|
THƯỢNG GIỚI VÀ HẠ GIỚI – HÃY ĐỂ CHÚA KÉO TA LÊN
Tin Mừng hôm nay mở ra cho chúng ta một cuộc đối thoại đầy nghịch lý giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái. Chúa Giêsu nói về mình, về nguồn gốc thần linh, về mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và về sứ mạng cứu độ của Người. Nhưng người Do Thái không hiểu. Không phải vì lời của Chúa quá khó, mà vì họ không đặt mình vào vị trí đón nhận. Và hôm nay, Chúa Giêsu vạch rõ lý do sâu xa của sự không hiểu ấy: “Các ông bởi hạ giới, còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này, còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.”
Một câu nói tưởng như đơn giản, nhưng lại chứa đựng sự phân định rất rõ ràng và nền tảng giữa hai thế giới: hạ giới và thượng giới. Hạ giới là thế giới của xác thịt, của trần tục, của những giới hạn. Thượng giới là thế giới của Thần Khí, của linh hồn, của sự sống vĩnh cửu và chân lý trọn hảo. Hạ giới thuộc về đất thấp, nơi tầm nhìn hạn hẹp, kiến thức nông cạn. Thượng giới thuộc về trời cao, nơi cái nhìn bao quát, nơi ánh sáng khôn lường của Thiên Chúa lan tỏa.
Chúa Giêsu là Đấng đến từ thượng giới. Người không chỉ là một Rabbi hay một ngôn sứ giữa lòng dân Israel, nhưng là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể. Người đã nghe Chúa Cha nói và chiêm ngưỡng những gì Chúa Cha làm. Mọi lời Chúa Giêsu thốt ra đều là lời từ Chúa Cha. Người chỉ nói những gì đã thấy, đã nghe. Và đó là lý do tại sao lời Người có uy quyền, có sức đánh động và biến đổi.
Ngược lại, người Do Thái – và nhiều khi là chính chúng ta hôm nay – lại sống theo hạ giới. Sống theo xác thịt. Họ từng được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa vào tự do, nhưng trong sa mạc, họ lại tiếc củ hành củ tỏi, lại mơ về miếng thịt ngon dù phải làm nô lệ. Họ mỏi mòn thân xác vì thiếu niềm tin. Họ sống nặng nề với những ước vọng trần gian, đến nỗi không thể vươn lên khỏi mặt đất.
Họ giống như loài rắn chỉ biết bò sát mặt đất. Và chính để cảnh tỉnh họ, Thiên Chúa đã cho rắn lửa bò ra cắn chết họ trong sa mạc. Ai sống theo xác thịt sẽ phải chết. Khi họ kêu than, Chúa truyền ông Môsê làm con rắn bằng đồng treo lên cây. Ai nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được sống. Một hành động mang tính biểu tượng rất cao: treo con rắn lên nghĩa là treo dục vọng, thói hư tật xấu lên cao để nhận ra chúng là nguyên nhân gây chết chóc.
Con rắn đồng ấy là hình bóng của chính Chúa Giêsu trên thập giá. Người bị treo lên để gánh lấy tội lỗi nhân loại. Người bị lột trần trụi – không phải để hổ thẹn, mà để bày tỏ sự dứt bỏ hoàn toàn mọi ràng buộc xác thịt. Trên thập giá, Chúa Giêsu chiến thắng mọi cám dỗ về danh, lợi, thú. Người hoàn toàn tự do. Và vì thế, khi bị giương cao, Người không hề thất bại, mà chính là lúc được tôn vinh.
Thánh Phaolô từng viết: “Tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô.” Đó là một tuyên ngôn sống động: từ bỏ chính mình, dứt khoát với lối sống theo xác thịt, để sống theo Thần Khí. Đóng đinh xác thịt là từ chối những ham muốn tầm thường, là từ bỏ ích kỷ, là vượt lên trên tính hưởng thụ và lười biếng. Sống cho Chúa là sống trong ánh sáng thượng giới – sống tự do, sống có mục tiêu cao cả.
Chúa Giêsu hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy “treo mình cùng với con rắn đồng”. Hãy treo lên những ước vọng thấp hèn. Hãy đóng đinh dục vọng xác thịt. Hãy dám bước ra khỏi lối sống nặng mùi trần thế để bước vào hành trình sống mới – hành trình của Thần Khí, của niềm tin, của sự sống vĩnh cửu.
Mùa Chay là cơ hội để ta xem lại mình đang thuộc về đâu. Ta là công dân của hạ giới hay là lữ khách của thượng giới? Tâm hồn ta nặng trĩu bởi những lo toan cơm áo, tiền tài, thành công… hay đang bay cao cùng niềm vui dâng hiến, hy sinh và phục vụ? Hằng ngày ta chọn sống theo ý Chúa hay theo thói quen dễ dãi của thế gian? Câu trả lời ấy quyết định hướng đi của đời ta.
Chúa Giêsu không lên án người Do Thái, nhưng Ngài chỉ ra hậu quả tất yếu: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết.” Một lời khẳng định đầy yêu thương. Vì yêu, nên Chúa cảnh báo. Vì yêu, nên Chúa mời gọi tin. Tin vào Ngài không chỉ là một cảm xúc, mà là bước đi vào con đường mới, là để cho ánh sáng thượng giới chiếu rọi bóng tối trong lòng mình.
