xứng Đức Maria là Evà mới. Thật ra, nói đến tước hiệu này ở đây có thể hơi sớm. Nhưng có đặc ân nào nơi Đức Mẹ không tùy thuộc vào việc người sinh ra Chúa Cứu Thế? Ở đây chúng ta chưa nói tới việc Đức Maria đi trước Hội Thánh để sinh ra cho Chúa một dòng dõi mới, cho dù khi Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu là đầu của Nhiệm Thể, chúng ta đã nhìn thấy được người dự phần trong khi các chi thể được sinh ra. Ở đây chúng ta vẫn dừng lại ở việc người sinh ra Chúa Cứu Thế, và dựa vào Kn 3,15 để chào người là Evà mới, và đồng ý với mọi so sánh giữa Người và Evà cũ. Một bên khiêm nhường vâng theo ý Chúa, bên kia kiêu ngạo và bất tuân. Một bên, do đó, là mẹ của chúng sinh, theo đúng ý nghĩa sinh ra những người có sự sống thật là con Thiên Chúa và như thế mới thật là Evà do bàn tay Chúa tác thành: còn bên kia chỉ sinh ra những người sẽ chết. Nói đúng hơn, Maria đã lấy lại địa vị ban đầu của Evà, vì bà này muốn tự lập, xa Thiên Chúa, nên sẽ chỉ là mẹ của loài người hay chết. Lời chúc của Thiên Chúa cho loài người khi mới tạo dựng không bị rút lại. Phái tính và hôn nhân vẫn luôn tốt đẹp. Có hư đi một chút, một phía, nhưng vẫn đẹp đẽ theo một nhánh khác. Phaolô há chẳng muốn ám chỉ như vậy trong 1Tm 2,15 sao? Người viết : “Người đàn bà đã phạm tội khi bị dụ dỗ : tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu nhờ sinh con cái”. Câu văn tối nghĩa ấy sẽ sáng tỏ nhờ Ga 4,4-5: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc lại những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Phaolô muốn nói đến Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Thế để chuộc lại cho tất cả những gì mà Evà cũ đã gây ra khi phạm tội. Đức Maria vì thế là tạo vật tinh tuyền, giữ được sự tinh tuyền từ bàn tay Chúa tạo ra, tức là luôn hướng về Chúa với tất cả con tim tươi mát của mình, suốt đời thật là Đấng Đồng Trinh theo nghĩa sâu xa vô cùng.

Những vấn đề trên dĩ nhiên cần phải đào sâu: nhưng được gợi lên, chúng có thể giúp ta đi đến những kết luận rất thực tế: Nếp sống đồng trinh trong Giáo Hội nói chung và của hàng linh mục nói riêng, không phải là một hào quang và là một sức mạnh của Hội Thánh Chúa Kitô sao? Lời chứng Tin Mừng của những tông đồ đồng trinh vừa trong sáng vừa mạnh mẽ. Nhưng sự đồng trinh ấy dễ bị đem ra đàm tiếu biết bao! Chúng ta không thể nói: Kệ họ. Tuy nhiên biện hộ là gì, khi không quan tâm đến sự yếu đuối mỏng dòn của xác thịt. Phải khiêm nhường và tựa vào Chúa. Phải phó thác mình trong tay Chúa, tức là bắt chước Đức Mẹ muốn dâng trái tim nơi Chúa ngự. Căn nhà sạch không có chủ ở sẽ bị nhiều quỷ rủ nhau đến chiếm. Nhưng nếu trong đó có người khỏe hơn chúng, thì…được bảo vệ (Mt 12, 29. 43-45).

Tuy nhiên Đức Mẹ còn cho chúng ta một tấm gương khác nữa. Người tin ở Giuse, con người công chính, sẽ sống với mình, người khuyên chúng ta hãy đẹp lòng anh em linh mục, thấy thoải mái trong linh mục đoàn. Chúng ta đừng xô anh em đi vào con đường tối tăm khi không muốn có tình nghĩa gì với họ. Họ có một trái tim: trái tim nhiều khi đòi yêu thương. Bị đẩy ra khỏi hàng linh mục, làm sao không thấy bất hạnh vì cô đơn? Sứ thần nói với Giuse: Hãy nhận lấy Maria! Câu nói không hàm một ý nào về sự đồng trinh của người sao? Chúng ta cũng hãy chấp nhận nhau để bảo vệ đức đồng trinh của chức linh mục.

Đây là sự độc thân vì Nước trời, Chúa đã dạy như thế. Đừng ai đặt lại vấn đề hoặc đảo ngược lại vấn đề như khi có người nghĩ: Tôi sẽ phục vụ Tin Mừng hơn nếu tôi sẽ trở về nếp sống gia thất. Đó có thể là kết luận hữu lý của người chưa lựa chọn. Còn đối với chúng ta, muộn rồi. Không thể có đời sống tông đồ nào phong phú nơi những người như chúng ta. Đã dấn bước vào đời sống độc thân không thể còn quay lại sau khi đã cầm cầy. Mọi luận lý thật ra chỉ nặng mùi đam mê và ngụy trang cho sự yếu đuối, hoặc ít ra, sự đòi hỏi âm thầm của xác thịt. Hãy nhìn lên Đức Mẹ đồng trinh. Hãy đào sâu quan niệm Hội Thánh đồng trinh sinh ra con cái? Không do khí huyết, phái tính, nhưng bởi Chúa, bởi phép Chúa Thánh Thần. Cộng bao sinh hoạt tài tình lại xem có sánh được với cái hại của việc giũ áo ra đi không, cho dù nếp sống đồng trinh chỉ thật là chứng từ khi tươi mát?

Nói như vậy nghĩa là nếp sống đồng trinh cũng có đòi hỏi. Nó chỉ là chứng từ về Tin Mừng khi nó phong phú trong mục vụ bác ái. Sự đồng trinh của Đức Mẹ là sự đồng trinh phong phú. Nó xây trên đức khiêm nhường hướng về Chúa và cộng tác với Chúa trong lịch sử cứu độ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết bảo vệ và phát huy nếp sống đồng trinh của bậc linh mục.

Chúng ta cũng hãy có một mục vụ bảo vệ đức trong sạch trong Giáo Hội và trong xã hội, dĩ nhiên trước hết bằng đời sống trong trắng chân thực của mình. Ước gì mọi người biết ngẫm nghĩ lịch sử và kinh nghiệm: Biết bao nền văn minh rực rỡ và hùng hậu đã sụp đỗ vì các thứ tội xác thịt! Biết bao gia đình tan nát vì tình yêu thất tín! Chúng ta đừng bi quan, thất vọng trước bao cám dỗ mà giới trẻ đang gặp. Chúng ta không làm việc một mình được đâu! Phải có Chúa, phải có Đức Mẹ, nghĩa là phải cầu nguyện và hãm mình. Nhưng cũng rất cần phải có sự tiếp tay của nhiều bậc phụ huynh gương mẫu. Hãy đề cao những cuộc hôn nhân thành công! Hãy khích lệ nhiều cuộc vui lành mạnh trong các gia đình. Hãy quan tâm để thanh niên thanh nữ dám đối thoại như Đức Maria và thánh Giuse đã đối thoại về tình yêu của mình với Thiên Chúa và với Sứ thần của Người. Chúng ta cứ nhớ điều này là, lòng con người mà hư thì không chấp nhận được ơn Chúa. Ngược lại những tâm hồn luôn hướng về Chúa sẽ gặp được mọi sự tốt đẹp.

Xin Đức Mẹ đồng trinh ra tay cứu vớt, gìn giữ và phát huy đức trong sạch nơi Giáo Hội, nơi Linh mục cũng như nơi đoàn chiên của chúng ta.

BÀI IV: ĐỨC MẸ LÀ TÔI TỚ CHÚA


Khi nhận làm Mẹ Chúa, Đức Maria dường như không nhìn thấy đó là một vinh dự. Người khiêm tốn coi mình là TÔI TỚ CHÚA. Bài này sẽ cho chúng ta thấy người sống chân thực lời tuyên xưng ấy mau lẹ như thế nào.

Sứ thần Gabriel vừa ra đi, Maria vội vã lên đường. Người vâng theo ý Chúa trong mọi chi tiết. Tin bà chị họ mang thai là gì sánh với ơn làm Mẹ Chúa mà Maria vừa lãnh nhận. Sứ thần không gợi ý người phải đi thăm. Từ Nazareth xuống Ain Karim, cách Giêrusalem 6 cây số về phía Tây, là một con đường dài không những quanh co, dốc dác, xuyên qua sa mạc nóng bỏng, mà còn là phải len giữa những mỏm đồi nguy hiểm nhiều trộm cướp. Thân nữ 13-14 tuổi đầu có nên dấn thân vào cuộc hành trình như vậy không? Và để làm gì? Quan hệ họ hàng có đòi hỏi thật sự một cuộc viếng thăm như vậy không? Gia đình bà chị họ chắn chắn chẳng chờ đợi gì ở Maria. Chứng cớ là đã 6 tháng rồi, họ có đưa tin gì cho Maria đâu! Tuy nhiên Maria vẫn hối hả lên đường. Bước chân thoăn thoắt thi hành đúng nhịp của trái tim của con người mau mắn vâng theo ý Chúa. Người vừa hé cho Maria thấy công việc Người làm nơi người chị họ. Tin ấy lại được loan báo trong khung cảnh của việc Maria được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ Maria phải thầm nhận ra có một tương quan nào đó giữa hai việc. Ít ra, người cũng bị thúc đẩy phải đi đến nơi Thiên Chúa đang làm việc, để chiêm ngưỡng, tìm hiểu, đón nhận ơn Chúa muốn ban cho dân người. Maria lên đường vì Chúa hơn là vì bà chị họ, vì muốn phục vụ Chúa hơn là vì nghĩ có thể giúp đỡ được gì cho người bà con. Thánh Thần đã dun dủi người đi, như Đức Giêsu sau này cũng "bị" Thánh Thần đẩy vào sa mạc.

