|
VÀI CẢM NGHĨ VỀ NGÀY CUNG HIẾN
Tôi lớn lên với đất quê ruộng vườn nên kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với đồng lúa ngô khoai. Ngôi nhà nguyện đơn sơ nằm bên con đường làng, cạnh luỹ tre xanh, dưới chân núi, nơi có con sông Bồ lượn quanh, là hình ảnh tôi dán trên những trang đầu của cuốn album cuộc đời. Bởi thế, nó chìm sâu trong tâm khảm tôi.
Sơn Qủa! Hai tiếng gọi thân thương, trìu mến nhưng không kém phần mạnh mẽ. Từ mảnh đất ấy, tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi mình được vun trồng bằng đời sống đức tin vững mạnh, lòng đạo sắt son, truyền thống của người giáo dân trong xứ.
Sơn Qủa hôm nay khác hẳn ngày xưa, nó như đã “thay da đổi thịt”, không còn là vùng đất mà người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sự thay đổi đó được đánh dấu bằng Thánh Lễ Cung Hiến Nhà Thờ vào ngày 17.08.2010 vừa qua. Ngày Lễ trọng đại, đáng ghi nhớ đó đã để lại trong lòng bà con giáo dân nói chung và cách riêng trong tâm hồn tôi những cảm xúc, hình ảnh khó phai.
Lặng nhìn ngôi Nhà thờ được xây dựng giữa miền quê, lòng tôi chợt thấy “ làng ta phong cảnh hữu tình” thật! Quê tôi vốn đã đẹp, bình yên, thơ mộng nay còn đẹp hơn nhờ vẻ đẹp cường tráng, nghệ thuật thể hiện và kiến trúc độc đáo của ngôi nhà thờ được xây dựng theo tinh thần hội nhập văn hoá với những đường nét theo kiểu Đông-Tây hoà hợp. Một chút bâng khuâng, hồi tưởng về quá khứ xuất hiện trong tâm trí tôi lúc này, tôi cố tìm lại trong trí nhớ mình hình ảnh ngôi nhà nguyện đơn sơ, nhỏ bé bằng mái tranh, vách tre, cỏ mọc bao quanh, không một cành hoa, cây cảnh, thế nhưng đêm nào cũng vang lên lời kinh cầu. Nghĩ lại khung cảnh đó, tôi cảm thấy hoang sơ nhưng an bình. Vắng lặng nhưng êm đềm. Tôi đang thả hồn theo những dòng suy nghĩ của mình, bỗng tiếng vỗ tay hoà lẫn tiếng chuông ngân vang rộn rã đã kéo tôi ra khỏi những hình ảnh đó để trở về với giây phút hiện tại, chứng kiến những gì đang diễn ra trước mắt.
Một khung trời xanh. Một khoảng không gian đầy hương hoa nến, dù lộng, màu cờ, sắc áo hòa lẫn vào nhau tạo nên bầu khí “vui như ngày hội”, dường như con người không còn biết đến cái nắng nóng oi bức của những ngày cuối hè nữa. “Người người lũ luợt đưa nhau tới. Lớp lớp dập dìu kéo nhau đi”. Trước diễn cảnh đó, tôi mới thấm thía lời ca phụng vụ “Trong hân hoan chúng con về đây, mang tin yêu mơ ứơc nồng say, cùng hợp tiếng ca tạ ơn Chúa lời thiết tha”, và “con tim đã vui trở lại”. Thật khó có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc đang dâng trào trong lòng tôi. Niềm vui sướng, hạnh phúc tôi cảm nhận hôm nay bằng chính lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã đóng góp công sức, hy sinh tiền của ... để kiến tạo nên ngôi nhà thờ trang trọng này. Với thân phận người con bé nhỏ trong Giáo xứ, người đầu tiên tôi nhớ đến đó là Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, Cha Quản Xứ Đominico Lê Đình Du cùng tất cả Quý thân nhân, ân nhân trong nước cũng như ngoài nước. Nhìn những thành quả tốt đẹp hôm nay của ngôi nhà thờ, chúng ta không thể nào quên đi những khó khăn của ngày trước như: kinh phí xây dựng thiếu thốn, thợ thầy thì “ mai đây mốt đó”, thời tiết lúc mưa lúc nắng thất thường, lại trong thời buổi “vật giá leo thang” nên tưởng chừng nhà Chúa có lúc phải“ đóng cửa” dừng lại. Thời gian 3 năm để xây dựng nhà thờ Sơn Qủa không phải là dài so với đền thờ thành Giêrusalem, công trình ròng rã xây cất trong bốn mươi sáu(46) năm (Ga 2,20), nhưng cũng không phải là ngắn so với đền thờ mà Chúa Giêsu sẽ dựng lại trong ba ngày (nhà thờ S.Qủa với nhà thờ của Chúa xây giông nhau ở con số 3).
Vì thế, trong Thánh Lễ Cung Hiến Nhà Thờ, tôi thành kính dâng lên Thiên Chúa với tất cả ý nguyện tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa vì mọi việc “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi Ơn Chúa”. Một ý nghĩ cứ theo đuổi tôi suốt: “Nếu như không có sự ra đi của Cha Augustino ngày trước, khi mình chưa chào đời, thì hôm nay có ngôi nhà thờ này không? Nếu như mỗi năm Cha không về quê làm việc thì ngôi nhà thờ có được trở nên như hôm nay không?”... Bởi vậy, nhìn nhà thờ Sơn Qủa không ai mà không nghĩ đến công lao to lớn của Cha Augustino, một người con ưu tú của giáo xứ Sơn Qủa. Trong khoảng thời gian xây dựng nhà thờ, năm nào Cha cũng về gắn bó với quê nhà vào mỗi dịp hè để cùng Cha Quản Xứ giám sát tiến trình xây nhà Chúa, từ những chi tiết, góc cạnh đến tổng thể Cha đều cân nhắc kĩ lưỡng. Trong thời gian đó, tôi cản thấy như Cha đã cởi bỏ đi học vị tiến sĩ thần học của mình để làm nhà kiến trúc sư, người chỉ đạo kĩ thuật xây dựng.... Con người của Cha đúng là đa tài, đa nghề thật!
Trong niềm vui hôm nay, tôi cũng cảm nhận rằng “nếu tôi vui một thì chắc Cha phải vui gấp trăm ngàn lần!”. Niềm vui sướng đưa đến sự bất ngờ và xúc động bên trong tâm hồn của mọi người. Với tâm huyết mong được xây dựng nhà Chúa ngay trên quê hương của mình, Cha đã không ngừng “chạy xuôi chạy ngược” khắp đó đây để “làm người ăn xin” cho nhà Chúa và đến hôm nay, ngôi nhà thờ “đã xây thì phải xây cho đẹp” (lời ĐTGM đã phát biểu trong ngày lễ ngân khánh linh mục của cha Augustino và trong ngày Lễ đặt viên đá đầu tiên) được hiện diện trên mảnh đất Sơn Qủa này.
Các nghi thức trong Thánh Lễ vẫn tiếp tục được cử hành một cách sốt sắng hoà trong tiếng đàn, lời ca phụng vụ cùng với hàng ngàn con tim đang rung lên từng nhịp đập hân hoan, vui sướng. Tôi đã tìm cho mình một chỗ đứng thích hợp để có thể quan sát hết khung cảnh nhà thờ và tôi nhận thấy nhà Chúa hôm nay thật đẹp! Thật đông vui bởi sự hiện diện của những người con lâu nay “quên đường” đến thăm Chúa và của những người con ở xa quê lâu năm nay mới có cơ hội trở về. Ngày hôm nay, tôi có cảm giác như “ngày trở về” của bao người con, trở về cùng Chúa, trở về cùng quê hương. Nhìn thẳng lên Nhà tạm, tôi cảm nhận được một vẻ đẹp linh thiêng, sống động, sắc màu hài hoà, nhưng chứa đựng nhiều nội dung, ý nghĩa sâu sắc, như lời ĐTGM đã nói: “Đến với ngôi nhà thờ Sơn Qủa này, chúng ta có cảm giác như đang đi vào đền thánh Phêrô vậy”.
Qua lời nhận xét của Ngài, Rôma không còn xa chúng ta nữa, hình ảnh đền thánh Phêrô được thu nhỏ, tượng trưng cho nền văn minh cỗ kính đang hiện diện trước mắt chúng ta, ngay trên làng quê mộc mạc, dân dã này, nhắc nhở chúng ta luôn nhớ đến Đức Thánh Cha. Cùng với hình ảnh trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của nền văn hoá Việt Nam nổi bật trên nền cung thánh, dưới vòm lễ đài, nơi có hình ảnh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, tạo cho tôi cảm giác như Tin Mừng của Đức Đức Kitô đã được đưa vào giữa lòng dân tộc với biểu tượng Alpha và Omega, nơi được đặt Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, nhất là cây Thánh Giá nằm ngay chính giữa, làm tôi cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa của tinh thần hội nhập văn hóa mà Hội Thánh hằng quan tâm. Nhiều lúc, tôi chỉ đánh giá nét đẹp bằng những chi tiết, hình ảnh biểu lộ bên ngoài để từ đó ca ngợi vẻ đẹp của ngôi nhà thờ này, điều đó chắc hẳn chưa đủ, cái vẻ đẹp độc đáo của ngôi nhà thờ Sơn Qủa chính là ý nghĩa, nội dung được thể hiện bên trong qua mỗi hình ảnh, mỗi biểu tượng và mỗi đường nét hoa văn. Đọc trên tờ bướm “ý nghĩa nhà thờ Sơn Qủa” chúng ta càng nhận thấy rõ nội dung, ý nghĩa sâu xa mà con người thể hiện ra bên ngoài qua mỗi biểu tượng. Nó xem như một tác phẩm phải được nhìn bằng đôi mắt nghệ thuật và bằng cả đời sống tinh thần phong phú, siêu nhiên.
Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trước mắt ngôi đền thờ làm bằng gạch đá, nguy nga, hoành tráng như thế, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy ngôi đền thờ bên trong tâm hồn mình được. Đó là một ngôi đền thờ thiêng liêng được xây dựng bằng các việc lành đạo đức, bằng chính đời sống đức tin, lòng cậy và đưc mến, quan trọng hơn cả là bằng chính Mình Máu Thánh Chúa và Lời Chúa cùng các Bí tích. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết xây dựng đền thờ tâm hồn mình sao cho xứng đáng là “đền thờ Chúa Thánh Thần”. Và “nhà thờ mới thì con người cũng phải mới”.
Xin cảm tạ Chúa vì biết bao nhiêu hồng ân Ngài ban xuống trên Giáo xứ Sơn Quả chúng ta. Giờ đây tôi thật tâm đắc với lời của Thánh Phaolô nói với cộng đoàn Êphêsô ngày xưa để diễn tả tâm tình của giáo xứ mà ông đại diện đã nói lên trong bài chào mừng: “Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới”. ( Ep 3, 20 ).
Maria Trương Thị Thủy Tiên |
|