Lm. Jude Siciliano, OP

Anh chị em thân mến,

Ngôn sứ Isaia rao giảng cho những người Do Thái đang bị tê liệt về tinh thần vì họ đang bị lưu đày ở Babylon. Lúc bấy giờ dân Do Thái nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm để cứu dân Israël ra khỏi đất Ai Cập. Họ chán nản và tự hỏi tại sao Chúa lại bỏ rơi và không cứu họ thoát khỏi ách lưu đày. Chúa đã làm gì để dân đợi lâu thế? Ngài không thấy tinh thần họ bị tê liệt sao? Họ đã đuối sức, nhưng họ vẫn muốn được trở về nơi quê cha đất tổ như một người tự do. Hôm nay, qua bài của ngôn sứ Isaia, chúng ta nghe tiếng Chúa nói với dân Ngài là họ không nên chán nản nhưng hãy hy vọng.

Lời ngôn sứ Isaia là lời đầy hy vọng, loan báo tin cho dân Do Thái sẽ được cứu khỏi sự lưu đày. Họ sẽ được dẫn qua sa mạc như trước kia, họ đã từng đi qua sa mạc để thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. "Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn" (Is 43:19). Thiên Chúa hứa với dân Ngài, là họ sẽ được chữa khỏi bệnh tê liệt tinh thần trong cảnh lưu đày.

Ngôn sứ Isaia nói cho dân chúng biết chính tội lỗi đã làm cho họ tê liệt tinh thần, chẳng những bị lưu đày xa quê hương, mà còn bị rời xa khỏi Thiên Chúa nữa. Khi dân Do Thái đi qua sa mạc để trở về quê hương, cũng có nghĩa là họ được trở về với Chúa của họ. Nhưng Chúa sẽ bước đến gặp dân Ngài trước, không những để cứu họ ra khỏi ách nô lệ, mà cũng là để tha tội cho họ. Trước mặt Thiên Chúa, dân Do Thái sẽ được chữa lành bệnh về tinh thần và thể xác. Và đến đây chúng ta được dẫn tới Phúc âm thánh Mác-cô.

Theo câu chuyện trong Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay, chúng ta lại nghe tin vui, căn bản là: Thiên Chúa chữa lành bệnh và tha thứ tội lỗi. Thánh Mác-cô cho chúng ta biết là Chúa Giêsu không những chỉ đáp lời với đức tin của người liệt, mà chính Ngài đã động lòng vì niềm tin của những người đã dòng người liệt xuống từ lổ trống trên mái nhà, để đem người đó đến Chúa Giêsu. Họ phải cố gắng tạo một chổ trống trên mái nhà để đưa người liệt xuống, đó là việc không dễ làm.

Đối với chúng ta, thử hỏi chúng ta có khi nào làm việc giúp đỡ bạn bè giống như họ chưa? Khi chúng ta gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống làm đức tin bị tê liệt, chúng ta rất cần sự giúp đỡ của những người bạn có đức tin vững vàng để nâng đỡ chúng ta trở lại đời sống đức tin bình thường. Nơi Bàn tiệc thánh, chúng ta cùng chung một Thánh Thể, cùng chung một đức tin, và cùng chung một sức mạnh giúp đỡ nhau. Dù cho bại liệt thế nào đi nữa, chúng ta vẫn còn bạn hữu giúp đỡ. Nhân dịp dự Bàn tiệc thánh, hãy dâng lên Chúa lời cảm ơn những người đã giúp đỡ chúng ta trong những lúc chúng ta đã bại liệt vì khó khăn trong cuộc sống.

Chúng ta cũng nên tự vấn: Mình đã giúp đỡ những ai và vào lúc nào? Ai là những người cần chúng ta giúp cho đức tin họ được mạnh hơn? Tôi biết một phụ nữ có chồng bị đột tử, bà ấy bị suy sụp hoàn toàn hầu như bị liệt vậy. Sáng sớm bà ta đi lễ và ngồi im lặng một mình. Bà ta nói là bà cảm thấy rủ liệt, và ngay trong nhà thờ bà cũng không cảm thấy đức tin mạnh mẽ. Bà cảm thấy phải dựa vào đức tin của những người chung quanh để thờ phượng Chúa: "Tôi không muốn hăng hái ca hát như họ. Và tôi đi lễ như vậy đã mấy tháng nay, rồi tôi mới ráng cố gắng hát như họ". Bà để những người khác mang bà đến dưới chân Chúa Giêsu cho tới khi bà có thể tự đến một mình với Chúa. Hiện nay, bà là người lãnh đạo nhóm giúp an ủi người sầu khổ trong giáo xứ, vì bà đã được giúp đỡ trong những tháng ngày khổ đau.

