|
Trước tiên tôi rất cảm ơn thiện chí của anh Gia Nhân khi đã post bài viết mà anh đã sưu tầm về cách học ngoại ngữ để giúp mọi người nhất là các bạn trẻ.
Tôi cũng băn khoăn khi mà cái "comment" này của tôi có thể làm cho anh không thích, bởi vì anh không thích có ý kiến có sự tranh luận. Tuy thế, tôi cho rằng việc mọi người trong diễn đàn có thể góp ý và bàn luận cùng với nhau trong một tinh thần đối thoại thì chẳng có gì là sai trái cả!
Tôi xin nói rằng bài viết ba tháng học một ngoại ngữ này hình như tôi cũng đọc qua vài năm trước đây. Đầu tiên tôi cũng hớn hở vì tưởng đã vớ được một pho bí kíp, nhưng ngay sau đó tôi thấy cái tutorial này hình như chỉ dành riêng cho những người có chỉ số IQ là 200!
Việc tuyên truyền rằng ngoại ngữ rất dễ học, học rất nhanh chỉ dành riêng cho những vĩ nhân mà thôi! Thí dụ như bác Hồ, khi làm đầu bếp trên chuyến tàu sang Pháp, ông mới làm quen với tiếng Pháp, thế mà sau khi tàu cập bến, bác đã nói thông thạo được tiếng Pháp! Hoặc cũng có rất nhiều người bé tí ti cũng có thể thông thạo vài ngôn ngữ hoặc biết được nhiều thứ tiếng mà chỉ cần học một thời gian ngắn. Nói chi cho xa, ông TRƯƠNG VĨNH KÝ, một nhà bác học , một người Công Giáo Việt Nam mà mọi người có thể xem tiểu sử tại : http://www.petruskylhp.org/tvkynienthieu.htm. Ông Trương Vĩnh Ký rành rọt 26 thứ tiếng.
Các thống kê khoa học thường cho rằng người bình thường có chỉ số IQ là 100, trong một triệu người mới có một người chỉ số IQ khoảng 175 hoặc hơn một chút…
Việc ba tháng mà nói được một ngoại ngữ là điều không thể đối với gần như tất cả mọi người chúng ta, bởi vì nếu ai đã học ngoại ngữ, nhất là Anh văn, thường biết rằng việc khó nhất là nghe , rồi nói! Đã có không ít những bài phê bình và nhận định rằng học sinh học ngoại ngữ thời nay học theo một quy trình ngược! Chính vì thế nên thường dẫn đến một kết quả thảm hại!
Một đứa bé mới bập bẹ nói vài ba từ, cho nó qua bên một quốc gia Âu Mỹ, nó sẽ nói rành rọt tiếng nước ấy sau một vài năm mà không cần ai chỉ dạy. Đó là nó đã học tiếng ngoại quốc theo quy trình: nghe, nói , đọc, viết. Ngược lại, các học sinh thời nay thường khó khăn và không kết quả bởi vì làm ngược quy trình, đó là :đọc, viết, nghe, nói! Chính vì thế, đã có không ít học sinh rất giỏi khi phiên dịch, rất thông suốt một văn bản bằng tiếng Anh, khi cầm một trang giấy, hoặc một cuốn sách ngoại văn. Nhưng gần như chịu chết khi không thể nghe người ngoại quốc đàm thoại, cũng như không thể nói cho ra hồn hoặc phát âm thì sai tùm lum tiếng ngoại quốc ấy!
Tất nhiên cũng không thể nói rằng chỉ cần nghe, nói mà không chịu đọc viết! Việc chỉ biết nghe,và nói được tiếng ngoại quốc mà không có khả năng đọc viết sẽ tương tự như những người mù chữ, không thể hiểu biết ngữ pháp, hay phiên dịch những bài văn ý tứ cao sâu mà chỉ là những ngôn ngữ giao tiếp đơn sơ thông thường.
Có một người mà hiện nay có thể nói và viết thông thạo 6 thứ tiếng, đã viết khá nhiều tutorial về việc học ngoại ngữ, nhất là anh văn, đã nói rằng một trong những biện pháp đầu tiên để học anh ngữ, đó là nghe không phải chỉ nửa tiếng mỗi ngày, mà nghe bao nhiêu thời gian có thể. Ông ta dùng một từ ngữ là:”tắm trong sự nghe đàm thoại…”
Tất nhiên thời nay việc nghe thì quá dễ dàng! Cái thời băng cassette cổ lổ sĩ đã vĩnh viễn chìm vào quá khứ, còn bây giờ cũng không cứ gì phải tìm một cái ipod của hãng Apple đã bị đại hạ giá từ vài triệu xuống còn một hai trăm ngàn! Bất kỳ một điện thoại tầm thường có chức năng nghe nhạc và gắn thẻ nhớ bây giờ cũng có thể giúp chúng ta nghe những bài đàm thoại ngoại ngữ 24/24. Thậm chí chỉ cần mua một cặp (vòng) tai nghe có gắn thẻ nhớ giá không quá hai trăm ngàn ,sạc pin, thì tha hồ mà học ngoại ngữ một cách gọn nhẹ, thời trang, sành điệu!
Tài liệu học ngoại ngữ bây giờ không hề thiếu ! Ở Việt Nam ta có một vị anh hùng mạnh thường quân với nickname là Noname! Ông ta đã tạo ra một phần mềm ,một chương trình miễn phí tuyệt vời là Grammar, giúp cho người Việt có thể học anh văn. Tôi đã từng đao chương trình Tell me more, một chương trình mà theo như lời một thằng bạn là made in… ngoại, rất trứ danh, cách đây một số năm trước để luyện tập Anh văn.Thế nhưng khi đao về chỉ mới cài đặt được một ngày, tôi remove tận gốc rễ cái chương trình ấy ra khỏi máy tính, bởi vì nó có lẽ chỉ dành cho những học sinh nào không phải người Việt! Không có lấy một từ tiếng Việt hướng dẫn nào cả! Nói theo kiểu Thầy Noname là: “chưa đứng nổi đã đòi đi, chưa tập bò đã tập chạy…”
Hầu như không những trong nhà trường, mà ngay trên internet, thật là hiếm hoi khi được chỉ bảo về sự nối âm trong phát âm tiếng Anh! Cũng như được chỉ bảo phân biệt phát âm kiểu Anh và kiểu Mỹ! Đây là một việc tuy nhỏ nhưng rất quan trọng bởi vì nó gây ra sự đắm thuyền như chơi!
Một học sinh không được dạy dỗ chính xác về cách nối âm trong khi phát âm của người Anh Mỹ, sẽ vô cùng lúng túng và sẽ dẫn đến việc không hiểu những lời trong khi đàm thoại, cho dù những lời ấy rất dễ hiểu và dễ dàng nhận ra khi không bị nối âm!
Tất cả những gì trên đây có ý chứng tỏ rằng học ngoại ngữ có phương pháp sẽ làm người ta dễ tiến cao hơn xa hơn, nhưng quả thực điều gì cũng phải cần thời gian, và sự kiên trì tập luyện mới thành công, bởi vì 99,99% chúng ta đều có cái gọi là IQ rất bình thường! Việc : 7 ngày biết chơi đàn Ghi ta, 10 ngày thông suốt các Hệ điều hành Windows…. chỉ là một cách nói cường điệu mang nặng tính quảng cáo, hoặc khích lệ một cách thái quá tinh thần của học viên mà thôi….
|
|