|
Chương III.
CHÚ GIẢI THÁNH KINH.
1. Định nghĩa.
Chú giải Thánh Kinh là tìm hiểu ý nghĩa để rồi áp dụng vào cuộc sống. Đây là việc thường ngày của những ai muốn đọc Lời Chúa. Việc chú giải có nhiều trình độ khác nhau:
- Chú giải một cách khoa học như các nhà chuyên môn về Thánh Kinh.
- Khám phá những ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc như các Giáo Phụ.
- Rút ra những bài học đơn sơ cho cuộc sống thường ngày.
Riêng khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo là khoa nhằm giải thích và chuyển đạt Lời Chúa cách trung thành và trọn vẹn, đặt dưới quyền giáo huấn của Giáo Hội.
Trong Cựu Ước có phong trào Midrash chuyên việc chú giải Cựu Ước; trong Tân Ước, Chúa Giêsu và các Tông Đồ trưng dẫn Cựu Ước và đã đem áp dụng vào thực tế. Đến thời các giáo phụ có hai trường phái với hai đường hướng rõ rệt: trường phái Alexandria với thánh Clément d’Alexandria và Origène thiên về nghĩa bóng, còn trường phái Antiochia thiên về nghĩa của từ. Hai trường phái này ảnh hưởng rất lớn trên các giáo phụ, như thánh Augustino theo lối chú giải của trường phái Alexandria, còn thánh Hieronymo lại thiên về trường phái Antiochia.
Sở dĩ ngày nay chúng ta đón nhận Thánh Kinh là vì chúng ta dựa trên quan điểm của Giáo Hội. Ngay từ đầu, Giáo Hội có lòng tin tưởng và quý mến đặc biệt đối với Thánh Kinh. Trước hết, các Tông Đồ kêu mời mọi Kitô hữu hãy đến kín múc từ Thánh Kinh những chân lý và sức sống. Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki- tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3, 15-16). Thánh Phêrô cũng đồng một xác tín: ““Chúng tôi tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1, 19-21).
Công đồng Vaticano II, quyền tối cao trong Giáo Hội hôm nay, đã tuyên bố: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như Thân Thể Chúa… Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như Qui Luật Tối Cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và được ghi chép một lần cho muôn đời” (DV 21). Lòng tin tưởng của Giáo Hội nơi Thánh Kinh không ngoài thánh ý của Chúa Kitô. Người đã từng quả quyết: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Quả thật, Chúa Kitô từng trích dẫn Cựu Ước để dạy dỗ và phi bác những ý kiến sai lạc của cấp lãnh đạo đương thời.
Khoa chú giải cần xem xét: đâu là mối quan hệ giữa một bên là các vấn đề chú giải có tính lịch sử và phê bình đối với các sách khác nhau, và bên kia là ý nghĩa của Thánh Kinh Do Thái đối với đức tin thời hiện đại? Đây không hề là một câu hỏi dễ dàng, vì chỉ cần nghĩ thêm một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng việc nghiên cứu bản văn có thể không dính líu gì đến một thái độ dấn thân hay một định hướng đặc biệt nào về tôn giáo cả. Tuy nhiên, từ một quan điểm đức tin, ta sẽ thấy chính những phương pháp này có thể hữu ích cho việc xây dựng thần học hiện đại. Khả năng giải quyết những câu hỏi gay go được nêu lên bởi khoa phân tích phê bình là một dấu cho thấy một niềm tin trưởng thành vào Thiên Chúa, ngay cả dù nó có nghĩa rằng mình phải sống với những câu hỏi còn bỏ ngỏ hay những vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, không nhất thiết phải tin vào một con người lịch sử có tên là Abraham để có được một đức tin sâu xa và vững vàng rằng Thiên Chúa không ngừng truyền đạt cho chúng ta qua các câu chuyện về Abraham. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu bản văn vẫn là việc rất quan trọng.
Một thần học đích thực Kitô giáo không thể được xây dựng tách rời khỏi việc lắng nghe kỹ lưỡng những bản văn này. Thánh Kinh Do Thái vẫn là nguồn chủ yếu cho đức tin của con người hiện đại, và các Kitô hữu hiện đại có thể bắt đầu xây dựng thần học của riêng mình bằng cách nghiêm túc tham chiếu đến vị Thiên Chúa đã giải phóng các nô lệ, lật đổ các vua chúa, ngỏ lời qua các ngôn sứ, và hành động trong lịch sử.
Chú giải Thánh Kinh nghiên cứu dựa theo ba lãnh vực:
- Khảo sát bản văn.
- Tìm hiểu ý nghĩa của bản văn.
- Những phương tiện giúp hiểu Thánh Kinh.
Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần. |
|