1. Đâu là bản chất của bí tích Truyền chức thánh ?
Để hiểu bí tích Truyền chức thánh, cần phải đặt nó trong mối tương quan với bí tích Rửa tội. Nhờ bí tích Rửa tội, tất cả những ai chịu phép Rửa đều tham dự vào chức Tư tế của Chúa Kitô. Sự tham dự này được gọi là « chức tư tế chung của các tín hữu ». Quả thế, như thánh Phêro dạy, toàn thể Giáo Hội là một dân tư tế (1 Pr 2, 5.9).
Những ai lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh đều được thánh hiến để, nhân danh Chúa Kitô, trở nên những mục tử của Giáo Hội. Chức tư tế thừa tác khác với chức tư tế chung của các tín hữu, bởi vì nó trao ban một ấn tích, một sứ mệnh trong Giáo Hội và một quyền hạn để làm tròn sứ mệnh này. Các thừa tác viên chức thánh thực thi việc phuc vụ của mình bên cạnh Dân Thiên Chúa qua việc giảng dạy, phụng thờ Thiên Chúa và hướng dẫn mục vụ cộng đoàn.
Bí tích Truyền chức thánh có 3 cấp độ : chức phó tế, chức linh mục và chức giám mục.
2. Đâu là bản chất của chức linh mục (những gì cấu thành linh mục) ?
Việc hiểu chức linh mục đã tiến bộ với công đồng Vatican II. Trước Công đồng này, ý tưởng mà người ta có về chức linh mục đến từ giáo huấn của công đồng Trentô vào thế kỷ XVI. Công đồng Trentô, vì phải đương đầu với các sai lầm của Tin Lành, đã định nghĩa chức linh mục như là năng quyền cử hành Thánh Thể và tha thứ tội lỗi.
Công đồng Vatican II lấy lại giáo huấn này, nhưng đặt lại nó trong một viễn ảnh rộng lớn hơn bằng cách đặt nó trong tương quan với chức giám mục : chức linh mục là một tham dự vào chức giám mục và vào sứ mệnh giảng dạy, thánh hóa và cai trị của ngài. Do đó, linh mục cũng có sứ mệnh loan báo Lời Chúa, hướng dẫn dân Chúa. Quan niệm mới mẻ này có nhiều hệ quả đối với cách thực thi thừa tác vụ linh mục.