Dẫn nhập
“Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho chúng ta là bạn hữu của Người” (Augustino, Enarr in Ps 90). Thật vậy, giống như đôi bạn tình lúc sống xa nhau, họ trao gửi cho nhau những bức tâm thư và nhờ đó mà lời nói yêu thương và hình ảnh của họ luôn hiện diện bên nhau, để nuôi dưỡng tình yêu họ mãi mãi cho nhau. Cũng thế, khi Chúa Giêsu “về trời”, Thánh Kinh như là một lưu bút và là một bức thư tình để lại cho tín hữu và là thông điệp yêu thương của Người vẫn mãi mãi ở cùng nhân loại giúp họ được sống và sống phong phú trong tình yêu của Thiên Chúa. Nói đến thư tình là nói đến những dòng chữ chất chứa tình thương, hơn là những gì thuộc văn hay chữ tốt. Chẳng có anh chàng hay cô gái nào nhận được thư của người yêu mà lại đặt vấn đề về văn phạm sai câu lỗi vần, nhưng chỉ tập chú khám phá trên mỗi dòng chữ một hình ảnh thân thương, một rung động của con tim và những cảm nghĩ về tình yêu và ước vọng tương lai. Cũng vậy, tinh thần học hỏi và sống Thánh Kinh không nhằm nghiên cứu văn hay chữ tốt, mà là một sự khám phá và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong chương trình cứu độ.
Theo Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticano II, Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, sự an bài săn sóc, ý định và chương trình cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể tiếp cận được với Thiên Chúa và thông phần bản tính của Người. Thánh Kinh hay Lời Chúa không chỉ là một bản văn chất chứa tình cảm của Chúa mà còn là chính Chúa (Dei Verbum 25). Có thể nói, tình yêu của con người đối với Thiên Chúa tỉ lệ với độ mến yêu của con người đối với Thánh Kinh. Sở dĩ công đồng Vaticano II dám đồng hoá Lời Chúa với chính Chúa, vì Lời ở đây không phải là một âm thanh vẳng trong không khí, nhưng trước hết là Ngôi Lời
Công đồng Vaticano II, mong muốn mọi kitô hữu hãy siêng năng học hỏi Thánh Kinh để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và để tâm hồn được bối dưỡng nơi bàn tiệc Lời Chúa:
“Mọi kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy siêng năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học về Thiên Chúa (x. Pl 3,8). Vì không biết Thánh Kinh là không biết Thiên Chúa (S. Hyeronimo). Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh nhờ Phụng Vụ Thánh chứa đựng dồi dào, hoặc nhờ sốt sắng đọc Kinh Thánh, hay những tổ chức học hỏi thích hợp…” (DV, 25).
Tại sao phải học Thánh Kinh?
Có thể nói môn học Thánh Kinh là môn học quan trọng nhất trong các môn thần học, vì Thánh Kinh là kim chỉ nam cho tất cả mọi suy luận thần học. Hơn nữa, việc hiểu biết Thánh Kinh sẽ hướng dẫn cho đời sống mọi kitô hữu.
Vì thế, việc học hỏi Thánh Kinh là rất cần thiết, không chỉ để biết mà còn là để sống, “vô tri thì bất mộ” – không biết Chúa thì không thể yêu mến Chúa và không biết đường lối Chúa và Thánh Ý của Người thì không thể sống đức ái với tha nhân cách trọn vẹn