|
ĐỨC TIN VÀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
1.VAI TRÒ CỦA ĐỨC TIN
Đức tin là một vấn đề quan trọng và cần thiết nhất trong cuộc sống. Bởi đó, cần phải tìm hiểu, cần phải đào sâu để củng cố cho niềm xác tín riêng tư, cũng như để không bị chao đảo và mang mặc cảm thua kém khi đứng trước những trào lưu tư tưởng mới.
Thực vậy, có những người đã nói với nhau:"Đạo là một cái gì cổ hủ, lỗi thời...Giờ này mà còn có những người mê tín siêng năng đi nhà thờ nhà thánh."
Khi nghe lời phát biểu ấy, chúng ta cảm thấy buồn như mình bị xúc phạm. Và chúng ta càng buồn hơn nữa khi biết rằng những ngưởi ấy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình "đạo gốc" , "đạo dòng". . .cũng có một quãng đời êm đẹp và tốt lành.
Nếu đưa mắt nhìn vào cuộc sống cá nhân, chúng ta sẽ ghi nhận được hai khuynh hướng chống đối nhau, chiếm ngự trong tâm hồn chúng ta, như lời thánh Phaolô đã xác quyết:"Sự thiện tối muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm".(Rm 7,19 )
Trên bình diện xã hội cũng vậy, chúng ta thấy xuất hiện hai thế giới tương phản lẫn nhau, đã xâm nhập vào ngưỡng cửa của các gia đình, cũng như tại nên một bức tường ngăn cách giữa những người thân quen:
-Thế giới của niềm tin và thế giới của tội lỗi.
Như thế, phải chăng niềm tin đã phân chia thành hai giới tuyến, để rồi từ đó, vợ chống đối chồng, con cái chống đối cha mẹ, thế hệ trẻ chống đối thế già và ngược lại?
Khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, có những người mau mắn đến tìm gặp Chúa, nhưng cũng có những người nhún vai mỉa mai và khích bác:"Giờ này mà vẫn còn những người lạc hậu."
Vậy chúng ta có phải là những kẻ lạc hậu hay không? Liệu chúng ta đã thực sư sống niềm tin của cha ông để lại hay không? Khi đọc kinh Tin kính, chúng ta có vui mừng vì mình là người tín hữu có đức tin hay không? Chúng ta có hiểu biết cặn kẽ và yêu mến đức tin của chúng ta hay không? Đức tin đã đem lại những gì cho xã hội và cho chính bản thân chúng ta hay chỉ là một cái gì thừa thãi, không ăn nhập gì với đời sống chúng ta?
Nếu đi ngược dòng thời gian và trở về dĩ vãng của hai ngàn năm trôi qua, chúng ta hãnh diện và không bao giờ hổ thẹn vì đức tin của chúng ta.
Đúng thế. Chính Kitô giáo đã bảo vệ được những kho tàng quí giá cổ xưa đang trên đường sụp đổ. Chính Kitô giáo đã hoán cải các sắc dân man di trở nên văn minh và tiến bộ. Chính Kitô giáo đã khai sinh ra trếit học, khoa học và nghệ thuật. Chính Kitô giáo đã gửi những vị thừa sai đến những vùng đất xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng, chăm sóc cho những người bất hạnh tại các bệnh viện, các viện cô nhi và dưỡng lão, nâng cao dân trí tại các trường học.
Đừng bao giờ mặc cảm và xấu hổ về niềm tin của chúng ta. Bởi vì, suốt hai ngàn năm qua, niềm tin ấy đã thắp sáng mặt đất này, đã đem lại biết bao nhiêu tiến bộ trên phương diện đạo đức và luân lý, cũng như trên phương diện kĩ thuật và vật chất.
Tuy nhiên, xã hội ngày nay đang xa dần những lý tưởng Kitô giáo, chỉ trích những điều phải tin.
Thế nhưng, dầu sóng gió có nổi lên trong dòng lịch sử, Kitô giáo vẫn đứng vững và đức tin vẫn còn đó.
Một thi sĩ người đức tên là Henri Heine đã viết như sau:"Người thời xưa đã xây được những ngôi thánh đường nguy nga và lộng lẫy vì họ có những tín điều chắc chắn. Trong khi đó ngày hôm nay, chúng ta không thể làm được vì chúng ta chỉ có những tư tưởng mơ hồ và chống đối."
2.VẺ ĐẸP CỦA ĐỨC TIN
Hơn thế nữa, đức tin còn mang một vẻ đẹp tuyệt vời.
Thật là một hình ảnh đẹp sau một ngày làm lụng mệt mỏi vất vả, chồng chất những đắng cay chua xót, chúng ta biết đến quì bên Chúa trong bầu khí thinh lặng và linh thiêng của ngôi thánh đường, đôi bàn tay bóp chặt lấy vầng trán và chìm đắm trong cầu nguyện.
Thật là một hình ảnh đẹp khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, từng đoàn người vui vẻ tiến về nhà Chúa để cùng nhau tham dự thánh lễ.
Thật là một hình ảnh đẹp khi mùa Giáng sinh trở lại, chúng ta đứng trước máng cỏ, lâng lâng theo cung điệu của những bản thánh ca quen thuộc.
Tuy nhiên, không phải chỉ có thế. Đó mới chỉ là những vẻ đẹp hời hợt bên ngoài, chứ chưa phải là những vẻ đẹp đích thực của Kitô giáo.
Đức tin đem lại cho chúng ta lời giải đáp trước những vấn đề khúc mắc của cuộc sống, cũng như đem lại cho chúng ta sức mạnh để thắng vượt mọi khổ đau.
Chúng ta nói rằng:"Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng đồng thời cũng là một người Cha giàu lỏng thương xót. Tội lỗi thì xấu xa đáng ghét, nhưng Thiên Chúa khoan dung và sẵn sàng tha thứ"
Đó mới chính là vẻ đẹp sâu thẳm nhất của đức tin.
Nếu biết sống theo những đòi hỏi của đức tin, chắc chắn chúng ta được hưởng niềm an bình và hạnh phúc. Lúc bấy giờ, đức tin sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta hoạt động, tiến triển và vươn lên.
Thực vậy sở dĩ những người lính dám chấp nhận mọi hy sinh gian khổ và thiếu thốn, hăng say chiến đấu, vì họ có một lý tưởng, có một niềm tin.
Nếu chúng ta, những người Công Giáo Việt Nam, có được một đức tin kiên vững và có được hoàn cảnh thuận tiện để thực sự sống đức tin của mình, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần không nhỏ để xây dựng đất nước này mỗi ngày một tốt đẹp và giàu mạnh hơn.
3.HỌC HỎI VỀ ĐỨC TIN
Câu hỏi được đưa ra trong bài này đó là tại sao chúng ta lại phải học hỏi và đào sâu về đức tin của mình?
Có một số người nói rằng:"Tôi là kẻ có đạo, bởi vì tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo. Bà nội tôi đã dạy tôi đọc kinh Tin Kính và từ đó tôi có đức tin như một sản nghiệp do cha ông để lại. Tôi không bao giờ chối bỏ một tín điều nào, nhưng tôi không muốn đi sâu vào những chi tiết, bởi vì tôi sợ tất cả đều đã lỗi thời và sẽ sụp đổ. Những đồ đạc do ông bà để lại, tôi cần phải cất giữ cẩn thận, đặt chúng ở một xó góc nào đó, sồi..."kính nhi viễn chi", không bao giờ dám động vào chúng."
Vậy quan niệm trên đúng hay sai?
Nếu sinh ra trong một gia đình Công Giáo, chúng ta coi đức tin như một di sản quí gia cha ông để lại, nhưng chúng ta không được phép coi đức tin như một vật vô hồn. Cho dù được thừa hưởng đức tin của cha ông chúng ta vẫn phải tìm hiểu và học biết để chúng ta chấp nhận đức tin một cách có ý thức.
Chúng ta không phải là người có đạo chỉ vì cha ông chúng ta là người "đạo gốc", "đạo dòng", hay chỉ vì tổ tiên chúng ta là những người Công Giáo kì cựu, lâu đời. Sở dĩ chúng ta có đạo là vì chúng ta hiểu biết về tôn giáo của chúng ta và cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫnh thấy đức tin là một cái gì cần thiết và tốt đẹp. Chúng ta luôn hãnh diện vì là người Công Giáo.
Thế nhưng, có người lại bảo:"Thời buổi này còn có thể tin theo đạo, mà còn có thể là Kitô hữu được hay sao?"
