|
CHUYỆN TÌNH HAI NỖI KHÁT
Piô Phan Văn Tình, CMS.
MỤC LỤC
Dẫn nhập
HỮU THỂ MỞ
Hữu Thể Hữu Hạn
Hữu Thể Tuyệt Đối
THAO THỨC
Tiềm Thể
Hiện Thể
HÀNH TRÌNH THAO THỨC
CHUYỆN TÌNH HAI NỖI KHÁT
Kết
Dẫn nhập
Tình yêu là một "cái gì đó" rất hiện sinh và vì nó "sống, động, hiện hữu" trong thời gian cũng như phi thời gian, trong không gian cũng như phi không gian nên "cái gì đó" trong cảm nghiệm của con người là rất huyền nhiệm. Con người từ cổ chí kim, đông sang tây, sang cũng như hèn, trí thức cũng như thất học, quê mùa đều đi tìm và cảm nếm cho được tình yêu dưới nhiều góc độ khác nhau.
Các triết gia cũng như các nhà thơ, nhà văn đã để ngòi bút của mình trào tràn theo hướng thao thức đi tìm tình yêu, nhưng vì một thực tại sống động như tình yêu, làm sao có tham vọng đúc kết cho được một định nghĩa về nó, hoặc một sự thấu triệt trọn vẹn. Tất cả đều vô vọng. Vì thế Xuân Diệu, một nhà thơ viết nhiều về tình yêu chỉ biết nói không với một khái niệm phổ quát để đi vào trực giác riêng tư về thực tại sống động ấy:
"Đố ai định nghĩa được chữ yêu.
Có khó gì đâu một buổi chiều,
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu" (Xuân Diệu).
Tình yêu phải chăng là chuyện của hai người? Phải chăng là nỗi lòng của riêng nàng với chàng, chàng với nàng? Quả thật tình yêu nếu nằm dưới ngòi bút của con người sẽ cùng cực bế tắc và bi đát biết chừng nào. Tình yêu vốn dĩ sống động nên phải được trái tim chàng nhận lấy từ nàng, nàng nhận lấy từ chàng, cả hai cùng nuôi dưỡng và trải nghiệm. Cả hai cùng vươn lên, vì tình yêu là khung trời của niềm khao khát khôn nguôi. Điều đó cho thấy nỗi niềm khao khát của con người là khôn nguôi: cứ đi tìm mãi trong thông giao giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa.
Chuyện tình hai nỗi khát là chuyện tình yêu giữa hai hữu thể mang nỗi khát yêu đương. Nếu chủ thể là hai hữu thể hữu hạn thì nỗi khát yêu mang tính bổ khuyết bản ngã hiện sinh trong chiều hướng cùng vươn lên. Mối thông giao bổ khuyết này sẽ là cơ hội, sẽ là "đà sống" để con người vươn lên Tuyệt Đối: "Cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi sẽ nâng trái đất này lên" (Arsimede). Như thế, mối thông giao tình yêu giữa hai nỗi khát là để thông với nỗi khát Tuyệt Đối. Đây là chuyện tình cao đẹp và huyền nhiệm nhất mà con người có được với Đấng Tuyệt Đối.
Chuyện Tình Hai Nỗi Khát: hai nỗi khát ở đây có thể là tôi, là bạn với một đối tượng mà chúng ta cùng nhắm tới trong mối thông giao yêu đương. Mối thông giao ấy có thể giới hạn lại giữa nàng với chàng, có thể trên quy mô rộng: "tứ hải giang huynh đệ", mối thông giao yêu đương cao nhất mà chúng ta vươn tới chính là Đấng Tuyệt Đối, là Thiên Chúa vĩnh hằng. Đây là kết hợp thần bí khiến tôi và bạn hoàn thành đời mình trong viên mãn, được cùng với Thiên Chúa yên nghỉ trong sự đời đời của tình yêu. Phải chăng đây là ý nghĩa của một hữu thể mở, của một niềm thao thức, của một hành trình thao thức và chuyện tình của hai nỗi khát?
Để trả lời vấn nạn trên và trong giới hạn cho phép, tôi trình bày "chuyện tình hai nỗi khát" qua bốn phần sau:
Hữu Thể Mở: phần này trình bày về hai hữu thể mở, hữu thể hữu hạn tức con người và hữu thể tuyệt đối tức Thiên Chúa. Đây sẽ là khởi điểm và là nền tảng để con người biết mình, biết mình mang nỗi niềm thao thức
Thao Thức: phần này trình bày nỗi khát dưới hai hình thức tiềm thể và hiện thể nơi con người. Một bước chuẩn bị để con người khởi đầu cho bước tiến mới, một hành trình thao thức
Hành Trình Thao Thức: trình bày sự ra đi của một nỗi khát, sự ra đi để bổ khuyết nỗi khát mong. Hành trình này dựa trên nền tảng đức tin qua câu chuyện của tổ phụ Abraham
Chuyện Tình Hai Nỗi Khát: là chuyện tình yêu của chàng và nàng, chuyện tình yêu của hai hữu thể tuyệt đối và hữu hạn được quảng diễn trong mối tình giữa chàng và nàng của sách Diễm Ca.
HỮU THỂ MỞ
Hữu Thể Hữu Hạn
Mỗi một hữu thể hiện hữu đều mang nơi mình một mục đích, cũng chính vì vậy mà hữu thể được gọi là "mở".
Hữu Thể Rỗng
Cái có hữu hạn phù hợp với vấn nạn: có cái gì? Cần bổ khuyết cái gì?
Tôi là hữu thể hữu hạn, ở trong thế giới hữu hạn, chịu chi phối bởi quy luật hữu hạn. Cái "là" của tôi sẽ đi theo tiến trình tiệm tiến: từ phôi thai đến trưởng thành. Tôi "có" là có quy luật sinh trưởng: sinh, lão, bệnh, tử...Tôi có là có quy luật tâm lý: thất tình nhục dục: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục...
Chính lúc tôi sinh ra là khởi điểm của một quy trình hiện sinh của cái có trong hữu hạn. Đủ thứ hữu hạn chi phối, ràng buộc cái có của tôi hơn nữa chính nó mang bản chất khuyết nên ngay giây phút hiện hữu, tôi đã lên tiếng. Tiếng ấy là tiếng khóc cho phận người hữu hạn bi đát của tôi. Tiếng khóc vừa như ai oán, than van, khẳng định trước cuộc đời bể dâu. Tuy nhiên đó cũng là tiếng đầu tiên nói lên khát vọng sinh tồn, khát vọng vượt qua những hữu hạn nơi cuộc đời, nơi chính mình để rồi có khả năng bổ khuyết mình và xây dựng cuộc đời, vậy nên tôi là "hữu thể khả hữu".
