Cay
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá cay.
Cay nên người ta không thèm ăn của ông nữa...
Em Chả
Tí và Tèo dành lượm miếng bánh mì liệng ngoài cửa sổ nhà thằng Trực. Tí chộp trước, ngoạm một miếng. Tèo giựt lại cắn một khúc. Thế là hai đức dánh nhau lỗ đầu, sứt trán. Công an dẫn hai đưá lên Phường.
-Tại sao chúng mày đánh nhau vì miếng ăn?
-Dạ thèm.
-Dạ đói.
-Chúng mày lượm bánh ở đâu?
-Ngoài cửa sổ nhà thằng Trực.
Ông Phường trưởng nhớ lúc đi làm, la hét, năn nỉ, dỗ dành mãi thằng Trực, con trai ông không chiụ ăn sáng.
Ám ảnh
– Anh ơi em đã có thai.
Hằng nắm tay tôi đặt lên bụng khoe như thế. Mụn con sẽ là sợi dây thắt chặt tình yêu vợ chồng sau năm năm chung sống, chúng tôi ôm nhau mừng rỡ. Hạnh phúc có một đứa con làm cho tôi sung sướng đê mê. Nhưng niềm vui tan dần, tan dần vì câu nói vị bác sĩ còn bên tai:
– Anh không thể có con. Trong tinh dịch anh không có tinh trùng.
Tôi khám bác sĩ khác, ông nầy cũng quả quyết tôi không thể nào có con.
Hằng? ... Đứa con?... Tôi...!
Tóc sâu
Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoại, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!".
Mười tuổi. Tôi cột - mở mãi búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!".
Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu".
Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.