Bài giảng của Cha Chiến:
Đời sống cầu nguyện

Bí Tích Thánh Thể : Trung tâm của cuộc sống cầu nguyện ( Lc 22,39-42.45-46)
Dẫn nhập:

Tình yêu như thể rút thăm. Rút trúng thì sướng, rút nhầm thì đau.

Tình yêu như thể đi câu. Anh nào chai mặt ngồi lâu mới tài.

Tình yêu như thể quan tài. Mới lanh quanh ở bên ngoài đã run.

Tình yêu như thể dây chun. Lúc co lúc giãn lúc còn đứt ngay.

Tình yêu như thể ông say. Lúc nào cũng tưởng đang bay trên trời.

Tình yêu như thể điểm mười. Có học cho hết cả đời vẫn mong.

Tình yêu như thể đuôi công. Trông thì đẹp đấy nhưng không ra gì.

Tình yêu như thể bánh mì. Tây Tta đều thích bởi vì nó ngon!

Tình yêu như thể thỏi son. Sinh ra vẫn chỉ để mòn cái môi.

Tình yêu như thể cái đuôi. Nó theo thì chảnh không theo thì buồn.


Đối với Thánh Nữ Têrêsa thì “ Giữa lòng Hội thánh, tôi sẽ là tình yêu”. Đó là tình yêu hiến dâng cho Hội Thánh Nhưng đối với ĐGS, “Yêu là chết đi, là đóng đinh là biết hy sinh cho người mình yêu.” & “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu” Tình yêu của CGS đối với chúng ta thì như vậy. Nhưng tình yêu của chúng ta dành cho Chúa thì như thế nào?

Trình Bày:

1. Câu chuyện: Cái chết của một chị Tu hội tuổi mới 20 ở bên Pháp đã làm những ngừơi xa gần nghe biết đều coi chị như là một vị nữ thánh.
Sau khi qua bậc tiểu học, trung học,Clara bước chân vào Đại học Y, cô gái 20 tuối này, cũng giống như bao cô gái khác, nhưng có hai đặc điểm là thích cầu nguyện trước Thánh Thể cũng như tượng chịu nạn. Cô còn có lòng yêu thương đặc biệt đối với những người đau khổ.

Ngoài giờ học, cô thường đi thăm các trẻ mồ côi, tàn tật, những người già cả neo đơn, chia sẻ với những thanh niên nghiện sì ke ma túy.

Những người quen biết cô làm chứng rằng: Clara không bao giờ nói xấu ai, dèm pha ai, nghĩ xấu cho ai. Luôn luôn cô tỏ ra hiền lành và khiêm tốn. Đời sống nội tâm của cô rất phong phú. Cô không giảng đạo, nhưng ai gặp cô, thấy nụ cười ánh mắt của cô là cảm thấy có một cái gì đó linh thiêng, kêu gọi mình sống trong sáng hơn, hiền lành hơn, khiêm tốn hơn và cao thượng hơn.

Khi cô qua đời, lật lại những trang nhật ký, người ta đã đọc được những tư tưởng này “vâng phục phó thác theo ý Chúa Cha, luôn sẵn sàng làm ích cho những người xung quanh theo gương Chúa Kitô.”

Làm thế nào để một cô gái mới đôi mươi đã có một ảnh hưởng rộng lớn đến mọi người xung quanh, ngay cả trong giới nghèo khổ, tội lỗi. Hẳn là không quá khó khăn, để chúng ta có được câu trả lời.

Đó chính là nhờ đời sống liên lỉ cầu nguyện mật thiết gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.


Đây cũng là lý do tại sao khi gần gũi với Chúa, các tông đồ đã xin với Ngài: “Lạy thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông” (Lc 11,1)

1. Chúa Giêsu nêu gương và dạy các tông đồ cầu nguyện.

a. Chúa Giêsu nêu gương cầu nguyện. - Ngài có thói quen cầu nguyện(Lc 22,39) ở mọi nơi, mọi lúc, trên núi cao(Lc 9,28) nơi vắng vẻ (Lc 5,16), vào lúc sáng sớm (Lc 4,42) hay suốt cả đêm (Lc 6,12) Ngài cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố. Khi chọn các tông đồ, khi làm phép lạ, khi hoá bánh ra nhiều, khi gặp đau khồ (Lc 22,42), trong giờ phút hiến tế (Ga 17,1).

b. Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện. Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha và chúng ta là anh em ( kinh lạy cha) Cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn với cả tấm lòng, tin tưởng phó thác. Ngài chỉ cho thấy sự cần thiết của việc cầu nguyện : Khi nói Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.


