Love Telling ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn Cha cố Phêrô (Ns. Kim Long) được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen! Loan Pham nhắn với ACE: Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin thương cứu rỗi linh hồn Phê-rô Lm. Kim Long sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen Loan Pham nhắn với ACE: Hòa cùng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự ra đi của Lm. Kim Long là Nhạc sĩ quý mến của chúng ta...đó là sự thương xót mất mát rất lớn của Thánh Nhạc Việt Nam... chúng ta hãy cùng dâng lời nguy Loan Pham nhắn với Gia đình TCVN: Hòa cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam với sự ra đi vô cùng thương tiếc của Lm. Kim Long là nhạc sĩ Thánh Ca thân yêu của chúng ta... Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin: Giesu Matia Giuse xin thương cứu rỗi linh ThanhCaVN nhắn với ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 18 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn ĐTC Phanxicô được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen!

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 40 trên 49

Chủ đề: Theresa Hài Đồng VN:TÌNH YÊU KHÔNG THỂ CHẾT

Hybrid View

  1. #1
    Nguyên Xuân's Avatar

    Tuổi: 33
    Tham gia ngày: Jun 2008
    Tên Thánh: Đôminicô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: xứ Thịnh Liệt - Hà Nội
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 653
    Cám ơn
    2,400
    Được cám ơn 1,800 lần trong 508 bài viết
    Chữ ký của Nguyên Xuân
    Chúa ơi, con muốn trò chuyện với Chúa. Chúa add nick con nghe. '(^_^)'
    OH MY GOD! I LOVE YOU!

    Mời ACE ghé thăm

  2. Được cám ơn bởi:


  3. #2
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Trích Nguyên văn bởi Nguyên Xuân View Post
    Người đơn sơ, trong sáng quá !
    Em đang chờ lời tự thuật những giai đoạn sau đấy .
    Tiếp đi chị Lit nhé !

    22222222222, đồng chí đồng minh đồng cảm đồng lòng đồng tâm đồng đạo...
    Nguyên Xuân biết hông, lit yêu mến thầy Marcel lắm lắm, nhờ Thầy bầu chủ đủ điều..., mà nhờ là được đó! Mọi người xúm vào nhờ vả đi nèo...
    :3::3::3:

  4. Có 2 người cám ơn littlewave vì bài này:


  5. #3
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Tình Cha: Thương, chiều, nghiêm, đạo đức

    Lòng mẹ đã ấp ủ đời thơ con êm thắm lắm, và yêu đương đã khéo nắn con nên một đứa trẻ ngoan, biết yêu lại, cũng biết kính sợ. Lòng mẹ đã là nơi ghi gắn cho con biết bao là kỷ niệm đầy lưu luyến!
    Nhưng ngoài mẹ, con lại còn được tấm tình phụ tử bao la. Ðó chẳng khác làn gió hiu hiu nhẹ, phe phẩy cho đời xuân con thêm ý nghĩa.

    Thưa cha, nếu con đã có thể nói mẹ là người con lưu luyến hơn hết, thì con cũng có lẽ mà nói: Thầy là một người nuông chiều con hơn cả.
    Vâng, thưa cha, thủa ấy thú vui gia đình đã làm cho con say mê dịu dàng lắm; đối với con, ngoài sự mơ ước thiên đàng, thì con không còn một sự mơ ước nào khác hơn sự được sống yêu trong gia đình.

    Thày con, trong ngày, phải lo toan công việc bề bộn, nhưng hôm nào cũng thế, nhất là về mấy tháng hạ, hễ cứ cơm chiều xong là thày đem con đi dạo chơi cùng làng, khi thì xuống bà, lúc lại đi ra đồng hóng mát.

    Cái thú con ưa thích đặc biệt trong lúc đi dạo, là không phải đi bằng hai bộ giò non của con. Theo cách muông chiều, thày cho con ngồi lên trên cổ thày, hai chân bỏ thõng về đằng trước, hai tay ôm đầu thày, rồi thày phóng nước đại như thể ngựa chạy, cho đến khi nào con muốn thày đi chậm lại. Con gọi cách đi như thế là "đi ngựa". Thày lại còn tỏ ra những cách nuông chiều khác, như là đặt tên nọ tên kia cho con vui. Hồi ấy, để tỏ ra chí nam nhi, anh hùng tứ xứ, thày thường gọi đùa con là "Ông Ðại Tướng". Thật ra ông đại tướng non ấy chẳng có làm được ra cái trò trống gì, chỉ được cái nước nghịch là ai cũng phải hàng, nên thày đã gọi cho cái tên "đại tướng" cho thiên hạ khiếp.

    Rồi mỗi chiều đi chơi, hễ con muốn, là thày lại phục sức cho như một ông tướng đi duyệt binh. Coi đến chững. Lại được ngồi ở trên vai thày, thật không còn gì thú bằng. Ðôi khi mẹ con cho thế là quá nuông, nhưng mẹ cũng lại được thày trả lời cho một câu cũng như câu Ông Martinô trả lời cho bà Guérin rằng: Thì truyện, thế nào là ông đại tướng? Nhưng chắc là thày không có ý chiều để có thể làm cho con hư; vì tuy chiều thì chiều thật, nhưng không bao giờ thày chịu để cho con có những cử chỉ phụng phịu, làm nũng. Mà thoảng hoặc có khi nào những cử chỉ ấy phát lộ ra, tức khắc thày liền đem bà chúa mây [roi mây] ra để cạnh đấy, tất nhiên mọi sự điều ổn thoả; đại tướng dầu có ương đến mấy, trước cái thái độ thẳng thắn ấy, đều phải im phăng phắc. Tuy nhiên không bao giờ con bị bà chúa ấy va chạm phải da thịt, nhưng con rất am hiểu, và rất khiếp sợ.
    Hồi ấy những buổi chiều vui thú nhất, là những buổi chiều hạ, con được thày đưa đi dạo ngoài đồng.

    Tình lúc bé

    Những cánh đồng xanh tươi năm ấy chưa có bén động lòng con chút nào, cũng chẳng gợi nên cho con một chút cảm tình gì âu yếm. Con thích, chẳng qua vì sự thênh thang bát ngát của cỏ hoa, hay đồng lúa chín, thích hái hoa, đuổi bướm, thích reo hò đùa nghịch với gió chiều phe phẩy. A! Con thích, thích với trăm ngàn cái thích, nhưng chỉ thích vì hay vì đẹp, chứ còn những thú vui thiêng liêng, như kết hợp với Chúa trong đồng cỏ, hay nghe tiếng lòng nỉ non với muôn hoa; thì con chưa có, chưa có một cảm giác nào về những thú vui thanh tú ấy. Phải, vì linh hồn con còn bé bỏng, như chồi hoa non dại, ánh mặt trời chưa dõi thấu, hương sắc còn ẩn nấp trong khuôn khổ hồn nhiên.

