|
Nhân dip HĐGM Thế-giới 2023-24.
Kính gửi các Đấng Bậc trong Giáo-Hội Chúa.
Chúng con là một vài giáo dân bình thường. Vì cao tuổi nên có nhiều con cháu, vì vậy chúng con rất lưu tâm đến sự sống đạo hằng ngày của đám trẻ.
Chúng con xin phản ánh lại những điều chúng con tìm hiểu với các bạn bè xa gần, nhất là giới trẻ. Đây là những ý kiến mà anh em chúng con thu góp được từ lâu nay về những khó khăn mà chúng gặp phải trong đời sống đạo hằng ngày. Chúng con xin phân loại ra ba tiểu đề sau đây:
Tiểu đề thứ nhất, Sự cần thiết phải có chương trình qui mộ về giáo lý thực dụng, nhất là cho giới trẻ.
Phần lớn số giáo dân chỉ được học giáo lý ở mức tối thiểu khi xưng tội lần đầu. Sự hiểu biết ít ỏi này không đáp ứng nổi với sóng gió trong cuộc sống ngày nay, vì vậy nhiều lớp trẻ đã bị lung lay và xa rời đạo Chúa. Đây là một thực tế đau lòng và rõ ràng, nhưng các Đấng đã không nhận thức được chỉ vì không gần gũi với giáo dân, (Chúng con sẽ nói thêm ở phần 3, sống gần với giáo dân).
Tiểu đề thứ hai, là lập ra những chương trình giáo dục cho cuộc sống gia đình, vợ chồng.
Gia đình là một đơn vị nhỏ nhưng là khởi nguồn của xã hội. Cha mẹ, vợ chồng là những người đứng đầu, có trách nhiệm với đơn vị này, nhưng lại chưa bao giờ được đào tạo để có khả năng cho trách nhiệm của mình; họ chỉ tự mình học mò. Đây là một lỗ hổng to lớn mà xã hội và giáo hội đã rất thiếu sót, tại sao vậy, vì các Đấng không hiểu rõ về cuộc sống gia đình và xã hội (chúng con sẽ nói thêm ở phần 3,"sống với giới nghèo").
Tiểu đề thứ ba, là xin các đấng hãy bước ra ngoài để quan sát cuộc sống của xã hội hôm nay, với bao đổi mới, cũng như bao sáo trộn, để điều chỉnh phương hướng giáo huấn thích ứng với tình trạng.
Chúng con xin các Đấng hãy bước xuống để gần gũi tầng lớp nghèo. Đây thực là đường hướng của Giáo-hội là của người nghèo, nhất là giới nghèo ngày nay chiếm đa phần trên thế giới này và hơn nữa, rất nhiều tội phạm là do nghèo đói mà ra.
Cho mỗi tiểu đề trên đây, chúng con sẽ trình bày mỗi tiêu đề có hai phần, phần đầu là tóm tắt những ý chính như trên đây, và phần duới đây, chúng con xin được kể ra những lập luận chi tiết hơn.
-------------------------------------------------------------------
Dưới đây là phần lập luận cho tiểu đề thứ nhất trên đây.
Chúng con xin các Đấng thành lập một chương trình quy mô về giáo lý thực dụng, chú trọng về những điều thực tế của cuộc sống hằng ngày. Dùng mọi phương tiện kĩ thuật của thời đại và nâng cấp thành một môn học phổ thông, có cấp bậc tiểu học, trung học, có chứng chỉ v.v.
Chúng con xin trình bày những suy tư của chúng con về cuộc sống đạo trong gia đình và giới trẻ hôm nay:
Giáo dân hiểu biết bao nhiêu về giáo lý và giáo luật: ngày nay cũng vẫn như ngày xa xưa, phần rất lớn là chỉ được học giáo lý sơ đẳng khi xưng tội thêm sức. Sau đó số nhỏ giáo dân tự học thêm và rồi là các bài giảng trong lễ chủ nhật. Tất cả những sự học hỏi này đều không đủ hành trang cho cuộc sống của giáo dân ngày nay, nhất là giới trẻ sống giữa đời sống xa hoa và văn hóa kĩ thuật. Họ không đủ khả năng để chống đỡ với làn sóng mới và dễ bị ngã gục trước các luận thuyết trái đạo.