Cái "là" (hiện hữu) nơi bản chất vốn đã quy định và đã được xác định nơi giây phút đầu đời sẽ được quang toả ra nơi trăm cuộc bể dâu không thể tránh khỏi.
Cái "có" của tôi lớn lên theo quy trình hữu hạn thì cũng sẽ lão hoá theo cùng một quy trình ấy. Nó biến đổi, thay da đổi thịt như mọi sinh vật hữu hạn khác. Cái "biến dịch" nơi hữu thể mình, khiến tôi không thể bám vào bất cứ thứ gì khả giác nơi mình.
Rồi xen lẫn trong đó những hạn chế làm cho cái "có" ấy khuyết đi trong đủ thứ bệnh và cái khuyết lớn nhất hằng đeo bám, nỗi ám ảnh của hữu thể là cái chết.
Ấy là chưa kể đến trăm ngàn mối nguy bủa vây; tình trạng tâm lý của thất tình nhục dục làm cho cái "có" rối như tơ vò. Nó trở thành một mớ bung xung, mâu thuẫn vốn xung đột, gây chiến thường xuyên như muốn làm cho nó nổ tung.
Cái "có" sinh lý, tâm lý vô cùng hữu hạn, hay thay đổi, là vô thường. Con người đụng phải một hàng rào bất khả "đáo bị ngạn", đụng phải vực thẳm trống rỗng vô phương vùi lấp.
Phải chăng hữu thể hữu hạn trống rỗng là dấu chấm hết trong tuyệt vọng? Hay hữu thể trống rỗng là cơ hội để chính nó vươn lên cho một mục đích: trống rỗng là để được tròn đầy. Một cái ly nước sẽ là thiếu nếu nó chưa chứa đựng nước, nước gì chưa bàn đến, cũng chính vì trống rỗng mà nó có khả năng chứa được mọi thứ nước và nó hằng khao khát, mong chờ cho được viên mãn mình.
Bao lâu còn hiện hữu trong thế giới bấy lâu con người còn trống rỗng, bởi cái quyết định sự trống rỗng của nó chính là bản tính nó và môi trường bao quanh nó cũng bị quy định là hạn chế rồi. Nhưng điều quan trọng là cá sinh có nhận biết mình trống rỗng và có khảo sát tỉ mỉ phần trống rỗng ấy không để rồi vì đó mà nó không khi nào dừng lại ở mình, vì lẽ nếu dừng lại ở mình thì nó sẽ đụng phải hư vô vô phương thoát khỏi, hệ luỵ của sự "quy ngã" hay "tự quy" chính là "bất mãn", tình trạng bất mãn khiến người ta chỉ muốn đạp đổ chứ không muốn xây dựng, vì đã buông xuôi, tuyệt vọng.
Trái lại, cá sinh hiện hữu là để đi tìm bổ khuyết cái khoảng trống nơi mình, khoảng trống ấy nằm ở chỗ sâu nhất trong hữu thể, bản thể khuyết. Một vấn nạn được đặt ra ở đây là tìm gì để lấp đầy chỗ trống khi mà mọi hữu thể khả giác như bản ngã hiện sinh đều trống rỗng hữu hạn như nhau. Mọi hữu thể hữu hạn đều trống rỗng, mọi hữu thể trống rỗng đều đi tìm lấp đầy mình. Như vậy, từ từng cá sinh đi tìm, cho đến cả một tập thể đi tìm. Cuộc đời là những cuộc tìm kiếm triền miên. Bởi vậy phải chăng là vô ích khi đi vào mối thông giao với cái vô thường để rồi chỉ tìm thấy cái làm cho hữu thể càng khát khao?
Mọi tương quan giữa những hữu thể khả giác đều chỉ mang tính chất giả chiến, chỉ là tạm thời mà thôi. Hôm nay tôi khát nước nên tôi uống. Không ai bảo đảm rằng ngày mai tôi sẽ hết khát và sẽ không còn uống nước nữa. Dẫu vậy cơn khát vẫn giúp giải quyết nỗi khát của tôi và tính chất giải khát ấy là tạm thời, mang tính chữa cháy. Rõ ràng có vẫn còn hơn là không, lý do là vì cuộc đời là một hành trình tìm kiếm triền miên nên cũng rất cần những bóng mát bên đường, những mạch nước suối tạm trong ngần chảy ra từ những hốc đá nằm sâu trong núi, khả dĩ tạm thời giải quyết cơn khát hiện sinh của từng cá sinh.
Mạch nước ấy, bóng râm mát bên đường ấy chính là tình yêu, là thông giao giữa người với người như những chủ thể mang nỗi niềm khao khát. Cho nên giữa tôi và một chủ thể hiện sinh khác đều là những đối tác trong cuộc thông giao tình yêu để rồi cùng được thoả mãn, sự thoả mãn này có tính chất tạm thời và như một sự thư giãn vừa lấy lại sức lực vừa lấy lại tinh thần để tiếp tục hành trình lên cao, hành trình đi về Tuyệt Đối. Đó mới là đích điểm tối hậu của tất cả mọi hữu thể hữu hạn.
Giờ đây nhờ thứ nước mạch ấy, hay bóng mát kia mà cả hai cùng có khả năng đồng hành vươn lên. Thứ nước, bóng mát do hữu thể hữu hạn mang lại không thể làm đầy tràn chỗ trống trong cái tôi. Chỗ trống ấy, khoảng trống ấy phải chăng là một "nửa" còn lại của hữu thể, làm cho nó khuyết, khiến nó phải miên man tìm kiếm?
Hữu Thể Nửa
Phải chăng là nét đẹp mê li khiến hữu thể phải ngây ngất chiêm ngưỡng?
Vốn hữu thể đã có vẻ đẹp rồi cơ mà, sao còn thao thức với một vẻ đẹp nào khác nữa? Vẻ đẹp của nó mới chỉ có một "nửa", "nửa" kia vẫn là dấu chấm hỏi trong hành trình tìm kiếm bổ khuyết của hữu thể. Mọi cái mỹ khả giác đều làm say mắt, vừa lòng hữu thể nhưng khi được uống cạn hết cái mỹ hữu hạn nó lại vẫn còn khát và nó lại ý thức về một nỗi niềm khao khát nơi bản thể mình. Từ đó nó tự thúc đẩy mình phải ra đi tìm kiếm, hành trình vẫn tiếp tục.
