Dù thời nay có nhiều phương tiện giúp giải thích Thánh Kinh, nhưng vẫn còn rất nhiều câu và nhiều đoạn Thánh Kinh chưa rõ nghĩa, hoặc còn hàm ẩn nhiều nghĩa chưa được khai thác. Điều này là thao thức của các nhà chú giải Thánh Kinh. Tuy nhiên, quyền phán quyết cuối cùng vẫn phải luôn thuộc về Giáo Hội, vì đó là “tôn sư sống động” mà Chúa Kitô uỷ thác cho việc bảo tồn, truyền bá và giải thích Lời Chúa (x. Mt 28,18-20). Bởi vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).
Tóm lại: trong việc chú giải, cần nắm vững 7 nguyên tắc như sau:
1% Thánh Kinh được viết ra nhằm trình bày chương trình mặc khải của Thiên Chúa. Nhưng mặc khải là một thực tại duy nhất và liên tục mà chóp đỉnh là mầu nhiệm Đức Kitô. Do đó mầu nhiệm Đức Kitô là đối tượng duy nhất của Kinh Thánh. Khoa chú giải trước hết nhằm phô bày cách rõ ràng mầu nhiệm căn bản này.
2% Toàn bộ Thánh Kinh không được chép trong một lúc, nhưng theo nhịp tiến của thời gian. Vì thế, khi chú giải một bản văn Cựu Ước chẳng hạn, ta phải đối chiếu với mầu nhiệm Đức Kitô.
3% Khi tìm hiểu một đoạn văn nào của Thánh Kinh, ta phải đặt nó vào trong toàn bộ của cuốn sách.
4% Vì Thiên Chúa đã muốn dùng ngôn ngữ của nhân loại để diễn tả các mầu nhiệm, và vì ngôn từ nhân loại mang dấu vết của một nền văn minh văn hoá, một ý thức hệ, một khung cảnh xã hội… nên ta cần phải thấu hiểu ngôn ngữ mà tác giả đã dùng để chép.
5% Khi gặp một chữ khó hiểu ta cần nghiên cứu các ý nghĩa khác nhau: nghĩa bóng, nghĩa của từ, nghĩa hoàn hảo…
6% Khi gặp một kiểu nói khác lạ, ta cần tìm xem kiểu nói ấy thuộc loại thể văn nào (thi ca, lịch sử, giáo huấn, luật, ngôn sứ…).
7% Ý thức rằng, chỉ có Giáo Hội có bổn phận gìn giữ và có thẩm quyền phán quyết về việc chú giải Lời Chúa.
Hiền Lâm
* Có tham khảo và một số trích đoạn từ cuốn “DẪN VÀO THÁNH KINH” của Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần.