Giáo Hội với các phương tiện truyền thông
Lm. Nguyễn ngọc Long




Hằng giờ khắp nơi trên thế giới, những làn sóng thông tin, qua các kênh đài phát thanh, đài truyền hình, internet website, emails, sách vở báo chí mọi thể loại, được sản xuất phát tỏa lan đi chằng chịt, liên tục.

Nhu cầu thông tin càng ngày nhiều, càng cần thiết, và góp phần đáng kể vào việc xây dựng, mở mang đời sống trong mọi lãnh vực.


Ngành truyền thông đã đang trở thành một nền công nghệ, giúp đem lại công ăn việc làm cho từng triệu người, và góp phần vào việc phát triển kỹ thuật khoa học, sản xuất kinh tế đáng kể trong xã hội.

Ðiều này mang đến tiến bộ giúp đời sống thăng tiến và đổi mới!

Nhưng trong rừng công nghệ thông tin đó, cũng có những thông tin thất thiệt, những thông tin bị uốn nắn sai sự thật, những thông tin xấu xa không đứng đắn, gây nguy hại cho đời sống con người.


“ Ngày hôm nay các phương tiện truyền thông đã làm cho hành tinh của chúng ta trở thành nhỏ hơn, bằng cách nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc và văn hoá khác nhau. “Sự sống chung” này đôi khi làm nảy sinh sự hiểu lầm và căng thẳng, tuy nhiên khả năng biết hầu như tức khắc nhu cầu của kẻ khác thách thức chúng ta chia sẻ hoàn cảnh và khó khăn của họ.” (Đức giáo Hoàng Benedictô XVI., Thông điệp Deus Caritas est , số 30.)


1. Phương tiện truyền thông trong nước Chúa


Việc sống đức tin, loan báo tin mừng của Chúa trên địa cầu như thế nào?

Khi đi rao giảng Tin Mừng nước Chúa cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã gợi ý nhắn nhủ làm sao sứ điệp giáo lý của Chúa:


- Được tiếp tục quảng bá rộng rãi: “Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” ( Mt 10,27).

- Đạt đến mọi góc biển chân trời, nơi nào có dấu vết chân con người sinh sống: Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy cho đến tận cùng trái đất.( Cv 1,8).


Ngày xưa Thánh Phanxicô Xavier từ bên Âu châu sang truyền giáo bên miền Viễn Ðông, chủ yếu bên Ấn Ðộ, đã ban Bí tích Rửa tội cho từng trăm nghìn vạn con người. Các Thừa Sai từ Pháp, Ý, Tây ban nha, Bồ đào nha sang Việtnam rao truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô hồi thế kỷ 17.-18. Các Vị Thừa Sai khi sang Việtnam đã chú trọng, nhất là các giáo sỹ lỗi lạc Dòng Tên, đến việc hội nhập văn hóa. Cha Alexandre De Rhodes cùng với các cha thừa sai Dòng Tên khác đã lập ra chữ Quốc ngữ, không chỉ cho việc truyền đạo viết dạy kinh bản, mà còn cho cả dân tộc Việtnam, cho nền văn hóa chúng ta nữa. Xin thành kính cúi đầu với lòng vui mừng biết ơn, nhớ đến gia sản tinh thần văn hóa các ngài đã sáng tạo để lại cho chúng ta !


Vào năm cuối cùng của thế kỷ 20. đức cha Bùi Tuần đã khai triển trình bày dựa theo Lời Chúa Giêsu và hoàn cảnh đời sống con người cùng kinh nghiệm riêng của ngài, bản đồ địa chỉ truyền giáo như sau:


„ Hãy đi làm chứng cho Ðức Kitô đến tận cùng trái đất.
- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về địa lý, các vùng sâu vùng xa, các vùng biên giới.
- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về thời gian, cho đến tận cùng ngày, tận cùng tháng, tận cùng năm, tận cùng thế kỷ.
- Tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về thân phận con người, như các lớp người cùng khổ nhất, cô đơn nhất, bị nhục nhã nhất, bị thiệt thòi nhất.
- Tận cùng trái đất còn là ranh giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức…“

(+ Gm. Bùi Tuần, Làm chứng cho Ðức Kitô tới tận cùng trái đất. Bài giảng lễ phong chức hai tân Giám Mục Giuse Kiệt và Giuse Tiếu, Lx 29.06.1999).


2. Phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin mừng


Bằng phương tiện gì? Có được dùng những phương tiện thông tin thời đại không?

Thánh Công đồng Vatican đệ nhị, sau khi họp bàn suy nghĩ về trách vụ rao gỉang Tin mừng Chúa trao cho, đã khuyến khích dùng những phương tiện thông tin thời đại:

“ Giáo Hội công giáo do Chúa Kitô thành lập, có nhiệm vụ chuyển mang ơn cứu độ của Ngài cho con người. Và vì thế việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận của Giáo hội.

Ðể chu toàn nhiệm vụ đó, Giáo Hội được dùng những phương tiện truyền thông trong xã hội cho việc rao giảng Tin mừng ơn cứu độ.Giáo Hội có quyền sử dụng và sở hữu những phương tiện truyền thông trong xã hội, cho việc giáo dục Kitô giáo và loan truyền việc ân đức cứu rỗi cho linh hồn con người…”(Decretum de instrumentis communicationis socialis. Caput 1. Nr. 3.)


Ðức giáo hoàng Pio 11. năm 1931 đã cho thiết lập đài phát thanh Vatican cho việc công bố tin mừng của Chúa và những sinh hoạt Giáo hội cho toàn thế giới.


Ðài phát thanh Vatican truyền đi trên trên các làn song trung bình và ngắn khắp Âu châu; qua làn sóng ngắn tới các lục địa địa khác ngoài Âu châu. Ngoài ra đài phát thanh còn truyền thanh qua hệ thống Vệ tinh và qua đường internet nữa.


Radio Vatican đều đặn phát đi trên các làn sóng bằng 47 ngôn ngữ khác nhau trong đó có chương trình bằng tiếng Việtnam.


Bên Á châu có đài phát thanh công giáo Veritas hằng ngày truyền đi những tin tức rao giảng Tin mừng nước Chúa, cũng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cho miền lục địa châu Á.


Từ cung cách rao giảng bằng có sự mặt các nhà truyền giáo bây giờ chuyển sang giai đoạn dùng làn sóng đài phát thanh loan báo Lời Chúa trên khắp không gian, vượt mọi biên giới địa lý lãnh thổ .


Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị đã nhận ra ảnh hưởng lợi hại sâu rộng của phương tiện truyền thông thời đại, nên ngài đã khuyến khích sử dụng kênh truyền hình, mở lập trang internet riêng cho những hoạt động và tin tức của Vatican.


Không chỉ bằng lời nói còn còn bằng cả hình ảnh sống động cụ thể có khung cảnh mầu sắc, Lời Chúa vượt qua mọi mốc trụ biên giới địa lý, không gian, thời gian, đi tận sâu vào từng hoàn cảnh cuộc sống, bắt gặp gợi lên những suy nghĩ tinh thần nơi con người.


Những sách vở, tạp chí, vâng cả những trang web site internet, hằng tuần, hằng tháng của Giáo hội trung ương Vatican, nơi các giáo phận địa phương, nơi các xứ đạo, cộng đoàn tu trì, những hội đoàn cơ sở Công giáo trên khắp thế giới; những bài gỉang Lời Chúa các ngày Chúa nhật và lễ trọng trong các thánh đường, góp phần vào việc làm chứng cho Ðức Kitô bằng lời, bằng chữ viết, bằng hình ảnh, trên khắp hoàn cầu.


Ở nước Ðức, hằng ngày vào mỗi buổi sáng, đều có những phút thiêng liêng với bài thánh ca và suy niệm ngắn năm phút về Tin mừng của Chúa, được phát tỏa trên làn sóng đài phát thanh công cộng, như lương thực tinh thần thiêng liêng cho đời sống hằng ngày.