2. Thái độ cần phải có khi cầu nguyện

+ Tín thác vào Chúa Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước khi ra đồng, đều có ghé vào nhà thờ cầu gnuyện giây lát rồi mới đi cày. Khi trở về ông cũng ghé vào nhà thờ cầu nguyện như vậy. Ai cũng để ý và cảm phục. Một hôm có người hỏi: “ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì vậy? Ông cụ trả lời cách đơn sơ mà đầy đủ ý nghĩa: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”

+ Xin vâng theo thánh ý Chúa
Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Nhưng ngày nay, con người lại thích tạo dựng Thiên Chúa giống hình ảnh mình. Bắt Chúa phải theo ý mình, và khi xin không được như ý thì tỏ ra chán nản, thất vọng & bỏ đạo.


Chuyện kể rằng có một ông kia cứ kêu xin Chúa hết điều này điều nọ. Một hôm Chúa bảo ông, “Ta mệt vì những lời con xin, nay ta chỉ chấp thuận cho con 3 điều nữa thôi, sau đó ta không cho gì nữa.”
Vừa được Chúa hứa cho 3 điều, ông nghĩ ngay tới bà vợ xấu xí của ông. Người gì mà xấu quá, xấu ghê, xấu hết chỗ chê, xấu không còn để ai xấu hơn nữa. Người ta thì đôi mắt bồ câu lông mày lá liễu, còn bà xã mình thì đôi mắt diều hâu, lông mày lá chuối. Miệng thì rộng đến mang tai, hai cái môi thì dề ra như hai trái chuối chiên, hay như hai cái chả giò chiên quá độ nên thâm sì, mỗi lần bà mà tô môi son là đi đoong một thỏi son. Hàm răng thì chiếc ra chiếc vào giống như hàng rào, còn nước da nhăn nheo quá sức có lấy bàn ủi ra ủi lâu giờ cũng không phẳng được. Già rồi mà còn bày vẽ xin nhập ca đoàn lại còn đua đòi với các cô trẻ đi căng lại da mặt làm đời mình cũng căng thẳng luôn.
Thế rồi ông thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin cho bà xã con chết đi để con được rảnh đi kiếm bà khác.
Ông vừa dứt lời, bà nhà ngã lăn đùng ra chết. Hàng xóm nghe tin bà chết vội qua thăm, khóc thương ngừơi xấu số, và kể lại những tài năng của bà, nào là chị nấu bún bò huế thì thật là tuyệt, nó ngon làm sao, ngon từ Huế ngon về, ngon mê mẩn, xỉa răng 3 ngày vẫn còn thấy ngon, nào là tiếng hát của chị, nó ngọt như đường cát, nó mát như đường phèn. Mỗi lần chị ca trong thánh lễ là hồn nhiều người bay bổng lên cùng Chúa. Chị mà ca cải lương còn mùi mẫm hơn là Hương lan, chị ca tân hạc nghe nhè nhàng êm dịu không kém gì ca sĩ Ngọc Lan.
Ông chồng nghe lời tán dương mới giật mình vì từ trước tới giờ ông chỉ toàn để ý đến các nết xấu của vợ. Ông thầm nghĩ, “Ừ, miệng của vợ mình tuy rộng như tầu há mồm, nhưng người ta thường nói: “Đàn ông miệng rộng thì sang. Đàn bà miệng rộng hát vang nhà thờ.”
Rồi ông thấy đói và thèm một tô bún bò huế. Ông ân hận vì đã quá vội vàng hấp tấp nên ông lại năn nỉ với Chúa: “Lạy chúa, con xin lỗi Chúa, xin cho nhà con sống lại.”
Cầu xin vừa xong, bà nhà liền lồm ngồm dậy như sau một giấc ngủ ngon, miệng cười duyên và nói với ông, “Mình đói bụng chưa, em đi nấu bún bò huế cho mình ăn nhé.”
Ông chồng ngồi thừ ra suy nghĩ rồi than thầm, “Thế là mất toi 2 điều.” Ông quyết định lần này phải cẩn thận không bao giờ lầm lẫn nữa vì không còn có cơ hội để sửa lại. Ông bàn hỏi một cách cẩn thận. Một số người góp ý là xin cho được trường sinh bất tử, nhưng số khác cho rằng sống lâu ăn thua gì, nếu cứ bệnh tật hoài. Ngược lại nếu có sức khỏe mà không có tiền thì cũng kẹt, nhiều tiền mà ngày mai chết thì còn hào hứng chi nữa. Thế rồi năm tháng trôi qua, ông không biết phải xin gì cho đúng sống lâu hay khỏe mạnh hay giàu có hoặc tình yêu.
Cuối cùng ông thưa với Chúa, “Lạy Chúa, xin giúp con biết xin điều con cần phải xin.” Chúa mỉm cười bảo ông, “Hãy xin cho được bằng lòng với bất cứ những gì con nhận được.” Điều Chúa nói thật là quan trọng. Muốn an bình hãy bằng lòng với cuộc sống hiện tại.