Với tâm trạng một người tôi tớ đi làm theo ý Chúa, Maria đã vào nhà ông Giacaria và chào chị Êlisabét với một tâm tình đạo đức qua lời lẽ thông thường của những lần chị em lâu ngày gặp gỡ nhau. Nhưng lời chào vừa lọt tai bà chị, hài nhi trong lòng bà đã nhảy mừng. Cả hai mẹ con đã được đầy Thánh Thần, nhận ra diễm phúc nơi người em họ bé bỏng kia. Thay vì thỏa mãn với những lời khen ngợi chính đáng đang thốt ra từ miệng chị Êlisabét đầy Thánh Thần, Maria đã thốt lên lời chúc tụng Chúa.

Người ta thấy bài Magnificat của Đức Mẹ có nhiều từ, nhiều câu giống với của bà Anna, mẹ của Samuel (1Sm 2,1-11). Nhưng nếu đem đối chiếu, tinh thần của hai người không mấy giống nhau. Cả hai cùng công nhận việc Chúa làm thật lớn lao: nhưng một bên tựa vào đó để đắc thắng nói lại những kẻ trước kia khinh dễ mình; còn bên kia như chỉ biết cúi đầu thờ lạy quyền năng của Thiên Chúa đã nhớ lại lòng thương xót mà đến cứu chuộc Israel tôi tớ Người. Và sự thật dường như bà Anna chỉ thấy Chúa thương nhận lời van xin của mình để mình khỏi bị mang tiếng mãi là son sẻ; đang khi Đức Maria vâng lời Chúa như một người tôi tớ, lên đường để được nhìn thấy công việc của Chúa. Người đã thấy quá điều mong ước, vì không những thấy bà chị họ không còn son sẻ, mà hơn nữa còn chứng kiến ơn Thánh Thần tuôn đổ xuống cho hai mẹ con. Maria khiêm nhường đứng trước những sự việc ấy thật là phải. Thái độ tôi tớ của người cũng thật đúng. Và nếu chúng ta nghĩ người ở lại nhà bà chị 3 tháng để "giúp đỡ" cũng không sai với cung cách của người. Chính sách Tin Mừng cũng không cho thấy người có mặt tại nhà ông Giacaria trong ngày đặt tên cho Gioan. Phải chăng công việc phục vụ của "người tôi tớ" không còn cần thiết nữa? Hay là bản tính của người luôn muốn khiêm nhường, kín đáo rút lui khỏi những buổi "liên hoan".

Trở về Nadarét, Maria lại phải có thái độ của một người tớ nữ. Giuse nhìn người một cách khác thường. Nỗi băn khoăn, khó xử hiện trên khuôn mặt Giuse càng làm Maria phải nín lặng. Lời thánh vịnh 122, 2: “Như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như đôi mắt nữ tì hướng nhìn tay bà chủ”, áp dụng không sai tí nào cho Maria trong hoàn cảnh nan giải này. Người chỉ biết đặt mọi niềm tin cậy vào Chúa. Và Chúa đã giải cứu người tôi trung.

Giuse rước Maria về nhà… cho đến ngày cả hai đều phải lên đường, như bầy tôi trung thành của quyền bính thế gian cũng xuất phát từ Thiên Chúa. Là Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng thực ra từ nay Maria phải phục vụ Người. Những chuẩn bị chu đáo cho ngày con sinh ra bổng chốc bị hủy hết. Lên đường đi Belem lúc gần ngày sinh con, Maria đã đem theo được gì sánh với hai chữ “Xin Vâng” mà người đã cam kết khi đi vào chương trình của Thiên Chúa? Không tìm được chỗ trong quán trọ, người không chấp nhận sinh con ở bất cứ chỗ nào như một nữ tì thời nô lệ sao? Luca thật có lý khi thuật lại giai đoạn đầu của cuộc sinh con này, theo hình ảnh mầu nhiệm thập giá. Sự hạ mình của Ngôi Lời khi sinh ra làm người dưới thời thống trị hùng mạnh của đế quốc lớn nhất thời ấy, càng làm Đức Maria muốn có tinh thần tôi tớ phục vụ hơn nữa. Thế nên, việc các mục đồng thờ lạy Hài Nhi và kể lại những điều đã nghe biết, cũng như việc các đạo sĩ từ xa mang lễ vật tiến dâng chỉ để lại trong tâm hồn người tớ nữ những điều để suy niệm âm thầm.

Chúng ta hãy rảo qua việc chạy trốn sang Aicập. Đó cũng chỉ là một cuộc lánh trốn một ông chủ ác nghiệt và chấp nhận một đời tỵ nạn của kẻ nghèo khó ngang hàng với thân phận của hàng nô lệ thời bấy giờ. Maria chịu đựng tất cả vì đó là ý Chúa. Tâm tình người bấy giờ sâu sắc và thấm thía khổ đau hơn những điều chúng ta vừa nói nhiều, nếu chúng ta nhớ lại việc người đã đưa Con vào Đền Thờ, 40 ngày sau khi sinh nở.

Chẳng luật nào buộc người phải đem Hài Nhi vào dâng trong Đền Thờ Giêrusalem. Làm việc này bất cứ tại nguyện đường nào cũng được. Nhưng Maria ý thức giá trị đứa con của mình, cũng như địa vị đặc biệt của Đền thánh. Người đến không để “thanh tẩy” như các bà mẹ khác, cho bằng để tuyên xưng mạnh mẽ hơn bất cứ phụ huynh nào: Hài Nhi đây là của Chúa. Mọi người Do Thái, khi dâng con đầu lòng chỉ nhớ lại việc ngày xưa Chúa đã tha chết cho con đầu lòng của họ trong đêm Vượt qua… Còn Đức Maria đem Con vào Đền Thờ là để khẳng định đây thật là Con Chúa và mình chỉ là người nuôi, tức là tôi tớ. Người còn những tâm tình sâu xa hơn nữa, vì vừa vào Đền Thờ, chưa kịp làm lễ Dâng Con, người đã gặp hai người thánh: ông Simêon và bà Anna.

Cả hai đều được Thánh Thần đưa đến đây vào giờ phút này. Simêon xin ẵm ngay lấy Hài Nhi và thốt lên những điều kỳ diệu. Ông nhận ra ngay ơn cứu độ đã đến soi sáng muôn dân và làm cho dân Chúa được vinh quang. Nhưng đồng thời ông cũng báo trước về tương lai của Đấng Cứu Thế, sẽ bị chống đối, và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Maria để chia sẻ số phận của Con, mà lời của ông nói khiến chúng ta phải suy nghĩ tới thân phận đau khổ của Người Tôi Tớ của Đức Chúa trong sách Isaia. Như vậy Maria sẽ là tôi tớ của Tôi Tớ Chúa. Lời Simêon nói, người quên sao được, khi Luca dường như ám chỉ Simêon chỉ nói những lời ấy riêng với Maria thôi, đang khi lúc chúc phúc thì Simêon nói với cả cha mẹ của Hài Nhi.

Maria được biết Con mình sẽ phải khổ đau và bị chống đối, thì khi dâng Hài Nhi lên cho Chúa theo Luật dạy, người đã như bắt đầu dâng Con trên thập giá, với tâm hồn của người mẹ nặng chĩu vì đau thương. Maria dâng Con theo Luật Chúa, thì đã biểu lộ lòng tuân phục của dân tôi tớ Thiên Chúa. Nhưng khi dâng Con làm lễ tế, thì người còn thêm tâm trạng một người tôi tớ đau khổ, hay ít ra sẵn sàng chịu mọi khổ cực đớn đau…

Và người đã không phải chờ đợi lâu, như ta đã thấy trong việc trốn sang Aicập, mà bây giờ đọc lại sau lễ dâng Con trong Đền Thờ, chúng ta hiểu lòng người tôi tớ nhẫn nhục biết bao.

Rồi thời gian qua. Giêsu lên 12 tuổi. Theo thông lệ, cha mẹ Người đem Người đi trẩy lễ Đền Thờ. Sau lễ Người ở lại mà cha mẹ không hay biết. Vất vả tìm Người, ba ngày mới gặp lại Con, Mẹ Người vừa thốt ra mấy lời dịu dàng, Người đã đáp trả quá thẳng thắn đến nỗi Mẹ Người chẳng hiểu gì và chỉ biết lẳng lặng ghi sâu trong lòng mà ngẫm nghĩ. Nói đúng ra, riêng Mẹ Người càng ý thức rõ hơn: Người là Con của Thiên Chúa và luôn luôn chỉ thao thức các việc của Cha Người; và như thế Maria phải đóng vai trò tôi tớ phục vụ không hơn không kém… Và chắc chắn người tiếp tục hai chữ “Xin Vâng” một ngày một thấm thía hơn…

Thái độ và đời sống “tôi tớ” của Đức Mẹ không nói gì với chúng ta sao ? Chúng ta có quen quan niệm ơn gọi và chức năng Linh mục của chúng ta trong tinh thần phục vụ khiêm tốn của người tôi tớ không? Hầu hết chúng ta chỉ muốn phục vụ, không kể ngày đêm, không quản vất vả và tốn phí. Tuy nhiên, đôi khi tính độc tài, thái độ lạnh lùng, lời nói cứng cỏi che lấp hẳn thiện ý sâu xa muốn phục vụ của chúng ta. Người ta dễ thấy chúng ta nhiệt tình nhưng khó thấy chúng ta là tôi tớ. Nhất là khi người ta thấy chúng ta muốn kể công. Chúa nói rõ trong sách Tin Mừng: Tông Đồ của Chúa phải nhiệt thành nhưng phải coi mình là tôi tớ vô dụng (x. Lc 16,7-10). Dù sao, xét mình lại chúng ta vẫn thấy còn phải cố gắng sẵn sàng phục vụ hơn nữa, kể cả vào các giờ nghỉ trưa hoặc đang say sưa một công việc nào. Nhất là làm sao biểu lộ được thái độ tôi tớ khi phục vụ mới thật xứng đáng tiếp nối sự nghiệp của Người Tôi Tớ đau khổ của Đức Chúa.