Hằng tuần vào tối thứ bảy có bài giảng về Lời Chúa trên kênh truyền hình. Vào các ngày Chúa nhật và lễ mừng lớn đều có trực tiếp truyền hình thánh lễ Misa. Việc này giúp ích nhiều cho những người bệnh tật, sức khoẻ yếu kém không thể đi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ được, có cơ hội thu nhận phần nào ý nghĩa đời sống cho tinh thần thiêng liêng. Và cho cả những người lâu ngày dửng dưng với việc niềm tin đạo giáo có cơ hội hâm nóng, làm quen lại với cách sống đức tin. Hay cũng là một gợi ý khơi lên ý thích về niềm tin đạo giáo nơi những người chưa biết đến Tin mừng của Chúa và cung cách sống đức tin của Giáo hội.


Có thể nói, Lời Chúa, những giáo huấn cùng hoạt động của Giáo hội, và những tin tức liên quan càng ngày càng được đăng tải loan truyền trực tiếp nhanh chóng rộng rãi trên những phương tiện truyền thông đại chúng.

Các kênh phát thanh, kênh truyền hình, các báo chí, các trang web site cần những thông tin sốt dẻo mới lạ, trong thời đại thông tin đa dạng ngày hôm nay. Và Gíao hội với sứ mạng loan báo làm chứng cho Tin Mừng của Chúa cũng cần những phương tiện đó, để mang tin mừng của Chúa nhanh chóng rộng rãi đến khắp mọi nơi.


3. Phương tiện truyền thông là một phương cách


Việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội đại chúng như thế, được khuyến khích và ngày càng lan tỏa rộng rãi về số lượng cũng như chất lượng. Nhưng cũng có thắc mắc được đặt ra: Có thật sự những phương tiện truyền thông đó góp phần hữu ích thiết thực cho việc loan báo Tin mừng làm chứng cho Chúa không? Phải chăng chạy theo phương tiện truyền thông thời đại là dần dần Tin mừng của Chúa có thể bị biến đổi, hiểu sai lạc, những họat động sống đức tin đạo giáo chính truyền bị tục hóa theo lối sống kiểu“đời” ?


Câu trả lời không đơn giản. Phương tiện truyền thông chỉ là một phương cách, một cái khung bao bọc một nội dung sức sống hàm chứa bên trong.


Cái khung không thể nào thay thế cho nội dung bên trong được. Có thể nhờ cái khung bên ngoài mà nội dung bên trong trở thành hấp dẫn. Nhưng cũng có nguy hiểm. Cái khung bên ngoài nhiều khi được chú ý làm nổi bật hấp dẫn, sẽ ấn át làm lu mờ nội dung bên trong!

Phương tiện truyền thông do con người nghĩ làm ra, để phục vụ nhu cầu cuộc sống con người. Nó cũng có hai mặt, như hai mặt của một huy chương. Nếu biết sử dụng đúng, ngay chính, nó sẽ là phương tiện tích cực giúp ích rất nhiều. Bằng không nó sẽ là con dao hai lưỡi quay trở làm đứt tay người sử dụng nó. Ðây là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều kiến thức, khi đi vào sử dụng những phương tiện kỹ thuật khoa học thời đại. Dùng phương tiện trần gian, để trình bày, mời gọi mọi người cùng hướng dẫn họ đến với Tin mừng của Chúa. Nhưng phải cảnh tỉnh trung thành với nội dung Tin Mừng của Chúa, với cung cách sống đức tin hợp với nền văn hóa xã hội, và nhất là tôn trọng sự thật cùng đạo đức tình người.


Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã có suy tư thiết thực về điểm này:
“Ở giữa trần gian, nhưng không do trần gian.
Mà cho trần gian, với những phương tiện của trần gian.”.

Lm. Nguyễn ngọc Long