|
Chương I.
CÁC KHÁI NIỆM
A. Khái niệm về mặc khải (mạc khải).
1. Định nghĩa.
Chữ Mặc Khải hay Mạc Khải mà người Việt Nam đang dùng là một từ Hán Việt (mạc là màn, mặc là tối, khải là mở), nghĩa là Thiên Chúa vén bức màn hoặc cất đi sự u mê của con người để họ biết về Người, được dịch từ chữ REVELATIO, tiếng Latinh, chữ Revelatio bao gồm: Re (cất lên), velum (khăn voan, cái lúp), tức là cất khăn che để thấy rõ một vật gì.
Do đó:
“Mặc khải là hành động mà Thiên Chúa tỏ mình ra và chương trình cứu rỗi của Người cho nhân loại” (DV, 6).
Ví dụ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15). Đây là mặc khải đầu tiên Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ .
2. Mặc khải và Kitô Giáo.
Người có tín ngưỡng đi tìm cho mình một sự liên lạc với các thần linh mà họ tôn thờ và khao khát có một sự đối thoại. Vì thế, không lạ gì nhiều tôn giáo cổ xưa đã đặt ra nhiều phương cách để như “ép buộc” thần linh tự mặc khải cho họ qua chiêm mộng, bói toán, lắc quẻ, đồng cốt, cầu cơ… Những phương cách đó là do sáng kiến của con người hơn là do thần linh. Thiên Chúa của Cựu Ước và Tân Ước là một Thiên Chúa mặc khải, Người tỏ mình qua công trình sáng tạo, qua lịch sử cứu độ, qua sự đàm đạo và tác động trên các tổ phụ và các ngôn sứ, đặc biệt qua Đức Giêsu Kitô.
Như thế, Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng mặc khải của Thiên Chúa, nghĩa là trên niềm tin vào những gì Thiên Chúa nói với loài người (qua các kỳ công trong vũ trụ), qua các sứ giả của Người, nhất là qua Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó chúng ta sẵn sàng đón nhận và chấp nhận những chân lý mầu nhiệm vượt qua khả năng tri thức và lý luận của người phàm.
3. Cách thức mặc khải.
Thiên Chúa tỏ mình và tỏ ý định của Người bằng muôn phương ngàn cách. Chính thánh Phaolô đã viết: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11, 33-34).
Nhân loại dùng ngôn ngữ mà truyền đạt tư tưởng, ý muốn và tâm tình của mình. Cũng thế, khi chấp nhận đối thoại, Thiên Chúa đã sử dụng chính ngôn ngữ của nhân loại để mặc khải. Thánh Kinh dùng chữ Dabar và Logos để chỉ Lời mặc khải. Nội dung hai từ này bao gồm việc Thiên Chúa thực hiện mặc khải không những qua lời nói mà còn qua những hành động cụ thể. Hai hình thức này bổ túc cho nhau, nghĩa là lời nói của Chúa giải thích và làm sáng tỏ mầu nhiệm được thể hiện bằng hành động trước đó. Ngược lại, Hành động làm ứng nghiệm những gì được mặc khải qua lời nói.
Ví dụ: “Ta thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập… Ta xuống giải thoát chúng…” thế rồi Chúa đã dùng cánh tay uy quyền giải phóng dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập (x. Xh 3,7-8). “Ta thương đoàn dân này…” và sau lời nói này Chúa đã hoá bánh ra nhiều nuôi dưỡng dân (x. Mt 15,32).
a, Lời mặc khải.
Nghĩa là Thiên Chúa tuyên phán trực tiếp Lời của Người, hoặc qua miệng các tổ phụ và các ngôn sứ về danh Người hoặc về ý định của Người. Ví dụ: truyền giới răn trên núi Sinai, Đức Giêsu ban bố Hiến Chương Nước Trời…
b, Lời hành động.
Là bằng chính việc làm, Thiên Chúa bày tỏ bản tính của Người và thánh ý của Người là Đấng sáng tạo, quan phòng săn sóc, thương xót con người và luôn trung tín với giao ước Người đã ban cho nhân loại. Ví dụ: Hai chương đầu của sách sáng thế, Tv 33, 6; 1Pr 1,23…).
c, Mặc khải trong Cựu Ước.