Do đó khi cử hành Thánh Thể, linh mục càng phải nhớ lại hình ảnh Người Tôi Tớ khi rửa chân cho môn đệ và đặc biệt khi chết trên Thâp Giá. Lời giảng của linh mục phải đóng đinh xác thịt con người cũ của mình vào thập giá hơn là đóng đinh người nghe. Và mọi cử điệu nơi bàn thờ phải rất khiêm tốn mới xứng đáng ở trước những Mầu Nhiệm Cực thánh.

Thái độ tôi tớ phục vụ này, Cha xứ phải liệu chuyền sang cho các cộng sự viên thân cận nhất, kẻo không ý tứ thái độ của họ và ngay của bà bếp của Cha đã khiến giáo dân thấy Giáo Hội quan liêu chứ không phục vụ như Chúa đâu!

Thời nay, người mục tử còn phải sáng suốt và khéo léo đem tinh thần phục vụ của Thánh Giuse và Đức Mẹ vào não trạng của các bậc phụ huynh, kẻo các con cái trong các gia đình phải sống trong sợ hãi, không phát triển được tài năng và nhất là khép kín trong vấn đề yêu thương, dẫn đến những đổ vỡ thật tai hại!

Là Mẹ Chúa mà vẫn sống như người tôi tớ Chúa, đó là gương Đức Mẹ để lại cho chúng ta và cho chính cả Giáo Hội nữa. Xin Mẹ giúp đỡ chúng ta.

TĨNH TÂM LINH MỤC: BÀI V: ĐỨC MẸ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA


Bước vào thời đại Tân Ước, Maria càng ngày càng đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Những sự việc xảy ra sau ngày truyền tin đã đều hết sức mầu nhiệm. Maria luôn phải ghi khắc trong lòng và ôn đi nhớ lại. Việc đi thăm Êlisabét khiến Gioan nhảy mừng, việc Giuse nhận đem Maria về nhà, việc sinh Chúa nơi máng cỏ, gặp gỡ các mục đồng và đạo sĩ, dâng Người trong đền thờ, và đưa Người đi chầu lễ ở Giêrusalem… tất cả đều có những khía cạnh chưa hiểu được và đang chờ được soi sáng thêm. Chẳng bao lâu đã đến lúc Giêsu từ giã Mẹ đi vào giữa đám người đang lũ lượt kéo đến với ông Gioan. Và nhất là Người đã bắt đầu có môn đệ và khởi sự giảng dạy. Lẽ dĩ nhiên Maria lại càng muốn lắng tai nghe. Do đó từ lúc này ta có thể nói người là MÔN ĐỆ CỦA CHÚA.

Phúc Âm Gioan kể lại câu chuyện đầu tiên xảy đến với người trong giai đoạn này: Ngày thứ ba, có đám cưới tại Cana miền Galilê (2,1). Đây là đoạn văn hơi khác thường trong sách của Gioan (sau đoạn 8 về người phụ nữ ngoại tình). Phép lạ ở đây không được giải thích trước và sau. Nó gợi lại lại truyền thống Luca, truyền thống Đức Mẹ. Nó có nên được giải thích theo lối biểu tượng như các đoạn Gioan khác không? Đồng ý nó là truyền thống Đức Mẹ, vì chỉ Đức Mẹ và Chúa biết rõ câu chuyện này. Mọi người có mặt chỉ biết đại khái như chủ tiệc cưới. Nhưng là chuyện Đức Mẹ kể theo ngòi bút của Gioan, nên cũng không thiếu biểu tượng và ám chỉ của Gioan. Ngay từ những ngày đầu tiên: ngày thứ ba ám chỉ ngày sống lại, ngày phụng vụ Thánh Thể… và những chữ cuối cùng “dấu lạ, vinh quang, tin”… đều là những đặc điểm của Gioan. Nhưng có phải Gioan chỉ có như vậy thôi không? Ông khéo không làm mất vẻ thanh thản của truyền thống Đức Mẹ, nhưng vẫn là cây bút của Gioan. Chúng ta thử đọc… trong đám cưới có thân mẫu Đức Giêsu (chắc là vì có quan hệ họ hàng). Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự …. Có thể thấy Đức Maria đã đến trước và có thể đoán người đã vui vẻ hoà mình trong đám nội trợ. Ít ra, theo tục lệ, người cũng ngồi ở phái các bà, xa chỗ các ông. Chỗ này tất nhiên om xòm hơn vì có rượu. Người ta quan tâm không muốn để các chai trên bàn vơi nhiều. Đó là trọng tâm của tiệc cưới. Nó giúp chúng ta hiểu và thán phục thái độ của Đức Mẹ khi tế nhị và kín đáo, nhẹ nhàng nói với Đức Giêsu: Họ hết rượu rồi!

Có thể câu nói đã khiến Đức Giêsu sửng sốt, vì việc họ hết rượu thì ít, nhưng đặc biệt là vì câu nói kia là một lời xin, một tiếng gợi đến quyền năng ở nơi Người, mà suốt 30 năm nay, có thể nói Người không bao giờ muốn dùng tới. Tuy nhiên phản ứng của Người cũng không thể giản đơn giải thích như vậy. Câu Người trả lời lạ lắm, vừa lạnh lùng vừa tối tăm: Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Tôi? Giờ của Tôi chưa đến! Nếu không có câu trả lời này, có lẽ bài viết của Gioan đã không làm chảy nhiều mực trên không biết bao nhiêu trang giấy từ xưa đến nay.

Ngày nay không mấy ai còn muốn nhấn mạnh chữ “Bà” trong câu trả lời kia như một đại từ tôn trọng và trịnh trọng nữa. Đức Giêsu lúc này chưa nghĩ tới tước hiệu Nữ vương mà Giáo hội sau này kính tặng Đức Mẹ đâu. Người vẫn dùng chữ “Bà” theo một ý nghĩa tuy tôn trọng nhưng hơi xa cách (Ga 4,21; Mt 15,28; Ga 8,10; Lc 13,12; Ga 20,13). Ở đây ý nghĩa đó có thể giải thích như sau.

Mới khởi sự công việc của Chúa Cha, Người đang đi tìm môn đệ, những người phải bỏ ruộng vườn, nhà cửa, cha mẹ, v.v... mà đi theo Người, như Người đang bỏ mọi sự, kể cả đến mạng sống mình để làm theo ý Đức Chúa Cha. Tiếng "Bà" ở đây rõ ràng tiếp nối thái độ của trẻ Giêsu khi lên 12 tuổi. Quan hệ gia đình, huyết nhục không còn giá trị trong Nước Trời nữa.

Mà quả thực từ nay Đức Giê su đã trở thành Đấng mà Chúa Cha sai đến, làm công việc của Chúa Cha, mà ai muốn được cứu độ cũng phải tiếp nhận như là môn đệ của Người. Từ đó, Đức Mẹ rõ ràng đi xa Chúa hơn. Có thể nói, người vẫn chăm chú theo dõi nhưng không đến gần. Người hiểu Con của người mà các sách Tin mừng còn kể lại trong Mt 12,46-50; Mc 3,31-35; Lc 8,19-21. Họ muốn mời Đức Giêsu về lại Nadarét; nhưng Chúa đã trả lời họ: ”Ai là mẹ và là anh em ta?”. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: Đây là mẹ và là anh em ta. Lời đó không chút làm Đức Mẹ buồn, vì Người tiếp luôn để đánh tan mọi ngờ vực: Phàm ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, là anh em ta và là mẹ ta.

Cũng như hôm nay trong câu chuyện tiệc cưới Cana. Đức Mẹ tỏ ra rất bình tĩnh khi không được nghe Con của mình xưng hô với mình bằng tiếng Mẹ êm ái như thuở nào nữa. Có lẽ người đã "trưởng thành" nhờ ngày được nghe câu đáp hồi Đức Giêsu lên 12 tuổi. Người hiểu Chúa muốn mạc khải thêm, đưa mình vào mầu nhiệm thâm sâu hơn. Do đó, chúng ta đừng tưởng Đức Mẹ sẽ tủi thân khi ở gần thập giá mà nghe thấy Con của mình lại gọi: “Này Bà, Gioan là con Bà”. Theo luận lý chúng ta vừa nói, có lẽ đang lúc đau khổ mất con như vậy, được nghe Con của mình dùng lại kiểu nói ngày trước, Đức Mẹ hiểu Chúa muốn nâng cao sự đau khổ của mình lên. Và như một môn đệ tin tưởng ngoan ngoãn, Đức Mẹ đi vào mầu nhiệm của Chúa. Mầu nhiệm Cứu thế. Trong mầu nhiệm này, Đức Giêsu thường dùng từ ‘’Con Người’’ để nói về mình, thì người cộng tác với Người được gọi là “Bà” cũng phải thôi. Như vậy giải thích chữ “Bà” theo nghĩa trịnh trọng cũng được, miễn là đừng nghĩ đến mệnh phụ… mà phải nghĩ đến bình diện Nước Trời.

Đức Mẹ tỏ ra đã đi vào bình diện này khi đến nói với Đức Giêsu: Họ hết rượu rồi! người không bắt đầu bằng một lời âu yếm: “Này con” như hồi Giêsu lên 12 tuổi nữa (Lc 2,48)…. người đơn sơ trình bày sự cố: họ hết rượu. Dĩ nhiên người đã phải biết người ta không có cách nào nữa. Và phải có một can thiệp đặc biệt. Đức Mẹ không ép, không nài, chỉ trình bày… nhưng tin tưởng, tin chắc, như môn đệ chạy đến với Thầy… hiểu Đức Mẹ như vậy mới bắt được tiếp diễn của câu chuyện.