+ Đừng làm cho qua lần chiếu lệ Đọc kinh mà chẳng suy nghĩ lời mình đọc có đúng không? Ví dụ như kinh trông cậy, kinh truyền tin, ngắm Mân côi,…

+ Cầu nguyện liên lỉ


Một bà nọ có một ông chồng khó tính lắm. Bà không nói là khó tính thế nào, nhưng trong gia đình thì thật không ai hiểu chồng hơn bà. Bà luôn than thở với Chúa, “Chúa ơi! Thánh giá của con nặng quá, con vác không nổi!”
Càng về già, ông chồng càng khó tính, hay cằn nhằn, la mắng vô cớ, nên bà kêu xin Chúa, “Xin Chúa đổi thánh giá khác cho con.”
Thế là một đêm bà nằm chiêm bao thấy mình đang vác thánh giá lên đồi Calvê. Lên tới nơi, bà thấy nhiều thánh giá quá lớn có, nhỏ có, bằng gỗ, bằng lá, bằng vàng, bằng bạc, đủ mọi hình thức, mọi vật liệu,...

Bà vui mừng vội bỏ thánh giá của mình xuống và lựa thánh giá khác theo đúng ý mình. Bà liền chọn ngay thánh giá bằng lá và thầm nghĩ chắc là hợp với mình vì bà đã lớn tuổi rồi. Nhưng vừa đưa tay lên nhấc thì bà không ngờ trong lá có đầy gai, bà hoảng hốt rút tay ra và xin Chúc cho lựa cây thánh giá khác. Mắt bà sáng lên khi nhìn cây thánh giá bằng vàng, vừa nhỏ vừa xinh, chẳng những nó nhẹ nhàng, gọn gàng mà lại có thể đem bán được. Nhưng vừa sờ tới bà đã hét lên, “Nóng quá! Vàng thiệt nhưng nóng như lửa, sờ vô không được.”
Bà cứ chọn lựa mãi, nhưng được cái này lại mất cái kia. Cuối cùng, bà cũng tìm được một cây. Bà vui mừng vác lấy, và chợt nhận ra, “Ủa, đây chính là cây thập giá tôi đã vác mấy chục năm nay mà!”
Thế là bà quì xuống xin lỗi Chúa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Thánh giá mà Chúa ban cho con là tốt nhất, con không thể lựa được cây nào khác tốt hơn”.


Trong đời sống con người, chúng ta thường nghe nói, “Chín người mười tính”. Thật không ai hoàn toàn giống ai, không ai là người hoàn hảo cả, mỗi người đều có ưu và khuyết điểm riêng. Ngay trong chính bản thân mỗi người đều có bản tính tốt đẹp làm chúng ta hãnh diện, nhưng lại không thiếu chi những khuyết điểm mà chúng ta chẳng ưa thích hoặc làm chúng ta phải hổ thẹn.

Một tác giả đã viết, “Nếu trên đời này có hai người sống chung với nhau không bao giờ cãi vả, thì tôi sẽ cho bạn biết trên đời có hai người chưa nói hết sự thật.” Thành thật mà nói, va chạm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nó phát sinh từ cái nhìn, quan điểm và cách sống khác nhau. Điều quan trọng là mỗi người biết mở rộng nhãn giới, biết nhìn nhận thực tại của bản thân, cũng như biết nhận định cái hay, cái đẹp của tha nhân.


Kết:

-Chúa Giêsu cầu nguyện trong giờ đau khổ
- Các Thánh tử đạo VN trước khi ra pháp trường, các ngài cầu nguyện
- Mẹ Têrêsa thành Calculta xác định, “Điều quan trọng nhất mà mỗi người có thể làm là cầu nguyện, bởi vì chúng ta được tạo dựng cho Chúa, và chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi được nghỉ an trong Chúa. ”


NIỀM HY VỌNG CỦA NHÂN LOẠI

Trong bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta khuôn mặt của hai con người rất gần nhau trong không gian, nhưng lại rất xa nhau trong cảnh sống.

Phú ông mặc toàn gấm vóc, lụa là & người ăn mày Lazarô nghèo nàn, rách nát. Phú ông ở nơi nhà cao cửa rộng, Lazarô lê lết bên cổng nhà giàu. Phú ông ngày ngày yến tiệc linh đình, Lazarô không một chút bánh cầm hơi. Phú ông sống trong thiên đàng dương thế, Lazarô chịu cảnh hỏa ngục trần gian.

Thế giới của hai người chỉ cách nhau bằng một chiếc cổng khép kín, nhưng lại cách xa vời vợi. Chính cánh cổng khép kín đã phân chia 2 giai cấp giàu nghèo rõ rệt. Một bên là người giàu sang mặc gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc. Một bên là người nghèo khó, bệnh tật và đói khát.