Hữu thể dừng lại nơi cái "chân" như "nửa" của mình, "chân" là chân lý, là sự thật. Nó là sự tương hợp giữa thực tại và lý trí. Nhưng chân lý khả giác hay chân lý từng phần, chân lý tương đối như: 2+2=4, chỉ giải quyết được tính hợp lý của luận lý, thoả mãn lý trí nhưng lại đánh lừa một hữu thể toàn diện, rõ ràng khi đã thoả mãn chân lý như thế, nó vẫn còn tìm kiếm một cái gì đó nữa. Rốt cuộc vẫn chưa tìm thấy "nửa" bổ khuyết hoàn toàn của hữu thể.
Phải chăng một sự thiện hảo?
Đứng trước mọi sự thiện hảo, hữu thể say sưa muốn tích luỹ cho mình. Cố gắng rèn luyện mọi nhân đức để kín múc điều thiện cho riêng mình. Một hữu thể được xem là hoàn hoả bởi đã có được nhiều điều thiện, nhưng khi hội đủ mọi điều kiện để có được điều thiện và thực sự có được chúng thì liệu có đảm bảo rằng hữu thể sẽ dừng lại, không còn tìm kiếm, khao khát nữa?
Đằng sau chẳng đường đã đạt được này sẽ là một nỗi niềm mông lung như khẳng định rằng chân, thiện, mỹ khả giác, tương đối hay tản mác, rời rạc nơi mọi sự hữu hạn ở trong thế giới và mọi đối tượng khả giác để hiện sinh tôi đi vào thông giao tình yêu chỉ mang tính tạm thời bổ khuyết chỗ trống hữu thể và tạm thời ráp vào "nửa" còn lại của hữu thể mà thôi.
Mọi nỗ lực bổ khuyết sự trống rỗng và "nửa" của bản thể nơi những gì hữu hạn, khả giác đều bị thất bại, con người quay ra hướng muốn "chọc thủng không – thời gian", chọc thủng mọi hữu hạn, mọi sự trống rỗng, mọi "nửa" khuyết của hữu thể theo hai hướng.
Một mặt hữu thể muốn làm loạn trong ước muốn tự do tuyệt đối. Mọi thứ quy tắc ở đời đều bị coi là rào cản tự do mà hữu thể cần phải đột phá. Quy tắc chi phối con người và đời người nhiều nhất vẫn là luân thường đạo lý, một thứ giới hạn bị thắt chặt nơi quy luật gia đình hay hôn nhân...cái đó khiến cho hữu thể phải đụng đầu và chán nản với tất cả, bất mãn với tất cả chỉ muốn phá vỡ tất cả. Cho nên không lạ gì một thành phần lớn thuộc giới trẻ không thích bị ràng buộc bởi gia đình, muốn được tự do chơi ngông...
Mặt khác những hữu hạn, trống rỗng của hữu thể sẽ là động lực, là đà vươn lên không ngừng của hữu thể. Nếu cái hữu hạn là đối tượng gặp gỡ, thông giao tình yêu thất bại của hữu thể khi nó đi tìm bổ khuyết mình, thì việc thất bại ấy sẽ là cơ hội, là nỗi niềm bất thoả triền miên thay vì bất mãn – bởi bất mãn là dừng lại để rồi trách móc, dừng lại để rồi buồn nạn, buông xuôi, không muốn xây dựng nữa – trong khi bất thoả sẽ là sự vươn lên từ cái hữu hạn lên không hữu hạn, từ cái tương đối lên Tuyệt Đối. Cũng là điều hợp lý và chính đáng khi lấy tuyệt đối bổ khuyết tương đối, vô hạn bổ khuyết hữu hạn...Âu đó cũng là một huyền nhiệm của con người, là điều kỳ diệu của cuộc đời được trải ra cho sự khám phá không ngừng của con người.
Hữu Thể Tuyệt Đối
Hữu Thể Tuyệt Đối, Trọn Vẹn
Tuyệt đối ở đây không phải là một ý niệm, một phạm trù, khái niệm hay vô vàn nhân đức và ức triệu điều kiện tuyệt đối làm cho hữu thể hữu hạn no thoả, nhưng đúng hơn Tuyệt Đối ở đây là một Hữu Thể, một Ngôi vị, một chủ thể tuyệt đối, một đối tượng tuyệt đối trong sự thao thức tìm kiếm thông giao tình yêu khôn nguôi của con người. Một Đấng Tuyệt Đối và vô cùng viên mãn. Tự bản chất đã tràn đầy và viên mãn, vốn không cần bổ khuyết gì nữa, vì nơi Ngài không có chỗ trống, không có gì khuyết, không có "nửa" nào thiếu hụt để rồi phải đi tìm bổ khuyết như hữu thể khuyết mà chúng ta biết. Ngài tự hữu và hằng hữu, không cần ai cho Ngài gì để ngài hoàn hảo hơn.
Trong Cựu Ước, con người đã được biết tới danh thánh ấy rồi, đó là lúc ông Môsê ngỏ lời với Thiên Chúa:
"Bấy giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán với ông Môsê: 'Ta là Đấng Hiện Hữu' (Ta Là)" (Xh3,13-14). Một Thiên Chúa như thế, con người vốn hữu hạn, không thể thấu hiểu được bằng bất cứ khả năng hay kỹ thuật nào của con người. Tất cả đối với Ngài chỉ là không không, là hư vô trống rỗng, nếu quả thật đích thân Ngài không mặc khải danh thánh cho con người. Không chỉ Ngài đã mặc khải danh thánh mà còn thân hành đến với con người, bởi vậy con người không còn biết một Đấng Tuyệt Đối trừu tưởng theo ý niệm trong những suy tư viễn vông nữa mà đã được đồng hành, ở với Ngài, để rồi ngang qua đó họ nếm được Ngài bằng một thứ trực giác siêu nhiên trong kết hợp thần bí:
"Người phán: 'Ngươi nói với con cái Israel thế này: Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em'" (Xh3,14). "...Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia" (Xh3,15). Đó là danh Ngài và vì danh ấy vẫn nằm trong hệ thống ngôn ngữ của con người thế nên danh ấy vẫn hữu hạn. Nếu xét theo phương diện thực tại, Ngài như "Ngài Là", thì không một danh xưng nào có thể diễn tả được, vì dẫu sao tất cả mọi danh xưng cũng chỉ là những quy định trong ngôn ngữ hạn hẹp của con người. Một khi đã đặt tên cho một thực tại nào thì thực tại ấy vốn bị đóng khung ở đó. Ví như: tôi là loài người thì không thể là một loài khác được. Anh A không thể là anh B được. Cũng vậy, Thiên Chúa nếu có tên thì bị giới hạn, bị chi phối bởi cái tên ấy. Bởi vậy thánh Anselmô đã quả quyết: nếu một Thiên Chúa mà con người hiểu được, nghĩ được thì Ngài không còn là Thiên Chúa nữa, nếu có một Thiên Chúa thì Thiên Chúa ấy do con người bày ra, đó chẳng qua chỉ là một hình thức thờ ngẫu tượng mà thôi. Hẳn thật cũng vì vậy mà khi mặc khải danh thánh cho con người Ngài sợ con người ngộ nhận nên mới dùng danh "Ta Là", tên của Ngài không phải là "Là" nhưng tên của Ngài là chính Ngài toàn vẹn. Thực ra "Ta Là" không phải là một cái tên nhưng đúng hơn đó là một thực tại siêu việt. Ngài muốn con người hướng đến một thực tại siêu việt, bản chất thường hằng của Ngài. Ngài là Đấng Tuyệt Đối, là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, là chân, thiện, mỹ viên mãn, thế nên nơi Ngài có tất cả sự hoàn hảo tròn đầy, ở điểm này Ngài hoàn toàn không có khát vọng. Vậy nơi nào trong Bản Thể Tuyệt Đối của Ngài có khát vọng để rồi có thể gọi Ngài là Hữu Thể mở? Thực ra chẳng phải nơi nào trong bản thể Ngài còn có khát vọng vì nếu nói nơi nào trong bản thể Ngài hoá ra trong nội tại Ngài vẫn còn khuyết?