Nếu lời Đức Mẹ đưa tin: Họ hết rượu rồi ! thoạt tiên có thể khiến Đức Giêsu sửng sốt vì như chạm đến một cái gì sâu xa ở nơi Người, nhưng đó chỉ là cảm giác tức thời chóng qua. Người bình tĩnh đi vào bình diện ám chỉ ấy ngay. Người hiểu Đức Mẹ xin một sự can thiệp đặc biệt. Người nhớ Kinh Thánh đã bao lần nói: thiếu rượu là dấu chỉ của thời kỳ Thiên Chúa giận dỗi tuyên phạt dân Nguời. Chính vì việc này mà Người phải đến trong thế gian. Người phải đem rượu đến cho dân Chúa được phấn khởi và cứu độ. Hữu ý hay vô tình, Đức Mẹ không phải chỉ gợi lên quyền năng của Người, nhưng nhất là sứ mạng cứu thế của Người. Câu Người nói sau: Giờ Tôi chưa đến, chứng tỏ Người đang suy nghĩ trong bình diện ấy.

Nhiều nhà chú giải - đi đầu là thánh Augustinô - khẳng định: Đức Giêsu muốn nói đến Giờ mà chúng ta vẫn thường nghĩ, là lúc Người biết đã đến giờ Người phải qua đời này để đến với Chúa Cha, tức là lúc Người đi vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, mở đầu bằng việc cầm lấy chén rượu mà tuyên bố: Đây là chén Máu Ta, Máu Giao ước mới, sẽ đổ ra cho nhiều người được khỏi tội!

Nhưng không phải lúc nào thánh Gioan cũng dùng theo ý nghĩa đó. Ý nghĩa chỉ sáng tỏ, tùy ở văn mạch, nhất là câu tiếp theo. Bởi vì có giờ không còn thờ phượng trên núi này hay tại Giêrusalem (4, 21-23), có giờ kẻ chết sẽ nghe tiếng Con Người (5, 25-28), giờ môn đệ bị bắt bớ (16,2), giờ Chúa nói rõ, nói thẳng về Chúa Cha (16,25), giờ môn đệ bỏ Người một mình (16,31).

Có hai chữ khác nói đến giờ của Người như ở đây, đó là 7,30 và 8,20: người Do thái muốn bắt Người, nhưng giờ Người chưa đến.

Đúc kết lại, mọi tiếng giờ đó đều nói đến những “mốc” trong cùng cuộc cứu độ, trên bình diện cứu thế. Đặc biệt là những lúc Đức Giêsu được vinh hiển, vì với Gioan, Đức Giêsu đi vào Tử nạn là đi vào vinh quang, cũng như khi làm dấu lạ, thì Người tỏ vinh quang Người ra.

Như vậy, không tất nhiên ở đây phải nghĩ đến giờ cuối cùng, bởi vì vinh quang Ngôi Lời đã bắt đầu mạc khải từ Nhập thể (chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người), và mỗi khi Người làm dấu lạ.

Thế thì chỉ cần nghĩ, hôm ấy Chúa Giêsu nói chưa đến lúc tỏ vinh quang, đến lúc làm phép lạ đầu tiên, bởi vì "giờ" của mầu nhiệm cứu độ, Đức Giêsu không làm chủ mà phải theo quy định của Chúa Cha. Ở đây, Chúa Giêsu muốn "dạy" Đức Mẹ chân lý ấy chăng? Trong mầu nhiệm cứu thế, ai cũng phải lắng nghe, vâng phục ý Cha trên trời.

Thành ra câu chuyện đối thoại giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu ít ai có thể hiểu được. Bề ngoài, ở bình diện loài người, đó là lời xin và lời từ chối. Ở bình diện cứu thế, đó lại là cuộc trao đổi sâu xa thích thú về ý của Chúa Cha. Có thể nói, Đức Giêsu lúc đầu muốn từ chối thật. Chữ "Bà" xa lạ là một dấu. Câu tiếp theo “Chuyện đó có hệ gì đến bà và tôi...” cũng đi theo ý ấy, vì trong Kinh Thánh những câu như vậy đều có ý nghĩa xa cách (Thp 12,2; 2S 11,10; 19,23; 1V 17,18; Mt 8,29; Mc 1,24; 5,7; Lc 4,34; 8,28; Mt 27,19). Nhưng đây chỉ là sự xa cách ở bình diện tự nhiên và huyết nhục. Đức Giêsu mời Đức Mẹ vào bình diện khác, bình diện cứu thế, nên Người nói tiếp: “Giờ tôi chưa đến”.

Và chúng ta bước sang bình diện khác, bình diện mầu nhiệm cứu thế, ở đó những quan hệ huyết nhục và những sự việc trần gian không còn ý nghĩa gì nữa… Ở với con mình lâu rồi, và nhất là như đã nói, có bài học khi 12 tuổi, Đức Mẹ không những vẫn bình tĩnh mà còn thêm tin tưởng. Mầu nhiệm cứu thế đến không thể làm khổ thêm tình huống tự nhiên mà chính là để cứu vớt. Đức Giêsu đã nghĩ đến sứ mạng của Người thì không thể nào lại không có sự tốt đẹp hơn. Người từ chối ở bình diện này nhưng vẫn làm ở bình diện khác hoặc kiểu khác (xin so sánh với Ga 7,1-10). Do đó chúng ta thấy những lời trong sáng, đầy tin tưởng, vững vàng của Đức Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”.

Người đã đi trước và làm gương sáng cho lòng tin của người đàn bà nọ thuộc xứ Canaan (Mt 15,21-28; Mc 7,24-30). Người này đến xin Đức Giêsu chữa con bà khỏi quỷ ám. Người chẳng nói gì. Bà ta cứ lẽo đẽo theo sau không ngớt nài xin. Các môn đệ muốn khỏi rầy rà, cũng họa vào để Người ban ơn cho rồi. Người vẫn từ chối, nói rõ Người chỉ được sai đến cho chiên lạc nhà Israel. Nhưng đức tin kiên trì và thành thật của người ấy, đã khiến Người nhìn thấy ý Chúa Cha muốn ban ơn cứu độ cho mọi kẻ có lòng tin bất cứ từ đâu đến. Nên Ngài đã ban ơn cho người ấy. Qua câu chuyện này, chính Đức Giêsu há đã chẳng muốn dạy chúng ta luôn mở mắt nhìn dấu chỉ của Chúa Cha và của thời đại sao? Cũng như sau này khi thấy người Hy-lạp muốn gặp Ngài, Đức Giêsu nhận ngay ra dấu hiệu của Chúa Cha cho biết đến Giờ Ngài được vinh quang (Ga 12,20-23). Do đó, ở đây chúng ta cũng có thể nói, đứng trước niềm tin vững vàng và lời cầu khẩn tin tưởng của Đức Mẹ, Đức Giêsu thấy đã đến giờ tỏ vinh quang ra cho môn đệ tin.

Và chúng ta có thể đoán được sự sung sướng của Đức Mẹ, khi thấy Chúa bảo họ đổ đầy nước 6 chum đá ở đấy, mỗi chum chứa được khoảng 80 hoặc 120 lít. Người còn sung sướng hơn nữa sau này khi biết thứ rượu rót ra lại là thứ ngon. Gioan không nói gì về những tâm tình này của Đức Mẹ. Người chỉ kết truyện bằng câu: “Sau đó Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày”. Đức Mẹ đã nhập đoàn, nói đúng hơn, đã là môn đệ hàng đầu của Chúa Cứu- thế.

Thật ra, các giáo phụ và các tác giả còn nói nhiều điều khác về câu chuyện tiệc cưới này. Đức Giêsu đã đến không phải chỉ tỏ vinh quang của Người để các môn đệ tin. Cũng không phải chỉ chứng tỏ Người là Đấng Cứu thế đem ơn cứu độ hân hoan đến cho Dân đang lầm than khổ sở. Người con tỏ ra là Người Hôn phu lý tưởng chuẩn bị dư dật rượu ngon cho tiệc cưới Nước trời, khi Người trao chén rượu cho môn đệ nơi bàn tiệc ly sau này. Và như vậy phép lạ hôm nay thật là dấu lạ, loan báo thực tại cao cả lớn lao hơn bội phần mà ai biết sự việc hôm nay cũng phải khát khao mong đợi.

Nhưng nếu Người là hôn phu, thì ai là hôn thê trong câu chuyện này? Chưa thấy rõ cũng đúng thôi vì “Giờ Người chưa đến”. Hôm nay mới chỉ có dấu lạ. Do đó, người ta hãy bằng lòng với một hình ảnh đầu tiên về người hôn thê đúng nghĩa sau này. Nhóm môn đệ tin vào Chúa hôm nay là nét phác chân dung Hội thánh Hiền thê. Nét đậm hơn nữa về Hội thánh này là chính hình ảnh: sau đó Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um. Và sao chúng ta không nói: Đức Mẹ là người có công tạo ra người Hiền thê Hội thánh nhờ sự can thiệp vì lòng Mẹ tế nhị và nhờ đức tin vững vàng không nghi nan của người? người không được kể tên đầu tiên đi theo Chúa Giêsu xuống Ca-phác-na-um ư, khiến Người đã là chị, là gương mẫu cho Hội thánh Hiền thê bắt chước rồi đó! Như vậy, bài tường thuật của Gioan cung cấp cho chúng ta không thiếu điều để nói về Đức Mẹ.

Tuy nhiên, đừng để làm lu mờ ý chính của tác giả, chúng ta hãy trở về với Chúa Giêsu vì đây là một mẫu Phúc Âm của Người mà dù sao Đức Mẹ cũng chỉ đóng vai phụ. Với những câu chuyện này và những đoạn sau, rõ ràng Gioan muốn cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã mở đầu thời đại của Người. Người chọn các môn đệ đầu tiên như là tiền đề để khai mạc mầu nhiệm cứu thế. Với tiệc cưới Cana, Người thiết lập thời đại Tân Ước với rượu mới, biến từ nước rửa của người Do thái tức là Cựu Ước. Rượu mới không đước đựng vào bình da cũ, nên phải tôn thờ cách mới mẻ (2,13-22), phải xoá bỏ mình như Gioan (3,30), phải tìm nước hằng sống (4,7-15) v.v… Những đòi hỏi này và nhiều đòi hỏi khác chỉ hiểu được và thi hành được khi người ta thực sự muốn làm môn đệ của Chúa. Hôm nay chúng ta cũng xin Đức Mẹ giúp chúng ta có tinh thần môn đệ hơn, ngay cả khi chúng ta là Thầy cả hơn hết, tức là tại bàn tiệc Thánh Thể.