    Nhưng thầy thì lại khác; sau khi đã đặt con xuống đất, thày đi thong thả trên khắp cánh đồng, hai tay khoanh lại trước ngực, và vừa đi vừa đưa mắt xa xa theo chiều gió lướt. Có khi thày dừng lại, đứng ngắm ánh nắng chiều tan rã, vòm mây lơ lững. Có lúc con nghe như thày cầu nguyện, và nhiều khi nhận thấy thày như say chìm trong cõi mênh mông của sự vật. Lại có lúc con nghe thày ngâm thơ, và diễn tả cho con nghe những sự thuộc về Chúa một cách rất mê man.

    A! Giá khi ấy con được một chút am hiểu như thày, thì biết bao êm thú con đã gặp được ở trong lòng Chúa !

    Nhưng chiều mau chóng lắm. Khi nắng đã là là sườn đê xanh, trên tháp chuông nhật một đổ hồi, cha con dắt nhau về, mà lần nào con cũng lại được thày cho về "ngựa" cho mau hơn. Vừa đi con vừa nhún mình theo bước thày, vừa ngêu ngao hát: Nhong, nhong, nhong, ngựa ông về ăn, cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn. Và hễ cứ về đến cổng là đã có mẹ chực đón con đi nhà thờ rồi.

    Êm tươi quá, những chiều con thấy mình được cha yêu!

  6. Có 5 người cám ơn littlewave vì bài này:


  7. #4
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Bà cháu

    Tuổi non lòng dại; tuổi là tuổi được yêu, nên quanh con vẫn có trăm nghìn tình yêu ấp ủ.

    Hai bà con, bà nội và bà ngoại đều còn cả. Hai bà, bà nào cũng là yêu cháu lắm. Nhưng mỗi bà lại có một cách yêu khác biệt.

    Bà nội con, thì thường chỉ yêu cháu quá về những vẻ tốt bề ngoài. Lần nào tới thăm con, bà cũng chỉ khen: Thằng Văn nó có cặp môi xinh quá đi, vừa đỏ vừa mịn - gớm! Hàm răng của nó sao mà đều đặn thế? Rồi bà bảo con: Cười đi cho bà xem nào. Hễ lúc con vui mà cười được như ý bà, thì bà ôm ghì vào lòng, hôn lấy hôn để, rồi thì quà bánh bà moi ra, không biết sức nào cầm được cho xuể.

    Nhưng những kiểu khen ấy không bao giờ đẹp ý mẹ con cả; nên hể cứ bà khen là mẹ lại chê, bà khen một, nhưng mẹ lại chê mười, và hễ lúc bà về, mẹ lại phải đính chính những lời bà khen lại ngay. Mà con thì khi nào cũng cho lời mẹ là đúng cả. Rồi chẳng kỳ là tốt hay xấu, hễ cái gì con muốn là bà cũng chiều hết. Hồi ấy, bắt chước bà con đã tập hút thuốc lá, thế mà hễ con chìa tay xin là bà moi cho liền.

    May thay, con còn có một người mẹ kỷ luật, nên con chưa đến nỗi phải ân hận. Luôn luôn mẹ kìm hãm con, và ngăn cản bà những nố chiều có hại. Phần con tuy yêu bà lắm, song lời mẹ vẫn như là một điều răn con không bao giờ dám lỗi.

    Trái lại, bà ngoại con, thì rất mực hiền từ, yêu cháu rất tận tình, nhưng không bao giờ nêu cớ cho con ra tự phụ quá đáng. Bà rất nhân đức. Thường khi gặp cháu bà chỉ hỏi thăm cháu về sức mạnh thiêng liêng, như hỏi:

    - Thằng Văn nó có ngoan không?
    - Biết làm dấu thánh giá chưa?
    - Thuộc kinh gì rồi?
    - Ta là con ai? Cháu ai? Dòng dõi ai?
    - Quê ta ở đâu?
    - Có yêu Ðức Mẹ không?

    Bao nhiêu những câu hỏi ấy, nếu con thưa được thì bà thưởng xu, bằng không thì bà lại dậy cho con biết. Nhưng có cái phần thưởng cao quí nhất, lần nào bà cũng hứa cho, là hứa sẽ xin Ðức Mẹ cho cháu được về quê thiên đàng. Cho nên khi ở với bà ngoại thì bao giờ con cũng được hiểu rõ về Chúa hơn, cũng như ở với mẹ vậy. Tình âu yếm Chúa do đó, mỗi khi một tăng thêm trong tâm hồn con.

    Tuy nhiên, cả hai bà đều đã chiếm được phần trong trái tim con. Lại con cũng tỏ nhiều cách để tỏ lòng trìu mến hai bà. Có lần con cũng chúc cho bà nội mau được về thiên đàng như cô bé Têrêsa chúc mẹ cô. Con cũng thích để bà ấp con trong áo bà để bà sưởi ấm, thích để bà hà hơi thuốc vào cho con ho, để bà cười, và với bao nhiêu thế nữa, con thường theo những cử chỉ trẻ con để làm cho các bà được vui. Tóm lại một điều, theo lời mẹ, thì bà nội yêu cháu chỉ vì tính con vui, kháu khỉnh, nghịch ngợm, nên bà thường gọi đùa là: Cậu ấm tí hon của bà, hay là "Chú cuội con". Nhưng bà ngoại thì lại yêu vì cháu có tấm hồn thanh bạch, đơn giản, và đạo đức, nên khác với bà nội, bà lại gọi đùa con là: "Ông thiên thần".

    Con ra đi, khi hai bà còn sống, nhưng khi đã lìa biệt gia đình được non một năm, cả hai bà điều được về chầu Chúa. Khi ấy con lên tám.

    Tình huynh đệ


    Gia đình con, trong có ba anh em, con vẫn còn là bé út. Hai anh chị con thì ngày ngày cắp sách đến trường làng, còn mỗi mình con ở nhà với thày mẹ. Những lúc ấy thật là buồn, nhưng con rất chú ý, hễ động nghe tiếng ra chơi, là con thoăn thoắt chạy ra cổng trường để đón anh chị, những lúc ấy con được rất nhiều hình, những hình ảnh voi ngựa bé bủn, tuy chẳng có gì là ý nghĩa, thế mà cũng làm con vui thú lắm. Rồi tức tốc con chạy về đem khoe mẹ những món quà kỳ khôi ấy, và hễ mẹ có cho bánh kẹo gì, con cũng chạy đem chia cho các anh chị con ngay.