Hữu Thể Mở
Hữu thể hữu hạn mở ra là vì nó thiếu, nó khuyết, nó trống rỗng ngay trong bản thể của nó vậy nên nó mới mở ra cho một dự phóng tuyệt đối, mở ra để bổ khuyết mình bằng thông giao với Đấng Tuyệt Đối, và nó hiện hữu là vì mục đích ấy, cho nên bao lâu nó chưa đạt được mục đích hiện hữu của nó thì bấy lâu nó vẫn đau đáu một nỗi niềm khao khát nơi bản thể của nó.
Trái lại, Thiên Chúa là Hữu Thể mở không phải vì Ngài thiếu, cũng chẳng phải vì Ngài trống rỗng, bởi tự bản chất Ngài vốn trọn vẹn, nơi Ngài không có tiềm thể. Vậy tại sao gọi Ngài là Hữu Thể mở?
Ở một góc nhìn gần hơn, hay nói đúng hơn ở một cảm nhận của trực giác thần bí mà chính Thiên Chúa là Đấng đã cho con người được hiểu, được nếm. Gioan tông đồ là một nhà thần bí đã được tựa đầu vào lòng của Logos (Lời): "Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu" (Ga13:23). Ngôi Lời đã được Chúa Cha sai đến thế gian để ở với con người trong thân phận hèn hạ: "Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga1,14), để biến họ nên bạn hữu của Ngài: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga15,15). Con người đã được tiến lại gần Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa đã thân hành đến với con người trước, họ có thể cảm nếm một Thiên Chúa tuyệt đối.
Ở đây, cảm nghiệm của nhà thần bí đã được đúc kết trong câu nói được xem là định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu" (Ga4, 8.16). Thiên Chúa hiện hữu giờ đây không còn xa xôi, trừu tưởng mà đã rất gần, vì hiện hữu không còn là hiện hữu mà là hiện hữu tình yêu. Tình yêu mang đặc tính mở.
Trước hết, Ngài mở ra trong nội tại của mình, trong "cung lòng" Ba Ngôi cực thánh. Ba trong một: Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi ngang hàng nhau không theo tính cào bằng của con người nhưng ngang hàng nhau trong tương quan tình yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Cha yêu Chúa Thánh Thần; Chúa Con yêu Chúa Cha, Chúa Con yêu Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần yêu Chúa Cha, Chúa Thánh Thần yêu Chúa Con. Luôn luôn Ba Ngôi hiệp thông tình yêu trọn vẹn. Tình yêu giữa Ba Ngôi làm nên một Thiên Chúa duy nhất và tuyệt đối, tình yêu ấy tràn ngập từ đời đời và cho đến muôn đời muôn thuở theo thời gian vĩnh cửu, thời gian tình yêu, tình yêu ấy cũng tràn ngập cả không gian đời đời, không gian vĩnh cửu, không gian tình yêu.
Chúa Cha ra đi, Chúa Con ra đi và Chúa Thánh Thần cũng ra đi để gặp nhau trọn vẹn, một cuộc nhiệm hiệp làm nên một Thiên Chúa tuyệt đối. Ở điểm này mà Thiên Chúa là tình yêu và cũng ở điểm này mà tình yêu mang tính mở. Vì tình yêu trải rộng trong không gian vĩnh cửu, trải dài trong thời gian vĩnh cửu. Luôn luôn tình yêu là "như thế", "như thế" mà không bao giờ lỗi thờ hay cũ mà trái lại luôn mới, mới không do sự thay đổi từ cái này sang cái khác theo kiểu từ thô sơ sang đa tạp, từ xấu sang đẹp, từ hữu hạn chuyển qua vô hạn, tuyệt đối...hoàn toàn không phải như vậy vì tình yêu là bản chất thường hằng của Bản Thể tuyệt đối, Thiên Chúa, mới ở đây là kiểu nói diễn tả tính chất tuyệt hảo của tình yêu. Tình yêu luôn luôn "hôm nay", không có hôm qua, cũng không có ngày mai. Tình yêu luôn luôn hiện tại, không có quá khứ, không có dự phóng tương lai theo kiểu hữu thể và thế giới hữu hạn được bao bọc bởi thời gian hữu hạn.
Tình yêu này huyền nhiệm, bí ẩn từ đời đời, và vì là suối nguồn vô biên nên không bao giờ vơi, luôn tràn đầy, sung mãn từ nội tại. Bí ẩn nơi "nội cung" Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa luôn là một dù vẫn là Ba Ngôi. Cung lòng Ba Ngôi cực thánh chính là suối nguồn tình yêu như Gioan đã cảm nghiệm: "Thiên Chúa là tình yêu" (Ga4, 8.16), để từ đó "đà sống vĩnh cửu" tiếp tục tuôn trào nơi công trình sáng tạo của Ngài nữa.