Hãy để Chúa kéo ta lên. Khi Chúa Giêsu bị giương cao trên thập giá, Ngài nói: “Phần Ta, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.” Chúa muốn kéo ta lên khỏi đám mây mù của dục vọng, ích kỷ và thờ ơ. Kéo ta lên khỏi vùng thấp của những mối lo cạn cợt. Kéo ta lên để sống đời sống vĩnh cửu ngay từ hôm nay.
Xin cho tôi biết thắng mọi cám dỗ của xác thịt trần gian. Xin cho tôi không còn sống cho bản thân ích kỷ nữa, nhưng dám sống cho Chúa và cho anh em. Xin cho tôi được kéo lên cùng Chúa – lên trong Thần Khí, lên về phía thượng giới, thuộc trọn về Nước Trời. Amen.
Lm. Anmai, CSsR
NHÌN LÊN ĐẤNG ĐÃ BỊ ĐÓNG ĐINH: TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CHO NHÂN LOẠI
Hôm nay, Thứ Ba tuần V Mùa Chay, chỉ còn một tuần nữa là đến ngày chiêm ngưỡng Cuộc Khổ Nạn của Chúa chúng ta. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lên Đấng đã bị giương cao, hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh như là dấu chỉ chắc chắn và vĩ đại nhất của tình yêu Chúa Cha dành cho nhân loại sa ngã. Khi càng gần Tuần Thánh, Giáo Hội càng mời gọi chúng ta bước vào chiều sâu mầu nhiệm Thập Giá, không phải như một hình phạt bi thảm, nhưng như đỉnh cao vinh quang của tình yêu và là nguồn mạch cứu độ của toàn thể nhân loại. Thánh Gioan Fisher đã nói một cách cảm động: “Vị Thượng Tế của chúng ta là Đức Kitô Giêsu, thân xác quý báu của Người là hy lễ của chúng ta mà Người đã hiến tế trên bàn thờ Thập Giá để cứu độ mọi người.”
“Khi các ngươi đã giương cao Con Người” (Ga 8,28) – lời Chúa Giêsu tiên báo về chính cuộc khổ nạn và cái chết của Người, nhưng đồng thời cũng là một mạc khải sâu xa: từ trên Thập Giá, vinh quang và căn tính đích thực của Ngài được tỏ hiện. Thập Giá không phải là kết thúc của một bi kịch, nhưng là sự khởi đầu của niềm hy vọng. Khi Con Người được giương cao, thì chính khi ấy, thế gian sẽ nhận ra rằng Ngài là ai. “Ngài là” – không phải chỉ là một tiên tri, một nhà giảng thuyết luân lý, nhưng là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến. Khi Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, đôi tay dang rộng của Người không chỉ là dấu chỉ đau khổ mà còn là vòng tay ôm lấy nhân loại, nối kết trời với đất, mang lại sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người.
Tình yêu không thể nào diễn tả bằng lời, nhưng được khắc sâu trên thân thể bị đánh đòn, bị lột trần, bị đóng đinh của Chúa Giêsu. Một thân thể tan nát vì tình yêu, một trái tim bị đâm thâu vì nhân loại, đó là biểu tượng cao cả nhất của tình bạn giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta thường sợ đau khổ, tìm cách né tránh thập giá trong đời sống. Nhưng chính nơi thập giá, chúng ta khám phá được chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, và cũng là nơi chúng ta tìm được ý nghĩa thật sự cho những đau khổ của đời mình. Thập Giá không còn là bản án, nhưng trở thành hy lễ. Và không ai có thể trở thành môn đệ đích thực nếu không bước theo con đường đó: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều khi người ta tìm cách loại bỏ đau khổ, và cùng lúc đó cũng loại bỏ luôn mầu nhiệm cứu độ. Một thứ Kitô giáo không có Thập Giá là một thứ niềm tin bị rút gọn, là một Tin Mừng đã mất đi trái tim của mình. Khi không còn cảm thức về đau khổ cứu độ, chúng ta sẽ dễ rơi vào một lối sống thoải mái, chạy theo cảm xúc, hoặc tệ hơn, là chủ nghĩa thực dụng, nơi mà mọi thứ đều bị cân đo bởi lợi ích cá nhân. Lúc ấy, chúng ta có nguy cơ nghe thấy từ môi miệng Chúa Kitô một lời cảnh tỉnh buốt giá: “Rốt cuộc, tại sao Tôi phải tiếp tục nói với các người nữa?” (x. Ga 8,25).
Vậy phải chăng, trong hành trình đức tin của chúng ta, cần có một bước dừng lại – một sự nhìn lên – để chiêm ngắm Đấng đã bị đóng đinh. Không phải bằng con mắt lạnh lùng của lý trí, mà bằng trái tim của một người bạn. Chỉ có tình bạn với Đấng quen thuộc với thập giá, mới có thể đem chúng ta đến chỗ thông phần vào mầu nhiệm yêu thương ấy. Đó không phải là tình bạn lãng mạn, mà là một sự kết hiệp sâu xa giữa Đấng Cứu Thế và kẻ tội lỗi. Tình bạn ấy đòi hỏi sự từ bỏ, sự đồng cảm, sự trung tín và niềm hy vọng.