    Ô, hồi ấy chúng con sống có những ngày rất yêu thương, mặn nồng. Ngoài những giờ phải đi học, còn thì lúc nào con cũng được anh chị quây quần nô giỡn. "Em bé" cái tên cưng nhất con được nghe mỗi khi anh chị gọi con đi chơi, hay cho tặng một món quà.

    Trong các ngày thứ Năm, ngoài giờ mẹ dậy bổn, vì con tuy bé nhưng cũng phải có chương trình học hành như hai anh chị, chỉ khác có một điều là các anh chị thì học chữ còn con thì học bổn, hay tập chào hỏi, ăn nói lễ độ.v.v. và chính mẹ làm bà giáo dậy con. Nhưng hễ hết giờ học ấy thì con lại được chị Lê đem lại bên án thư để dậy con học chữ. Nhưng đó chỉ là một lẽ để chị dành phần giữ con, thế cho cô ở mà thôi, chứ thật ra chị chỉ dậy con vài ba chữ A B C qua quýt rồi đùa nghịch với con, hay giở hình ra cho con coi. Rồi chúng con, cả ba đem nhau ra vườn rước kiệu, hoặc dựng nhà dựng cửa, xây thành đắp lũy, đào ao, tát chuôm, làm làng lập ấp, rất là vui thú.
    A! con nhớ đến những cuộc rước kiệu chúng con tổ chức, thì thật là buồn cười; đôi khi có cả trẻ con hàng xóm đến dự. Những vật dụng trong cuộc rước kiệu thì rất sơ sài; kiệu nặn bằng đất sét, chuông cũng bằng đất sét, mà những thứ đó thì tuyền là do bởi bàn tay khéo léo của anh Liệt tạo ra. Tuy nhiên, không kém phần mỹ thuật. Cờ quạt thì toàn bằng lá chuối chen lẫn với những cánh hoa tươi đủ mầu, chăng trải từ đầu nọ đến đầu kia, thật không khác gì những sợi tơ màng nhện được trang điểm. Tất cả được bày giãi do trí tưởng tượng non nớt của chúng con. Duy chỉ có mẩu ảnh Ðức Mẹ là lấy ở đầu giường đem ra.

    Khi việc trang hoàng đã xong, chúng con đánh trống bằng miệng, thổi kèn cũng bằng miệng, triệu tập tất cả lại chung quanh kiệu Ðức Mẹ, bé bằng nắm tay; rồi chúng con hát; hát xong thì cắt phần việc cho mỗi người; anh thì làm cha, anh thì làm đồng nhi, anh thì làm phường trống; anh thì thổi kèn; còn các cô con gái phải đóng vai học trò, và bà dòng để đọc kinh. Nhưng có nhiều lúc thiếu chân, nên một người mà đóng hai ba vai, như anh làm cha, thì một thể phải khiêng kiệu, và làm phường trống; phải chia quãng ra mà hành sự; phải đọc kinh lìu xìu một tí, rồi thỉnh thoảng phải đánh trống "tung tung" để mọi người đi theo đều. Lúc nào lần hạt thì kiệu ngừng lại một chỗ. Sau cùng đến cuộc chầu phép lành. Chúng con không có "hào quang" nên chỉ rung chuông và cúi đầu trước ảnh Ðức Mẹ mà thôi.

    Ô, cái cảnh tượng hồn nhiên ấy, nếu các thiên thần trên trời có đưa mắt nhìn xem, chắc các đấng không thể khỏi nín cười được, và với cặp mắt Mẹ hiền dịu, không thể nào không theo dõi từng cử chỉ bé bủn của lũ bé chúng con. Con cảm tưởng như khi ấy Mẹ đã mỉm cười với đàn con thơ bé ấy, và biết đâu, chính Mẹ cũng đã đến dự cuộc rước ấy với chúng con.

    Thưa cha, những cuộc rước ấy rất vui, không những xác, mà còn làm cho cả hồn con càng có một giây thân mật bền chặt với Mẹ trên trời nữa. Bởi thế, có bao giờ thày mẹ cấm chúng con rước kiệu đâu? Chỉ có cô ở là không bằng lòng, vì cô phải quét sân.

    Sau những cuộc rước ấy, con còn được anh đưa di chơi xa. Có thể nói được là đi săn. Thưa cha thú lắm. Muốn dễ dụ con theo, anh cũng thường lấy cái mốt cho con "đi ngựa" như thày, để anh đưa đi bắn chim, hoặc săn chuột.
    Anh con có cái tài bắn ná cao su đặc biệt, và tìm hang chuột rất giỏi. Thường là về mùa gặt, các cánh đồng khô cạn và quang đãng, anh thường đem con vện đi ra đồng săn chuột. Các chú chuột nhắc bé tí, nhũn nhặn, hiền lành, coi rất dễ thương. Thường con rất ưa chơi với những con vật ấy, nhưng ít khi chơi được lâu, vì bà mèo thường hay ghen, nên đã cướp mất của con bao nhiêu là sự vui thú ấy. Các chú chim cũng phải trong cơ hội ngặt nghèo như thế, nên đã làm cho chúng con mất cái thú nghe chim hót trong nhà.

    Nhưng những cuộc đi săn thường hay quyến dũ anh em nhà thiện xạ đi xa quá trớn. Lắm lần bị trẻ con làng bên đón đường đột kích, cùng ý của chúng chỉ là muốn bỏ bụng vài ba chiếc bánh, hay gói kẹo, mà không cần phải xin ai, nên hễ cứ thấy trẻ lạ mặt là ào ra hạch họe để thỏa sự thèm khát.

    Nhưng anh em chúng con lắm lần cũng chả sợ. Cái sức mạnh đã làm cho anh hiên ngang lắm, và đã chiến thắng nhiều phen, là chiếc ná cao su. Nhưng cũng có lần phải cấp tốc rút lui, vì lực lượng chúng đông. Khổ một nỗi, là cuộc giao tranh như vậy thường xẩy ra, nên về sau mẹ đã ra lệnh cấm anh em nhà thiện xạ không được xông pha quá trớn nữa.

    Thưa cha, chắc cha cũng thừa hiểu rằng: những câu truyện đánh đấm nhau ấy, có thể đưa con trẻ đến một chỗ vô giáo dục được, vì thế mẹ đã cấm. Nhưng cũng tỏ ra tình anh em rất bền chặt.

    Anh con chẳng khi nào chịu lùi bước khi chưa lấy lại được cho đứa em chiếc bánh đã bị cướp, hoặc gói kẹo đã bị xâm chiếm. Dầu nguy hiểm mấy anh cũng cứ xông pha. Có lần bị sưng cả mặt lên vì kháng chiến cho em. Mà con, cũng thấy lòng dũng cảm, tuy bé thì bé, con cũng biết nhặt đá cho anh bắn, và khi có thể, con xông vào đám chiến như con chó dữ, dùng răng để cắn, nhất là khi thấy anh đã bị thương. Và sau mỗi lần bình chiến là anh em lại thấy giây thân mật ghì kết chặt chẽ đôi lòng lại.

    Song thảm thay! ngày vui đang tươi sáng, thì đột nhiên, một vòm mây đen xám vụt đến xô che ánh mặt trời. Anh con, Chúa đã sớm dắt vào con đường đau khổ. Vừa được 13 tuổi, thánh giá tàn tật đã đặt để trên vai anh. Anh bị đau mắt một dạo, rồi nhìn không rõ, mắt anh cứ bị mờ dần đi, và cho tới ngày nay anh vẫn còn phải ở trong cảnh huống u mờ ấy. Song với sức can trường anh vẫn nói: Nếu Chúa không muốn anh lành lặn, anh xin vui lòng chịu cho đến ngày được gặp ánh thiều quang trên quê hằng sống! Ðời anh thế là đã chìm mờ trong bóng tối như đôi tròng ngươi mất sáng.

    Ôi! Thánh ý Chúa! Thánh ý Chúa là tất cả mọi sự đẹp đẽ của lòng người yêu Chúa!

    Trong lòng con từ đây khuyết hẳn một nụ cười.


  8. Có 6 người cám ơn littlewave vì bài này:


  9. #5
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Hai Chị Em

    Anh Liệt sống trong bóng tối. Chị Lê từ nay biến thành người tâm phúc của con. Ðối với đứa em bé nghịch ngợm, không bao giờ chị chịu thua ai trong cách tỏ tình âu yếm. Chị cũng có cái cách chiều con quá đáng như bà nội, lại hay làm tốt cho con lắm nữa. Chị thật có tấm lòng rộng rãi, và hay tha thứ như người mẹ, cho nên con rất quí mến chị và vẫn thường gọi là "Mẹ nhỏ".

    Ngày ấy đi đâu chúng con cũng phải có hai chị em, mà thường hễ gặp ai con cũng nghe họ hỏi:
    - Hai chị em sau này lớn thì sẽ làm gì?
    Mà lần nào con cũng nghe chị Lê đáp:
    - Cháu đi tu.
    Và con tuy chả hiểu tu là gì con cũng theo chị đáp:
    - Cháu cũng thế, cháu sẽ đi tu với chị.
    - Không, cháu là con trai, phải ở nhà làm thợ may với bố chứ?
    - Chả, cháu thích đi tu hơn.
    Những câu trả lời ấy đã rất được gia đình chú ý, và hay nhắc tới để đợi xem đứa bé hay "hám mẹ" ấy, sẽ có thể lìa xa gia đình bằng cách nào?
    A ! bằng cách nào? Một khi Chúa đã muốn tuyển lựa một linh hồn, thì dù nhiêu khê đến mấy, sức Chúa vẫn kể nó là như không. Sau này khi con đã hiểu tu là gì rồi, tự con không còn lấy cái phải xa mẹ làm khổ nữa, tuy nhiên con biết nó sẽ sâu xé lòng con luôn mãi. Nhưng câu truyện về sau ấy chưa đến, con xin tiếp lại cái câu truyện chị em hiện thời.

    Hễ cứ chiều, sau lúc tan học là chị em đem nhau ra vườn trồng hoa; chính chị đã dậy con cách cầm cuốc xới đất và tưới cây. Vườn hoa của chúng con có cái vẻ đẹp ngây thơ lắm; hoa tươi thì sáng nào cũng nở đầy vườn, nhưng chiều lại, thì bao nhiêu hoa điều đã mất sắc và tàn ỉu hết. Vì sáng nào cũng thế, muốn cho vườn của chúng con có vẻ là trồng hoa, nên chị em cứ ra đồng lượm hoa về để cấy.

    Thưa cha, câu truyện cấy hoa ngày nay nó chỉ tỏ ra một trong những cử chỉ hồn nhiên của tuổi trẻ, nó ngây thơ và ngộ nghĩnh thật, nhưng đã đượm một ý nghĩa sâu xa cho đời con; nó đã gợi cho con liên tưởng đến một ngày sau đây, qua cái buổi mai tưng bừng của tuổi thơ xinh đẹp này, con sẽ phải qua một thời mưa nắng và tàn khô, như bông hoa con cấy, đã tàn tạ dưới nắng chiều.

    Chỉ còn đợi một ngày mai trên quê hằng sống. Mai ấy mới là mai vui vẻ trọn niềm thôi.

    Con cũng còn nhớ những ngày trong tháng năm được chị đem đi hái hoa về để dâng cho Ðức Mẹ.

    Ngày tháng năm! A, ngày ấy là những ngày xinh tươi độc nhất của tuổi con. Ngày ấy mưa phùn đã tạnh, các cánh đồng về đầy hoa bát ngát; cảnh vật xinh tươi, gió đưa nhè nhẹ, và như xông hương thơm ngát vào lòng người. Cảnh vật ấy quyến rũ chúng con không sức nào gượng được. Ngày nào chúng con cũng phải có mặt ở ngoài đồng để hưởng cái thú thiên nhiên, cái thú mà người nhà quê thường gọi là cái thú quyến dũ của Ðức Mẹ. Thật, tháng năm là tháng của Ðức Mẹ, và Ðức Mẹ đã reo rắc vui tươi xinh đẹp vào cảnh vật để thúc đẩy chúng con cách ân tình tríu mến. Vả Hội Thánh đã chọn tháng năm để dâng kính Ðức Nữ Trinh Maria, thật không còn gì phải lẽ hơn. Mà Mẹ lại đã được gọi là Mẹ muôn hương thơm nghìn sắc đẹp.

    Con lại còn có cái cảm tưởng riêng gọi mùa tháng năm là mùa các thiên thần đi tung hoa, vì nhìn đâu cũng thấy hoa, hoa nở la liệt trên khắp mặt đồng.