Thiên Chúa là Hữu Thể mở, Ngài mở nơi "nội cung" của mình. Giả định rằng Thiên Chúa là một Hữu Thể khép kín thì sẽ như thế nào? Chắc chắn một điều là Thiên Chúa ấy vô cùng bế tắc dẫu bản chất có tuyệt đối đến đâu. Bởi tất cả đã được che chắn, đóng khung bởi hàng rào khép kín và ngay từ "nội cung" của Thiên Chúa đã có sự lủng củng rồi. Nơi cung lòng Ba Ngôi không còn tình yêu trào tràn nữa, bởi vậy cũng sẽ không còn không gian vĩnh cửu và thời gian vĩnh cửu cũng không tồn tại nữa. Giờ đây Ngôi nào chỉ biết có sự tuyệt đối và vị trí của riêng mình. Như vậy từng cõi riêng tư được thành lập và cái được thành lập từ các ngôi vị ấy sẽ tạo nên một thế giới đa thần và kéo theo những cuộc chiến tranh giành lẫn nhau mà thế giới thần thoại Hy Lạp thường hay diễn tả. Nếu tự nội tại của một Thiên Chúa đã bất ổn làm sao trào tràn tính chất thường hằng được. Cái mà Thiên Chúa ấy có chỉ là tuyệt đối khép kín và giả tạo vì dẫu có hiện hữu cũng chẳng được nhận biết nơi chính mình cũng như ngoại tại và tất cả chỉ là sự hư vô trống rỗng.
Tuy nhiên, sự thật không có một Thiên Chúa như thế, vì Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối, tình yêu ấy không chút khép kín như con người tưởng nghĩ. Ngài là Hữu Thể mở, Ngài được nhận biết nơi chính mình nghĩa là Ngài tự hữu, Tam Vị tự hữu, biết và yêu nhau trọn vẹn trong Nhất Nguyên. Đồng thời Ngài cũng được nhận biết nơi ngoại tại do sự trào tràn từ nguồn sung mãn của Ngài. "Ngoại tại" ở đây là con người, trung tâm của vạn vật, được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài. Con người chỉ là bụi đất nhưng do sự trào tràn "đà sống vĩnh cửu" nơi cung lòng Ba Ngôi cực thánh mà nó được nên cao trọng.
"Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa" (St1,27). Chính ở điểm này mà chúng ta dám xác quyết rằng Thiên Chúa là Hữu Thể Mở, Ngài mở không phải vì Ngài thiếu. Ngài không cần phải đi tìm bổ khuyết gì nữa vì Ngài vốn đã tròn đầy rồi cần gì đi tìm thông giao với con người hữu hạn do tay mình làm nên. Vậy nên Ngài mở vì Ngài là tình yêu, tình yêu tuyệt đối của Ngài không bao giờ khép kín nơi mình mà luôn đến với một đối tượng khác như tự bản chất của Ngài. Điều kỳ diệu khi Ngài yêu con người chính là Ngài đang yêu chính Ngài. Rốt cuộc cái "hình ảnh" mà con người được dựng nên chính là tình yêu, cho nên tình yêu nơi con người cũng mang tính chất mở ra. Bao lâu con người còn mở ra với tha nhân thì bấy lâu con người còn mang "hình ảnh Thiên Chúa". Bao lâu con người khép kín thì bấy lâu con người đánh mất đi căn tính của mình, vì lẽ bản chất của con người là tình yêu.
Tuy vậy, cái khác biệt vô cùng giữa "Thiên Chúa là tình yêu" với "con người là tình yêu" ở chỗ Thiên Chúa là Hữu Thể tuyệt đối, Ngài tự hữu, còn con người là hữu thể hữu hạn, đặc tính của hữu thể hữu hạn chính là sự vô thường tự bản chất.
Tình yêu của Thiên Chúa là tuyệt đối, là sung mãn trong không gian vĩnh cửu, trong thời gian vĩnh cửu. Còn tình yêu của con người là giới hạn trong không gian hữu hạn, trong thời gian hữu hạn, bởi bản chất của những gì liên quan đến con người, ngoài Thiên Chúa, đều khuyết. Tình yêu Thiên Chúa là bất biến còn tình yêu của con người hay thay đổi...Nhưng đặc tính chung của tình yêu là mở ra trong thông giao giữa các ngôi vị. Bản chất của con người đã bị nhuộm men tội nên phẩm vị của tình yêu mà con người có cũng mang màu sắc ích kỷ và hoen ố, nhưng dẫu sao tình yêu vẫn là hình ảnh tuyệt vời của Đấng Tối Cao mà con người được kín múc. Bao lâu con người mài dụa bản chất tội lỗi của mình trong tình yêu của Ngôi Lời nhập thể thì bấy lâu tình yêu của con người cao thượng biết chừng nào.
Âu đó cũng là niềm vinh dự và là niềm hy vọng của con người vì biết rằng dẫu phận mình yếu đuối hèn hạ, chẳng đáng chi nhưng cũng được Đấng Tuyệt Đối chờ đợi, say yêu và được mời gọi thông dự bản tính đời đời của Thiên Chúa, được mời gọi kết hợp tình yêu với Ngài để rồi nếm hưởng tình yêu nơi cung lòng Ba Ngôi cực thánh. Đó chính là niềm khao khát chính đáng và phải đạo mà con người tìm kiếm khôn nguôi, đồng thời cũng là bổn phận và mục đích hiện hữu của con người.
THAO THỨC
Thao thức là một phạm trù gợi tả trạng thái sôi nổi, liên tục, không ngừng, không yên nghỉ. Theo đó, thao thức là tình trạng khát vọng khôn nguôi thuộc bản thể. Dẫu ẩn, hiện và có thể thay đổi tuỳ thể theo sự ngộ nhận của bản ngã hiện sinh nhưng nó vẫn là thao thức nơi bản thể con người.
Tiềm Thể
Từ khi được thành hình, được hiện hữu nơi cõi nhân sinh thì con người đã mang nỗi khát, tiếng khóc đầu đời phải chăng là hiện tượng tâm lý diễn tả tự nhiên nỗi khát đau đáu nơi bản thể. Con người ấy được cấu thành bởi hai yếu tố chất thể và mô thể, chính chất thể có tiềm năng tính thuần tuý. “Khát” hiện hữu chỗ sâu nhất của nó, có thể nói cách mạnh mẽ rằng hữu thể chính là “khát”, bởi lẽ con người là hữu thể khuyết, luôn luôn ở trong tình trạng chờ đợi được bổ sung, nên thao thức khôn nguôi cũng cứ mãi được lớn dần theo thời gian. Để rồi cuối cùng cũng xác định được bản tính thuần tuý của nó là khát.
Một hình ảnh cụ thể, sống động và nguyên vẹn có thể diễn tả tình trạng cốt lõi trong bản tính khát của hữu thể: sa mạc. Sa mạc là vùng đất quá khô cằn, nó luôn ở trong tình trạng khát nước, vậy nên, mọi vật, sinh vật hiện hữu với nó, trong nó đều mang nỗi khát nơi mình.