Câu chuyện tiệc cưới Cana không gần với bàn tiệc chúng ta cử hành hằng ngày sao? Chỉ cần nhắc đến hai yếu tố quan trọng là ngày thứ ba và nước - rượu. Nơi Gioan, ngày thứ ba gợi đến ngày sống lại từ cõi chết, tức là ngày Chủ nhật tập họp dân chúng. Còn nước hoá rượu chính là tiền đề của việc rượu đổi thành máu.

Vậy tại tiệc cưới Đức Mẹ đã tỏ ra là môn đệ Chúa khi săn sóc, khẩn nguyện, lắng nghe và thi hành. Người săn sóc đến nhu cầu của nhà đám, để dạy chúng ta thái độ phục vụ khi tập họp dân chúng: làm sao để họ không thiếu thốn gì (ánh sáng, âm thanh, chỗ ngồi), nhất là gương sáng về phục vụ. Đức Giêsu há chẳng trở thành tôi tớ tại bàn tiệc ly sao để nói lời sau đây: Thầy làm gương cho chúng con? Chúng ta phải làm gương cho mọi người thấy Hội thánh phục vụ, để họ chia sẻ ơn gọi phục vụ các linh hồn. Mọi việc chúng ta làm nơi nhà thờ hãy nên bài học, chứ không phải những lời đòi hỏi của chúng ta.

Đức Mẹ đã khẩn cầu cho đôi bạn trẻ…. Chúng ta có cầu nguyện thật sự khi dâng lễ, nhất là cho ơn Chúa đi vào những người dự lễ không? Linh mục quản xứ phải cầu nguyện nhiều cho Giáo xứ. Những lễ phải làm cho giáo xứ chỉ là nhắc nhở thôi. Hãy bắt chước Đức Mẹ cầu nguyện cho ơn cứu độ đến, cầu cho đôi tân hôn được ơn Đức Kitô, cầu cho các tông đồ được ơn Thánh Thần.

Người ta cầu nguyện sốt sắng đẹp lòng Chúa khi chú tâm nghe lời Chúa. Linh mục hãy làm chứng là môn đệ biết lắng nghe bằng thái độ chăm chú, yên lặng ngồi nghe đọc lời Chúa và nhất là bằng cách hiểu lời Chúa sâu xa khi giảng lễ, vì là lúc khai triển lời Chúa, không nguyên về hiểu biết nhưng cả về thực hành.

Linh mục làm cho giáo dân thấy Lời Chúa dạy bảo cả mình nữa. Khi đó, chúng ta lại nghe như Đức Mẹ ôn tồn nhắc lại lời người tại tiệc cưới Cana: "Ngài bảo gì, anh em hãy làm như vậy". Linh mục tỏ ra là môn đệ khi giữ Lời Chúa đã nghe, đã giảng tại nhà thờ.

Từ nay, mỗi khi cử hành Thánh Thể, ước gì chúng ta nhớ lại tiệc cưới Cana, tại đó Đức Mẹ đã nêu gương săn sóc, khẩn cầu, lắng nghe và thi hành của người môn đệ Chúa.

BÀI VI: ĐỨC MẸ LÀ MẸ CỨU THẾ


(Hoặc ĐỨC MẸ LÀ MẸ CỦA ƠN GIẢNG HÒA)

Tại Cana, Đức Giêsu như đã muốn phủ nhận Đức Mẹ. Thật ra, Người đã muốn Đức Mẹ đi vào giai đoạn mới với một tư cách mới. Người bắt đầu đi làm việc cho Đức Chúa Cha thì quan hệ huyết nhục không còn ích lợi gì nữa. Đó là công việc của Thánh Thần, nên xác thịt phải lu mờ đi để quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện. Đức Mẹ đã vâng lời, kín đáo theo dõi xa xa hoạt động của Con. Người âm thầm chia sẻ mọi vui buồn và cầu nguyện đến Giờ của Con Người vì dù sao giờ cao điểm vẫn chưa đến.

Các môn đệ ở bàn tiệc ly được Thầy cho biết giờ ấy đã đến. Nhưng Đức Mẹ không được nghe lời ấy. Người đang ở đâu? Có lẽ tại nhà bà con nào đó ở Giêrusalem. Cũng có thể là tại nhà người chị em họ cũng có tên là Maria mà có người muốn đồng hoá với bà Salômê mẹ của Gioan, nhưng cũng có nhiều người nghĩ bà Maria đây và vợ ông Clêopas là một. Vì đã gần lễ Vượt qua rồi. Theo thông lệ, Mẹ Chúa Giêsu vẫn lên Giêrusalem vào dịp này.

Chắc chắn người cũng không có mặt ở vườn cây dầu, và cũng chẳng được vào công đường. Nhưng rất dễ tưởng tượng người cùng một số phụ nữ đón đường Đức Giêsu sẽ vác thập giá đi qua (Lc 23,27-31). Người đứng lại an ủi họ và cũng để biết ơn họ. Họ thương người thật. Người phải nói với họ một vài câu, những câu mở đường cứu độ cho họ. Mẹ Con chắc đã nhìn thấy nhau lúc bấy giờ. Hai tấm lòng đều như dao cắt. Rồi những người phụ nữ mộ mến ấy cũng tìm cách nào đó để có thể mon men đến gần chỗ đóng đinh. Và khi thiên hạ đã bắt đầu ra về, Đức Maria có thể đến gần hơn……

Tường thuật như vậy, kể ra cũng được nhưng chưa làm nổi giá trị của việc Đức Mẹ hiện diện gần thập giá. Thánh Gioan là tác giả duy nhất nói đến sự hiện diện này. Và chúng ta phải cám ơn người. Vì không những thiếu bài tường thuật của người, lòng tôn sùng Đức Trinh nữ của chúng ta không thể nào phát triển như ngày nay (như chúng ta sẽ nói nhiều hơn ở hai bài sau). Mà chúng ta cũng sẽ thấy vai trò của Đức Mẹ trong Lịch sử cứu độ mất giá đi rất nhiều. Người đã hiện diện ngay từ đầu trong việc truyền tin. Người đã sinh ra Chúa Cứu thế. Người đã đưa Chúa vào đền thánh. Đã chi phối những năm ẩn dật của Chúa trong câu chuyện lạc mất, đã có mặt ở buổi đầu cuộc đời công khai (Cana), làm sao tại cao đỉnh của Lịch sử cứu độ có thể thiếu người được? Gioan đã làm tròn phận sự của tác giả sách Tin Mừng cuối cùng, bổ sung những gì chưa được nói, đào sâu những gì chưa được rõ. Thật vậy, Matthêu (27,55) nói đến nhiều phụ nữ đứng xa mà nhìn, nhưng không kể tên Đức Mẹ. Maccô (15,40) cũng vậy. Luca nói có nhiều phụ nữ đón đường Đức Giêsu vác thập giá đi qua, họ đấm ngực than khóc số phận của Người (23,27). Còn ở gần Đồi sọ, tác giả chỉ nói trống “đứng từ đàng xa thập giá, có tất cả những người quen biết Ngài cùng những phụ nữ đã đi theo Ngài từ Galilê” (23,49). Như vậy rõ ràng chỉ có Gioan kể lại việc Đức Maria đứng gần thập giá. Ông đã nhiều lần khẳng định các điều ông nói đều thật. Và chẳng ai bác bỏ được chứng của ông vì chính ông ở trong cuộc.

Vậy chúng ta hãy theo chứng của ông mà dựng lại con đường dẫn Đức Mẹ đến chân thập giá. Chắc chắn Đức Mẹ theo dõi sát đời sống công khai của Chúa, không những với tâm tình tự nhiên của người mẹ, mà nhất là với thái độ của người môn đệ không muốn bỏ rơi một nét chấm nét phẩy nào của Thầy mình, hơn nữa với tất cả linh hồn và thể xác của con người đã được đưa vào cộng tác trong công cuộc cứu độ. Đức Maria phải biết việc Đức Giêsu dần dần đi lên Giêrusalem theo nghĩa đi đến chỗ bị nộp, bị xử như Người đã nhiều lần nói với các môn đệ. Nếu Tôma còn biết lần lên Giêrusalem cuối cùng là nguy hiểm (11,16), thì Đức Maria còn sợ hơn nữa theo tình mẫu tử huyết nhục, nhưng cũng dũng cảm như Đức Giêsu. Nên chắc chắn người có mặt ở Giêrusalem trong dịp này, cho dù có nhiều người muốn ngăn trở. Nhất là những bà mến Chúa, nhất định đã phải muốn giấu mọi tin tức về cuộc xử án. Và họ đã phải thua ý chí của Đức Mẹ khi không cản nổi người đi theo con đường thập giá. Và họ có thể đứng xa, còn Đức Mẹ phải đến gần. Thấy vậy họ phải tế nhị để yên cho người đi, vì họ nghĩ đây là giây phút thiêng liêng của hai mẹ con.

Như vậy, họ suy nghĩ theo tâm lý thường. Gioan hiểu mối tương quan giữa Chúa và Đức Mẹ hơn. Ông đã thấy hai người sống trên bình diện cứu độ ngay từ hôm ở Cana. Làm sao Đức Mẹ có thể không nổi bật trong giờ phút lịch sử này? Gioan đã hữu ý tách Đức Maria ra khỏi đám phụ nữ vẫn đi theo Chúa, để vai trò của Đức Mẹ nổi lên trong mầu nhiệm cứu thế. Người ngoài có thể chỉ thấy trong quang cảnh Núi Sọ của Gioan một Đức Mẹ dũng cảm. Nhưng Gioan bay cao, nhìn sâu, thấy đây là màn chót hoặc cao điểm của lịch sử cứu độ mà Đức Mẹ phải có chỗ đứng đặc biệt.