- Thiên Chúa cho biết Người là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng (x. Ga 1,3; Rm 1, 19-20).
- Săn sóc và ban lời hứa cứu độ (x. St 3,8.15).
- Chọn một dân riêng (kêu gọi Abraham) để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời.
- Dùng các tổ phụ và các ngôn sứ để giáo huấn.
d, Mặc khải trong Tân Ước.
Thiên Chúa không còn nói với một dân tộc và qua các ngôn sứ nữa, nhưng Người nói với toàn thể nhân loại và nhờ chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,34; Dt 1,1-2).
Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu bấy giờ là Emmanuel – ở cùng nhân loại, để không chỉ giúp riêng dân Israel thoát ách nô lệ ngoại bang nữa, mà là cứu chuộc nhân loại thoát ách nô lệ ma quỷ, tội lỗi và sự chết, nâng con người lên địa vị làm Con Thiên Chúa và xứng đáng tham dự vào đời sống vĩnh cửu.
Tân Ước hoàn tất trọn vẹn chương trình mặc khải được khởi đầu và chuẩn bị trong Cựu Ước.
4. Các nguồn mặc khải.
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Thánh Kinh và Thánh truyền là hai nguồn mặc khải chính và bổ túc nhau. Điều này khác với Giáo Hội Tin Lành chỉ nhìn nhận Thánh Kinh là mặc khải duy nhất.
a, Thánh truyền.
Thánh truyền là những mặc khải tuy không được chép thành văn, nhưng vẫn được các kitô hữu sống và thực hành. Chẳng hạn các phẩm trật, quyền bính của Giáo Hội, quyền thủ lãnh của thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài, quyền giáo huấn của các tông đồ…
b, Thánh Kinh.
Thánh Kinh là một kho tàng mặc khải được chép thành văn và lưu truyền cho hậu thế. Có thể nói, cho đến hôm nay chưa có một sách nào được ấn bản nhiều và có thời gian lưu hành dài như Thánh Kinh.
c, Thái độ đối với Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai là những nhân chứng sống động trong việc sống Lời Chúa, họ ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa và sùng mộ Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai đón nhận Lời Chúa giữa bao gian truân thử thách, với sự hoan hỷ của Thánh Thần, khiến họ nên mẫu mực cho mọi kẻ tin (1Tx 1, 6). Họ lắng nghe và ngoan ngoãn đem ra thực hành. Thánh Giacôbê viết: “Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 25). Nhờ trung thành thực thi Lời Chúa nên các tín hữu đầu tiên đã lớn mạnh trong ân sủng. Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ dám đồng hoá sự tăng trưởng của Giáo Hội sơ khai với sự tăng trưởng của Lời Chúa. Nói cách khác, một khi các kitô hữu tiếp thu và thực hành Lời Chúa, thì Lời Chúa sẽ làm phát triển sự sống thiêng liêng (x. Cv 6,7; 12,24…). Cuối cùng, các kitô hữu sơ khai đã dám liều chết vì Lời Chúa (x. Kh 6,9) vì Lời Chúa dành cho họ sự toàn thắng cuối cùng (x. Kh 12, 11).
Ngày nay, sau công đồng Vaticano II, phong trào học hỏi Lời Chúađang phát khởi mạnh mẽ. Đó là một điểm son của thời đại. Hơn bao giờ hết, chính Giáo Hội cũng muốn mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các kitô hữu. Vì Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng để nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn nguồn sống thiêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội (Dei Verbum 21). Vì thế phải đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến và trân trọng .
5. Phân loại mặc khải.
a, Mặc khải tư.
Mặc khải tư (Private revelation) là chỉ nhắm tới một số người được giới hạn bởi không gian hoặc thời gian, và không phải là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Những tiết lộ Fatima, Mễ Du…
b, Mặc khải công.
Mặc khải công (Public Revelatio) là mặc khải nhắm tới lợi ích chung của toàn thể nhân loại, và là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Mặc khải cho Môisê biết Thiên Chúa là Giavê (có); mặc khải cho Phêrô biết Đức Giêsu là Đấng Kitô hằng sống…
Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần. |
|