|
Chiếc xe đạp của mẹ có từ lúc anh Hai mới học lớp 1. Chở hàng ra chợ mỗi ngày, cuối tuần về thăm nội ngoại và cuối tháng thăm ba cũng bằng xe đạp. Lớn lên, anh Hai đi làm có tiền xây nhà lớn lót đá hoa cương, nhưng mẹ vẫn gắn bó với chiếc xe đạp như ngày nào. Mùa mưa, anh Hai dặn mẹ : “Mẹ đừng đem xe đạp vào, dơ nhà!” Khuôn mặt mẹ thoáng buồn, mẹ dẫn xe đạp gởi bên nhà ngoại rồi đi bộ tắt đường đồng về nhà lo bữa cơm chiều cho gia đình...
“Bánh bao đi, mấy cô cậu ơi...”
Ông lão đon đả mời. Mùi bánh nóng thơm phức réo sôi bao tử của những “cô cậu” ghiền “mạng”. Tụi nó mua không ngớt. Ông vui vẻ mang đến tận nơi, lòng khấp khởi mừng. Từ ngày xóm này đua nhau mở “in-tơ-nét”, ông cũng có dư chút đỉnh lo cho cháu. Tội nghiệp, thằng nhỏ siêng học, dạo này hốc hác hẳn. Tối nay nó lại đi học thêm...
Chợt, ông thoáng thấy một bóng người quen thuộc... “Trời ơi, Út!...” Thằng nhỏ quay lại, sững người. Chiếc bánh trên tay ông run rẩy, rơi xuống đất...
Nó cầm tập vé số chưa bán được lầm lũi bước trên con đường trưa nắng. Bỗng, nó phát hiện ra có bọc gì nằm giữa đường. Trời ơi! Tiền! Rất nhiều tiền! Con đường vắng chỉ một mình nó với một số tiền lớn.
Cầm xấp tiền trong tay, gánh chè trên vai mẹ nó hiện ra trước mắt, rồi quần áo, sách vở cho năm học mới, niềm ao ước của nó sẽ thành hiện thực...
Nhưng, nét mặt hốt hoảng của người mất tiền chợt hiện ra. Thế là nó quyết định đem số tiến ấy đến nơi cần phải đem đến...
Tối, mẹ siết chặc nó trong tay, âu yếm : “Mẹ là người giàu có nhất trên đời!”...
Bà cụ lang thang được người ta đưa vào trung tâm dưỡng lão. Hỏi gia đình, cụ bảo không có nhà cửa, chồng con gì hết.
Ba năm sau cụ mất. Lúc khâm liệm người ta tìm thấy trong đống quần áo cũ của cụ một cuốn sổ tay nhỏ, trong ấy ghi rất rõ ràng số điện thoại của “thằng Hai”, “thằng Ba”, “bé Tư”...
Gọi điện đến, trung tâm nhận được câu trả lời :
- Mẹ chúng tôi bỏ nhà đi đã lâu... Giờ để tôi đưa tiền nhờ trung tâm làm hộ ma chay cho cụ(!)
Ngày bé, nhà không có đồng hồ, con hay bị thầy phạt vì đi học trễ. Cha bẻ một cành cây cắm ở đầu hiên, biểu : “Chừng nào bóng hiên nhà chạm cành cây này thì đi học nghe!” Nhờ đồng hồ của cha, con không còn đi học trễ nữa.
Hôm đó trời mưa, không có nắng, con lại đi học trễ. Giận cha, con làm nũng : “Đồng hồ của cha dở ẹc, con không xài nữa đâu...” Cha cười hiền, gom góp tiền mua cho con chiếc đồng hồ cũ.
Năm tốt nghiệp, được cha thưởng chiếc đồng hồ mới toanh, con vẫn không quên cái đồng hồ dở ẹc cắm ở đầu hiên ngày ấy.
Thanh Huyền
|
|