Đức Giêsu biết mọi sự sắp sửa hoàn thành. Người nói lời di chúc : "Thưa bà, đây là con Bà… và đây là Mẹ con". Lời xưng hô ở đây lập lại lời tại tiệc cưới Cana. Trước kia đó là lời như để phủ nhận: "Việc đó có liên hệ gì đến Bà và tôi. Giờ tôi chưa đến". Nay lời đó được lấy lại, tức là giờ đã đến và Đức Mẹ lại được đưa vào sự kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô, để sự đau khổ của Đức Mẹ được dâng lên với cuộc hy tế của Chúa Cứu Thế.

Do đó thiết tưởng sẽ quá nông cạn nếu chỉ hiểu lời trối trăn kia như là một cử chỉ hiếu thảo trước khi lìa trần: Đức Giêsu trối Đức Mẹ lại cho Gioan để người có nơi nương tựa. Hiểu như vậy, sợ rằng đã không đọc kỹ Tin Mừng. Nếu bây giờ Đức Giêsu mới làm việc đó, e rằng Người không nhìn xa, không yêu Đức Mẹ đủ. Người đã phải tìm nơi nương tựa cho Đức Mẹ ngay từ khi giã từ căn nhà Nadarét.

Trối như vậy vào lúc này lại cũng thừa, nếu không muốn nói là xúc phạm; vì ba năm nay Đức Maria vẫn tự túc, hay đã sống với bà chị họ chẳng hạn. Xáo trộn bây giờ là phủ nhận và vô lễ đối với cách xếp đặt của Đức Mẹ và của bà chị. Đồng thời cũng làm cho Gioan khó nghĩ. Mẹ ông ta còn đó ! Bà Zêbêđê cũng sẽ phật ý.

Nhất là phân tích lối viết của Gioan, chúng ta sẽ thấy Chúa trối Gioan cho Đức Mẹ hơn là trối Đức Mẹ cho Gioan. Và điều này có hệ luận rất xa như chúng ta sẽ nói. Đàng khác lời di chúc thiêng liêng này được coi như nằm trong các điều đã viết trước về Con Người, tức là phải được xem như trong Lịch sử cứu độ, chứ không phải chỉ là một hành vi hiếu thảo thông thường. Ý tưởng này phải được nghĩ ra khi đọc tới câu 28. Gioan viết: “Sau đó, biết rằng mọi sự đã hoàn tất…”. Và giả như không có câu này và chỉ coi lời trối kia là một thái độ hiếu thảo, người ta sẽ làm mất giá trị bầu khí cao cả lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Mọi lời của Người lúc ấy phải có giá trị cứu độ vô song.

Thế nên, trước khi bàn giải những lời kia, phải dựng lại bối cảnh, phải đến bên thập giá. Đây không phải là Giờ mà Đức Giêsu thường nói tới sao? Vì Giờ này mà Người đã đến trong thế gian. Cao điểm của công cuộc cứu thế là ở đây, vào lúc này, đây là lúc thực hiện lời hứa ngay từ ban đầu. Kn 3,15 viết: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó". Chúng ta có thể vẽ lại bối cảnh bồi bấy giờ: một cây trái cấm, Satan mặc lốt con rắn ở đó, còn Evà thì đứng bên. Nay tại đồi Sọ, cũng một cây, cây thập giá, Đức Giêsu đã bị treo lên như Maisen đã treo con rắn đồng trong sa mạc. Người lên đó để tiêu diệt kẻ cám dỗ loài người đã đưa họ vào con đường vô phúc. Đứng gần thập giá, có Đức Maria, mà bấy giờ chúng ta thấy đồng hóa người với Evà cũng tự nhiên thôi. Nói đúng hơn, người là Evà mới, người là người nữ mà dòng giống đánh được và đầu Satan và Thiên Chúa đã muốn dùng để thay thế Evà đã phạm tội.

Chúng ta có thể kể ra rất nhiều đoạn kinh thánh diễn tả mối thù giữa tên cám dỗ và người đàn bà. Cả lịch sử dân Cựu ước là một trường thiên về sự hằn thù này, cho đến ngày người đàn bà phải sinh, sẽ sinh con trai. Satan đã chờ sẵn như con rồng đỏ mà sách Khải huyền của Gioan nói một cách bóng bảy (12,1-6). Nó đã tấn công Đức Giêsu ngay từ khi Người vừa xuất hiện công khai. Lần đó thua, theo lời Luca viết (4,13), nó đợi giờ trở lại. Giờ đó đến khi Đức Giêsu vào Giêrusalem trong bầu khí căng thẳng. Người bảo: "Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài. Phần Tôi, một khi được giơ cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi" (Ga 12,31-32). Sự chết tưởng tiêu diệt được sự sống, nhưng chính sự sống đã tiêu diệt sự chết bằng sự sống lại. Đúng như lời người Do Thái nghĩ: Chuyện này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước (Mt 27,64). Và tên cám dỗ xưa lừa được Evà, nay rõ ràng bị lừa khi tưởng giết được Đức Giêsu là thắng được Người. Dòng giống người phụ nữ đã đánh vào đầu nó. Còn nó chỉ cắn được vào gót chân Người, nhưng như lời sách Khải huyền, Người đã được đưa lên ngự bên hữu Thiên Chúa trong mầu nhiệm Phục sinh.

Đức Mẹ đã tham gia mật thiết vào cuộc chiến này. Thân thể Con Người đầy các vết thương đẫm máu thế nào, thì tâm hồn Người cũng bị gươm đâm thâu như vậy. Những gì chưa rõ hôm người dâng Con trong đền thờ, nay đã sáng tỏ. Người đáng được chia sẻ chiến thắng. Người là người đàn bà được Thiên Chúa nói đến trong vườn Địa Đàng để thay thế Evà.

Chúng ta thường nghe nói về Evà-Maria nhân việc truyền tin: cả hai trước khi sinh con đều đồng trinh, nhưng Evà nghe lời Satan còn Maria nghe lời Gabriel; Evà bất tuân, còn Maria vâng theo ý Chúa… Nhưng giáp cảnh vườn địa đàng vào cảnh đồi Sọ mới thật là sâu sắc. Và như vậy trước khi nói đến việc Gioan là con của Đức Mẹ, hãy nói đến Đức Giêsu là dòng giống của người nữ; nghĩa là cần nhắc lại việc Người là con của Đức Maria. Và chính Người nói đến điều đó khi từ thập giá gọi Đức Mẹ: “Thưa Bà”. Người dùng lại cách xưng hô hôm tiệc cưới. Hôm đó cũng như hôm nay Người đánh vào quan hệ mẫu tử; Người phủ nhận giá trị huyết nhục; Người muốn chúng ta nhìn Người và Đức Mẹ ở bình diện Nước Trời.

Hôm xưa Người đã đưa Đức Mẹ vào việc thi hành dấu lạ dầu tiên, khiến các môn đệ tin Người, nghĩa là khiến xuất hiện khởi đầu của cộng đoàn dân Chúa. Hôm nay Người cũng muốn đưa Mẹ Người vào việc hoàn tất công cuộc Đức Chúa đã trao phó. Tại Cana, Người đã tỏ vinh quang vì lời xin tin tưởng của Đức Mẹ; nay Người muốn hoàn thành việc cứu thế với một sự cộng tác khác của Đức Mẹ. Từ thập giá, Người gọi Mẹ đau khổ của Người ngẩng đầu lên; kết hiệp với Người đang chịu khổ, để trở thành người đàn bà trong chương trình cứu độ. Lát nữa đây, Người phó linh hồn trong tay Đức Chúa Cha. Chúa Cha rước lấy Con Mình và tuyên bố: Con là Con Ta, hôm nay Ta sinh ra Con. Giêsu trở thành Chúa trên thập giá. Tại đây, Người là vua như Người đã nói với Philatô (Ga 18,37) và ông đã đề bản án như vậy. Do đó, tại đây phải áp dụng cho Người câu Thánh Vịnh phong vương cho hoàng tử. Tại đây, Người được tuyên phong là Con Thiên Chúa. Người bị giết vì tội này, thì Đức Mẹ cũng phải được nhắc lại ở đây là Mẹ của Đức Giêsu; nếu không, người là Mẹ Đấng Cứu Thế lúc nào vì Giêsu có nghĩa là Cứu thế. Ở đây theo kiểu loài người, người ta có thể nói Đức Maria mất Con của người. Nhưng Đức Giêsu đã nói: Ai biết bỏ mạng sống đi thì sẽ lại được nó. Người đi để trở lại. Người chết cho xác thịt để sống cho Thiên Chúa. Đức Mẹ chỉ mất người con xác thịt, và được lại người con là Chúa, khiến ở đây tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa lại càng đúng hơn.

Đức Mẹ kết hiệp với Người hơn bao giờ hết, nên cũng hơn bao giờ hết, người là Mẹ Đức Giêsu, một Đức Giêsu Cứu thế, một Đức Giêsu là Chúa. Gioan có lý để viết trong sách Khải huyền rằng: Người nữ đau đớn sinh con. Đức Mẹ đau đớn sinh Đức “Chúa” Giêsu. Và Luca cũng sâu sắc khi mượn lại mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh để thuật lại việc Đức Mẹ sinh Chúa tại Bêlem. Nửa bài đầu trong đau khổ…, nửa bài sau trong vui mừng. Tại đồi Sọ, Đức Mẹ là Mẹ theo ý nghĩa trọn vẹn (plenier), nếu nói được như vậy. Và chữ Fiat ở đây khi dâng Con trên thập giá nặng hơn tiếng Fiat lúc truyền tin.