Câu hỏi mà người Do Thái đã đặt ra cho Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng chính là câu hỏi của chúng ta trong Mùa Chay này: “Ông là ai?” (Ga 8,25). Một câu hỏi không thể trả lời bằng lý thuyết. Câu trả lời không nằm trong sách vở, mà nằm trong chính hành động nhìn lên thập giá. Hãy nhìn thật lâu, thật sâu, thật thành tâm. Đừng vội vã rời đi. Đừng chỉ lướt qua. Hãy ở lại đó, trong thinh lặng, trong chiêm niệm. Và chính nơi ấy, Chúa Giêsu sẽ trả lời: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Người là Cây nho, và chúng ta là những cành. Nếu không kết hợp với Người, chúng ta sẽ khô héo. Chúng ta sẽ chết vì tội lỗi mình, vì đã không tin rằng Người là. Nhưng nếu chúng ta tin, nếu chúng ta ở lại trong tình yêu Người, chúng ta sẽ sống. Không chỉ sống đời sau, mà ngay trong đời này, chúng ta có thể sống một cuộc sống tràn đầy niềm vui, bình an, và sức mạnh của sự sống lại.
Trong bối cảnh xã hội đầy những chia rẽ, lo lắng và thất vọng, chúng ta cần hơn bao giờ hết một điểm tựa, một ánh sáng để định hướng. Thập Giá của Chúa Kitô chính là điểm tựa đó. Người không chỉ chịu chết vì chúng ta, mà còn sống vì chúng ta. Người đã vượt qua sự chết để mở đường cho chúng ta đi vào sự sống. Đó là lý do mà Thập Giá không chỉ là biểu tượng của khổ đau, nhưng là biểu tượng của niềm hy vọng. Mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh Giá, là mỗi lần chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta không thuộc về thế gian này, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.
Chúa Giêsu đã nói rằng: “Ta luôn làm điều đẹp lòng Cha” (Ga 8,29). Chúng ta cũng được mời gọi sống như thế: sống đẹp lòng Chúa Cha, không phải bằng những việc lớn lao, nhưng bằng lòng trung tín trong những điều nhỏ bé. Một cái nhìn tha thứ. Một lời nói dịu dàng. Một cử chỉ nhân ái. Một hành động hy sinh âm thầm. Tất cả những điều đó, khi được làm với tình yêu, đều trở thành ánh sáng nhỏ trong đêm tối, trở thành dấu chỉ rằng chúng ta đang sống trong ánh sáng của Thập Giá.
Ước gì Mùa Chay này, cái nhìn của chúng ta không còn bị xao lãng bởi những lo toan đời thường, nhưng trở nên thanh thản và chiêm niệm. Hãy để ánh mắt ta dừng lại nơi Đấng bị đóng đinh, để tâm hồn ta mở ra trước một tình yêu không biên giới, để lòng ta được biến đổi bởi một sự thật mang lại sự sống. Hãy để cho chính Thập Giá của Chúa Giêsu trả lời cho những nghi vấn, lo âu, và khát khao trong lòng mỗi người chúng ta. Và từ đó, chúng ta sống như những người được cứu độ, sống như những chứng nhân của tình yêu không bao giờ tắt lịm, sống như những cành nho kết hợp trọn vẹn với Cây nho Thật – chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã được giương cao vì chúng ta và cho chúng ta.
Lm. Anmai, CSsR
NẾU CÁC ÔNG KHÔNG TIN LÀ TÔI HẰNG HỮU, CÁC ÔNG SẼ MANG TỘI MÌNH MÀ CHẾT
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay vang lên như một cảnh báo nghiêm túc, mạnh mẽ và đầy bi thương của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái thời ấy, nhưng cũng là một lời đánh thức dành cho nhân loại mọi thời, cho từng người chúng ta hôm nay. “Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” (Ga 8,24). Câu nói ấy không phải là một lời kết tội, mà là một lời cảnh tỉnh sâu xa: sự sống đời đời không tùy thuộc vào sự thông minh, tài giỏi hay đạo đức hình thức, mà hệ tại nơi đức tin vào căn tính thật của Chúa Giêsu – Ngài là “Đấng Hằng Hữu”, là Thiên Chúa nhập thể.
Chúng ta hãy cùng bước vào trang Tin Mừng đầy chất mạc khải và mặc khải ấy, để thấy được cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái, từ đó nhận ra sự phân định giữa hai thế giới: hạ giới và thượng giới, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa niềm tin đưa đến sự sống và sự cứng lòng dẫn tới cái chết.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã xác định rõ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” Người Do Thái không hiểu, họ cho rằng Ngài sẽ tự tử – một suy nghĩ xuất phát từ quan điểm lệch lạc, thiển cận của con người hạ giới. Họ nhìn mọi sự bằng mắt xác thịt, và giải thích những điều thiêng liêng theo lý trí tự nhiên. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở việc trả lời thắc mắc của họ theo kiểu đối đáp trí tuệ, mà đi thẳng vào một mạc khải lớn lao về nguồn gốc của Ngài: “Các ông bởi hạ giới, còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này, còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.” Nói cách khác, Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa, Đấng vượt trên thế gian, vượt trên mọi giới hạn không gian và thời gian. Người mang một sứ mạng từ Chúa Cha – và chỉ những ai tin vào căn tính ấy, tin vào nguồn gốc ấy, mới có thể theo Ngài vào sự sống muôn đời.
