|
3. Thánh Kinh và Khoa Học.
Nếu nhìn theo khao học, chúng ta thấy trong Thánh Kinh có rất nhiều điều trái với khoa học.
Ví dụ:
Trình thuật tạo dựng trong 6 ngày (x. St 1).
Nước được chứa trên trời trong một cái vòm rắn chắc (x. St 1,7; G 37, 18).
Thỏ rừng là động vật thuộc loài nhai lại (x. Lv 11,6; Đnl 14,4).
Trái đất bằng phẳng, có cột chống đỡ và bên dưới là nước (Tv 136,6).
Mặt trời xoay quanh trái đất (Tb 2,7; Et 11,11); Giosuê cho mặt trời đứng lại (Gs 10,12).
Trước những mâu thuẫn với khoa học như thế đã dẫn đến các lập trường sau đây:
a, Các lập trường cực đoan.
Phái cực tả: Chủ trương rằng, vì trái ngược với khoa học nên Thánh Kinh hoàn toàn sai lầm, vì thế không đáng tin.
Phái cực hữu: Chủ trương Thánh Kinh hoàn toàn phù hợp với khoa học. Chủ trương này cố gắng giải thích những sự kiện Thánh Kinh cho hợp với khoa học. Chẳng hạn: Để giải thích việc con người trong Thánh Kinh hợp với thuyết tiến hoá theo khoa học, họ giải thích rằng, ông bà nguyên tổ ban đầu ở trần truồng trong vườn địa đàng, chịu tác động của sương gió… nên vẫn lông lá mọc nhiều trên da, và đó là dấu vết còn lại ngày hôm nay nơi con cháu. Hoặc, chuyện sáng tạo vẫn đúng là 6 ngày, nhưng ngày ở đây được hiểu là một thời kỳ có thể kéo dài hàng trăm triệu hoặc tỉ năm. Những giải thích của phái cực hữu nhiều khi rất gượng ép và bế tắc. Chẳng hạn, họ không thể lý giải việc thứ tự sáng tạo: ngày đầu tiên có ánh sáng, nhưng tới ngày thứ tư mới tạo dựng mặt trời mặt trăng… (x. St 1).
b, Lập trường của Giáo Hội Công Giáo.
Giáo Hội chủ trương Kinh Thánh không phải là bộ sách dạy về khoa học, lịch sử hay văn phạm, nhưng là bộ sách chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn nói với loài người bằng tiếng nói con người. Nhờ đó người ta mới có thể hiểu và đón nhận được Lời Chúa . Vì vậy, những quan niệm như “mặt trời xoay quanh trái đất” là quan niệm thông thường của người đương thời và việc tác giả Thánh Kinh thời đó sử dụng quan niệm bình dân để chép thì sẽ giúp người ta dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn nếu ai cũng quan niệm như thế mà có người nói ngược lại thì sẽ bị coi là gàn dở điên khùng nên chẳng thèm tin. Ngay cả ngày nay, quan niệm về việc “mặt trời xoay quanh trái đất” vẫn còn tồn tại như chúng ta vẫn thường nói “mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở đàng tây” mà không ai đặt vấn đề sai đúng, và ai cũng biết đó là theo quan sát của mắt thường.
Tóm lại, Thánh Kinh không phải là bộ sách có mục đích dạy về khoa học, nên có thể có những mâu thuẫn về khoa học, do các tác giả dùng chính quan niệm bình dân để chép, hoặc phản ảnh những sai lầm của thời đại lúc ấy.
Hiền Lâm
Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần. |
|