Nhưng trên thập giá, Đức Giêsu không phải chỉ là Con Đức Chúa Cha. Người đã tuyên bố: Bây giờ thiên hạ sẽ biết chân tính đích thực của Người. Philatô đã giới thiệu trước: Ecce Homo. Ông không biết Người là Thiên Chúa nhưng ông biết Người là Người, Người chữ lớn, Người đúng như Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh mình. Muốn nói mau, chúng ta bảo Người là Adong mới. Adong cũ bị đóng đinh vào thập giá. Adong mới xuất hiện trong vinh quang Phục sinh tỏa ra từ thập giá. Và cũng như Thiên Chúa đã rút xương sườn Adong cũ làm ra Evà cũ, thì từ cạnh sườn Đấng chết trên thập giá cũng bị chọc thủng để có Evà mới: Nước và Máu chảy ra ban sự sống mới. Người ta hay nói : Hội Thánh được sinh ra ở đây. Và người ta thường chỉ nghĩ đến những người con mới của Chúa mà biểu tượng là Gioan. Tại sao người ta lại quên Đức Mẹ? Đức Mẹ không cần nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu sao? Giáo lý Công giáo vẫn dạy: Mọi ơn Đức Mẹ đều do công nghiệp của Chúa Cứu Thế. Do đó ở đây có thể coi Đức Mẹ là Evà mới, thành hình từ cạnh sườn Adong mới. Người là hình ảnh của Hội Thánh ở cả đây nữa, và chẳng đâu bằng ở đây.

Chúng ta cũng có thể nói thêm, sau khi bị phạt, Adong gọi bạn mình là Evà, tức là Mẹ của chúng sinh, thì ở đây, Adong mới cũng phải đặt tên cho Người nữ đã được ban để cộng tác với Người là Mẹ của những người có sự sống mới…

Đức Maria có những người con mới mà biểu tượng là Gioan, người môn đệ đồng trinh yêu dấu của Chúa. Đó là những người con không sinh ra bởi ý muốn đàn ông và bởi xác thịt, nhưng bởi Thiên Chúa. Đức Maria là mẹ của những người con này, những người được rửa bằng Nước và Máu, bằng lễ hy sinh giao hòa của Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ của việc giao hòa ấy. Từ nay chính người sẽ đưa người ta lại với Chúa, và đó là trách nhiệm làm Mẹ mới của người. Trước đây, từ ngày thụ thai Chúa, người đem Chúa đến trong thế gian, từ nay người sẽ giúp người ta nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu để thấy Nước và Máu ban ơn giảng hòa: như Gioan đã làm chứng.

Là những người tiếp tục việc giảng hòa của Thiên Chúa, chúng ta hãy dừng lại chiêm ngưỡng gương sáng của Đức Mẹ tại đây. Người đã rất đau khổ (perdolens) vì chia sẻ những đau khổ của Con Người (compations). Nói gì thì nói, ơn cứu độ giảng hòa đã được thực hiện trong việc đổ máu người vô tội. Chúng ta không thể mơ ước một cuộc đời tông đồ phong phú mà trái tim không đổ máu. Thực tế, đời sống linh mục có nhiều khó khăn, đau khổ, bề ngoài ít nhưng bề trong nhiều. Điều cần là chúng ta biết đón nhận bằng đức tin.

Người ta có thể nói, khi đứng gần thập giá, Đức Mẹ một phần nào đóng vai linh mục trong mầu nhiệm cứu thế. Người hiến dâng Chiên Con bị sát tế với tấm lòng đau như cắt của một người Mẹ. Người kêu gọi linh mục chúng ta "hãy cảm thông" với những lễ dâng trên bàn thờ, để không nguội lạnh nhưng nồng nàn muốn chia sẻ những đau thương của Chúa Cứu Thế. Đó là lúc tốt nhất để thiêu đốt các hy sinh của mình. Linh mục hãy đưa mọi đau khổ, cực lòng vào đĩa thánh để xin Chúa biến đổi nên nhiệm tích cứu độ. Nếu có đức tin và đức cậy với đức mến để dâng lễ như Đức Mẹ, tôi không sợ anh em linh mục chúng ta xuôi tay khi gặp khó khăn, không để cho Chúa trên thập giá kéo mình lên làm lễ tế với Người.

Thiêu đốt mọi nỗi lòng tại bàn thờ thánh giá rồi, linh mục được đổi mới. Trái tim cay đắng trước đây đã được Nước và Máu từ cạnh sườn Chúa chảy đến rửa sạch và nên mát, linh mục có tình yêu tươi tắn mới đối với mọi người và con chiên. Linh mục lại tha thứ, chấp nhận, săn sóc những con chiên bướng bỉnh, ghẻ lở, để trở thành cha, thành mẹ như Đức Maria khi đứng gần thập giá. Mục vụ sẽ là công việc giảng hòa, đem ơn tha thứ đến cho tội nhân, đem yêu thương đến kêu gọi mọi người và những đứa con kém nhất lại thách đố tình mẫu tử nhất…

Dĩ nhiên không phải một lần một ngày tiêu diệt được mọi hận thù và đau khổ, để ơn giảng hòa, Nước bình an của Chúa Cứu Thế tràn ngập mọi nơi. Trở lại Khải Huyền chương 12, chúng ta thấy cuộc chiến còn kéo dài. Những người đàn bà được đôi cánh phượng hoàng nâng lên đem vào sa mạc để nuôi dưỡng trong lúc Michael và Satan chiến đấu với nhau, chúng ta là dân mới cũng như dân cũ được mời vào sa mạc để được ăn manna và Lời Chúa và chịu thử thách. Chúng ta đi vào cầu nguyện, vào mầu nhiệm Thánh Thể, dâng các đau khổ cá nhân góp vào cuộc chiến giữa thần dữ và thần lành.

Chúng ta cũng phải đưa giáo dân vào sứ mạng giảng hòa này. Họ phải biết đau khổ khi đến dâng lễ như Đức Mẹ lúc ở gần thập giá. Lễ vật (bánh rượu) phải là lao công vất vả của họ. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội, hôm truyền chức, để làm nổi bật ý nghĩa này. Lẽ ra trước khi trao chén đĩa cho Cha mới, tôi phải nhận được từ tay giáo dân (nếu được, từ tay cha mẹ Tân chức). Mọi người sẽ hiểu rõ phải góp phần, cộng tác vào sứ mệnh dâng lễ của linh mục như thế nào. Lẽ ra đồng tiền dâng cúng khi dâng lễ cũng phải làm cho giáo dân thấy phải đau như cắt khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.

Và cũng vậy, khi ra về họ phải đầy ơn giảng hòa trong gia đình, ngoài xã hội. Thư Chung năm 1980 bảo họ hãy giảng hòa Công giáo với dân tộc, bằng đoàn kết, hài hòa và đóng góp… Có thể họ còn chờ gương sáng của chúng ta hơn là lời nói!

Chúa Giêsu đã phải đổ máu, thí mạng, ký kết giao ước mới, giảng hòa thế gian với Thiên Chúa, phá đổ mọi thành kiến chia rẽ… Đức Mẹ đã chia sẻ hoàn toàn lễ hy sinh giảng hòa này để trở thành mẹ của loài người được cứu chuộc. Linh mục dâng lễ hy sinh của Đức Giêsu, được gọi là cha sinh ra con cái mới, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ, thông phần đau khổ với Đức Kitô, để hoàn thành những gì còn phải vất vả cho Nhiệm thể của Chúa được lớn lên… Hình ảnh người nữ mang thai đau đớn khi sinh con, có ý bóng bảy nói về Đức Mẹ hay tựa vào sự kiện Đức Mẹ đứng gần thập giá để thực sự ám chỉ Hội Thánh phải quằn quại khi sinh con cái mới? Giải thích cách nào, chúng ta cũng không thể quên việc Đức Mẹ khổ đau dâng Con chịu chết. Người nêu gương cho linh mục chúng ta mỗi khi tế lễ và gặp đau khổ. Xin người ban ơn cho chúng ta.

PHỤ LỤC: BÀI GIẢNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH


Tại hầu hết các nhà thờ ở Liên Xô mà tôi đã viếng thăm đều có những bức họa lớn hoặc nhỏ, rất đẹp về cảnh Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Ở góc cao nhất của bức họa là cửa đền thờ Giêrusalem diễn tả cửa Trời. Thầy thượng tế mặc phẩm phục đứng đó nhìn xuống một cô bé 3 tuổi, đang lanh lẹn và đẹp đẽ leo hết 36 bậc thang đi vào Đền Thánh, trước sự ngưỡng mộ của hàng ngàn trinh nữ cầm đèn cháy sáng đứng hai bên. Cô bé ba tuổi đó chính là Maria, lanh lẹn tiến vào nhà Chúa, không thèm ngoái cổ lại nhìn thế gian, từ giã họ hàng…

Các nhà thờ chính thống cũng như Công giáo ở Đông Phương đều đề cao việc Đức Mẹ dâng mình và mừng lễ này hết sức long trọng và hân hoan, không biết từ những ngày xa xôi nào. Chỉ biết đến thế kỷ VI, đòan đại biểu của Giáo Hội La Mã qua thăm Đông Phương thấy vẻ đẹp của các bức họa và các cuộc lễ này đẹp đẽ phấn khởi như vậy, mới trở về quảng bá việc mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình cho đến ngày nay.

Như vậy, lễ này phát xuất từ Đông Phương, miền truyền giáo của thánh Gioan tông đồ và có thể là nơi xuất phát lòng tôn sùng Đức Mẹ sâu sắc hơn cả. Dĩ nhiên, câu truyện Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ không được viết trong Thánh Kinh. Phải đọc nó trong các sách bình dân không có phép của giáo quyền. Nghĩa là không có gì chắc chắn Đức Maria đã dâng mình vào đền thờ khi lên ba. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ dâng mình kéo dài mà đỉnh cao như chúng ta sẽ nói là ở đồi Sọ, gần thập giá Đức Giêsu.