Không những chúng ta chỉ có thể , mà còn phải là người Kitô hữu. Không phải chỉ là người Kitô hữu trên môi miệng, mà còn phải là người Kitô hữu trong chính cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta phải có một chọn lực căn bản và dứt khoát:
-Kitô giáo hay là một cuộc chiến đầy hận thù của những người thù địch? Kitô giáo hay là một nếp sống buông thả chạy theo những đam mê và dục vọng sai trái? Kitô giáo hay là sự sụp đổ của các gia đình? Kitô giáo hay là một xã hội đã bị xáo trộn, không còn luân thường đạo lý? Liệu chúng ta có phải đổi thay đức tin hay không?
Chắc chắn là không. Kitô giáo vẫn còn đủ khả năng thỏa mãn những đòi hỏi sâu xa mà con người cần đến. Nếp sống bên ngoài có thể đổi thay, nhưng đức tin của chúng ta sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
Ngày xưa, có những người đã làm dấu thánh giá trước khi lên đường cho một cuộc hành trình lâu dài, thì hôm nay cũng có những phi công đã làm như thế trước khi lên máy bay, những cầu thủ trước khi bước vào sân cỏ. . .
Hôm nay, người ta vẫn tới nhà thờ để tham dự thánh lễ, có khác là khác ở chỗ người ta đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy hay đi xe hơi tới đó mà thôi.
Hiện thời, Giáo Hội đang rất cần những người có một đức tin sắt đá, như lời Széchegni đã nói:"Tôi tuân giữ các việc đạo đức, không phải để làm gương cho người khác, bởi vì đó chỉ là một sự giả hình và gian dối. Sở dĩ tôi tuân giữ, đơn giản chỉ vì tôi là người Công Giáo và tôi muốn sống đức tin của tôi."
4. SỐNG ĐỨC TIN
Chúng ta phải tìm hiểu vì đức tin không phải chỉ như một đồ vật quí giá khiến chúng ta lo cất dấu kĩ lưỡng và không dám chạm tới vì sợ bị vỡ. đúng thế, chúng ta phải đào sâu để đánh tan mọi nghi ngờ, mọi thắc mắc để đức tin của chúng ta được kiên vững, luôn hiên ngang đứng trước mọi lời chỉ trích và bài xích. tại sao thế?
Vì đức tin đòi buộc chúng ta phải hy sinh rất nhiều. trí khôn phải nghiêng mình trước những chân lí đã tỏ lộ. ý muốn phải uốn mình theo những giới luật Ngài đã truyền dạy.
Không phải chỉ tuyên xưng: Tôi tin kính một Thiên Chúa, là đã đủ. Đức tin còn phải được bén rễ sâu trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, để rồi ảnh hưởng và chi phối mọi tư tưởng , mọi lời nói và mọi việc làm của chúng ta.
Đức tin không phải chỉ đến với chúng ta mỗi lúc cầu nguyện trong nhà thờ, nhưng đức tin còn phải cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, còn phải theo chúng ta vào bàn viết, đến nhà máy, xuống ruộng đồng. Đức tin có mặt trong mọi câu truyện, trong mọi cuộc đối thoại giữa chúng tavà những người xung quanh. Đức tin phải thấm nhập vào đời sống thân mật của chúng ta nơi gia đình.
Đức tin còn phải hiện diện và ảnh hưởng tới mọi khoảng khắc trong đời sống chúng ta.
Muốn đạt tới lý tưởng ấy, chúng ta cần phải học hỏi, cần phải đào sâu để có được một xác tin riêng tư. Lúc bấy giờ, đức tin sẽ là một động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn mọi đòi buộc của thánh ý Thiên Chúa.
Paul Claudel, một nhà văn nổi tiếng của nước Pháp, thửa niên thiếu, ông không hề tin tưởng vào Chúa và đã song bê tha tội lỗi. Thế nhưng, một khi đã được Chúa đánh động, ông đã trỗi dậy và trở về cùng Chúa. Ông đã ăn năn sám hối và ông đã viết: “Tôi tin vào những chân lý của Chúa còn chắc chắn hơn gấp ngàn vạn lần tin vào mặt trời đang chiếu soi trên tôi.”
Hạnh phúc cho những ai sống đức tin: người ấy sẽ được vui mừng khi nghĩ rằng có một ngày nào đó mình sẽ được vui mừng mãi mãi.
Cho dù thế giới chung quanh có luôn đổi thay:tiếng phản lực cất cánh, tiếng xe hơi nổ máy, tiếng nhạc êm dịu được gửi tới qua làn sóng điện…Phải cho dù thế giới chung quanh chúng ta luôn đồi thay, thì chúng ta vẫn có thể ngước mắt lên và tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa. Phải tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng.”
Trích "Tôi tin có một Thiên Chúa"
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|