|
3. Các hình thức văn chương.
Các tác giả Thánh Kinh đã chọn cho mình những hình thức văn chương riêng để diễn đạt Lời Thiên Chúa. Dưới đây là một số hình thức gặp thấy trong Thánh Kinh:
a, Dụ ngôn.
Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế.
Người ta dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Ví dụ: Đức Giêsu nói: “Nước Trời giống như một kho báu chôn trong thửa ruộng…”
Câu này gồm 3 yếu tố:
1. Hình ảnh quen thuộc thường nhật: Kho tàng chôn trong thửa ruộng.
2. Thực tại siêu hình: Nước Trời.
3. So sánh giữa hai thực tại trên với nhau.
Nhờ sự so sánh này mà người ta có ý niệm về thực tại siêu nhiên chưa thấy được.
Tuy nhiên, khi giải nghĩa dụ ngôn không nên quá chú tâm đến từng chi tiết tỷ mỷ và xem các chi tiết đều có ý nghĩa, nhưng chỉ cần nhìn vào những điều dụ ngôn muốn ám chỉ là đủ.
b, Ngụ ngôn.
Ngụ ngôn (Fable) là câu chuyện giả tạo không thể xảy ra trong thực tế, vì gán cho các sinh vật, thực vật, sông nước… những đặc điểm của con người, nhằm diễn tả một sự việc của con người mà tác giả kể ngụ ngôn nhắm tới. Ngụ ngôn chứa đựng những bài học luân lý được diễn tả qua các chi tiết của câu chuyện.
Thánh Kinh có sử dụng hình thức văn chương này, nhưng không nhiều.
Ví dụ: “…Bụi gai trả lời cây cối: "Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Li-băng…” (Tl 9,8-15).
Xem thêm 2V 14, 9-10.
Tân Ước không sử dụng hình thức văn chương ngụ ngôn.
c, Ám tỷ (ám chỉ).
Phép ám tỷ (Metaphor) là một kiểu nói bóng bảy, dùng một từ hay một câu nếu hiểu theo nghĩa đen thì ám chỉ điều này, nhưng qua đó lại ám chỉ về điều khác, nhờ có sự tương đồng nào đó giữa hai sự vật.
Ví dụ ví Chúa Giêsu là Chiên Con (hiền lành, hy tế), Phêrô là Đá (vững chắc), Hêrôđê là Con Cáo (bù nhìn, lén lút trong đêm tối)…
Đặc điểm của phép ám tỷ là nói lên một thực tại vừa không thực lại vừa thực. Ví dụ: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5). Không thực là Chúa Giêsu và các môn đệ không phải là cây nho cành nho thật, nhưng điều thực là Chúa Giêsu là nguồn sự sống thần linh cho những ai kết hợp với Người.
d, Ẩn dụ.
Ẩn dụ (Allegory) là câu chuyện không có thực, được dựng lên với mục đích diễn tả một chân lý nào đó cách thi vị và gần gũi. Chẳng hạn truyện Nguyên Tổ ăn trái cấm “giữa vườn” và bị phạt nặng. Truyện này nhằm mục đích nói lên ngay từ đầu con người đã vi phạm lệnh Chúa và lãnh lấy hậu quả của sự bất tuân, chứ không phải có chuyện chỉ ăn một trái cây mà bị phạt nặng đến thế.
e, Cường điệu (ngoa ngữ).
Cường điệu (Hyberbole) là kiểu nói phóng đại quá với sự thật nhằm muốn nhấn mạnh điều muốn nói. Chẳng hạn khi nói: Đánh chết nó đi, có nghĩa là không phải đánh chết mà là ngụ ý đánh cho thật đau.
Ví dụ khi nói về tầm mức lan rộng của giáo lý Đức Giêsu, Gioan viết: “Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế gian cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (x. Ga 21,25).
f, Mỹ từ.
Mỹ từ (Euchanism) là kiểu nói dùng các từ thanh lịch để nói tránh một sự việc tế nhị hoặc khó nói, hay không muốn nói thẳng ra.
Ví dụ: thay vì nói “chết” người ta dùng từ “an nghỉ” hoặc “ngủ”…
Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần. |
|