Cụm từ “Tôi Hằng Hữu” mà Chúa Giêsu sử dụng không phải là ngôn ngữ thường ngày, mà là cách Ngài tự mạc khải chính mình là “Đấng Tự Hữu”, là Thiên Chúa. Chính danh xưng “Tôi Hằng Hữu” mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê trong bụi gai cháy xưa (Xh 3,14), nay được Chúa Giêsu dùng để nói về chính mình. Đây không phải là một danh hiệu bình thường, mà là một lời công bố thần linh. Và vì thế, không tin vào điều này có nghĩa là chối bỏ Thiên Chúa, là mang tội, là không được ơn cứu độ.
Thế nhưng, trước một mặc khải vĩ đại như vậy, người ta vẫn hỏi Ngài một câu đầy nghi ngờ: “Ông là ai?” Dường như sự mù lòa tâm linh đã làm họ không thể nhìn thấy ánh sáng Thiên Chúa ngay trước mắt mình. Họ nghe Ngài giảng, thấy Ngài làm phép lạ, chứng kiến Ngài yêu thương, tha thứ và chữa lành, nhưng họ vẫn không tin. Tội không hệ tại nơi sự ngu dốt, mà hệ tại nơi sự cố chấp không chịu tin. Chính sự cứng lòng đó đã khiến họ không chỉ mù lòa mà còn đi vào sự chết đời đời.
Chúa Giêsu không nổi giận, cũng không bỏ cuộc. Ngài tiếp tục làm chứng, không cho mình, nhưng cho Đấng đã sai Ngài. “Tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói… Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.” Chúa Giêsu luôn quy hướng về Chúa Cha, luôn làm theo ý Cha, và đó cũng là mẫu gương tuyệt vời cho đời sống Kitô hữu: sống không phải để làm theo ý mình, mà là để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Càng gắn bó với Thiên Chúa, người ta càng biết khiêm tốn sống như một khí cụ nhỏ bé trong tay Ngài, như Chúa Giêsu là hình ảnh hoàn hảo của một người Con vâng phục.
Một trong những câu nói quan trọng trong bài Tin Mừng là: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” Ở đây, Chúa Giêsu vừa tiên báo về cái chết thập giá của mình, vừa chỉ ra rằng chính khi Ngài bị đóng đinh, bị giương cao, thì sự thật về Ngài mới được tỏ lộ. Cái chết tưởng như là thất bại ấy lại là chiến thắng huy hoàng của tình yêu Thiên Chúa. Thập giá là nơi mạc khải cao nhất về căn tính của Chúa Giêsu – là Thiên Chúa làm người vì yêu. Và quả thực, sau khi Ngài chết, có nhiều người đã tin vào Ngài. “Quả thật người này là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,54).
Chúa Giêsu cũng nói một điều rất cảm động: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Trong hành trình rao giảng, nhiều lần Chúa Giêsu bị hiểu lầm, bị chống đối, bị ghen ghét, nhưng Ngài không cô đơn, vì luôn sống trong hiệp thông với Chúa Cha. Người tín hữu hôm nay cũng thế: sống đức tin giữa một thế giới vô thần, một xã hội thực dụng và lạc hướng, có thể rất cô đơn, nhưng nếu trung thành sống theo Thánh Ý, thì Thiên Chúa sẽ luôn đồng hành. Sức mạnh không đến từ số đông hay sự đồng thuận của người đời, mà đến từ sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn.
Tin Mừng kết thúc bằng một niềm hy vọng: “Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.” Dù có người từ chối, phủ nhận và chống đối, thì cũng vẫn có người lắng nghe và mở lòng. Lời Chúa không trở về vô ích. Hạt giống vẫn nảy mầm. Hôm nay, cũng có nhiều người tin, nhiều người trở lại, nhiều người cảm nghiệm được Đấng “Tôi Hằng Hữu” đang hiện diện giữa họ, yêu thương họ và cứu chuộc họ.
Trong đời sống hôm nay, nhiều người vẫn tiếp tục sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, hay cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Có những nền giáo dục khước từ Thiên Chúa, có những xã hội cổ võ sự vô thần, có những người cho rằng đạo chỉ là chuyện riêng tư, còn đời sống thực tế thì hãy để vật chất và tự do cá nhân chi phối. Đó chính là cách thế sống “thuộc về thế gian này”, và như Chúa Giêsu nói: “các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”. Tội lớn nhất không phải là phạm một điều xấu cụ thể, mà là từ chối ánh sáng, từ chối Đấng Hằng Hữu, Đấng ban ơn tha thứ.
Chúng ta được mời gọi sống như những người “thuộc về thượng giới”, nghĩa là sống bằng niềm tin, bằng sự gắn bó với Đấng đã từ trời mà đến. Điều này không khiến chúng ta xa lánh cuộc đời hay sống xa rời thực tế, nhưng trái lại, làm cho chúng ta sống cuộc đời này với ý nghĩa, trong ánh sáng của sự thật và lòng yêu thương. Càng sống gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta càng biết cách sống yêu thương anh em, biết chịu đựng những hiểu lầm, biết sống có trách nhiệm và ơn gọi chứng tá.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hoán cải. Hoán cải không chỉ là thay đổi thói quen xấu, mà sâu xa hơn, là quay trở về với Đấng Hằng Hữu, là bước ra khỏi sự mù tối của thế gian này để đón nhận ánh sáng từ trời cao. Mỗi người chúng ta phải đặt lại câu hỏi: “Tôi đang tin vào ai?”, “Tôi đang sống vì điều gì?”, “Cuộc đời tôi có đang gắn liền với Chúa Giêsu không?” Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, là ánh sáng thật, là sự sống thật, thì không gì quý hơn là được thuộc về Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Hằng Hữu, xin giúp chúng con tin thật vào Ngài, không chỉ bằng môi miệng, mà bằng cả cuộc sống. Xin cho chúng con biết từ bỏ nếp sống hạ giới để thuộc trọn về thượng giới. Xin cho chúng con can đảm sống đức tin, để giữa những thách đố của cuộc đời, chúng con luôn bước đi trong ánh sáng. Và khi chúng con mang thập giá mỗi ngày, xin giúp chúng con hiệp thông với thập giá của Chúa, để được cùng Chúa đi đến sự sống đời đời. Amen.
Lm. Anmai, CSsR
HIÊN CHÚA SỰ SỐNG: VỊ THẨM PHÁN CÔNG MINH VÀ NHÂN HẬU
Sự chết luôn rình rập tiêu diệt con người. Từ khi nguyên tổ sa ngã, con người mang lấy thân phận yếu đuối, dễ bị lôi kéo vào tội lỗi, và qua đó, tự nộp mình vào cõi chết. Không chỉ sự chết thể lý, mà còn là cái chết thiêng liêng – sự xa cách Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống. Trong thế giới hôm nay, ta thấy rõ hơn bao giờ hết: con người tiêu diệt lẫn nhau không chỉ bằng gươm giáo, bom đạn, nhưng còn bằng những âm mưu hiểm độc, những gian dối tinh vi, những lời nói ác ý và hành vi thiếu tình thương. Nếu không có Chúa, nhân loại hoàn toàn không còn hy vọng. Sự sống sẽ chỉ còn là một hành trình dẫn đến hư vô.
Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Người can thiệp vào dòng lịch sử bằng công lý và lòng thương xót. Trong sách ngôn sứ Đanien hôm nay, ta chứng kiến một phiên tòa đặc biệt: bà Suzan-na bị cáo oan vì hai người đàn ông lạm dụng quyền lực, che đậy dục vọng dưới lớp vỏ đạo đức. Nhưng Thiên Chúa đã ra tay cứu giúp bà bằng cách cho Đanien can đảm đứng lên, phân xử công minh, vạch trần sự dối trá, phơi bày sự thật. Người công chính được minh oan. Kẻ gian ác bị trừng phạt. Thế cờ bị đảo ngược. Thiên Chúa không để cho sự dữ thắng thế. Công lý được phục hồi. Người lành được bình an. Cộng đồng được bảo vệ. Xã hội có nền tảng công minh.
Tuy nhiên, đó là thời Cựu Ước. Khi đến thời Tân Ước, Thiên Chúa còn đi xa hơn. Không chỉ là công lý, mà còn là lòng nhân hậu. Không chỉ là phân xử đúng – sai, mà còn là tha thứ và cứu độ. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại một phiên tòa khác. Một người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị lôi ra trước công chúng, bị tố cáo, bị đe dọa ném đá. Những kẻ tố cáo nắm giữ luật pháp. Họ nhân danh công lý để kết án. Nhưng Chúa Giêsu – Vị Thẩm Phán Thật – lại đưa ra một hướng xử khác, ngược dòng với luật pháp, nhưng sâu sắc hơn luật pháp: công minh và nhân hậu.
Công minh, vì Chúa không bỏ qua tội lỗi. Nhưng Người chất vấn lương tâm con người: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Một lời mời gọi soi sáng nội tâm, để nhận ra sự thật: trước mặt Thiên Chúa, không ai là vô tội. Và như thế, ai cũng cần lòng thương xót. Những kẻ tố cáo, khi nghe lời ấy, đã lặng lẽ rút lui. Họ không thể ném đá, vì nếu phải ném, thì họ phải ném chính bản thân mình. Sự công minh của Thiên Chúa không phải là sự công minh trừng phạt, mà là công minh soi sáng và đánh thức lương tâm.
Nhân hậu, khi Chúa nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!” Lòng nhân hậu ấy không che giấu sự thật. Nhưng đi xa hơn sự thật. Không kết án. Không giết chết. Mà mở ra một lối đi mới: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Một lời nói đầy lòng tin tưởng. Không đóng đinh con người vào quá khứ. Nhưng mở cho con người một tương lai. Không nhấn chìm con người trong mặc cảm. Nhưng nâng con người đứng dậy trong hy vọng. Không chỉ cứu mạng sống thể lý, mà cứu lấy linh hồn. Không chỉ tha cho một người phụ nữ, nhưng đánh động tất cả mọi người có mặt hôm ấy.
Quả thực, Chúa Giêsu là Vị Thẩm Phán độc nhất có thể xét xử nhân loại. Nhưng điều lạ lùng là: Người xét xử không phải để kết án, mà để cứu chuộc. Người đến thế gian không phải để luận phạt, mà để ban sự sống. Trong Chúa Giêsu, sự công minh và lòng nhân hậu không đối lập, nhưng hòa quyện và thăng hoa. Sự công minh ấy không vô cảm. Lòng nhân hậu ấy không dung túng. Cả hai cùng phục vụ một mục tiêu: cứu độ con người. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống.
Mỗi người chúng ta, trong Mùa Chay này, hãy nhìn lại đời sống của mình. Đã bao lần ta lên án người khác chỉ vì họ yếu đuối? Đã bao lần ta nhân danh sự thật để biện minh cho sự cứng cỏi, thiếu bao dung? Đã bao lần ta không dám nhìn vào tội lỗi của chính mình, nhưng lại nhanh chóng chỉ trích người khác? Hôm nay, lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng là dành cho ta: Hãy soi sáng lương tâm. Hãy từ bỏ thái độ xét đoán. Hãy trở nên nhân hậu như Cha trên trời.
Hãy học lấy cách Chúa xử án. Không phải bằng đá, mà bằng lòng thương. Không phải để triệt tiêu, mà để tái sinh. Hãy để lòng thương xót của Chúa thấm vào cách sống, cách nghĩ, cách đối xử của ta mỗi ngày. Và khi ta biết sống như thế, thế giới này sẽ bớt đi những hận thù, sẽ bớt đi những cái chết tinh thần đang rình rập khắp nơi. Hãy trở thành người mang ánh sáng của công lý và tình thương, để nơi nào ta hiện diện, nơi ấy có sự sống, có tha thứ, có niềm hy vọng.
Ước gì bài Tin Mừng hôm nay không chỉ là một câu chuyện xa xưa, nhưng là gương soi để mỗi người đối chiếu lại đời sống mình. Ước gì chúng ta, sau khi ra khỏi nhà thờ hôm nay, cũng giống như những người đã rút lui trong thinh lặng sau lời Chúa, biết trở về với lòng mình, xét mình, sám hối, và canh tân. Và như thế, chúng ta sẽ gặp được Đấng duy nhất có thể tha thứ, có thể cứu sống, có thể biến đổi đời ta từ bóng tối sang ánh sáng, từ sự chết sang sự sống.
Vì quả thật, nếu không có Chúa, ta không có hy vọng. Nhưng với Chúa, sự sống sẽ chiến thắng. Tình thương sẽ vượt thắng mọi kết án. Và lòng nhân hậu sẽ mở ra cánh cửa thiên đàng cho những ai biết trở về. Amen.
Lm. Anmai, CSsR
KHÔNG AI ĂN NÓI ĐƯỢC NHƯ NGÀI
Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không chỉ là một con người đến từ Na-da-rét. Ngài xuất hiện giữa lòng lịch sử nhân loại với một sứ mạng đặc biệt, một quyền năng khác thường và một lời rao giảng có sức chinh phục phi thường. Không chỉ bởi những phép lạ và việc kỳ diệu, nhưng chính trong lời nói, trong thái độ sống, trong sự hiện diện đầy uy quyền và tình yêu thương của Ngài, người ta cảm nhận được điều gì đó vượt khỏi khả năng của con người phàm trần. Những người đương thời đã thốt lên: “Không ai ăn nói được như Ngài”. Lời ấy vẫn còn vang vọng trong lòng Giáo Hội và trong từng tâm hồn tin yêu suốt dòng lịch sử.
Chúa Giêsu có quyền năng nhưng không hề áp đặt. Ngài có sức lôi cuốn nhưng không hề bắt ép. Ngài tôn trọng tự do của con người, và đó là điều làm nên sự cao cả trong cách thế Thiên Chúa hành động. Thay vì dùng quyền năng để buộc người ta tin, Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ của lòng thương xót, ngôn ngữ của con người để mặc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa. Ngài không chinh phục bằng sức mạnh nhưng bằng tình yêu, không lấn át lý trí con người nhưng nâng tâm trí con người lên để hiểu biết, đón nhận và tin vào mầu nhiệm cứu độ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một cuộc đối thoại căng thẳng giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái, trong đó Ngài đã mạc khải rõ ràng nguồn gốc thần linh của mình: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới… Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” Đây không chỉ là lời nói cảnh tỉnh, mà còn là một tuyên bố về căn tính của Ngài: Chúa Giêsu chính là “Đấng Tự Hữu”, là Thiên Chúa thật, là ánh sáng từ trời cao soi xuống trần gian.
Tuy nhiên, phản ứng của con người trước lời mạc khải ấy là gì? Kẻ thì nghi ngờ, kẻ thì nhạo báng, người thì chối từ. Điều ấy cũng dễ hiểu, bởi vì lời mạc khải của Chúa Giêsu quá cao siêu đối với sự giới hạn của trí khôn con người. Và cũng bởi vì con người thường thích những điều cụ thể, dễ hiểu, dễ kiểm chứng bằng giác quan. Nhưng Chúa Giêsu không đến để làm thỏa mãn sự tò mò, Ngài đến để cứu rỗi. Và ơn cứu rỗi đó đòi hỏi một thái độ: đức tin.
Tin là bước qua ranh giới của lý trí, để đi vào vùng đất của tín thác. Tin là chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương mình, tha thứ cho mình, cứu rỗi mình. Như tác giả tập sách Đường Hy vọng đã viết: “Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Đấng bắt con kính mến, nhưng đúng hơn, Ngài là Đấng con phải để cho Ngài yêu thương.” Chính vì thế, đức tin không thể là một hành vi lý trí đơn thuần, nhưng là một thái độ mở lòng, khiêm tốn và yêu mến.
