|
Cảnh tại đô thị sầm uất:
Cuối năm, tất bật cùng mọi người. Hoàng cũng thế, công việc cứ ập à ập ào như sóng biển, chưa kịp nhảy lên tránh cơn này, thì cơn khác ập đến.
Cảm giác của Hoàng như rã tan ra.
Thời khủng hoảng kinh tế, theo như cách gọi của những tờ báo nhàu nát mà anh mượn của chị bán cà phê trước công ty, lan tràn khắp nơi; chẳng biết ám vào ai, nhưng gia đình anh đang bị lan tới rồi.
Nuôi hai cái tàu há mồm, giờ chuẩn bị thêm một cái tàu nữa.
Điệp khúc buổi sáng:
- “Em, đưa anh vài chục đi làm!”
nhận ngay:
- “Mấy ngày qua sao tiền ra không à anh ơi!”
Không ra sao được, khi đồng lương cùng các khoản linh tinh từ công việc làm thêm chẳng bù lỗ nổi cái khoản chợ búa hàng ngày. Cái cảnh chạy tất tả mượn tiền đã thành một công việc thêm của anh, có lúc Hoàng chua chát nghĩ thế. Mượn giật gấu, mượn vá vai.
Mà thật ra, gia đình Hoàng cũng đâu đến nỗi bĩ cực tận cùng, vì ham cái mác người thành phố, anh cùng vợ lặn lội bon chen để đặt chân lên chốn phồn hoa đô hội này, giàu đèn đuốc, giàu xập xình, nhưng chẳng bao giờ dư dả tình làng nghĩa xóm.
Hoàng biết mình chẳng thể tồn tại lâu trong cái thế giới mâu thuẫn này. Nhưng giờ phải làm gì, phải về quê… thật sự là một bài toán khó cho cái nếp suy nghĩ tiểu nông như gia đình anh và gia đình vợ đang nghĩ. Thành đạt, được nhờ, có con cái trên thành phố; những lời cửa miệng từ dưới quê vọng lên, anh và vợ muốn bung xung cả óc.
Cảnh tại miệt quê sông nước:
Dì Tư lụi hụi đảo đảo mớ cá nục sông đang phơi trước mảng sân, nắng òa òa trên đám dừa nước lúp xúp mé sông, tia nắng nhảy nhót trên đám cá thành một mảng màu lập thể. Nhìn vui mắt.
Nhưng đó là đôi mắt của người bàng quan, của kẻ mơ mộng văn chương thơ thẩn. Chứ mà dì Tư nhìn nắng thì chỉ mong mau khô đám cá kia, để còn bỏ vô mớ thùng mà ướp chượp, giao nhanh cho mấy lái quen để họ chở về miệt dưới, nghe nói họ sẽ pha thêm cái gì gì đó, rồi vẽ rồng vẽ rắn lên chai, mà mang xuống thành phố bán.
Nghe tiếng ì oạp nước từ mé sông vọng lên, dì Tư nhủ chắc tía thằng Hai cùng con Út bơi xuồng về. Chẳng biết hai cha con ra ngoài xã có lĩnh được tiền của thằng Hai gởi chưa. Nghĩ liên miên, dì giật mình bởi tiếng chú Tư:
- “Bà nó, hôm nay họ vô mua chưa?”
Ngước lên, chú Tư đang xồng xộc bước lên, tay nắm chặt cái nón tô-phơi chứ không ve vẩy như mọi khi. Dì hỏi lại:
- “Họ nhắn hết tuần này mới vô gom mà.”
Chú chẳng nói chẳng rằng, đi tuốt luốt xuống mé chái bếp sau nhà.
Quay sang, thấy bé Út đang lom khom cột cọng dây buộc xuồng vô thân dừa, dì Tư gặng:
- “Sao tía mày quạu đeo vậy? Đi lấy tiền được hông?”
Út thò hai tay xuống nước, chà qua chà lại, phẩy phẩy rồi cười cười:
- “Lãnh tiền rồi má. Mà có thư của anh Hai gởi nữa, ảnh nói là tháng sau ảnh không gởi tiền nữa, ảnh và chị Hai về luôn, ở trển buồn quá. Nhớ má và tía.”
Nắng vẫn nhảy nhót nhấp nhoáng trên đám cá đen trũi của dì Tư. Bóng dì đổ dài, loang vệt gãy khúc bên đám cá.
Hưng Quốc
Sài Gòn 1/2012 |
|