    Dưới nền trời trong dịu của đồng quê, chị em chúng con như hai con bướm, nhởn nhơ chơi giỡn bên những khóm hoa xinh đẹp, lòng đầy êm sướng, tay hái hoa, và miệng ngêu ngao hát những câu ca vãn về Ðức Mẹ. Vì thế những cảm tình về Ðức Mẹ đã ăn sâu vào đáy lòng chúng con. Chúng con đã lượm được ở nơi đồng cỏ những cảm tình đắm yêu đối với Ðức Mẹ. Riêng phần con, con đã quyết rằng con sẽ là một bông hoa không có trái, để trọn đời tung hương thơm trước tòa Mẹ. Ý nghĩ đi tu của con do đó ngày một thêm mạnh mẽ.

    Rồi, tối nào cũng thế, chúng con đem hoa đã hái, bày trong một chiếc đĩa nhỏ, rồi đem đến nhà thờ để dâng cho Ðức Mẹ. Chị Lê thì đã vào sổ đồng nhi, nên tối nào chị cũng phải đóng bộ áo "Tiểu nữ" vào để đi dâng hoa. Chị ăn vận coi như một công chúa rất xinh; áo mặc như Ðức Mẹ, đầu lại đội vòng hoa hột, lóng lánh như kim cương. Theo nghi thức tiến hoa, thì những tiểu nữ của Ðức Mẹ phải vừa ngâm vãn vừa tiến hoa theo nhịp trống, văn ngâm đến đâu, nhịp trống sẽ nhắc cho các cô dâng, quì, bái, tiến. Thật không khác gì một cảnh thiên thần vui cả trước tòa Mẹ. Nghi thức ấy rất hay, rất làm cho con thèm ước, chỉ phiền con là con trai, nên không được hân hạnh cầm hoa tiến lên như chị. Nhưng bao nhiêu tâm thành ý tốt của con điều dồn để cả trên bàn thờ Mẹ, con tha thiết nhìn Mẹ, và chỉ mong Mẹ nhận lấy lòng con như một búp hoa non bé nhỏ, gió đời còn nưng niu chiều chuộng. Song con sợ một ngày có lẽ sẽ héo đi, nên con xin dâng ngay tự hồi thơ trẻ này, để nhờ Mẹ ấp ủ chở che, để hồn con lúc nào cũng được vui tươi cho đến mãi cùng đời.

    Từ khi ấy trong lòng con thấy nở hẳn một niềm vui chan chứa. Con chắc Ðức Mẹ đã nhìn con, đã nở trong tâm hồn con một nụ cười bí mật, và chính niềm vui ấy là chứng tỏ lời Mẹ đã cam kết bảo vệ hoa lòng con tươi tắn mãi.

    A! thưa cha thân mến, con cảm thấy dường như lúc này trí con không được minh mẫn mấy thì phải? Con đã viết chữ lộn xộn, và cũng không hiểu tự sao con có cái lộn xộn ấy? Con xin ngưng bút và để tỉnh táo viết sang câu truyện khác.

  10. Có 6 người cám ơn littlewave vì bài này:


  11. #6
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Lòng Ðạo Ðức

    Cha thân ái, trên kia con đã diễn tả cho cha thấy, Chúa đã thương yêu cho con sinh trưởng trong một gia đình ấm cúng cả về phần thể xác lẫn tinh thần. Ðặc biệt nhất là ơn thứ hai, do cái tinh thần đạo đức của gia đình mà con sớm biết hướng chiều về lòng Chúa.

    Người lại ban cho con có một tấm lòng mềm mỏng, ưa vui và cũng thích được chiều chuộng. Con xin mạn phép nói đó là cái tâm tình trong con người của chị Thánh Têrêsa Nhỏ. Và đi đôi với tấm lòng mảnh giẻ ấy, Chúa lại ban cho con một người mẹ như con đã kể, là đầy nhân đức và thật khôn ngoan. Trong tay một người mẹ như thế, con cũng đã được uốn nắn theo khuôn khổ ấy.

    Một lần con đã nghe mẹ thuật về con rằng: Con càng lớn lên bao nhiêu càng làm cho lòng mẹ được hả hê bấy nhiêu. Vâng, thưa cha, quả thế, lời mẹ nói chẳng có bao giờ đượm một mầu tâng bốc, trái lại cũng không phải là vô giá trị. Chíùnh con khi ấy, con cũng còn nhớ rằng, hễ tính nết con càng sửa đổi, thì lòng đạo đức càng tăng thêm.

    Công việc Chúa hành động ở trong con mỗi ngày một thêm rõ rệt. Phải chăng con đã là thánh? Không, song tuy dẫu bé tí, mẹ vẫn khen con luôn mãi rằng: "Cậu ấm bé người, nhưng đanh thép lắm đấy"

    Nó không chịu thua ai về một điểm gì hay; trong hết mọi việc nó điều đòi tự làm lấy hết, và hễ nhà làm cái gì thì nó cũng đòi theo và làm cho bằng được. Bởi thế nó không bao giờ đi ngủ sớm cũng không bao giờ chịu dậy trưa, khi nào nhà đọc kinh tối xong nó mới chịu ngủ, và sáng nó xin mẹ gọi nó dậy trước khi nhà đọc kinh mai. Tinh thần đạo đức của nó trổi bật ngay lên giữa hai anh chị nó.

    Nó vẫn tự xưng mình là ông thánh Giuse. Một hôm nhà nghe nó nói bảo nó rằng: Ðừng vô phép. Nó đáp ngay: Làm gì mà vô phép? Em nhận mình là ông Thánh Giuse, thì khi nào em ăn ở không ngoan, thì mới là vô phép chứ; còn đây em ăn ở tử tế cơ mà, em chắc ông Thánh Giuse còn thích thế nữa cơ ấy.

    Nghe nó nói với một giọng bình tĩnh, thày nó cười, và tặng ngay cho nó thêm một danh từ mới nữa: Ông Thánh Trạng.

    Nó nhắc nhở luôn đến việc đi tu. Nhưng đó lại là một căn cớ làm cho nhà có đủ truyện mà cười, vì nó không hề có thể xa mẹ được một giờ. Buồn cười nhất là một bận, cô ở dọn cơm cho nó ăn, nhưng nó không chịu, tự mình đi dọn lấy. Cô ở bực mình hỏi gắt:
    - Sao khó tính thế em? Ðể chị dọn cho tử tế.
    Nó đáp:
    -Không, nay mai em đi tu cơ mà, em phải tập làm lấy cho quen chứ.
    Cô ở nín cười, vả sẽ cho nó một cái và nói:
    - Tu gì mà tu, miệng còn dính sữa ấy mà tu với tác gì? Rồi cô để mặc nó lo lấy.