Thường thường, chúng ta không trở thành những người bạn của nhau khi cùng những người khác đi lễ chung vào ngày Chúa nhật. Nhưng sự thật, họ là những người bạn không tên tuổi cùng chung một đức tin. Họ cùng chúng ta mỗi Chúa Nhật tụ họp dưới chân Chúa để xin ơn tha thứ và ơn chữa lành. Chúng ta đều đã có những ngày tê liệt vì cuộc sống, chúng ta đã có lần cảm thấy đức tin bị lung lay vì gặp khó khăn trong cuộc sống. Những lúc ấy, có lẽ chúng ta đã được giúp đỡ bởi những người cùng ngồi chung một ghế ở nhà thờ với chúng ta, hay bởi những người trong giáo xứ mà chúng ta gặp ở chợ, hay ở ngoài đường, ở các nơi nhóm họp. Có lẽ những người đó không biết là họ đã nâng đỡ chúng ta. Ai đã gởi họ đến với chúng ta? Cũng như, ai đã gởi ngôn sứ Isaia đến với dân Do Thái trong khi họ đang bị lưu đày?

Chúng ta không nghĩ, chúng ta là những người có đức tin mạnh mẽ. Nhưng có lẽ đã có nhiều người được nâng đỡ vì đức tin của chúng ta, vì lẽ chúng ta đi lễ, hay đọc kinh nguyện thường ngày chung với họ. Chúng ta không dám nghĩ chúng ta gương mẫu. Nhưng biết đâu có người đã được đức tin chúng ta nâng đỡ họ. Chúng ta cũng không biết ai là những người đã được chúng ta mang đến dưới chân Chúa Giêsu để xin được tha thứ và chữa lành.

Trong câu chuyện Phúc âm hôm nay, có một ý nữa là: Người ta thấy Chúa Giêsu chữa người bại liệt được lành, nhưng họ lại không thấy được Ngài cũng có quyền tha tội cho người đó nữa. Chúng ta có thể hỏi thánh Mác-cô, Chúa Giêsu là ai? Thánh Mác-cô trả lời qua câu chuyện phép lạ này: Chúa Giêsu là Người quyền phép có thể tha tội cho chúng ta. Không tội nào mà Ngài không tha thứ được. Dù cho tội có nặng đến thế nào, xảy ra từ lúc nào, Ngài cũng vẫn tha thứ được. Vậy chúng ta có tin thánh Mác-cô không? Chúng ta có tin lời nói Chúa Giêsu có thể tha tội cho chúng ta và đưa chúng ta trở về với cộng đoàn hay không?

Chúng ta có nhiều câu hỏi: "Nếu như thế này? Nếu tôi không làm như thế này? Nếu lúc trước tôi không biết như bây giờ thì...? Nếu tôi không chọn lối đi như tôi đã làm thì...? Nếu tôi đã lầm lỗi và làm sao tôi có thể biết là tôi sẽ không làm lại lỗi đó thì...? Lúc đó tôi nghĩ là tôi đúng, vậy bây giờ tôi có đúng không? Nhìn lại quá khứ là điều có thể làm tê liệt hiện tại, đem đến sự tê liệt tình thương đối với gia đình và bạn bè. Sự tê liệt có thể đến dưới nhiều hình thức, mà hình thức nặng nhất là tê liệt về tinh thần làm chúng ta khó có ngày thay đổi được.

Bài Phúc âm hôm nay nhắc chúng ta hãy như người bại liệt. Chúng ta hãy nhìn ngay vào Chúa Giêsu để xin ơn được chữa lành và đứng dậy để làm đời sống được tiến tới. Chúng ta không nên nghĩ là chúng ta chỉ có một mình. Hãy nhìn chung quanh Bàn tiệc thánh. Tất cả chúng ta đều hướng về Đấng nói lời tha tội và chữa lành cho tất cả.

Hôm nay, sau khi nghe Phúc âm, chúng ta đều sửa soạn dâng thánh lễ. Chúng ta thấy những gì? Tất cả chúng ta đều đứng dậy như người bại liệt, chúng ta đến lãnh ơn chữa lành và có sức mạnh để đời sống của chúng ta tiến lên. Chúng ta đã để lại chiếc chiếu quá khứ mà chúng ta đã nằm trên đó và đã làm chúng ta vấp phạm. Bây giờ, chúng ta đã được trả lại tự do. Và cũng như người bại liệt, chúng ta đã được một đời sống mới với nhiều triển vọng mới.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP