|
Bài học lịch sử về phát triển đất nước
Từ nhiều thập niên qua, hoàn cảnh nghèo khổ và lạc hậu sau chiến tranh cũng như đời sống hưởng thụ và duy vật chất ngày nay, khiến nhiều người tin rằng: “Đồng tiền là đáp số cho mọi vấn đề.” Qua thông tin của báo chí cũng như qua dư luận, xem ra niềm tin đó ngày càng phổ biến, và là một nguyên nhân làm phát sinh những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Trong tình hình đó, công cuộc phát triển đất nước ngày nay đòi hỏi cần có một niềm tin và niềm hy vọng có sức lành mạnh hoá đời sống con người và xã hội, bảo vệ sự tồn tại và phát triển trong chân lý, công lý và hoà bình.
Bí quyết của sự tồn tại và phát triển
Lịch sử phát triển xã hội loài người xuyên qua các chế độ và các nền văn minh tự cổ chí kim để lại cho hậu thế bài học vô giá nầy: Bí quyết của sự tồn tại và phát triển đất nước cũng như con người không phải là gươm giáo, súng đạn, không phải là bạo lực, chiến tranh, khủng bố, cũng không phải là quyền lực, thế lực, tài lực, song là niềm tin vào chân lý và công lý, lòng quý trọng đối với tình huynh đệ và hoà bình. Đây là những giá trị nền tảng đồng thời định hướng cho đời sống con người và xã hội.
Nếu kiến thức khoa học kỹ thuật là phương tiện, thì niềm tin là sức mạnh tất yếu cho công cuộc phát triển. Khi chỉ có kỹ thuật mà thiếu những giá trị nền tảng và định hướng, thì sự phát triển thiếu tính vững bền, thiếu định hướng, do đó để lại những tiêu cực và tệ nạn xã hội như những bệnh tật trong đời sống xã hội. Trong công cuộc phát triển, con người là cùng đích, quyền lực, thế lực, tài lực chỉ là công cụ, còn những giá trị nền tảng và định hướng mới là nền móng.
Xây đắp nền móng phát triển
1. Chân lý. Thiên hạ trong trời đất xưa nay đều ý thức và xác tín rằng sự sống và nhân phẩm là bẩm sinh, là thiên phú. Dân gian gọi đó là của Trời cho. Tín đồ các tôn giáo tin rằng đó là quà tặng của Đấng Tạo Hoá Chí Tôn trao cho loài người để quản lý vũ trụ tạo vật vì sự sống, phẩm giá và hạnh phúc của con người. Đó là chân lý về sự hiện hữu và tự do của loài người trên trái đất, chân lý về nhân quyền và sự bình đẳng giữa người với người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Các bản Hiến Chương, Hiến Pháp, Tuyên Ngôn trên thế giới xưa nay đều đã ghi nhận chân lý khách quan đó. Dựa trên Lời Người dạy, gương Người sống trong lịch sử loài người, người công giáo tin rằng Đức Giêsu là hiện thân của Chân Lý tròn đầy, Chân Lý phản ánh trung thực và trọn vẹn thực tại Tạo Hóa, Con Người, Vũ Trụ.
Chức năng của truyền thông xã hội là thông truyền trung thực chân lý và sự thật, nhằm mở đường cho mọi người tin tưởng, liên kết với nhau, và hợp tác xây dựng. Tính trung thực sẽ giúp cho truyền thông tránh biến chân lý và sự thật từ điều phản ánh thực tại thành điều có lợi riêng, là điều thường gây ra mâu thuẫn và sự nghị kỵ lẫn nhau.
2. Công lý. Công lý đòi hỏi mọi người ý thức tôn trọng sự sống, nhân phẩm và sự bình đẳng giữa mọi thành phần trong cộng đồng xã hội. Công bằng xã hội đòi hỏi giới hữu trách tạo cơ hội đồng đều cho mọi người giàu nghèo phát huy tiềm năng và phẩm giá của mình. Đồng thời tạo thuận lợi cho mỗi người học biết tôn trọng chân lý, đạo lý và lẽ phải. Có được những cơ hội thuận lợi đó, con người sẽ phát huy được khả năng sống trung thực, lương thiện, phục vụ cho công ích. Nhờ đó con người sẽ vượt qua thái độ chỉ biết làm theo mệnh lệnh, hoặc chỉ biết chạy theo cơm áo gạo tiền bằng mọi giá và mọi cách, như dốí trá, lừa gạt, bạo lực…, là những cách tạo thêm bất công và gây ra bất ổn trong xã hội.
3. Tình huynh đệ. Khi được xây trên niềm tin vào chân lý và lòng tôn trọng đối với đạo lý và lẽ phải, tình huynh đệ sẽ liên kết và thúc đẩy mọi thành phần xã hội chung sức vun tưới cho hạt giống tiềm năng của mọi người sinh hoa an lành, kết quả thiện ích cho gia đình và xã hội.