Ví dụ: cách đây khá lâu có một cuộc thăm dò trong báo công giáo toàn quốc (national catholic report) với câu hỏi rằng "Ông bà có tin rằng chúa Giêsu ngự thật trong phép thánh thể không?" Thì chỉ có 30 % trả lời rằng có, và câu hỏi tiếp cho số người này là "tại sao tin", thì họ trả lời rằng: ”Tại vì các cha và các sơ dạy như vậy"; hoặc một câu hỏi khác rằng: Chúa ở khắp mọi nơi thì sao phải đi lễ: thì rất có nhiều câu trả lời khác nhau nhưng ít ai nói rằng phải đi lễ thì mới gặp được Chúa trong Thánh-thể mà Thánh-thể là đỉnh cao của đạo Chúa.
Chẳng mấy ai biết liên hệ các đoạn Phúc-âm Gioan(56..) là đoạn trực tiếp đến phép Thánh-thể.
Trước tình trạng tiến bộ về văn hóa của xã hội hôm nay, nhất là giới trẻ, nhiều người có trình độ đại học; trong khi hầu hết giáo dân vẫn chỉ có trình độ giáo lý sơ đẳng của thời xa xưa. Thế mà ngày nay, các đấng có thể phát biểu rằng: ngày nay, công việc giảng đạo là của giáo dân (mà không hề nói đến việc huấn luyện cho giáo dân). Ngay cả ở hàng linh mục, nhiều cha cũng không thông thạo về việc giao dịch với mọi người.
Dưới đây là phần lập luận cho tiểu đề thứ hai trên đây:
Chương trình giáo dục cho cuộc sống gia đình.
Chúng con xin các Đấng thành lập một chương trình quy mô để giảng dạy về bổn phận vợ chồng, cha mẹ, con cái, áp dụng những điều thực tế với cuộc sống hằng ngày. Dùng mọi phương tiện kĩ thuật của thời đại, nâng cấp thành một môn học phổ thông, có cấp bậc có cấp bậc từ trung học, đại học, có chứng chỉ v.v.
Tính chất “thánh thiêng” của tình nghĩa vợ chồng đã giảm đi rất nhiều. Đây có lẽ là vì cuộc sống hôm nay đã làm thay đổi tư duy con người ở nhiều mặt. Xã hội và Giáo hội không cập nhật kịp những giáo dục cho con người về mọi mặt đạo đức nữa. Phải chăng là vì các Đấng bậc trong giáo hội (và mọi tôn giáo khác) không sống gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội để thấy để thấy rõ sự cần thiết của sự cải cách.
Những lời khuyên răn thông thường nhất, đó là vợ chồng phải biết thương yêu nhau đã trở thành vô bổ vì trừu tượng, đôi vợ chồng nào cũng biết vậy mà vẫn cãi nhau, bỏ nhau. Vì vậy muốn chữa bệnh thì phải tìm học con bệnh. Ngày nay muốn làm một bác sĩ tâm linh thì cũng phải biết cả về khoa tâm lý, xã hội kinh tế gia đình.
Những khó khăn trong cuộc sống gia đình:
Những luật lệ không rõ ràng và chồng chéo nhau trong cuộc sống vợ chồng: hãy bước vào cuộc sống của giới trẻ hôm nay để lắng nghe những khó khăn trong cuộc sống đạo của họ. Vì những vốn liếng giáo lý thô sơ họ có về đời sống vợ chồng. Những kinh nghiệm họ có được phần lớn là do tự học; từ bổn phận làm vợ làm chồng, làm cha mẹ, v.v. Một số người có lòng đạo tốt lành thì luôn khắc khoải với những giáo lý khó khăn và khó giữ. Ví dụ: khi hai vợ chồng gần nhau thì phải có ý định sinh con cái, {vậy nếu không, thì vợ chồng không nên gần nhau chăng?)
Sinh con thì phải có bổn phận nuôi dạy con chứ không phải chỉ “sinh sản cho đầy mặt đất”, (vì khi ông chủ vườn nói: hãy trồng cây cối trong vườn cho đầy, có nghĩa là phải chăm sóc tới khi có hoa trái thơm ngọt.
Trong cuộc sống vợ chồng, có khoảng thời gian mấy chục năm để sinh con cái, vậy mà nay đa số gia đình chỉ có 2-3 đứa con? Nghĩa là hai vợ chồng đã dùng các phương cách khác nhau để tránh thu thai.
Nhìn xa thêm nữa, giới trẻ ngày nay không còn muốn lập gia đình; nhiều bạn trẻ có quan niệm khác thường về cuộc sống, về đạo đức; nhiều người mất thăng bằng tâm linh, thác loạn, bắn giết, tự tử.
Xã hội và Giáo-hội có bổn phận gì không?
Còn vấn đề ngừa thai thì sao: có những giải thích trái chiều, người thì nói là có tội, người khác thì cho là được, vì giáo-hội chưa hề có văn kiện chính thức nào để cấm ngừa thai, (đây là một đề tài mà nhiều cặp vợ chồng đã xảy ra bất hòa).
Năm 2015-2016, HĐGM thế giới đã họp bàn về những vấn nạn gia đình. Nhưng kết thúc là sự bất đồng giữa các GM. Vấn nạn này đã bắt đầu từ cộng đồng hai và âm ý cho tới nay, con cái Chúa vẫn sống đạo trong những luật lệ không rõ ràng, giới trẻ sống trong tội lỗi hay trong mặc cảm tội lỗi.
Dưới đây là phần lập luận cho tiểu đề thứ ba trên đây.
Cuộc sống hôm nay đã thay đổi rất nhiều, và dân chúa cũng đang bị lôi cuốn theo. Nhưng nhiều Đấng vẫn muốn giữ nguyên những truyền thống xưa cũ, làm cho chúng con gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống đạo.
Đôi khi chúng còn có cảm nhận rằng các Đấng đã không coi trọng đoàn chiên Chúa, ví dụ:
Kỳ họp hội đồng giám mục thế giới năm 2015-2016, ĐGH đã gửi một bản câu hỏi cho toàn thể dân Chúa và ĐGH Francisco nhờ các giám mục địa phương thông báo; nhưng chi vài anh em chúng con biết được thì là do tình cờ chứ không phải do tòa giám mục và chúng con thăm hỏi nhiều nơi khác kể cả Mỹ và Việt Nam thì không thấy có tòa giám mục nào thông báo cho giáo dân.
Đến lần thứ hai là: Kỳ họp hội đồng giám mục thế giới năm 2023-24 thì Đức thánh cha cũng yêu cầu các địa phận họp giáo dân để lấy ý kiến của giáo dân nhưng chỉ có một số địa phận đã thi hành mà thôi.
Và dữ kiện thứ ba là mới đây, khi ĐGH rộng phép cho các cha giải tội được quyền giải quyết cho các đám hôn nhân gặp rắc rối và quyền được tha vạ tuyệt thông cho một số vấn đề khác v.v. Về vấn đề này chúng con cũng liên lạc với một số người đang ở trong hoàn cảnh rắc rối để thông báo cho họ; nhưng đau lòng thay không ai nghe là các linh mục địa phương thông báo cho ai biết cả. Đau lòng hơn nữa, là chúng con hỏi thăm một số linh mục thì không phải tất cả mọi linh muc đều biết.
Khi nói lên những điều trên đây, chúng con lại nhớ đến những phát biểu của một vài Giáo phụ tại công đồng Vatican II, các Ngài nói rằng: chúng ta vẫn coi giáo dân như là công dân hạng hai, chỉ biết cúi đầu vâng lời và đóng tiền. Và gần đây, một số khá nhiều giáo phụ đã kêu gọi các Đấng bậc đồng cấp rằng: chúng ta phải biết lắng nghe tiếng nói của thời đại v.v. Chúng con xin được phép nói thêm rằng: xin các đấng cũng nên biết lắng nghe tiếng khóc than của con cái Chúa.
Thêm một lý do nữa về việc xin các Đấng hãy bước xuống gần chúng con để cập nhật về cuộc sống của chúng con ngày nay đã rất khác xưa, chúng con nghĩ rằng khi các Đấng đã bỏ một phần lớn cuộc cuộc đời khi sống ở trong nhà Chúa để học hỏi, đào luyện, trong thời gian này chẳng những các Đấng phải chú tâm học hỏi, mà còn được đào luyện để tránh xa chuyện đời, nhất là cuộc sống đầy tội lỗi và cảm dỗ. Nhất là các Đấng chưa hề va chạm với sự thiếu thốn của cải tiền bạc cơm ăn áo mặc; Đây có lẽ là yêu tố quan trọng mà các Đấng khó có thể hiểu được thế nào là nghèo khổ của một gia đình. Cho dầu các Đấng có tiếp xúc với đời, thì với phương vị của một người tu hành, khi các vị về thăm nhà hoặc tiếp xúc với mọi người thì ai cũng tự thấy có một bức màn vô hình ngăn đôi giữa các vị và người đối diện; mọi người đều ít nhiều tôn kính các vị, cho nên các vị sẽ khó cảm nhận được cuộc sống thực tế là thế nào.
Một ví dụ nữa rất cụ thể và rất gần gũi, đó là buổi đại hội của các giáo đoàn ở tổng giáo phận Sài Gòn mới đây, để báo cáo tổng kết các kiến nghị lên đại hội đồng giám mục thế giới 2024.
Trong tất cả tám bản báo cáo của giáo dân thì đều có một điểm kết luận chung, rất giống nhau, đó là: Xin các đấng hãy sống gần gũi với giáo dân chúng con để hiểu chúng con.
ĐGH Francisco cũng đã từng khuyên các Linh mục là cần phải học hỏi nơi giáo hữu. Cha mẹ phải gần gũi và hiểu con cái thì mới có thể dạy bảo chúng cho đúng với tầm vóc của chúng.
Phụ đề: - Các bài giảng:
Năm 2008, hội nghị GM thế giới đã họp bàn để làm sao cho giới trẻ trở về với thánh lể Misa, và hội nghị đã chú trọng vào việc nâng cấp các bài giảng. Nhưng ngày nay giới trẻ đã bỏ lễ thì giảng cho ai nghe và chúng con xin phản ảnh lại ý kiến về những bài giảng như sau:
Sau vốn liếng đơn sơ về giáo lý lúc xưng tội lần đầu. thì đa phần giáo hữu không buộc phải học giáo lý cho nên những bài giảng trong lễ là sinh hoạt giáo lý thông thường nhất của đại đa số giáo hữu trong cuộc sống đạo hằng ngày; vì vậy xin các Đấng nên nhấn mạnh đến ý nghĩa lời Chúa vào cuộc sống thực tế và áp dụng vào cụ thể. Đây là việc khó khăn, vì các Đấng khó biết thực tế là thế nào, vì vậy ĐGH Francisco nói phải học hỏi và gần gũi giáo dân để hiểu họ… kể đến là các bài giảng không nên dài dòng với những lời khuyên quá quen thuộc mà giáo dân đã thuộc lòng. Không cần thiết nói nhiều về những di tích lịch sử hay địa dư vì giáo dân không phải là chủng sinh. Nên cắt ngắn những giải thích quen thuộc hằng ngày, những lời khuyên trừu tượng sẽ không gặt hái được kết quả, nhưng muốn áp dụng với thực tế thì phải trải nghiệm và học hỏi với cuộc sống thực tế.
Nên mở lòng lắng nghe những lời phàn nàn về những bài giảng dài, vì sự thực là không thể quay mặt đi trước đại đa số giáo dân khắp nơi đều than phiền về nội dung trừu tượng không có phần áp dụng.
Rất nhiều bài giảng công phu đầy tính văn chương, triết lý nhưng thiếu phần áp dụng vào trong cuộc sống vì các cha chỉ như học thuộc lòng, từ chương.
ĐGH Francisco đã nói nhiều về các bài giảng là phải có phần thực dụng và khả thi, hai từ ngữ này nghe như dễ hiểu nhưng hiểu thấm thía thì lại không phải dễ, mà cần có thêm phần trải nghiệm.
Nếu bài giảng chỉ nói được rằng vợ chồng phải thương yêu nhau thì chưa đủ, vì vợ chồng nào chẳng biết vậy, nhưng tại sao họ vẫn cãi nhau, vẫn bỏ nhau.
Nếu chỉ khuyên rằng: hãy khinh chê của cải trần gian thì cũng thật đúng nhưng, đơn giản quá, không thiết thực, từ lý lẽ và tư tưởng đều xa xôi với thực tế.
Trên đây chỉ là vài ví dụ phản ánh của một số người trẻ. Có rất nhiều phản hồi từ giới trẻ về các bài giảng trừu tượng như trên. - Vấn đề chúc lành cho người đồng tính.
Đây là một vấn đề nóng bỏng, đang bàn đến trong HĐGM thế giới đang họp tại Vatican năm nay.
Có một chi tiết nhỏ nhưng lại là then chốt của vấn đề, đó là việc chúc lành có phải là nghi thức có tính chất bí tích chăng? Bên chống đối thì cho là có tính chất của bí tích với lý luận không rõ ràng và chỉ như cố ý là muốn ngăn cản giới đồng tính và loại ra khỏi đoàn chiên của Chúa; và thay vì mở lòng thương xót đến những con cái bệnh tật thì các Ngài đều chỉ trách cứ bộ Giáo-lý là không tham khảo với các Ngài (vì cũng là hàng Giám-mục như nhau!).
Chúng con nghĩ rằng: Lời chào hay lời chúc có những cấp độ khác nhau, gật đầu chào một người đi đường hay bắt tay một người mình không ưa, chào nhau buổi sáng, buổi tối, cha mẹ chúc đứa con lên đường bình an, kể cả những đứa con hư hỏng. Đây là những hành động tốt, cử chỉ đáng khuyến khích, vi tạo ra sự hòa hoãn với người đối diện.
Có cha mẹ nào đuổi đứa con đồng tính ra khỏi nhà không. Khi trong nhà có đứa con đồng tính, thì cha mẹ cũng buồn lắm, cha mẹ sẽ lo tìm mọi cách để sửa đổi đứa con, nhưng luôn mở lòng để chấp nhận nó.
Kết luận: Trước những vấn nạn to lớn của xã hội hôm nay, thay vì chỉ lên án, phê bình chỉ trích; chúng con xin các Đấng hãy nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân nào đã gây nên những tệ nạn này và tìm phương thức chạy chữa, sửa đổi. Tất cả mọi người đã phê bình, chỉ trích và lên án từ mấy chục năm nay rồi, nhưng có thay đổi được gì không.
Trước các khuynh hướng khác nhau về giáo lý, giáo luật của một vài Đấng bậc cao cấp trong Giáo-hội, và nhân dip HĐGM Thế-giới, chúng con muốn xin được bày tỏ vài ý kiến mộc mạc của chúng con như sau:
Xin các Đấng xet lại lập trường bảo vệ truyền thống xã hội để xem chỗ nào có thể tạo nên cởi mở vì chúng con nhận thấy rằng, xưa nay giáo hội đã thay đổi để hòa hợp với thời đại và địa dư, Ví dụ: các hình thức nghi lễ và các phép bí tích, rõ ràng nhất là nghi thức phép giai tội ngày nay thì chỉ mới có từ thế kỷ thứ 13, 14; hình thức thánh lễ Misa đã thay đổi từ công đồng Vatican II; và hướng đi của giáo huấn thì ngày nay rất ít nói về hỏa ngục mà nói rất nhiều về lòng thương xót của Chúa; ngày xưa không hề cho phép hóa giải hôn nhân mà ngày nay thì khác hẳn.
Trong khi một số các Đấng lên tiếng phê phán ĐGH bằng nhiều ngôn từ nặng nề bất kính, điều này làm cho các bậc đồng cấp đáng kính khác trong giáo hội, đau lòng và lẽ tự nhiên, phận con cái chúng con cũng mất nhiều niềm tôn kính các vị này. Nó cũng tự chứng tỏ ra rằng các vị cũng đã đánh mất lòng khiêm nhường và lời khấn vâng lời bề trên khi bị thất sủng. Xin các Đấng tự kiểm chế. Chúng con nghĩ rằng vài Đấng có thể vì lòng sốt sắng với ý tưởng bảo vệ Giáo hội nhưng cũng có thể vì muốn che đậy lập trường riêng tư nào khác.
Một vài Đấng đã viện dẫn những đoạn Thánh-kinh để chống đối lập trường của Tòa-thánh, nhưng nếu chỉ chọn lựa những câu thích hợp cho lập trường của mình mà cố tình bỏ qua nhiều câu khác, mà nếu đem vào thì sẽ trái nghịch lại với lập luận của mình, như vậy có phải là cố tình ngụy biện?
Hãy bước xuống để sống gần gũi với dân chúa, nhất là dân chúng nghèo khổ. Từ những trải nghiệm làm cha mẹ mà chúng con nhận thức rằng: muốn nuôi dạy con cái thì phải sống với chúng để hiểu rõ những mong muốn và cả những khó khăn của chúng, từ xưa nay chúng con chỉ nghe những khẩu hiệu là Giáo-hội là của người nghèo hoặc là các Đấng phải đi xuống để sống gần giáo dân, v.v. nhưng trên thực tế thì những khẩu hiệu trên đây vẫn trống rỗng.
Việc sống gần với người nghèo và hiểu được giới nghèo vốn không phải dễ, vì cuộc sống của bậc Tu trì có giới hạn của hoàn cảnh và môi trường khác nhau. Điểm khác biệt đầu tiên là các vị không hề phải lo lắng đến cuộc sống vật chất, cơm ăn áo mặc, đau ốm thuốc men.
Rất ít linh mục đã đi thăm giáo dân, vì quá bận rộn với công việc hành chánh và nhất là không quen hòa đồng. Khi đến với giáo dân vẫn không quen cởi bỏ bức thảm đỏ vô hình và vẫn xa cách với giáo dân, khó có thể đối thoại cởi mở. Sự gặp gỡ của các đắng và giáo dân vẫn không thể nào gần gũi.
Khi chúng con đi bán hàng, chúng con cũng phải học cách giao dịch để bán hàng và chúng con nghĩ, ngày này muốn đi rao bán lời Chúa cũng phải học hỏi.
Từ sau công đồng Vatican II, thì Giáo hội đã mở cửa cho nhiều thay đổi. Chủ trương Giáo-hội là hướng về người nghèo. Nhưng cũng từ đó một số các Đấng đã có chủ trương lật đổ công đồng II để tái lập chế độ cai trị vương giả của thời cổ đại ngày xưa.
Nguyễn Thất Khê
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|