Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có biết bao cực nhọc, biết bao trăn trở ưu phiền, thế nhưng khi có người gọi điện thoại đến hỏi thăm, hay chúng ta nhận được một lá thư, một món quà nào đó thì lòng chúng ta cũng nhẹ nhõm đi nhiều.
Tại sao vậy? Thưa, bởi vì họ nhớ đến tôi nên mới gọi điện thoại cho tôi, họ nhớ đến tôi nên mới viết thư cho tôi, họ nhớ đến tôi nên mới gửi quà cho tôi. "Nhớ Đến Tôi" là ba chữ chúng ta không muốn biến mất trong cuộc đời mình. Bởi vì nếu nó biến mất thì cuộc đời chúng ta sẽ rất bất hạnh.
Quí vị có biết thân nhân, ân nhân, bạn bè của quí vị đang nằm trong lòng đất cần điều gì nhất không? Tôi thiết tưởng họ cần đến lòng Thương Xót của Chúa. Đó là điều chắc chắn. Ngoài ra họ mong điều gì nhất không? Cũng chắc chắn là họ mong chúng ta Nhớ Đến Họ.
Nhưng cái thiệt thòi nhất của họ là gì? Bị quên lãng. Thời gian thì đồng loã với Quên Lãng. Dần dần người chết bị quên lãng. Bởi vì định luật của cuộc đời vẫn là: Out of sight, out of mind. Việt Nam mình có câu rất sát nghĩa: Xa mặt cách lòng. Đó là điều đau đớn nhất của người đã chết.
Một em bé muốn ăn chỉ cần khóc, một người lớn muốn ăn thì lên tiếng nói. Còn người đã chết chẳng cần ăn, chẳng cần mặc. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho họ thì tội nghiệp họ không nói được, không khóc được, không làm dấu hiệu gì được. Đó mới là nỗi đau khổ vô cùng. Vì thế văn sĩ Pháp Jean Couteau nói một câu rất hay: Đối với những người đã chết thì nấm mồ thực sự của họ không phải ở trong nghĩa trang mà ở trong con tim quên lãng của người còn sống.