|
Lưu Dung - Lưu Hiên
Nhân sinh phiêu bạt
Dịch giả: Nhất Cư
Vì sao phải đi
Chiêm nghiệm về thân phận con người: Sự sống và cái chết
|
Người chết không tự rời bỏ chúng ta, người thực sự rời bỏ chúng ta có khi lại là người sống!
Lúc về Đài Loan, tôi gặp một cảnh tượng khó quên ở sân bay Kenedy.
Một cậu bé chừng bốn – năm tuổi thấy mẹ lên máy bay thì khóc váng. Bị người lớn đe nẹt, cậu bé kêu la vùng vẫy, đến khi cậu bị kéo ra khỏi phòng đợi, tôi vẫn còn nghe tiếng nức nở: “Mẹ đi rồi! Vì sao mẹ phải đi?”
Chuyện đó làm tôi nhớ một cảnh tượng khác. Người mẹ trẻ lìa đời nằm yên bình trên giường, khi người thân khóc ròng đưa đứa con côi ra ngoài, đứa con không khóc mà lại thắc mắc: “Mẹ vẫn nằm đấy, vì sao chúng ta phải đi?”
Cậu bé trước chỉ chia tay mẹ lên máy bay, cậu bé sau là vĩnh biệt mẹ, vì sao cậu bé ở sân bay lại cảm thấy đau khổ bội phần đến vậy?
Một lần, tôi kể hai chuyện trên cho một đứa trẻ cũng chừng bốn – năm tuổi, rồi hỏi cảm tưởng của đứa bé.
Đứa trẻ trả lời không chút do dự: “Tất nhiên là mẹ đi cháu mới buồn khóc, vì mẹ tự bỏ cháu đi, không chơi với cháu nữa! Còn mẹ chết không phải là tự mẹ đi mất, mẹ không bỏ cháu, chỉ là chết!”
Nghe đứa trẻ nói vậy, bạn có bực không? Nhưng nghĩ kỹ, đứa trẻ đó nào có gì sai?
Có khi người thân mất đi lại không đau đớn bằng người thân bỏ đi. Đúng như đứa trẻ mồ côi mẹ nói: “Mẹ còn nằm đó, vì sao chúng ta phải đi?” Người chết không tự rời bỏ chúng ta, người thực sự rời bỏ chúng ta có khi lại là người sống!
Lưu Dung - Lưu Hiên
Nhân sinh phiêu bạt
Dịch giả: Nhất Cư
Đường dây sống chết
|
Tôi lại càng tưởng tượng, nếu bưu điện đồng ý, không khéo một ngày kia nhập mộ, sẽ thấy chung quanh mình bao đường dây như ở trong một thành phố nhỏ. Và trong đêm tối, nhất định bên mình không chỉ có tiếng côn trùng rền rĩ.
Mua một máy điện thoại ghi âm, không chỉ ghi âm được, mà còn có thể đặt chế độ tự động nối máy. Điện thoại reo, không cần nhấc máy, vẫn có thể nói chuyện.
Vì thế, đang ở trong phòng tắm, có người gọi đến cũng không cần mặc đồ chạy ra; đang treo tranh, không cần bỏ khung xuống, chỉ cần nói vọng vào để tiếp điện.
Có việc ra ngoài lại càng yên tâm. Nhờ đặt những chức năng tự nối máy mà có thể biết chuyện trong nhà: con gái có khóc không, con trai có đang xem ti vi không, điều hòa đã tắt chưa, thậm chí nghe ngóng xem nhà có bị trộm vào lục đồ hay không?
Tuy nhiên, đặt chức năng tự nối máy như vậy sẽ không còn cơ hội từ chối cuộc gọi. Thậm chí đang đêm có điện gọi đến, nếu không tỉnh, người ta có thể nghe thấy tiếng ngáy ầm ầm của gia chủ.
Nhưng nếu chủ nhân đang ngủ mà đột ngột qua đời thì sao, điện thoại vẫn cứ thông!
Vì thế tôi tưởng tượng, khi chôn cất người thân yêu, nếu chúng ta đặt điện thoại có chức năng tự nối máy bên tai họ, đến lúc nhớ họ, chỉ cần bấm số là có thể bày tỏ nỗi niềm! Tất nhiên ở đầu dây bên kia chỉ có sự im lặng, một số người có thể tưởng tượng ra thi thể mà sợ hãi. Song cứ nghĩ người thân yêu không thể sống mãi, liệu ta có còn nỗi sợ đó?
Tôi lại tưởng tượng, nếu bưu điện đồng ý, không khéo một ngày kia nhập mộ, sẽ thấy chung quanh mình bao đường dây như ở trong một thành phố nhỏ. Và trong đêm tối nhất định bên mình không chỉ có tiếng côn trùng rền rĩ.
Reng… reng… nghe mỗi tiếng chuông reo là biết có một người còn được yêu thương.
Lắng lòng nghe, đầu dây bên kia là một người đang nhớ tiếc, đang bày tỏ nỗi niềm…
còn tiếp
|
|