Bản tính là nguồn của hành động, do đó, nếu bản tính là khát thì hành động cũng sẽ mang sắc màu khát. Có chăng là nó đang như “con ếch ngủ đông”, chưa được quang toả hay nó đã được hiện thể nhưng chưa rõ. Vậy phải chờ đợi, vì hữu thể là khát, khát mỏng dòn, dễ vỡ như "cây sậy", như miền đất khô mong chờ mưa đầu mùa xuống, thế nên không thể đốt cháy giai đoạn được vì “dục tốc bất đạt”:
“Có người kia ngày ngày quan sát cách hấp dẫn tiến trình trưởng thành của một con bươm bướm từ ngày nó còn là con nhộng: con nhộng quằn quại cố gắng uốn mình để tự giải thoát khỏi cái kén bằng tự bao bọc nó như căn nhà tù. Nó vươn vai phấn đấu kéo giãn đôi cánh nhỏ bé với tất cả sự đau đớn! Thấy vậy, người ấy động lòng thương hại dùng ngón tay nhẹ nhàng xé mở cái kén bằng tơ để giải thoát nó. Kế đó, ông ta lại kéo nhẹ đôi cánh giúp nó giang thẳng ra.
Thế nhưng tiếc thay con bướm đó sẽ không bao giờ cất cánh bay lên được. Bởi vì chính nỗ lực cố gắng và sự vất vả tự giải thoát ra khỏi cái kén mới giúp nó kiện cường đôi cánh để rồi nhẹ nhàng bay bổng lên cao. Con người tốt bụng kia đã muốn cất bớt đi những vất vả khó nhọc của con nhộng và đốt cháy thời gian trưởng thành của nó nhưng làm như thế ông đã không giúp ích cho nó mà lại còn kết án nó suốt đời phải bò lê bò lết như con nhộng”.
Chẳng ai muốn suốt đời phải mang thân phận của một con nhộng, cứ phải thao thức chờ đợi suốt đời mà không khi nào thành toàn, cũng không ai mong mình chỉ là thằng cù lần, nghĩa là nỗi khát được hoàn thành nhưng cái giúp nó hoàn thành lại là hữu hạn, tiêu cực...nên hữu thể ấy bị méo mó. Đó là nỗi đau của một con người giữa cuộc đời. Để thành hình những thao thức như những hiện thể từ những thao thức tiềm thể cũng phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả, những cuộc bể dâu và giông tố cuộc đời vậy.
Hiện Thể
Hữu thể thao thức thành hình trong nhân cách con người, trong thông giao với hữu thể khác. Vì ý thức rằng con người là hữu hạn, luôn luôn cần được bổ khuyết từ nhiều hướng khác nhau nhưng con người cũng được sở hữu một khát vọng khôn nguôi nơi “thâm căn cố đế” của mình. Sở dĩ nói như vậy vì nơi con người tồn tại hai thứ khát vọng song hành trái ngược nhau đòi hỏi luôn phải có sự chiến đấu: khát vọng sinh tồn và khát vọng hiện sinh; khát vọng mang tính chất tiêu cực và khát vọng mang tính tích cực; khát vọng mang tính huỷ hoại con người và khát vọng mang tính xây dựng con người; khát vọng tự quy và khát vọng thông giao với một hữu thể khác; khát vọng đi lên Siêu Việt Thể và khát vọng đi xuống vực thẳm trong sự khoái lạc, mát mẽ vùi mình trong đám bùn bầy nhầy, mà thường thì con người có khuynh hướng đi xuống, thích buông khát vọng của mình trong tự do tuyệt đối, dẫu giữa cuộc đời dang dở chẳng có thứ tự do ấy.
Thế mới nói khát vọng của con người là khôn nguôi và không sai khi đặt khát vọng ở chỗ "thâm căn cố đế" của con người. Cho nên ở mọi năng lực ý chí, lý trí và tình cảm đều hiện thể khát vọng nội tại của nó, hơn nữa còn kéo dài dai dẳng suốt cả cuộc đời, cho đến khi nào con người hoàn thành đời mình nhắm mắt xuôi tay.
Khát vọng ấy mạnh mẽ vô cùng, chỉ có thể diễn tả nơi kiểu nói “tức nước vỡ bờ” hay manh nha nơi câu thơ trong sách Diễm Ca:
“Nước lũ không dập tắt nỗi...
Sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp...”
(Dc8,7).
Khát vọng mạnh mẽ là thế, cho nên nó vừa có khả năng nhận chìm con người dưới cái khát sinh tồn thú tính mà cũng có khả năng thăng hoa con người nơi khát vọng thông giao Tuyệt Đối.
Khát vọng của con người chỉ đơn giản như màn đêm mong trời mau sáng, như miền đất khô chờ mưa xuống, như con thơ trông bóng mẹ về, như đôi tình nhân khát khao được ở bên nhau...đơn giản mà sao âm ỉ, liên lỉ, không ngơi...thế kia. Nó cứ đau đáu bấu víu lấy bản thể con người đến nỗi Augustinô đã phải thốt lên: “Tâm hồn tôi sẽ thao thức mãi cho tới khi nào được yên nghỉ trong Chúa”. Có khi nào tôi hết muốn hoàn thiện mình? Có khi nào bạn hết muốn hướng về một đối tượng khác đơn giản chỉ để hoàn thành thông giao của kiếp người?
Nếu tôi là một đứa bé, tôi khao khát được lớn lên, được thành người lớn với nhiều tham vọng, thành người lớn với nhiều tham vọng đã thành toàn, tôi lại khao khát muốn hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện một cái gì đó mà nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu, chỉ biết rằng không khi nào tôi yên nghỉ trong sự khao khát. Con người là thế, khao khát yêu, yêu cha mẹ, anh em họ hàng, thương bạn hữu...Cho nên quả không sai khi khẳng định rằng con người dù là ai chỉ mới có “một nửa” mà thôi. “Nửa” kia vẫn luôn là vấn nạn cho con người thao thức mãi tới khi nào được thành toàn. Cuộc đời này là dang dở, cái dang dở không thể bổ khuyết cho cái khuyết được viên mãn được.
Vậy phải chăng chỉ có Tuyệt Đối mới có thể làm no thoả khát vọng của con người, nhưng dẫu sao đó vẫn luôn là khát vọng vô tận; bởi khoảng cách giữa hữu hạn và Tuyệt Đối là vực thẳm khôn dò?
Việc một hữu thể trống rỗng có khát vọng tìm no thoả mình cũng là hiển nhiên và tất thiết. Bởi con người là hữu thể mở, nghĩa là nó mang nơi mình khả năng nhận và cho. Nếu thiếu khả năng này, thì nó cũng sẽ hiện hữu nhưng rất khô chồi, héo hon, nó sẽ khuyết nhất trong tất cả những hữu thể khuyết. Một cái ao tù không nhận và không cho, rào dậu, kín cổng cao tường thì nước của nó sẽ thối tanh vô cùng. Con người mà xử sự theo kiểu tự tôn, độc đoán như những ông “thánh tôi” thì nhân cách của nó sẽ “thối tanh” biết chừng nào! Nhưng cái gì làm cho con người được tròn đầy? Phải chăng là khát vọng tự do tuyệt đối, muốn làm gì thì làm để rồi trở thành những “hữu thể tự quy”?
Con người chủ trương rằng mình có lý trí, ý chí và tình cảm nên làm sao được suy nghĩ như mình muốn, làm gì theo ý thích cá nhân, bất chấp suy nghĩ và hành động đó là gì và hậu quả ra sao…Ôi thôi! Nó muốn phá mọi rào cạn giữa cuộc đời dang dở, bất cần đời, ấy mới là con người độc đáo.
Hình ảnh Ađam và Eva, tổ loài người muốn biết lành biết dữ đi đến hành động muốn vượt trên Đấng Tuyệt Đối (St3,1-7) phải chăng là cửa ngọ, là đầu mối cho vô vàn manh nha khát vọng thầm kín cũng như hiển nhiên nơi con người hiện đại.
Ngẫm lại cuộc sống cá sinh, có khi nào nhân sinh được một “bữa no thoả tự do tuyệt đối” đâu? Bởi lẽ khi ôm ấp khát vọng như thế, con người sẽ rơi vào vực thẳm tuyệt vọng để rồi suốt cuộc đời và cả một kiếp nhân sinh phải đau đáu đi tìm hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc mà lẽ ra con người và kiếp người được hưởng ngay từ đầu. Bởi thế, không lạ gì khi con người ôm ấp khát vọng thể hiện mình nơi vô vàn tiếng ồn, vô vàn cuộc giao tranh nảy lửa…cũng chỉ là để xoa dịu vết thương trống vắng, cô đơn của bản thể mình.
HÀNH TRÌNH THAO THỨC
“Đức Chúa phán với ông Apram: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi’…Ông Apram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông. Ông Apram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kharan. Ông Apram đem theo vợ là bà Xarai, cháu là ông Lót và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kharan. Họ ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đó” (St12,1-5).
Thật không dễ chút nào đối với một ông già lụ khụ bảy mươi lăm tuổi, tuổi nghỉ hưu, lại phải làm lại từ đầu, chỉ với lời hứa khá mông lung: “Hãy đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St12,1). Bắt đầu lại bằng con số không, nhưng hẳn thật sự đáp trả quyết liệt mà mau mắn này phải được ấp ủ từ lâu, một niềm ao ước suốt cả cuộc đời, thậm chí một khát vọng tuyệt đối hiển nhiên, tất thiết và phổ quát nơi bản thể ông. Tuy đã già nhưng ông vẫn còn biết hy vọng điều không thể xảy ra và lòng cởi mở hay khả năng tái sinh này lại đẹp lòng Thiên Chúa hơn bất cứ việc lành phúc đức nào.
Khác hẳn với Ađam ngày xưa, Abraham đã sử dụng niềm tin để chiến đấu, chiến đấu với vô vàn khát vọng trái ngược nhau, nhất là khát vọng được yên nghỉ nơi vùng đất quê cha đất tổ và cũng muốn yên hàn ở cái tuổi quá hiếm muộn. Cái độc đáo khác nhau giữa Ađam và Abraham ở chỗ Ađam đã dùng tự do tuyệt đối với khát vọng “chọc thủng” hữu hạn nơi mình và cho kiếp nhân sinh; trái lại Abraham lại dùng tự do tuyệt đối để xây dựng và bổ túc thăng hoa hữu hạn của mình và dòng dõi con cái mình.
Abraham đã ra đi theo như lời Đức Chúa phán, ông ra đi trong đêm tối đức tin, nhưng niềm hy vọng được sống với Đấng Tuyệt Đối và nhận được phúc lành cho mình và dòng dõi ông đã thắp sáng cho hành trình của ông. Ông ra đi trong tự do hoàn toàn, bằng chứng là ông có thể không ra đi thể theo như lời phán của Đức Chúa. Ông có tự do tuyệt đối nhưng ông đã lấy tự do ấy làm vòng đai cho niềm tin tuyệt đối và niềm hy vọng khôn nguôi của mình. Một bằng chứng nữa là ông có thể ra đi mà không cần phải có lời Đức Chúa phán nhưng ông đã không ra đi cho tới khi Đức Chúa phán.
Lòng khát khao sẽ là bể phóng giúp mọi người vươn lên, nhưng để đạt tới sự no thoả cơn khát và thông giao với Đấng Tuyệt Đối thì con người phải cất bước ra đi. Ấp ủ dự phóng để ra đi nhưng cho tới khi nào lên đường người ta mới có thể kiện toàn được niềm tin và hy vọng của mình. Không phải không có lý do khi ta gọi ông Abraham là tổ phụ của những người tin, bởi lẽ lời kêu gọi ông đã nhận được và việc ông ra đi đến những miền đất xa lạ cũng là những điều sẽ xảy đến với ta khi ta bắt đầu tin. Ra đi để niềm tin được lớn lên, ra đi để niềm hy vọng được lớn lên mãi.
Tuy nhiên, điều quan trọng số một cho bất cứ hành trình lớn nhỏ là hành trang mang theo và mục đích. Hành trang Abraham mang theo là tất cả mạng sống, vợ, tài sản, tôi trai tớ gái…đặc biệt là ông mang theo niềm tin tuyệt đối và niềm hy vọng khôn nguôi.
Nhưng tin vào ai? Và hy vọng cái gì? Câu trả lời hiển nhiên là tin vào Đấng Tuyệt Đối và hy vọng vào lời hứa ban miền đất tràn trề sữa và mật. Như vậy, Abraham ra đi với đầy đủ hành trang và sẵn có mục đích. Dù vẫn còn đó vô vàn thách đố nhưng phải thừa nhận rằng đây là một cuộc hành trình mẫu mực và viên mãn.
Tôi tự hỏi mình đã chuẩn bị hành trang nào và mục đích nào cho hành trình cuộc đời mình?
Abraham đã ra đi để hoàn thành nỗi khát thông giao với Đấng Tuyệt Đối và nhờ mối thông giao ấy mà ông và dòng dõi ông đến muôn đời được no thoả phúc lành từ Đấng Tuyệt Đối.