    Ðến đây mẹ cười rũ, và tiếp:
    - Mà có biết anh chàng ăn thế nào không? Nó chỉ ăn có một bát; rồi dấu cơm cho đầy vào hai túi; nó làm một cách kín đáo lắm, không ngờ con cái Lê nó thấy, nhưng vẫn để yên xem thử nó làm gì. Chốc lát thấy nó chạy ra vườn sau, rồi lại chạy về. Hai túi cơm đã biến mất.

    Nó vào lại trong bếp và lại nói nhỏ với cô ở:
    - Trưa nay em chả ăn cơm đâu chị ạ. Giọng nói có vẻ thận trọng.
    Cô ở ngạc nhiên hỏi:
    - Sao thế?
    Nó lúng túng đáp:
    - Em ăn no rồi.
    - Thì trưa em lại đói?
    - Vâng, nhưng mà...
    Rồi nó chạy mất ra vườn sau. Cô ở cũng chẳng hiểu ra sao. Và trưa hôm ấy nó nhất định chơi một mình ở góc vườn dưới khóm tre, chứ không chịu về ăn cơm.

    Sau câu truyện mới vỡ lở, thì ra tối hôm qua, thày nó đã đọc cho nó nghe sự tích cụ Thánh Tịnh. Ði trốn vào rừng tu hành, mà nay nó cũng muốn tập tu như thế. Ðến đây thay vì cười, thì mẹ lại ra nước mắt.
    Và nhiều lần mẹ còn kể những mẫu truyện buồn cười như thế.

    Một hôm em hỏi mẹ rằng:
    - Các Thánh đi tu thì đánh tội làm sao nhỉ?
    Mẹ chưa kịp đáp thì chị Lê đã xen vào:
    - Thì các thánh lấy roi mây mà quất vào lưng ấy, chứ còn làm sao nữa.
    Nó thế vì chị Lê biết con sợ roi mây lắm. Lúc ấy con tự nhủ:
    - Nếu thế thì em tu thế nào được? Và lộ vẻ lo lo ra nét mặt.
    Nhưng mẹ lại vui cười yên ủi:
    - Lúc ấy có ơn Chúa chứ.

    Tuy thế, chứ hễ cứ nghĩ đến roi mây là con lạnh cả người đi, sờ sợ là.
    Con vốn có thói quen lần hạt hằng ngày, thói ấy con đã kể cho cha ở trên kia. Tất nhiên con không thể nào bỏ được cái thói quen ấy, vì lần hạt là câu truyện thân mật giữa con và Ðức Mẹ. Muốn thưa gì với Ðức Mẹ con chỉ biết lần hạt, hoặc bất luận xin ơn gì, hay muốn Ðức Mẹ nhìn xem con cách yêu dấu, con cũng chỉ biết lần hạt. Có những ơn con xin rất ngộ nghĩnh như xin cho chóng lớn, xin cho khỏi mách tục; cầm đũa cho khéo; xin cho có em để ẵm .v.v.

    Mà Ðức Mẹ lần nào cũng chiều cho như ý con xin. Có ơn này đặc biệt và còn cho đến ngày nay là trong bất cứ một dịp nào con không hề nói tục bao giờ. Chính mẹ cũng đã công nhận điều ấy từ hồi con còn bé. "Không bao giờ nó nói một lời gì tục tĩu."

    Còn một ơn con xin mà Ðức Mẹ cũng ban cho con cách rõ ràng lắm, là không bao giờ để con đến nhà thờ trể một việc đạo đức nào. Nhưng mẹ đã phải nói: Rất lạ, là nó ham chơi hết sức, có thể bỏ cả ăn được. Nhưng hễ cứ gần đến giờ chuông nhất, là đã thấy nó ở đâu chạy về xin mẹ rửa mặt và mặc áo cho để đi nhà thờ. Ngày nào cũng như ngày nào. Và cũng có lần không biết nó chơi ở đâu mà tìm: Nhưng hễ nó ra mặt là biết sắp đến giờ chầu chiều rồi đấy.

    Thật ra thì con chả chú ý gì, nhưng con đã xin Ðức Mẹ và Thiên Thần hộ thủ nhắc cho con biết để đi viếng Thánh Thể. Rồi con cũng không biết tự sao, cứ gần đến giờ là con thôi chơi và sửa soạn đi nhà thờ. Ðó cha xem, Ðức Mẹ yêu con thế đấy!

  12. Có 6 người cám ơn littlewave vì bài này:


  13. #7
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Tình Thân Thiết Với Giêsu Bé Thơ

    Cha ạ, Ðức Mẹ đã đến chiếm lòng con cách sớm sủa thì một trật mẹ cũng lại mang cả Giêsu Nhỏ của Mẹ đến kết thân với hồn cách thân mật lắm.

    Ngày ấy, con chưa biết gọi là Chúa Giêsu Hài Ðồng, cũng như chưa gọi được là Giêsu Nhỏ; con lại gọi theo cách của con là: Giêsu Con.

    Con biết yêu "Giêsu con" một trật với Ðức Mẹ, vì mỗi khi thuật truyện về Thánh Gia mẹ cũng đã kể cho con rất nhiều truyện về Giêsu Con. Và con cũng được nhận thấy hình mặt người đang bú nữa, trong một mẫu ảnh ở nhà bà ngoại. Mẹ chỉ cho con và nói: Ðây là "Giêsu Con", mẹ vẫn kể truyện cho em nghe.
    Thế rồi, hình ảnh "Giêsu Con" in chặt vào tâm trí con, và con chỉ thích được một "Giêsu Con" để ẵm.

    May thay, một hôm bác con ở tỉnh về, làm quà cho cháu một con phỗng thật đẹp, với một bộ đồ chơi hoàn toàn khoa học, trong đó có một chiếc xe hơi vừa vặn cho em phỗng ngồi. Con vừa sung sướng vừa cung kính gọi ngay em phỗng là: "Giêsu Con" của con. Rồi ngay từ hôm ấy chỉ có một mình "Giêsu Con" là người bạn lưu luyến nhất của con. Con chơi với Giêsu Con suốt ngày, và ban đêm cũng không chịu rời bỏ. Ngày ngày con đặt Giêsu Con lên chiếc xe hơi nhỏ bé ấy, đã trang hoàng sẳn; rồi con kéo Giêsu Con đi chơi khắp nhà. Các lối Giêsu Con đi con điều chăng cờ và trải hoa. Công việc đôi khi có thày phụ lực, vì thày cũng thích con chơi ngoan với "Giêsu Con" để mẹ đi chợ.