Ngày nay, con người tưởng như đã có thể làm được mọi sự: bay lên không trung, khám phá vũ trụ, tạo ra trí tuệ nhân tạo… nhưng họ lại không biết tại sao mình sống, sống để làm gì, rồi sẽ đi về đâu. Đó là cơn khủng hoảng hy vọng của thời đại. Và cũng có thể, chính chúng ta, những người đã nhận biết Chúa, đã từng cảm nghiệm tình yêu của Ngài, lại đang bước vào cơn khủng hoảng ấy, khi để cho cuộc sống cuốn đi, để cho bóng tối của vô cảm, ích kỷ, thờ ơ che mờ ánh sáng Tin Mừng.
Chúa Giêsu nói: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng đem lại sự sống.” Lời ấy là bí quyết của hy vọng, là chìa khóa để mở ra một lối sống mới, một cái nhìn mới về cuộc đời. Nhưng để ánh sáng ấy chiếu soi cuộc đời chúng ta, chúng ta cần mở lòng ra đón nhận. Không phải chỉ đón nhận bằng cảm xúc, mà là bằng một thái độ sống gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, trong bí tích, trong sự lắng nghe và thi hành Lời Chúa.
Biết bao lần trong đời, Chúa Giêsu đã thực hiện những phép lạ âm thầm trong cuộc sống chúng ta: nâng đỡ lúc ta yếu đuối, tha thứ khi ta sa ngã, an ủi khi ta cô đơn, chỉ đường khi ta lạc lối… Nhưng ta đã nhận ra chưa? Ta đã cúi đầu tạ ơn và bước đi theo ánh sáng chưa? Hay ta vẫn sống như thể mình không cần Thiên Chúa, như thể Ngài là một kẻ xa lạ, một lý thuyết đạo đức hơn là một Đấng sống động giữa đời?
Đức tin chân thật không dừng lại ở việc tin vào một số giáo lý, mà là một tương quan sống động với Chúa Giêsu – Đấng yêu thương ta vô điều kiện. Đức tin ấy được thể hiện bằng sự khiêm tốn học hỏi Lời Chúa mỗi ngày, bằng việc lãnh nhận các bí tích cách sốt sắng, bằng lòng trắc ẩn và sự hy sinh phục vụ tha nhân. Đức tin ấy sẽ dần dần biến đổi cái nhìn, lời nói, hành vi và cả hướng đi cuộc đời ta.
Vì thế, Mùa Chay là cơ hội vàng để xét lại đức tin. Hãy tự hỏi: Chúa có thật sự là ánh sáng đời tôi không? Tôi có tìm kiếm ánh sáng của Ngài trong những quyết định lớn nhỏ mỗi ngày không? Tôi có để Ngài soi sáng những bóng tối của lòng ích kỷ, giận hờn, ganh ghét và thất vọng trong tâm hồn tôi không?
Có thể chúng ta đã quen sống trong ánh sáng của lý trí, ánh sáng của khoa học, ánh sáng của dư luận xã hội… Nhưng chỉ có ánh sáng của Chúa Giêsu mới đem lại sự sống thật. Những ánh sáng khác chỉ là tia lửa nhỏ, chóng qua. Chỉ có ánh sáng của Đấng “Hằng Hữu” mới giúp ta biết mình là ai, sống để làm gì, và đi đâu về đâu.
Xin Chúa Giêsu – ánh sáng thế gian – soi chiếu tâm hồn chúng ta, để chúng ta không còn lầm lạc trong đêm tối của vô tín và vô cảm. Xin cho chúng ta khiêm tốn mở lòng ra, để nhận ra những dấu chỉ tình yêu của Ngài đang hiện diện trong từng biến cố đời thường. Xin cho mỗi người chúng ta can đảm sống đức tin một cách cụ thể và chân thành, để ánh sáng của Chúa không chỉ chiếu rọi đời ta, mà còn lan tỏa đến anh chị em xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, không ai ăn nói được như Ngài, vì nơi lời Ngài có sức sống, có tình yêu và có ánh sáng vĩnh cửu. Xin cho con lắng nghe lời Ngài mỗi ngày với trái tim biết yêu và tâm hồn biết tin. Xin cho con biết từ bỏ những ánh sáng giả tạo để bước đi trong ánh sáng chân lý. Và xin cho cuộc đời con nên một phản ánh trung thực của ánh sáng Chúa giữa trần gian. Amen.
Lm. Anmai, CSsR
NẾU CÒN HỒ NGHI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA, HÃY SUY NIỆM CẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH
Nếu chúng ta còn hồ nghi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì hãy suy niệm cảnh chưa từng nghe về người phụ nữ ngoại tình này trong Tin Mừng thánh Gio-an để trừ khử mọi nỗi lo sợ của chúng ta. Đó là một phiên tòa tiểu hình, được Thánh Gio-an kể lại bằng năm màn, mỗi màn là một đối kháng sống động giữa lòng bao dung đại lượng của Đức Giêsu và sự bỉ ổi hẹp hòi của loài người. Cảnh tượng ấy, dù đã hơn hai ngàn năm trôi qua, vẫn như đang diễn ra trước mắt chúng ta, bởi vì lòng thương xót Thiên Chúa vẫn đang sống động nơi cuộc đời này, và sự nhỏ nhen khắt khe của con người vẫn còn đầy dẫy khắp nơi.