Tình huynh đệ đó còn được gọi là lòng yêu nước, là tình dân tộc, lòng bác ái vị tha, tình huynh đệ đại đồng. Trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay, châm ngôn “Tứ hải giai huynh đệ” là ánh sáng soi đường cho loài người xây đắp tình liên đới và tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển và thăng tiến của mọi dân tộc. Khuynh hướng “Cá lớn nuốt cá bé” , phát sinh từ nền kinh tế thị trường, là động cơ thúc đẩy sản xuất. Song nó cũng là một thứ lực phân rẽ và làm suy yếu sức sống của cộng đồng dân tộc.
4. Hòa bình. Hoà bình đích thực không chỉ là vắng bóng chiến tranh, song còn là kết quả của công trình xây dựng, bảo vệ và phát triển. Ba viên đá nền xây dựng toà nhà Hoà Bình là Chân lý, Công lý và Tình Huynh đệ đại đồng. Gìn giữ và bảo vệ hoà bình lâu dài là nghĩa vụ của cả dân tộc và của mọi dân tộc. Nhiệm vụ của giáo dục trong gia đình cũng như trong nhà trường và xã hội là giúp mọi người ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ hòa bình. Đồng thời quan tâm tránh những hành động làm xói mòn niềm tin vào chân lý, công lý và tình huynh đệ, cũng là những hành động làm suy yếu nền móng xây dựng hoà bình.
Vai trò của những giá trị nền tảng và định hướng trong cuộc sống
1. Trong lãnh vực xã hội, niềm tin và lòng tôn trọng đối với những giá trị nền tảng là sức mạnh thúc đẩy mọi người chung sức đáp ứng những yêu cầu của đất nước ngày nay là: - hàn gắn những vết thương chiến tranh còn đang rỉ máu, gây chia rẽ và tạo ra thế đối kháng trong lòng dân tộc; - khắc phục những tiêu cực và tệ nạn xã hội, nhằm lành mạnh hoá và thăng tiến đời sống gia đình và xã hội; - xây dựng đất nước vững bền và phát triển con người toàn diện.
2. Trong lãnh vực giáo dục, những giá trị định hướng là ngọn đuốc soi sáng cho giới hữu trách là gia đình, nhà trường, xã hội, có cái nhìn toàn diện về con người như là cùng đích của giáo dục và phát triển.
Nền giáo dục toàn diện bao gồm mọi chiều kích nhân bản của con người: - trí dục, nhằm phát huy các tiềm năng trí thức là tiếp thu, ghi nhớ, phân tích, tổng hợp và sáng tạo, - kỹ dục, nhằm phát huy khả năng ứng dụng và thực hành, - thể dục, nhằm rèn luyện một thân thể cường tráng làm cho tâm thần lành mạnh, - đức dục, nhằm phát huy khả năng đồng hoá với những giá trị đạo đức làm cho tâm hồn cao thượng.
Khi dạy cho con người biết yêu chuộng chân lý, công lý, hoà bình, nền giáo dục sẽ giúp cho thế hệ trẻ tìm được lẽ sống và niềm hy vọng đối với tương lai của đất nước. Nền giáo dục đó (1) sẽ tránh biến con người thành những sản phẩm hụt hẫng, què quặt, bệnh hoạn; (2) sẽ tránh tiếp tay biến con người thành công cụ phục vụ cho những tham vọng ích kỷ của những thành phần nắm giữ quyền lực, thế lực, tài lực trong xã hội; (3) đồng thời đó cũng là tránh tạo thêm bất công và bất ổn trong xã hội.
3. Trong lãnh vực kinh tế, những giá trị định hướng là chỉ nam mở đường cho mọi thành phần xã hội phát huy lòng yêu nước ngày nay:
- Đối với thành phần sản xuất, yêu nước là sống tự trọng và trung thực, không làm ra hàng dỏm, hàng giả, thuốc dỏm, thuốc giả, bằng giả, học giả, song làm ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao; yêu nước còn là quan tâm chăm lo cho đời sống công nhân và gia đình họ, chia sẻ và nâng đỡ lúc họ túng quẩn, tránh đối xử với họ như là phương tiện sản xuất;
- Đối với các giới tiêu thụ, yêu nước ngày nay là”người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” . Nếu tình huynh đệ đại đồng và lòng tôn trọng tha nhân đòi hỏi không bài ngoại, thì lòng tự trọng đòi hỏi không sính ngoại đến độ để mình bị đè bẹp và bị tha hoá.
- Đối với các thành phần nắm giữ quyền lực, thế lực, tài lực trong xã hội, địa vị càng cao càng có trách nhiệm đi đầu và dẫn đầu lòng tự trọng và lòng yêu nước.
Đó cũng là bài học lịch sử từ những nước Á châu phát triển hoặc đang phát triển ngày nay.
Mùa Thu năm 2007
Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục
ĐHY Phạm Minh Mẫn
Nguồn: VietCatholic
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|