    A ! nói đến "đi chợ" con mới nhớ ra, hễ lần nào mẹ muốn cho con ngoan ngoãn trong lúc vắng mặt mẹ, thì mẹ điều phải nói khéo rằng: Ði chợ để mua quà cho "Giêsu Con" ăn. Như thế con mới chịu để cho mẹ đi, và lần nào cũng phải nói:
    - Mẹ đi mau về, kẻo "Giêsu Con" khóc.

    Thật ra chẳng bao giờ "Giêsu Con" khóc cả. Nhưng hễ mẹ về mà không có quà để con dâng cho Giêsu Con thì thế nào con cũng khóc, và phụng phịu vòi cho bằng được mới yên. Con nhớ rằng những lúc ấy bà chúa mây có ra mặt để thị oai, cũng là vô hiệu quả, con nhất định là chết cho Giêsu Con cơ mà.

    Bây giờ con mới nhớ, con không có tật tham ăn, nhưng bao giờ quà mẹ cho con cũng phải xúy hai phần, một phần cho con và một phần cho "Giêsu Con".

    Tuy con vẫn biết rằng Giêsu của con không bao giờ ăn, nhưng tình bằng hữu vẫn thôi thúc con phải ăn ở tử tế với người luôn. Hoặc giả có khi nào quà ít, mà con không chiếm được phần cho "Giêsu Con" thì con lại lấy phần của con, mà chia đôi cho "Giêsu Con" một nửa. Mà khi đã cho "Giêsu Con" không bao giờ con còn đòi lại hoặc ăn lấn. Trái lại con cũng không cho ai lấy. Phải để dành riêng cho "Giêsu Con", để hoặc có kẻ khó thì cho; bằng không, phải giao cho mẹ để tối mẹ xin thiên thần đem về trời, và ghi món quà vào sổ vàng.

    A! Sổ vàng, hồi ấy hình ảnh cuốn sổ vàng, đã thúc đẩy con thích hy sinh nhiều cái nhỏ mọn. Và hơn nữa, nó giúp con hướng chiều về Chúa mỗi khi một mạnh.

    Ban ngày thì "Giêsu Con" với con là hai người bạn nô nghịch cùng nhau. Tối về con lại hẵm "Giêsu Con" trên ngực mà ngủ. Ô! Giấc ngủ của con khi ấy êm dịu chừng nào! Nhưng con cũng không nhớ có khi nào mộng đẹp nở ra trong những giây phút dịu dàng ấy chăng? Con chỉ nhớ rằng: Sáng nào dậy con cũng đã thấy "Giêsu Con" nằm ngoan bên gối con rồi. Con thường cho đấy là một phép lạ. Nhưng phép lạ ấy, nếu không phải Thiên Thần bản mạnh làm, thì chỉ có tay mẹ làm mà thôi, không thì có lẽ "Giêsu Con" đã bị đè bẹp trong giấc ngủ ngon lành của con rồi.

    Con thiết nghĩ, do cái tấm lòng yêu đương thành thật ấy, đã được "Giêsu Con" đáp lại một cách ân tình rộng rãi. Qua hai năm, dẫu tuổi lòng còn măng sữa "Giêsu Con" cũng đã chẳng nề quản tự thân đến kết hiệp cùng hồn con. Vinh dự ấy con xin thuật tả vào khúc sau, hồi con rước lễ lần đầu.

    Trong việc tôn kính các thánh, con chưa có lòng tôn kính cách riêng một đấng nào ngoài Thiên Thần bản mạnh. Vì theo lời mẹ dậy, thì người là đấng Chúa sai đến để bảo vệ hồn xác con, thâu góp những việc lành ta làm mà dâng lên trước tòa Chúa. Tóm lại người là một người bạn đường trung tín nhất mà Chúa đã ủy thác việc đưa đường dẫn lối cho ta trong nơi tối tăm đầy nguy hiểm này. Thành thử con yêu mến người lắm. Con thường gọi người theo cái tên riêng của con là "Anh Thiên Thần" và hễ làm việc gì là con nghĩ tưởng đến người trước hết, để nhờ người phù trì giúp đỡ.

    Hồi ấy, con chưa nghe nói gì đến chị Thánh Têrêsa Nhỏ. Giả như đã nghe nói, chắc chắn chị Thánh đã chiếm được phần nào trong trái tim con. Và như thế, đời thơ con biết đâu đã chẳng có những cụm hồng yêu tươi thắm như chị?.

    Nhưng như thế sự Chúa an bài mới thành ra ý nghĩa. Sau này, khi đời gian lao con đã trải; đau thương đã lão luyện hồn con, khi ấy bông hường tình yêu ấy mới ra mắt đón chào, nhô ra cái thân phận mình và cho hay hy sinh là sự minh chứng của tình yêu thật, nghĩa là yêu Chúa tận tình thì phải có sự vui lòng chiều theo ý Chúa. Mà ý Chúa rất mầu nhiệm, nhiều khi không phải vui cả, trái lại cũng không phải là buồn luôn mãi. Phải đau khổ lắm Têrêsa mới trở nên một vị Thánh.

  14. Có 2 người cám ơn littlewave vì bài này:


  15. #8
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Default

    Em Anna Maria Tế

    Gần lên bốn, lúc ấy con mới được Chúa thương ban cho con một em gái.
    Một nỗi vui, mà con chưa biết lấy lời để tả. Thì đột nhiên con lại phải đeo một mối sầu ly cách.

