|
2. Vấn đề quy điển Thánh Kinh.
Quy điển Thánh Kinh là tất cả những sách được nhìn nhận là có Linh Hứng và chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi.
Vấn đề quy điển: Có thể nói việc đưa ra khảo sát và phán quyết về đặc tính linh hứng để một cuốn sách được xếp vào quy điển là rất phức tạp và để lại nhiều vấn đề tranh cãi.
Trước hết, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách, do một tác giả chép, xuất hiện cùng một thời kỳ và được in ấn thành sách như ngày nay. Trái lại, là một sưu tập nhiều cuốn sách, do nhiều tác giả khác nhau chép, xuất hiện vào nhiều thời kỳ đôi khi cách xa nhau và hơn nữa còn được sao chép nhiều lần chứ không phải in ấn một lần như ngày nay. Vì thế, việc sưu tầm các tài liệu đó, rồi gom lại thành tập và sao lục lại các tài liệu ấy đã tạo ra nhiều nghi vấn về tính chính xác của một cuốn sách. Chẳng hạn: Cuốn sách ấy có được sao lục đúng với bản gốc không? Có thực sự có linh hứng không…? Cho nên, vấn đề quy điển được đặt ra là nhằm loại bỏ những cuốn sách không thực sự có Ơn Linh Hứng và không được kể là Kinh Thánh.
Thứ đến, là do trong Kinh Thánh có những câu chuyện thiếu phần kết thúc, hoặc thiếu những tình tiết lãng mạn, ly kỳ. Thế rồi có những đầu óc giàu tưởng tượng, hoang đường, đã viết bổ sung nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ. Chẳng hạn người ta đã viết thêm truyện kể về cuộc đờiẩn dật của Chúa Giêsu, chuyện về thánh Giuse… vì cho rằng trong Kinh Thánh nói quá ít và quá thiếu. Những sách mang nhiều tình tiết ly kỳ, hoang đường và hư cấu này được xếp vào các sách gọi là Nguỵ Thư .
Sau cùng, có những sách được một số cộng đoàn Do Thái hoặc cộng đoàn Kitô Giáo nhận là Thánh Kinh, nhưng một số cộng đoàn khác lại không nhìn nhận. Vì thế vấn đề quy điển được đặt ra để phán quyết sách nào là có Linh Hứng và sách nào là không?
a, Sự khác biệt về quy điển trong Công Giáo và Tin Lành.
Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành không nhìn nhận một quy điển Thánh Kinh như nhau.
Cụ thể, 7 cuốn sau đây được Giáo Hội công giáo nhìn nhận là Thánh Kinh, trong khi Tin Lành thì không:
1. Sách Tobia.
2. Sách Giuđita.
3. Sách Khôn Ngoan.
4. Sách Huấn Ca.
5. Sách Baruc.
6. Sách Macabê I.
7. Sách Macabe II.
Ngoài ra, Tin Lành cũng không nhìn nhận một số chương trong sách Ette và sách Đanien vào quy điển.
b, Thẩm quyền phán quyết về quy điển Thánh Kinh.
Khi phán quyết về một cuốn sách không thể căn cứ vào hình thức văn chương để chân nhận tính linh hứng của nó, vì nhiều cuốn có hình thức văn chương tuyệt tác mà không được công nhận vào quy điển, trong khi một số cuốn có hình thức văn chương rất nghèo nàn và vụng về lại được xếp vào quy điển. Cũng không thể căn cứ vào nội dung cao siêu để phán quyết là có linh hứng, vì không thiếu những tác phẩm viết về những suy luận cao siêu như các tác phẩm của Socrate, Platon, Aristote… nhưng không thể gọi là Thánh Kinh.
Cần biết rằng, đã nhìn nhận Thánh Kinh là bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải của Thiên Chúa, thì đương nhiên cũng chỉ có mình Thiên Chúa mới là tiêu chuẩn và có thẩm quyền để phán quyết mà thôi.
Tuy nhiên, Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu sau khi về trời đã uỷ thác quyền bính cho các Tông Đồ và ban Thánh Thần cho họ, rồi từ các Tông Đồ thông truyền đến cho Giáo Hội của Người. Chúa Thánh Thần hướng dẫn và gìn giữ Giáo Hội khỏi mọi sai lầm về giáo lý và luân lý, vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).
Tóm lại, vì được Chúa Kitô uỷ thác để bảo tồn và truyền bá giáo lý mặc khải của Chúa, nên Giáo Hội có đủ thẩm quyền để phán quyết tính cách linh hứng của một cuốn sách. Tiêu chuẩn để Giáo Hội phán quyết có được xếp vào quy điển hay không, chính là sách có phù hợp với giáo lý của các Tông Đồ hay không.
Ngoài ra, tiếng nói của một số các sử gia và chuyên viên nghiên cứu sách thánh cũng góp phần quan trọng, nhưng chỉ có giá trị làm sáng tỏ vấn đề, chứ không có tính quyết định.
Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần. |
|