|
PHÚT CẦU NGUYỆN
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến
Bức tranh Ba Cây Thập Giá là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17. Khi chiêm ngưỡng tác phẩm, người thưởng lãm sẽ bị thu hút ngay bởi cây Thập giá của Đức Kitô được đặt ngay hình ảnh trung tâm của tác phẩm giữa hai cây Thập giá của hai tên trộm cướp, như muốn diễn tả rằng: Không một người nào mà vô tội đưa đến cái chết đau thương và ô nhục của Đức Kitô
Danh họa đã mô tả dưới chân Thập Giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tự nhận mình cũng là một trong những kẻ đã đóng đinh Chúa Giêsu nên danh họa cũng cho gương mặt của mình xuất hiện giữa cái đám đông đằng đằng sát khí đó. Thông điệp mà tác phẩm muốn nhắn nhủ với chúng ta là: Không một ai là vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa
Khi nghe và suy niệm Bài Thương Khó trong ngày Lễ Lá, của thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta thấy bóng dáng mình trong những nhân vật đã tham dự vào cuộc tử hình người phạm nhân vô tội này
Như Giuđa bán Chúa bằng một cái hôn, nhiều khi chúng ta cũng nhân danh những việc đạo đức để tư lợi cho mình, hoặc vì đồng tiền sẵn sàng làm những việc trái khuấy với lương tâm của một người Kitô hữu
Chúng ta cũng là Phêrô nhiệt thành, hăng say với Chúa là thế, nhưng lại mỏng giòn yếu đuối chối bỏ Chúa khi gặp những bất lợi, những mất mát trong việc thừa nhận niềm tin của chúng ta vào Ngài
Như các môn đệ say ngủ không thể thức cùng Chúa và để mình Ngài với nỗi đau khổ và cô đơn trong những giây phút kề cận cuộc tử nạn, chúng ta cũng say ngủ trên những thú vui hưởng lạc trong cuộc sống của mình, mà bỏ quên Chúa Giêsu trong những phận người bơ vơ khốn khó đang hiện diện xung quanh chúng ta
Chúng ta cũng lớn tiếng vu khống, chế nhạo Chúa Giêsu như dân chúng ngày xưa, khi chúng ta đặt điều nói xấu, dè bỉu khinh chê những người anh em chung sống với mình
Giống như quân dữ bắt Chúa Giêsu vác Thập giá nặng nề, trong khi Ngài không còn đủ sức sau một trận roi đòn, chúng ta cũng chất Thánh giá trên vai anh em của mình bằng thái độ sống vô trách nhiệm trong bổn phận hàng ngày, trong khi họ đã quá mỏi mệt vì những lo toan nhọc nhằn trong cuộc sống
Chúng ta cũng không khác gì các quan tòa xử án bất công cho Chúa Giêsu, khi chúng ta vì quá muốn bảo vệ địa vị chức vụ hiện có của mình mà làm ngơ không dám ra tay cứu giúp hay lên tiếng bênh vực những người cô thân cô thế đang chịu những áp bức bất công của xã hội
Chúng ta cũng dùng roi quất vào thân thể của Đức Kitô, dùng đinh nhọn đóng vào tay chân của Ngài, khi có những hành động xúc phạm thô bạo đến thân xác của người anh em, khi chà đạp trên nhân phẩm của họ bằng những bóc lột và đối xử bất công
Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả những đối xử bạc bẽo vô tình của nhân loại mà không oán trách kêu than, trái lại Người đã đón nhận khổ đau với một tình yêu rất sâu đậm: Yêu Chúa Cha và yêu nhân loại, chính tình yêu này đã biến khổ đau của Người nên nguồn ơn cứu rỗi
Thư Do Thái viết: "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người" (Dt 5, 8-9)
Lạy Chúa! Không một ai trong chúng con là vô tội trước cái chết vô cùng đau thương và nhục nhã của Chúa mà chúng con tưởng niệm trong mùa chay này. Xin cho chúng con luôn ý thức điều ấy để trong cuộc sống chúng con biew6t1 lánh xa tội lỗi và quay về đường ngay nẻo chính, để cuộc sống của chúng con là hương hoa dâng cho Chúa chứ không phải là đinh nhọn, mão gai đưa đến cái chết của Ngài trên đồi Canvê hôm nào Amen
Nguồn: Đài PT. Chân lý Á châu
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|