Giữa người hành khất Lazarô và ông phú hộ có một vực thẳm ngăn cách phân chia hai thế giới hoàn toàn xa lạ với nhau. Người hành khất nằm bên cổng, nhưng ông phú hộ không hề quan tâm. Có lẽ vì ông mặc gấm vóc lụa là nên ngại bước chân ra đến cánh cổng. Đang khi kẻ bất hạnh nằm chờ chút bánh rơi mà không được, anh ta thèm thuồng nhìn những miếng bánh đi vào miệng bầy chó.


Ông Phú hộ ở cách xa người nghèo khó Lazarô, vì ông đã khép kín cánh cửa lòng mình, đã không san đầy hố sâu cách biệt với lòng quang đại, từ tâm. Ông đã không bắc nhịp cầu yêu thương đến với người anh em bất hạnh. Vì thế, khi người nghèo khó Lazarô và ông phú hộ chết đi, số phận của họ đã bị đảo ngược. Ông phú hộ bị phạt trong lửa hoả ngục, còn Lazarô được ngồi dự tiệc trong lòng Abraham. Cánh cổng mà ông phú hộ đã khép lại trước người nghèo khó ở trần gian, giờ đây cũng khép lại trước định mệnh nghiệt ngã của đời mình, vì thiếu nhịp cầu yêu thương mà đáng lẽ ông phải xây dựng khi còn sống ở trần gian.


CGS khi đến trần gian, Ngài đã san bằng cái vực thẳm ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người qua việc Ngài Nhập thể. Ngài đã trở nên nhịp cầu nối liền những bến bờ ngăn cách trong cuộc sống nhân loại bằng cách Ngài đã đến với những người nghèo khó và bệnh tật để an ủi và chữa lành họ.

Cuộc đời của thánh nữ Têrêsa ngay từ ba tuổi mồ côi mẹ. 15 tuổi dâng mình cho Chúa trong nhà dòng kín. Có lần được trao cho trách nhiệm hằng ngày phải đưa một nữ tu già khó tính xuống nhà ăn mỗi ngày ba lần. Chị nữ tu này rất khó tính, dìu đi nhanh cũng không được mà đi chậm cũng không xong. Đến bàn ăn, thì phải lo sắp xếp muỗng nĩa cho chị nữ tu này xong thánh nữ mới được ăn. Thế nhưng, thánh nữ nói, “ Tôi phải cố gắng hết sức để phục vụ chị như phục vụ chính Chúa Kitô.”

Người Ki-tô hữu có ba loại người bạn đó là tiền bạc, bà con bạn hữu và việc lành phúc đức.

Tiền bạc là người bạn chúng ta thương nhất, quý nhất, chiếm môt vị trí quan trọng trong đời chúng ta, thậm chí khi phải chọn lựa, có người đã không theo lẽ phải, nhưng đã để hấp lực của đồng tiền cuốn hút.

Loại người bạn thứ hai cũng chiếm một vị trí quan trọng trong tim óc chúng ta là bà con ruột thịt và bạn hữu, trong đó phải kể đến người bạn cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với chúng ta, người bạn mà Chúa đã bảo chúng ta với họ không còn là hai nhưng đã trở thành một. Khi chúng ta chết, cả hai đều dừng bước trước cánh cửa vĩnh cửu. Trước tòa Thiên Chúa, tiền bạc như câm nín, chẳng một lời biện hộ cho chúng ta. Còn thân quyến bạn hữu, tốt lắm là theo chúng ta tới huyệt, đẹp lắm là ném cho chúng ta một nắm đất rồi ra về, quên lãng, việc chúng ta gặp gỡ Chúa khó dễ thế nào họ chẳng biết đến.

Còn người bạn thứ ba là việc lành phúc đức, chúng ta không yêu, không thương bằng hai người bạn kia, nhưng lại tín trung với chúng ta hơn cả. Khi sống ở trần gian, nhờ nó chúng ta được mọi người yêu thương quý mến, nhất là khi chúng ta cất bước đi về đời sau, nó là người bạn sát cánh chúng ta hơn cả, nó không dừng lại trước nấm mồ, nhưng theo chúng ta tới tận tòa Chúa, mạnh dạn biện hộ cho chúng ta và đưa chúng ta vào cõi phúc. Người bạn này thật chân tình đối với chúng ta, thế mà khi sống ở đời này, chúng ta chỉ đáp lại hờ hững.


Xin Chúa cho chúng ta từ nay có thái độ gần gũi, gắn bó với người bạn thứ ba nhiều hơn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người đừng trở thành một hòn đảo giàu có giữa 1 đại dương nghèo khó. Nhưng luôn biết mở rộng bàn tay ra chia sẻ tình thương cho mọi người, nhất là những người nghèo khó bần cùng. Mỗi người hãy là nhịp cầu yêu thương nối liền mọi bến bờ ngăn cách trong cuộc sống hôm nay.