|
4. Các chủ thuyết.
a, Vấn đề sáng tạo.
Cần biết rằng, tường thuật về sáng tạo không phải là một sự tích lịch sử, nhưng là một cách dựng truyện để diễn tả về những chân lý mặc khải Ơn Cứu Độ. Có nghĩa là, xuyên qua các tường thuật về sáng tạo có vẻ huyền thoại này, mời gọi chuyển đạt những chân lý sau đây:
* Vũ trụ vạn vật từ đâu mà có?
- Do Thiên Chúa sáng tạo nên.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ lúc nào và bằng gì?
- Thiên Chúa tạo dựng từ khởi thuỷ và từ hư vô.
* Thiên Chúa tạo nên vũ trụ thế nào?
- Bằng Lời quyền năng, chỉ phán một lời là có.
* Tình trạng của vũ trụ từ lúc tạo thành thế nào?
- Hoàn toàn tốt đẹp.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ để làm gì?
- Để biểu lộ sự tốt lành của Người.
* Thiên Chúa sáng tạo hay liên tục sáng tạo?
- Liên tục sáng tạo vì sau khi sáng tạo, Thiên Chúa chúc phúc cho các sinh vật tiếp tục sinh sản ra nhiều.
* Có nhiều thần sáng tạo không?
- Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo duy nhất. Các thần dân ngoại tôn thờ như: Ai Cập có thần mặt trời, Babilon có thần mặt trăng, Assiry có thần các tinh tú… chỉ là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên mà thôi, chứ không phải là thần minh.
b, Vũ trụ quan theo Thánh Kinh.
Người xưa quan niệm cơ cấu vũ trụ giống như một cái bát lớn úp xuống mặt đất (chân trời). Có các tinh tú được gắn chặt cố định trên vòm trời. Vì thỉnh thoảng có mưa nên tin rằng có nước được ngăn lại trên trời, khi mưa thì các con đập được mở ra để nước tuôn xuống. Mặt đất thì bằng phẳng như mặt bàn, bên dưới là nước và mặt đất có các cột chống đỡ. Trong lòng đất là Âm Phủ (sheol) là nơi cư ngụ của người chết….
Để trả lời cho những điều trên, cần hiểu rằng thời thượng cổ, người ta chưa phát minh ra các phương tiện hiện đại như kính lúp và các phương tiện khám phá không gian, mà tất cả chỉ dừng ở việc quan sát các sự luân chuyển trong vũ trụ bằng mắt thường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức quan niệm hơn là những thí nghiệm khám phá. Chính vì thế, những quan niệm cổ xưa được chép ra so với thời nay sai với khoa học chứng minh được, nhưng lại rất hợp lý và cho đến ngày nay bằng việc quan sát thường ngày cũng vẫn hợp lý. Người đương thời dùng để chuyển đạt Lời Chúa cũng sử dụng tiếng nói và quan niệm như thế. Vì vậy, cần nắm bắt được điều này để không rơi vào những phán xét cực đoan cho rằng Thánh Kinh là sai lầm.
c, Độc nguyên và đa nguyên.
Ngày nay, khi xuất hiện các nghiên cứu về tiến hoá, về các chủng loại người cũng như những khám phá về dấu vết của sự sống sinh vật có thể có nơi các hành tinh ngoài trái đất, người ta bắt đầu đặt vấn đề nguyên tổ: Độc nguyên hay đa nguyên?
Thuyết độc nguyên (Monogenisme) chủ trương con người phát sinh từ một cha mẹ duy nhất.
Thuyết đa nguyên (Polygenisme) lại chủ trương phải có nhiều nguyên tổ khác nhau. Thuyết này cho rằng, vì có rất nhiều chủng loại người khác nhau trên các châu lục, cũng như có sự tiến hoá theo nhiều thời kỳ để hình thành con người thông minh. Đồng thời, biết đâu có một chủng người khác ở một hành tinh khác trong vũ trụ ngoài trái đất (người ngoài hành tinh). Vì thế, có nhiều nguyên tổ.
Vấn đề được đặt ra là câu chuyện về nguyên tổ Ađam – Eva là một sự tích mang màu sắc huyền thoại, mà nguồn văn J để lại không thể hiểu theo nghĩa đen, và như vậy có buộc phải tin là độc tổ hay không?
Trong khi những bản văn Tân Ước như Rm 5,12-21 và 1Cr 15,21tt xác định về độc tổ: “Vì một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian và vì tội lỗi mà người ta phải chết…”. Giáo Lý của Giáo Hội nói về tội nguyên tổ…. Vậy làm sao dung hoà được chuyện độc tổ hay đa tổ quả là một điều hết sức khó khăn.
Đức Pio XII trong thông điệp Humani Generis phản bác thuyết đa nguyên vì cho rằng thuyết này không thể dung hoà được tội nguyên tổ.
Nhà thần học người Đức Karl Rahner cho rằng thuyết đa nguyên có thể chấp nhận được một vài hình thức.
Dự trù cho vấn nạn tội nguyên tổ, một số nhà thần học ngày nay không không coi Tội Nguyên Tổ như một hành động do Nguyên Tổ loài người phạm một lần và gây ra hậu quả có ảnh hưởng đến toàn nhân loại, nhưng họ đồng hoá tội đó với TỘI TRẦN GIAN nơi thần học Gioan (x. Ga 1,29), nghĩa là do lạm dụng tự do Nguyên Tổ đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi một khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện thì đà xuống dốc không thể dừng lại được và kéo theo một môi trường hay một tình trạng hư hoại. Trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, tội lỗi cứ thêm chồng chất và mọi người đều đóng góp vào “tội trần gian” ấy. Đó là tình trạng khi một người sinh ra đã ở trong môi trường tội lỗi và rồi lệ thuộc tình trạng sẵn có này. Với khả năng nhỏ bé con người không thể lướt thắng mãnh lực tội lỗi nên cần đến Ơn Cứu Rỗi.
Nếu hiểu tội nguyên tổ theo nghĩa “tội trần gian” thì không còn khó khăn về vấn đề độc tổ hay đa tổ. Tín điều Giáo Hội là vấn đề thuộc đức tin, nhưng việc phát sinh từ một cha mẹ duy nhất thì không thuộc đức tin.
Đó là những dự trù cho những giải thích có thể trong tương lai, chứ cho đến ngày nay vẫn chưa ai có thể chứng minh được cách chắc chắn là đa nguyên.
Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần. |
|