Maria sinh ra được giáo dục trong lòng đạo đức của Dân được tuyển chọn. Lớn lên, một trong những câu truyện đầu tiên cô được nghe và phải thuộc lòng, chính là câu truyện về cuộc đời của Abraham tổ phụ dân Chúa. Và Thánh Kinh kể Abraham là con người có đức tin, tin một mình Đức Chúa, tin hoàn toàn vào Lời Hứa và sự dẫn dắt của Người. Vì Đức Chúa, để gắn bó với Người, ông bỏ quê hương, bỏ gia tộc, bỏ mọi sự, đi theo Chúa. Không phải ông không mơ ước điều nọ điều kia. Ông đi theo Chúa vì Chúa hứa cho ông một giang sơn, một dòng dõi, một đời sống hạnh phúc bất tận. Dần dần ông thấy mình được những điều đó. Đặc biệt đến tuổi 100, ông đã được Chúa ban đứa con nối dòng là Isaac. Chúng ta cứ thử nghĩ xem Isaac đối với ông quí như thế nào. Đó là sự sống của ông, sự sống sẽ được nối dài trong bao ngàn thế hệ… Thế mà Chúa lại đòi ông đi sát tế Isaac. Lòng đau như cắt, ông xin vâng, dẫn Isaac lên tế đàn…

Câu truyện đó làm sao không làm cho Maria say mê sung sướng. Là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tiêu biểu của dòng giống được tuyển chọn, Maria phải yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tổ phụ của dân và do đó phải thích và thuộc những gì Kinh Thánh viết về Abraham. Hơn nữa, là một tác phẩm kỳ công của Thiên Chúa, câu truyện Abraham tin Chúa, yêu Chúa đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả để tỏ lòng tin, cậy, mến, phải thu hút tình yêu của Maria. Maria muốn bắt chước tổ phụ của dòng dõi mình. Maria dâng trọn đời mình cho Chúa.

Chúng ta khẳng định được như vậy vì tất cả các nét mà các sách Tin Mừng vẽ lại cho chúng ta thấy tâm hồn của Maria. Chúng ta biết câu truyện Truyền tin. Maria dâng mình phó thác cho Thiên Chúa quyết liệt thế nào trong hai tiếng Xin Vâng khiêm nhường. Cũng vì chỉ muốn đi theo Chúa, phục vụ Chúa, mà nghe tin Chúa làm việc lạ nơi bà chị họ Êlisabét, Maria đã tất tưởi lên đường, hạnh phúc nhảy các đồi cao, đến nhìn công việc của Chúa. Và tại đây, như bài Tin Mừng cho thấy, tâm hồn của Maria đã dạt dào cởi mở trong bài kinh Magnificat. Cứ đọc bài ca ấy đi, ai không thấy ngay một tâm hồn đẹp đẽ nhưng dâng hiến hoàn toàn cho công việc của Thiên Chúa. Lòng dâng hiến trọn vẹn sẽ đưa Maria không một phút nào không mật thiết kết hiệp với Đức Giêsu, đặc biệt trên con đường thập giá. Và khi Phêrô và các môn đệ to mồm nhất, bỏ Chúa đau đớn và trơ trọi trên thập giá, Mẹ Maria dũng cảm có mặt ở đó, để các vết thương trên thân thể Con trở thành những nhát gươm đâm nát trái tim Mẹ. Con dâng mình đau đớn thế nào cho Chúa Cha, Mẹ cũng dâng khổ đau dữ dằn như thế, để cùng Con đổ Máu đền tội cho trần gian và ban Nước ân sủng Thánh Thần cho mọi tín hữu. Đức tin cho chúng ta biết lễ dâng của Chúa và của Đức Mẹ tại đồi Sọ có giá trị như thế nào. Thánh Phaolô nói rõ trong bài thư hôm nay. Chúng ta vẫn tin như vậy. Tôi không cần nói thêm.

Tôi chỉ muốn nói điều này: Ơn Cứu độ, Sự sống của Hội Thánh phát xuất từ lễ dâng trên núi Sọ. Đó là lễ dâng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Lễ dâng đó trọn vẹn vì đã chảy cho đến giọt máu cuối cùng… Nhưng đã khởi sự và đi con đường thập giá hy sinh lâu rồi. Cũng như thư Hi- bá viết: Khi vào thế gian, Đức Kitô đã nói với Đức Chúa Cha : Này Con xin đến để làm theo ý Cha; thì khi cho chúng ta gặp Đức Mẹ lần đầu tiên, sách Tin Mừng cũng kể: Người nói hai chữ “Xin Vâng” để suốt đời sống theo ý Chúa.

Cha của chúng ta là Đức Giêsu, Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cả hai đã suốt đời Xin Vâng ý Cha Trên Trời nên mới có dòng dõi là nghĩa tử. Đó là Adong và Evà mới của nhân loại mới được cứu độ, thay cho Adong và Evà cũ đã đưa loài người vào con đường tội lỗi lầm than vì bất tuân, vì không dâng hiến nhưng muốn sống cho mình.

Cha mẹ của chúng ta như vậy, chúng ta sẽ thế nào? Anh em Linh mục thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Mẹ trong lễ dâng mình hôm nay, để dâng lại ý chí của chúng ta trong ngày chịu chức, là vâng phục Giám mục để thực sự là tông đồ, tức là được sai đi như Chúa Con được Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành chương trình cứu độ thương xót của Người.

Anh chị em nam nữ tu sĩ, hôm nay hãy cùng chúng tôi dâng mình lại theo gương mẫu Đức Maria, dâng trọn vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc Cứu thế của Người.

Anh chị em giáo dân hãy hợp lòng với tất cả các bậc tu trì chúng tôi để cùng dâng linh hồn và thân xác, đời sống và gia đình cho Chúa, cho Đức Mẹ để xứng đáng là tín hữu, tức là có đức tin trung tín.

Và như vậy, tất cả chúng ta, sau khi dâng mình hiệp với của lễ dâng trên bàn thờ, để gắn bó với tâm tình hiến dâng của Chúa và Đức Mẹ, và sau khi mang tinh thần hiến dâng trọn vẹn ở nơi mình, chúng ta trước khi ra về sẽ dâng Giáo phận, các Giáo xứ, các Cộng đoàn, các gia đình và hết thảy mọi người cho Chúa trong đà dâng mình trọn vẹn, tuyệt diệu của Đức Maria Mẹ chúng ta trong thánh lễ hôm nay.

Chúng ta cùng nhau đứng lên bắt đầu thái độ hiến dâng trong các lời nguyện cầu sau đây cho mọi thành phần dân Chúa và xã hội.

---o0o---

KINH DÂNG GIÁO PHẬN

(Đọc trong Thánh lễ bế mạc tuần tĩnh tâm linh mục, 21.11.1987)

Lạy Mẹ rất mến yêu,

Giờ đây toàn thể giáo phận chúng con đến quì dưới chân Mẹ.

Chúng con ngước mắt nhìn lên Mẹ,

Sung sướng chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện lạ lùng của Mẹ.

Mẹ đã sớm hiểu biết và yêu mến Chúa,

nên đã dâng trọn hồn xác

để suốt đời vâng lời và sống đẹp lòng Chúa.

Chúa đã đón nhận,

đưa mẹ vào chương trình cứu chuộc loài người,

để Mẹ trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.

Nhưng Mẹ luôn khiêm nhường,

lắng nghe mạc khải của Ngôi Lời nhập thể,

ghi sâu và suy ngắm các mầu nhiệm trong lòng,

xứng đáng là môn đệ đầu tiên của Chúa.

Bằng lời cầu nguyện âm thầm,

Mẹ cộng tác mật thiết với Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm.

Và khi đứng bên thập giá,

Mẹ hiệp thông hoàn toàn với cuộc thương khó của Người,

dâng Người làm Chiên Vượt Qua đích thực,

để Máu và Nước từ cạnh sườn Người chảy ra

tẩy xóa tội lỗi

và ban Thánh Thần giao hòa thế gian với Thiên Chúa.

Chính nơi đó, Mẹ nhận lời trăn trối của Chúa,

để trở thành Mẹ của chúng con.

Lạy Mẹ mến yêu!

Mẹ luôn đi trước để chỉ bảo đàng lành cho chúng con.

Mẹ muốn dạy dỗ chúng con

sống thánh thiện và có tinh thần cứu thế.

Nhưng chúng con lại chỉ hay nghĩ đến mình

với những lời kêu xin thiển cận.

Từ nay xin Mẹ đưa lòng chúng con lên :

- Ước gì hàng linh mục thân yêu của chúng con

luôn biết đồng tâm nhất trí,

và cùng Mẹ chuyên cần cầu xin ơn Chúa Thánh Thần,

để trở nên tông đồ nhiệt thành

xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô

giữa lòng dân tộc chúng con;

- Ước gì hàng tu sĩ đạo đức của chúng con

được Mẹ hướng dẫn,

đi sâu vào đời sống nội tâm và hy sinh,

để Giáo Hội chúng con

được thêm nhiều bông hoa thánh thiện;

- Mẹ biết rõ

hàng ngũ giáo dân sốt sắng của chúng con,

luôn yêu mến và trông cậy Mẹ,

đang còn vất vả nhiều

và ước mong gia đình được yên vui.

Xin Mẹ giúp họ biết sống đạo giữa đời,

dân thân phục vụ theo đường lối Phúc âm.

Lạy Mẹ mến yêu !

Chúng con tội lỗi và yếu đuối chạy đến với Mẹ.

Xin Mẹ săn sóc, ủi an, giúp đỡ mọi người,

để các gia đình,

các cộng đoàn,

các Giáo xứ và Giáo phận chúng con

biết noi gương Mẹ,

trở nên hình ảnh đáng yêu

của Hội Thánh Chúa Kitô Con Mẹ.

Xin Mẹ hằng lôi kéo chúng con

vào tâm tình hiến dâng tốt đẹp của Mẹ,

để chúng con luôn sống hữu ích cho đời,

làm vui lòng Mẹ và sáng danh Chúa,

hầu được hưởng bình an và hạnh phúc ngay từ đời này,

và đời sau

được cùng Mẹ chiêm ngưỡng

vinh quang của Ba Ngôi Cực Thánh. Amen.

Đà Lạt, 21.11.1987
+GM. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm