|
NHÀ THỜ SƠN QUẢ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
Ý NGHĨA NHÀ THỜ SƠN QUẢ
Nhà thờ được xây dựng theo tinh thần hội nhập văn hóa với những đường nét theo kiểu đông tây hòa hợp. Chiều dài 43 mét, rộng 12mét, hành lang 2 mét đi vòng quanh nhà thờ, cánh thánh giá rộng 24 mét với tháp cao 27 mét. Tổng diện tích 1.738 mét vuông.
Loan báo Tin Mừng và Hội Nhập Văn Hóa[1].
Đưa Tin Mừng vào văn hóa là một vấn đề sôi nổi đặc biệt trong giáo huấn và mục vụ thời hậu cộng đồng, dù rằng đó là vấn đề đã xuất hiện kể từ lúc có lệnh truyền rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, “việc hội nhập Đức Tin vào nền văn hóa của các dân tộc là một nhu cầu cần thiết và khẩn cấp do bản tính con người và Đức Tin đòi hỏi. Một đàng, theo bản tính con người, các tâm tình thiêng liêng của Đức Tin cần phải được diễn tả ra bề ngoài và dĩ nhiên những tâm tình đó cần được mỗi người, mỗi dân tộc diễn tả theo những sắc thái đặc thù của mình; đàng khác, Đức Tin thấm nhuần và chiếu soi tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống (các giá trị nhân bản và thiêng liêng, tâm thức, tình cảm, các biểu tượng, phong tục, tập quán, v.v.) để chân nhận những gì là tốt, thanh tẩy những gì hàm hồ và loại trừ những gì đi ngược lại với bản tính con người và chân lý đức tin. Do đó, Đức Tin nâng cao các nền văn hóa và làm cho chúng trở nên tinh tuyền và triển nở, để thâu nhận vào kho tàng đời sống Kitô” (G. ĐINH ĐỨC ĐẠO, Lời giới thiệu, trong Văn Hóa và Đức Tin, Giáo Xứ Việt Nam, Paris, xuất bản năm 2004).
Bởi vậy, Giáo Hội đã và đang nỗ lực duy trì mối liên hệ với hết mọi nền văn hóa. Ngay từ buổi ban đầu, Tin Mừng đã được rao giảng và đức tin đã được thực hành trong mạch văn hóa đa dạng và dị biệt: nền văn hóa palestin-aramien, nền văn hóa Do Thái lưu đày, văn hóa Hi Lạp, v.v. Đó là nhịp tiến chung của Giáo Hội, cách chung ở Đông Phương và trong đề tài của chúng ta, ngay cả ở Việt Nam.
Về vấn đề hội nhập đức tin vào văn hóa, thần học gia Yves Congar đã đưa ra một định nghĩa rất chính xác và đầy ý nghĩa sau đây: “Gieo hạt giống đức tin vào một nền văn hóa, để đức tin nẩy mầm và tăng trưởng tùy vào năng lực thần kỳ của nền văn hóa ấy” CONGAR.Y OP. : Christianisme come foi e come culture trong AA.VV.
Evangelizzazione e Culture. Atti del Congresso internazionale scientifico di Missiologia (Roma, 5-12.10.1975) PUU 1976 I tr. 100
Thông Điệp Redemptoris missio định nghĩa hội nhập văn hóa là “sự biến đổi sâu xa của các giá trị văn hóa đích thực, nhờ được gia nhập vào Kitô giáo, và ngược lại, việc Giáo Hội lồng mình vào trong các nền văn hóa của nhân loại”.
TẦNG HẦM
Gồm 12 trụ cột chống đỡ gian cung thánh của nhà thờ, như 12 Thánh Tông Đồ làm nền tảng cho tòa nhà Hội Thánh. Bên cạnh có Hầm Mộ của Chúa Giêsu chịu an táng chờ ngày Phục Sinh với cửa ra vào phần mộ được đóng lại bằng tảng đá lăn tròn. Chung quanh phần mộ Chúa Giêsu có nơi đặt hài cốt cho những ai muốn “sống” gần nhà thờ để nghe tiếng cầu kinh mỗi ngày và để người thân có thể đến viếng thăm thường xuyên hơn.
Tầng hầm này có thể dùng làm sinh hoạt cho cộng đoàn, vui chơi giải trí cho trẻ em khi mưa gió, dọn tiệc cưới, giỗ chạp cho các nhánh họ.
NHÀ TẠM
Với 4 cột trụ cao 6 mét và rộng 6 mét ngay giữa gian cung thánh được xây dựng theo kiểu các nhà thờ lớn ở Rôma như một Lễ Đài. Người ta cũng có thể cắt nghĩa Lễ Đài này như một Nhà Tạm hay Lều Trại, nơi đặt Hòm Bia trong thời Cựu Ước. Như ngày xưa Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Do Thái, thì ngày nay Ngài vẫn luôn ở với Hội Thánh bằng Lời của Ngài và bằng Bí Tích Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể được đặt trong hai mẫu tự Alpha và Omega, như Đức Kitô là Đầu hết và Cuối hết của lịch sử. Vậy mà Ngài phải chịu đóng đinh trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại. Thánh giá cao 4,5 mét, nằm ngay chính trên trống đồng, biểu tượng của văn hóa Việt Nam, với đường kính 5 mét. Những đường nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn vẫn được giữ nguyên, trong khi hình ảnh trên các vòng ngoài là những chùm nho và lúa mì cũng như hình ảnh năm chiếc bánh và hai con cá nói lên ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Và trên bốn góc ngoài của trống đồng còn có biểu tượng của Bốn Sách Tin Mừng. Điều này nói lên ý tưởng hội nhập văn hoá mà Giáo Hội hằng khuyến khích là đưa hạt giống Tin Mừng vào trong các nền văn hóa để làm cho những gì vốn đã tốt đẹp nơi nền văn hóa đó càng thêm tốt đẹp hơn, đồng thời cũng thanh luyện cách tiệm tiến những gì không phù hợp với giáo lý của Đức Kitô.
Trên nóc nhà thờ có tượng Chúa Cha nhìn xuống Nhà Tạm và giang tay ôm lấy những ai đến với Người. Bên trong Nhà Tạm ngay trên nóc có hình Chim Bồ Câu, biểu tượng Chúa Thánh Thần, Đấng hánh hoá lễ vật trên Bàn Thờ để dâng lên Chúa Cha.
BÀN THỜ
Bàn thờ chính được hình thành theo quan niệm trời tròn đất vuông của Á Đông. Nền Lễ Đài hình vuông tượng trưng cho đất trong khi Bàn Thờ và vòm Lễ Đài hình tròn là biểu tượng của trời.
Chung quanh có 4 bàn thờ phụ được thực hiện theo lối Tây Phương. Từ dưới nhìn lên bên phải là bàn thờ kính thánh Giuse, bên trái kính Đức Mẹ; hai bên cạnh thánh giá bên phải kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nơi đây sẽ đặt hài cốt Thánh Micae Hồ Đình Hy bên dưới tấm hình Các Thánh Tử Đạo Việt Nam theo mẫu ảnh chính thức của ngày lễ phong thánh 19.06.1988, tại Rôma. Bên trái cạnh thánh giá là bàn thờ tôn kính Lòng Chúa Thương Xót.
THÁP NHÀ THỜ
Hai tầng trên cao của tháp chính có hai chuông được đúc từ Nam Định với đường kính 85cm và 65 cm. Ở giữa tháp đặt tượng Đức Mẹ lên trời, bổn mạng của giáo xứ. Bức tượng làm bằng đá trắng do nghệ nhân Thanh Hóa điêu khắc cùng với hai bức tượng Thánh Phêrô và Phaolô được đặt lên hai tháp phụ nằm ở mặt tiền. Hai mặt bên hông sẽ đặt tượng hai thánh Phanxicô Xaviê và Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng của các xứ truyền giáo.
MẶT SAU NHÀ THỜ
Gồm hai tầng có 6 phòng dùng làm nơi ở tạm thời cho cha sở và cho việc học giáo lý hay hội họp.
[1] A. NGUYỄN VĂN DỤ, Hội nhập văn hoá trong hôn nhân và gia đình việt nam, Roma 1987, trang 196-197.
(2) Giáo xứ Sơn Quả: Lm A. Nguyễn văn Dụ (tờ giới thiệu) |
|