|
CUỘC SỐNG LÀ GIÂY PHÚT NÀY ĐÂY.
Trích: “Cuối cùng… ta đã tự do”, Bản dịch Trần Duy Nhiên. Nguyên tác ‘Libre… enfin’, của Maria Paz Marino.
Đức Chúa Sự Sống dùng sự sống
để mở mắt chúng ta đối với chân lý.
“Đừng tìm kiếm nữa, cá nhỏ ơi, chẳng có gì để kiếm tìm...
chỉ cần mở mắt ra mà nhìn, thế thôi.”
Điều quan trọng, ấy là sự sống.
Đối đầu với chân lý bằng cách tạo ra vấn đề ở khắp nơi, ấy là tưởng rằng mình quan trọng. Tuy nhiên, điều chắc chắn là bạn, với tư cách một cá nhân, bạn chẳng quan trọng gì cả. Cả bạn lẫn những kế hoạch bạn đề ra hay ý muốn thay đổi sự việc, tất cả chẳng hề quan trọng trong tiến trình cuộc sống. Chính cuộc đời áp đặt mọi sự và tiếp tục trôi chảy mà không hỏi ý kiến ai. Khi bạn hiểu được điều đó và bạn tự nguyện thích nghi với thực tế cuộc đời, thì đời sống cá nhân của bạn sẽ có một ý nghĩa.
Chấp nhận rằng tôi không quan trọng hơn bất cứ ai, và những hoạt động của tôi cũng thế, nếu chúng đối lập với thực tế cuộc đời; chấp nhận như thế đòi hỏi phải có một tinh thần rất tự do. Đấy là cách phó thác cuộc đời vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng mình, vào các kế hoạch của Người đang hướng dẫn dòng chảy cuộc đời mà chỉ có Người mới biết thôi. Điều này thật rõ ràng trong Kinh Thánh. Mọi sự sai phạm, mọi điều bất tuân, có ảnh hưởng gì chăng đối với lịch sử Cứu Độ? Việc Chúa Giêsu Kitô bị giết hại có quan trọng chăng? Những kẻ giết hại Ngài nghĩ rằng mình làm một việc tốt lành, một việc chính đáng, các tư tế đã kết án Ngài sau khi suy nghĩ đắn đo. Nhưng chương trình của Thiên Chúa vẫn tiếp tục dòng chảy.
Rõ ràng là Chúa Giêsu, Đấng đem lại sự sáng, đã xử sự một cách đáng ngạc nhiên đối với nền văn hóa Do Thái và đối với cái xã hội rất giả hình từng kết án Ngài. Ngài tuyệt đối thức tỉnh nên rao giảng mọi sự một cách thật bất ngờ và thật trái ngược với Do Thái Giáo và với những xác tín chính trị và tôn giáo của nền văn hóa Do Thái. Ngài trò chuyện với phụ nữ, đến với những kẻ bán phấn buôn hương và quân trộm cướp, ăn uống với họ, thậm chí Ngài còn chọn những người ngoại quốc đáng khinh để nêu làm điển hình, ví dụ như người Samari biết tỏ lòng nhân hậu. Hơn nữa, tương quan của Ngài với những kẻ ăn mày, tội lỗi tạo cho Ngài cơ hội giải thích lề luật căn cứ trên một sự phân tích độc đáo và, qua đó, tách mình ra khỏi những luật lệ tùy tiện và ra khỏi cách áp dụng các luật lệ ấy một cách hình thức. Đồng thời, Ngài tố cáo những nhà lãnh đạo tinh thần đang đặt trên lưng những kẻ nghèo yếu các lề luật và thuế má nặng nề mà chính họ không tuân giữ hay không chịu đóng. Đấy là lý do vì sao những kẻ tự cho mình là thông thái và có quyền đã tiêu diệt Ngài cùng với sự đồng lõa của những người canh giữ đền thờ và lề luật. Có thể nào khác đi chăng? Nhất thiết là Ngài phải chết như thế, phải bị giết như thế, nếu nhìn lại cách mà Ngài đã sống và rao giảng. Ngài phải trở nên cớ vấp phạm để mở mắt cho nhiều người.
Truyền thuyết kể rằng có một ông vua dân Goth, cảm động khi nghe tường thuật về đời sống và cái chết của Đức Giêsu, đã tuyên bố: “Giá như lúc ấy tôi có mặt, thì người ta không giết được Ngài”. Ta có nghĩ giống như ông vua ấy chăng? Có ư? Thế có nghĩa là ta đang ngủ đấy!
Cái chết của Chúa Giêsu tỏ lộ cho thấy cái thực tế trong một xã hội thiếp ngủ. Vì thế, cái chết ấy chính là ánh sáng. Cái chết ấy là một tiếng thét để đánh thức chúng ta dậy
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|