|
Mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và những người mình yêu thương, dù ở bất cứ thời đại nào, luôn là ước mơ của mọi người.
Hạnh phúc đó là gì? Với riêng tôi, thì trước tiên phải có một công việc làm với thu nhập ổn định, và nếu phù hợp với chuyên môn thì càng tốt, đủ để có thể lo lắng cho cả 3 gia đình: gia đình riêng, và gia đình phụ mẫu hai bên. Điều hạnh phúc nữa mà ai cũng khao khát là may mắn có thể tìm được một người bạn đời với những nhân sinh quan tương đồng nhau; chia bùi, sẻ đắng cùng nhau lúc may mắn lẫn lúc một trong hai gặp trắc trở, khó khăn trong sự nghiệp; cùng nhau vun đắp cho mái ấm gia đình thêm sung túc, ấm áp, con cái ngoan ngoãn, học hành tấn tới… Tất nhiên, con đường giữa ước mơ và hiện thực là một khoảng cách khá dài. Nếu chỉ biết ước mơ và ngồi chờ sung rụng hay một phép mầu nào đó, thì có khi chưa chắc cả đời đã hớp được một quả sung rơi ngay vào miệng của mình. Bởi thế, không có một cách nào khác ngoài việc nỗ lực của bản thân, vạch ra con đường đi đến ước mơ cho chính mình.
Có những lúc thành công và may mắn đến với mình rất dễ dàng, nhưng cũng có rất nhiều lúc, dù cho sự hoạch định tương đối hoàn hảo cộng thêm nỗ lực rất lớn từ bản thân, nhưng kết quả vẫn chỉ là thất bại, hoặc giẫm chân tại chỗ. Mệt mỏi, chán chường là điều không ai có thể tránh khỏi trong những lúc như thế này. Đôi lúc bi quan quá, có thể dẫn ta đến buông xuôi, bỏ cuộc… Với những khoảnh khắc như thế này, sự động viên, an ủi, vỗ về kịp thời của gia đình, của người bạn đời, của người yêu, hay của bạn bè thân thật sự sẽ là một cứu cánh giúp mình trấn tĩnh để nhìn nhận lại mọi vấn đề: tại sao mình đã thất bại? Liệu mơ ước và con đường mình vạch ra có quá tầm với của bản thân hay không? Mình đã sai lầm gì trong quá trình thực hiện kế hoạch đạt đến mục tiêu đã vạch ra? Cần những điều chỉnh gì cho hợp lý để tiếp tục phấn đấu?
... Một trong những nguyên nhân thất bại lớn nhất, đó là ước mơ của mình quá xa với thực tế và gần như không có tính khả thi từ năng lực vốn có giới hạn của mình. Một bạn trẻ 18 tuổi, có giọng hát karaoke với điểm tính của máy thường là từ 90/100 trở lên. Bạn bè khen ngợi, và cậu cũng luôn khao khát một mai mình sẽ trở thành nổi tiếng như ngôi sao Bi-Rain… Thế là cậu bỏ học hành chữ nghĩa, tìm đến các nhạc sĩ nổi tiếng để tầm sư học đạo, tốn biết bao là công sức của bản thân và tiền của từ cha mẹ vốn thương và chiều con. Mỗi lần có cuộc thi tiếng hát nào lớn trong cả nước, cậu đều đăng ký ghi danh, và không lần nào qua được sâu hơn vòng bán kết. Cậu ấy xui xẻo? Thật sự không phải xui xẻo, nhưng có một điều cậu không nhận ra giới hạn về âm vực trong chất giọng của mình cộng thêm thể hình không phù hợp để có thể thực hiện đẹp các vũ đạo minh hoạ… Khi cậu nhận ra được những điều này, thì những người bạn học phổ thông ngày xưa cũng đã lấy xong bằng cử nhân, và đã có công ăn việc làm. Cậu cảm thấy nuối tiếc, vì 5 năm năm trước, mình cũng là học sinh khá giỏi 3 môn khối A, nếu đừng vì cái mộng ca hát không đúng sở trường, thì bây giờ đâu phải rơi vào cái cảnh "xôi hỏng-bỏng không" như giờ này... Ước mơ là quyền của mỗi con người, nhưng đừng bao giờ ước mơ quá viễn vông, tự đặt cho mình những mục tiêu quá tầm với từ khả năng thực tế của bản thân - bởi thất bại sẽ là điều chắc chắn!
Bởi thế, việc phân tích "SWOT" - điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, cùng những cơ hội và thách thức cho bản thân mình khi hoạch định con đường để đạt đến ước mơ là hết sức cần thiết! Chẳng thà, sau khi phân tích SWOT xong, ta sẽ từ bỏ ước mơ không mang tính khả thi đó, để nghĩ về những mục tiêu gần gũi và phù hợp với bản thân, còn hơn là đeo đuổi theo một thời gian dài như "dã tràng xe cát Biển Đông"! Nếu thất bại vì lý do khách quan sẽ là một phạm trù khác, nhưng nếu thất bại từ nhân tố chủ quan ngay từ lúc ước mơ, thì liệu đời mỗi người sẽ được phép bao nhiêu lần mơ ước sai lầm như thế trong khi bình quân mỗi chúng ta chỉ có 60 năm cuộc đời?
Trần Thị Lý.
|
|