Con người được đun đẩy bởi danh, lợi và thú. Hành trình đi tìm danh, lợi, thú là hành trình vi mô và rất mạo hiểm. Bởi cái danh thì hư ảo, cái lợi thì mau qua, còn thú vui thì chóng tàn. Nếu người ta bỏ ra một cái giá rất cao, niềm tin và hy vọng, để mua lấy chút no thoả cái chóng phai thì quả thật là điên dại. Khi con người bỏ tiền bạc, dành thời gian vàng ngọc, bỏ cả chất lượng sống để mua lấy chúng thì dẫu khi đã đạt được rồi, con người vẫn sẽ đi tìm nữa, nỗi khát ấy sẽ khôn nguôi và sẽ nhấn chìm con người trong khát vọng sai lầm. Rốt cuộc con người bị mắc kẹt giữa vũng lầy nhơ nhớp, không lối thoát, trước mắt họ cuộc đời trở nên dang dở, phi lý.
Biết là vậy, sao nhiều người háo hức dấn thân vào đến thế. Quả vậy, con đường này, khát vọng này cứ khơi gợi trước bản thể khuyết đang hau háu được bù đắp, cho nên không lạ gì phần đông con người, nhất là giới trẻ lao vào cuộc chơi như những con thiêu thân để thoả cái danh và thú. Vậy có còn con đường nào khác nữa không? Phải chăng con người bế tắc trong cuộc tìm kiếm con đường đi cho riêng mình? Cuộc đời dẫu dang dở nhưng rất huyền nhiệm và có nhiều điều kỳ lạ theo kiểu: “Cùng tắc bị, bị tắc biến, biến tắc thông”. Cố nhiên, trong mọi sự vẫn nên “tìm một con đường hơn là một lối thoát” (David Lweatherfod). Bởi con đường mang nặng trách nhiệm xây dựng hơn trong khi lối thoát chỉ là một cái gì chóng vánh, khiến người ta có cảm tưởng “đánh trống bỏ dùi”.
Cuộc đời huyền nhiệm vì có thông giao giữa người với người. Giữa người với người mà không có yếu tố “thông” thì sẽ như những viên gạch xếp gần nhau. Bởi con người có tình yêu, có một trái tim, có một trực giác siêu việt, nó giúp thông giao con người lại với nhau. Có thể gọi sợi dây ràng buộc, liên kết giữa con người với con người là “thông”. Nhưng nếu giữa con người mà chỉ có “thông” mà thôi thì sẽ không bền. Bởi đúng như câu nói: “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau cụ bồ hòn cũng méo”, nghĩa là tình cảm làm cho người ta mù quáng, cho nên mới hay: “yêu nhau lắm cắn nhau đau” là thế! “Thông” chỉ là yếu tố ‘cần’ và mới biết bên ngoài, chứ chưa nếm được bản chất. Vàng không thử lửa làm sao biết được vàng ròng, vàng thật, vàng tốt. Thế nên, “giao” mới là yếu tố ‘đủ’ cho sự thành toàn mối tương giao con người.
Giao là giao tranh, giao tranh sẽ nảy lửa, lửa thiêu đốt con người, thiêu rụi cuộc đời, vậy nên, một mặt tiêu cực nào đó Jean Paul Sartres đã dám nói “tha nhân là hoả ngục”, bên cạnh đó lửa thiêu cháy những yếu tố dư thừa bất lợi cho tương quan con người. Giao giúp thanh luyện tương quan con người. Nhưng nếu quá nghiêng về “thông” làm cho con người nhu nhược, cuộc đời trở nên bầy nhầy bao nhiêu thì nếu quá nghiêng về “giao” cũng sẽ làm cho con người tàn bạo vô cùng. Khi ấy, người với người mà như “chó sói”, như “hoả ngục”, cũng chỉ vì “giao” thái quá. Mọi sự ở mức quân bình vẫn là tốt nhất. “Thông giao”, cả hai phải vừa đủ, quân bình để con người được hoàn thiện cá sinh, hoàn thành cuộc đời.
Thông giao giữa con người giống như hạt lúa gieo vào lòng đất: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga12, 24). “Thối đi” là khả năng “giao” làm cho con người đau đớn, cô đơn, mất mát nhưng có thành quả nào gặt hái được mà không phải rơi lệ vì: “ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong vui sướng, ai gieo trong nước mắt sẽ về giữa tiếng cười” (Tv126,5-6). Nếu bạn muốn học giỏi, muốn có tấm bằng đại học loại giỏi ắt hẳn bạn phải trải qua những năm tháng cố gắng đến “trầy da sứt thịt”. Ở giữa cuộc đời được xem là dang dở này, không ai có thể “ngồi há miệng chờ sung rụng” được.
Cuộc ra đi nào chứa đựng “thông giao” thì mới thực sự là hành trình mẫu mực và có thể coi như mẫu mực Abraham. Cuộc ra đi nào cũng làm cho người ta mất mát, thiếu hụt, đau đớn, rơi lệ:
“Đau lòng kẻ ở người đi,
lệ rơi thấm đá tơ duyên rũ lòng”.
Chúa Giêsu cũng đau lòng khi phải từ biệt những người yêu dấu của Ngài để ra đi về cùng Cha nhưng như Ngài quả quyết “Thầy đi thì có lợi cho anh em” (Ga16, 7). Đằng sau nó là một niềm vui, hạnh phúc bền, là tình yêu chung thuỷ, là thành quả chính đáng, là một nhân cách, một con người trưởng thành.
Đó là một hành trình đi tìm bổ khuyết cho cá sinh, nhưng cái bổ khuyết cho cá sinh tôi là một cá sinh khác hữu hạn, dẫu có thông giao thì vẫn là hành trình khuyết, con người vẫn chưa thoát ra được giới hạn của kiếp người.
Dù đã hoàn thành thông giao giữa người với người thì con người vẫn còn đó một nỗi niềm khao khát nơi bản thể mình. Nó hiện hữu chỗ sâu nhất, có lúc người ta không biết nỗi khát triền miên ấy là gì, nhưng con người vẫn ra đi, vẫn đi tìm như Abraham ra đi trong đêm tối đức tin. Có nhiều lúc con người biện phân được nỗi khát ấy và nó chính là khát vọng Tuyệt Đối. Vì biết rằng chỉ có Tuyệt Đối mới làm cho hữu thể hữu hạn này được no thoả mà thôi. Cố nhiên con người phải đi tìm trong thông giao yêu đương với Đấng Tuyệt Đối nhưng phải chăng chuyện đi tìm yêu đương là của riêng một nỗi khát hay cả hai cùng đi tìm nhau?
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|