    Vài tháng trước khi em sinh, hôm nào lần hạt, mẹ cũng dặn con nhớ cầu nguyện cho em bé. Con cũng rất mong được có em bé nên ngày nào con cũng sốt sắng xin Ðức Mẹ cho con mau có em bé để hẵm. Và ngày nào con cũng hỏi Mẹ:
    - Em bé sắp đến chưa?
    - Sắp rồi, nếu em cứ chịu khó xin Ðức Mẹ.
    - Nó có đẹp không?
    - Ðẹp lắm, và mẹ cười.
    Con còn tò mò hỏi mẹ nhiều nữa, như:
    - Ðức Mẹ để em bé của em ở đâu?
    Mẹ cũng lại cười đáp:
    - Ðức Mẹ giấu kỹ lắm, bao giờ em ngoan đủ, Ðức Mẹ mới cho thấy.
    - Thế còn em, ngày trước Ðức Mẹ giấu ở đâu?
    - Ở trên trời.
    - Ồ, sao em không thấy Ðức Mẹ, và các Thánh Thiên Thần?
    - Tại hồi đó em chưa mở mắt.
    - A, thế thì chắc em bé của em cũng đang ở trên trời. Vậy em phải xin cho nó biết mở mắt trước mới được.
    Thế rồi một buổi sáng, lúc con vừa thức dậy, chị Lê đã chạy lại ghé miệng vào tai con và nói khẽ:
    - Chúng ta có em bé rồi cơ Văn ạ, nó xinh lắm cơ.
    Con vội vàng vùng dậy, quên cả đọc kinh dâng ngày, vừa chạy vừa hỏi chị Lê:
    - Nó ở đâu hả chị?
    - Ở trong buồng mẹ ý; cơ mà mẹ không cho vào đâu.
    - Mặc kệ, em bé của em chứ có phải của mẹ đâu?
    Rồi con cắm đầu chạy thọc vào buồng mẹ, lúc ấy đang có các bà con và mấy người láng diềng đến thăm mẹ. Con hỏi cách nóng nẩy:
    - Em bé của em đâu mẹ?
    Và ngay lúc ấy sự ồn ào của con đã làm em bé đang ngủ giật mình dậy và khóc oe lên. Mẹ vội bịt miệng con lại và đáp:
    - Em bé nào là của em? Muốn sống đi chơi ngay cho em bé ngủ đã, đến chốc rồi mẹ cho xem.
    Con nhất định không chịu vùng vẫy nói:
    - Không, em bé của em chứ.
    Nhưng tức khắc con bị một bà láng giềng lôi ra khỏi buồng, bà đưa cho hai quả chuối bảo:
    - Ðấy, quà của em bé đấy, ăn đi, rồi chốc em bé dậy hẵng xem.
    Con lại vùng vẫy chạy vào lần nữa, mà lần này con đến ngay bên em bé. Nhưng chỉ kịp nhìn chưa được nửa phút, cô ở đã lại đến lôi cổ con đi.
    Chị Lê lúc ấy còn ngấp nghe ở cửa, thấy con bị lôi ra chị chạy mất. Sau mãi mới dám lại gần và hỏi con:
    - Nó thế nào?
    Con hiên ngang đáp ngay: Nó xinh xinh là, nhưng mà chưa mở mắt.
    Từ bấy giờ con vẫn tự hỏi? Tại sao nó lại chưa mở mắt? Và như thế chắc nó cũng chưa thấy Ðức Mẹ và các thánh Thiên Thần. Uổng quá! Thôi, thế là hết hy vọng hỏi em về Ðức Mẹ có xinh không.


    Ngay ngày hôm ấy người ta đem em đi chịu phép rửa tội, và nhờ ơn bà nội, con được hân hạnh lại gần và hôn em một cái sau lúc người ta đem em ở nhà thờ về. Lúc ấy hết mọi vẻ ở nơi em con điều xinh đẹp cả, chỉ phiền một nỗi là chưa thấy em mở mắt.

    Và cũng từ ngày hôm ấy, con lại càng bám xít lấy mẹ hơn. Con chỉ sợ người ta đến ăn trộm mất em, mà như thế những định ước, con sửa soạn để chung sống với em bé ra thì hỏng mất. Những định ước ấy không ngoài những điều con sẽ kể như mong em mau biết nói để cùng con lần hạt, mong em mau biết đi để mỗi lần rước kiệu khỏi phải nhờ cô ở làm học trò. A! Tóm lại là con mong em rất nhiều cái. Mong cả cái sẽ rủ em đi tu thật xa, như Mẹ Thánh Têrêsa. Nhưng có mỗi một cái con mong hằng ngày, là mong em mau mở mắt, để con cho em xem "Giêsu Con" xinh đẹp của con, và những món đồ chơi mà con đã dự tính để tặng em.

    Thế mà, bỗng một ngày người ta đến bắt con đi ở chỗ thật xa, không cho sống quây quân bên em bé thân yêu của con nữa.

    Con được tin phải sang ở với bá Khánh ở mãi tận bên Từ Sơn. Không hiểu ra duyên do vì đâu mà con bị mẹ khép cho cái án đầy bất công ấy. Con lăn ra la khóc om sòm, và đòi mẹ một điều kiện là phải cho em bé đi theo. Nhưng mẹ, chẳng những đã không cho, lại còn công khai tuyên bố: nghịch như giặc ấy, em bé nào chịu được mà cho đi theo anh chàng.

    Ồ, thì ra người ta bảo, tại con nghịch, làm rầy rà cho em bé, nên mới bị đem đi ở xa? Như thế thì oan con quá! Con nhất định là con chỉ yêu em bé thôi, chứ không có ý phá rầy em. Nhưng có lẽ những cử chỉ yêu của con không được ai hiểu. Ví như những lúc được quà, con nhường cho em bé một phần, giấu rất kỹ, đợi khi nào không có ai thấy, nhất là lúc em đang ngủ, con sẽ sẽ lại bên cạnh, đánh thức em dậy, và nhét quà vào miệng em và giục em: ăn đi cho chóng nhớn. Cũng có lúc, muốn cho em mau mở mắt, con đến vành mắt em ra và giơ "Giêsu Con" lên để khoe "Giêsu Con" của anh đây này, có xinh không? Có lúc như thế, con thấy em nhoẻn miệng cười vui vẻ, như thích chí lắm. Nhưng cũng có lần em không cười, lại oa lên khóc, làm cho mẹ phải vội vàng chạy đến như là em sắp chết! Ô, những lúc ấy con buồn làm sao! Và nếu không mau mau trốn đi cho xa, thì thế nào cũng được mẹ thưởng cho mấy cái vả. Nhưng vả, thì con chả lấy làm đau bằng lúc mẹ phát bẳn mà quẳng "Giêsu con" của con xuống đất.

    Do những cái yêu ấy mà con bị mẹ lên án đi đầy.

    A! thế là từ đây mất em bé. Con không còn thể hãnh diện như một ông đại tướng nữa, mà chỉ còn một bộ mặt ủ rũ như tên tù bị đưa đi Côn đảo mà thôi: Ô, con nhớ con khóc lắm, và đã dỗi không ăn hai bữa cơm liền. Sau phải nhờ đến kế làm cho em bé khóc một tí, rồi mẹ bảo:
    - Tại em dỗi không ăn cơm, nên em nó buồn nó khóc đấy.
    - Con thương em bé quá, nên phải ăn cơm cho em nín. Mà lạ! con ăn là nó nín ngay.
    Mặc dầu, án bắt con phải sang ở với bá Khánh, vẫn phải thi hành như thường.

  16. Có 3 người cám ơn littlewave vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com