Cảnh một, màn tố cáo. Một phụ nữ bị chộp quả tang phạm tội ngoại tình bị điệu đến trước mặt Đức Kitô, giữa chốn công cộng. “Thưa Ngài Giêsu, Ngài nghĩ sao? Cần phải làm gì đối với trọng tội này? Theo luật Mô-sê tất nhiên phải ném đá. Còn Ngài thì sao …”. Người phụ nữ ấy bị kéo đến giữa đám đông như một vật thể không có phẩm giá, không có tên gọi, không có quyền biện minh. Những kẻ tố cáo chị tưởng mình là người nắm giữ công lý, nhưng thực ra chỉ là những kẻ mượn luật pháp để phục vụ mưu đồ đen tối. Họ không tìm kiếm sự thật, không quan tâm đến công lý, càng không màng đến lòng nhân hậu. Họ chỉ muốn thử Đức Giêsu, để gài bẫy Người, và nếu có thể thì tiêu diệt Người. Còn người phụ nữ kia, chị là ai? Một con người thật sự, một thân phận tội lỗi, nhưng cũng là một trái tim đang run rẩy, một linh hồn đang tuyệt vọng.
Cảnh hai, màn cúi xuống đất. Đức Kitô, vị quan tòa lặng thinh, thong thả cúi xuống và vẽ trên đất những hình nguệch ngoạc nực cười. Không một lời đáp trả vội vàng, không một phản ứng dữ dội, nhưng là sự im lặng đầy quyền năng. Sự im lặng ấy nói nhiều hơn vạn lời, bởi vì đó là sự im lặng của một trái tim hiểu rõ lòng dạ con người. Người vẽ gì trên đất? Không ai biết. Nhưng chính trong hành động tưởng như vô nghĩa đó, Đức Giêsu đã từ chối bước vào cạm bẫy mà họ giăng ra. Người đã biến phiên tòa tố cáo trở thành phiên tòa lương tâm, nơi mỗi người phải đối diện với chính mình.
Cảnh ba, màn chất vấn ngược. Những kẻ tố cáo bắt đầu khó chịu, bực bội, đứng trước vị ngôn sứ im lìm nặng nề. Đức Kitô biết rõ mục đích của họ, biết rằng họ đang sốt sắng nại đến việc giữ luật Mô-sê để thúc giục Người mắc vào cạm bẫy. Nếu Người chống lại luật ném đá, họ tố cáo Người phá luật. Nếu Người ra lệnh ném đá, Người mất đi hình ảnh của một vị Thầy từ bi. Nhưng Đức Giêsu không bị cuốn vào thế tiến thoái lưỡng nan ấy. Người ngước mắt nhìn họ với ánh mắt thương hại, không phải vì họ yếu đuối, nhưng vì họ gian manh. Rồi Người nói: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước.” Một câu nói đơn sơ mà thấu tim gan. Một câu nói biến phiên tòa thành tấm gương cho mọi tâm hồn. Một câu nói khiến mọi kẻ tố cáo bỗng trở thành bị cáo trước lương tâm mình.
Cảnh bốn, màn bối rối. Các ông rất lúng túng, từng người bỏ đi, bắt đầu từ người già nhất. Càng sống lâu, con người càng tích lũy nhiều lỗi lầm, nên những người già nhất cũng là những người đầu tiên nhận ra sự thật phũ phàng: mình cũng là kẻ có tội. Họ không thể ném đá chị phụ nữ kia, bởi vì chính họ cũng đáng bị ném đá. Và thế là từng người, từng người một âm thầm rút lui, để lại một khoảng trống lặng lẽ giữa quảng trường đông người. Khoảnh khắc ấy là khoảnh khắc của sự thật, của sự hoán cải âm thầm, nhưng cũng là khoảnh khắc của sự chiến thắng: chiến thắng của lòng thương xót trên sự kết án, của tha thứ trên hận thù.
Cảnh năm, màn tha thứ. Đức Giêsu còn lại một mình, thanh thản, trong sáng, trước người nữ bị hạ nhục, mắng nhiếc, bôi nhọ trước công chúng. Không một lời than trách, không một cử chỉ khinh chê, không một vẻ làm cao hay thương hại. Chỉ là một cái nhìn đầy cảm thông, một thái độ nhã nhặn, một cử chỉ dịu dàng. Đức Giêsu không cần gạn hỏi, không cần buộc tội, không cần truy xét tỉ mỉ. Người chỉ nói: “Không ai kết án chị ư? Tôi cũng vậy. Tôi không kết án chị. Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Một câu nói mang cả trời yêu thương. Một câu nói làm dịu nỗi đau và mở ra một chân trời hy vọng. Một câu nói làm sống lại một con người.
Anh chị em thân mến,
Nếu còn ai trong chúng ta nghi ngờ rằng Thiên Chúa có thể tha thứ cho mình, thì xin hãy nhớ lại người phụ nữ ấy. Nếu còn ai nghĩ rằng tội mình quá nặng, không thể được xóa bỏ, thì hãy nghe lại lời Giêsu: “Tôi không kết án chị”. Nếu còn ai sợ hãi trước cái nhìn của Thiên Chúa, thì hãy nhớ ánh mắt của Ngài khi nhìn người phụ nữ đó: không trách móc, không ghê tởm, không lạnh lùng, nhưng đầy yêu thương và tràn ngập ánh sáng. Đức Giêsu không che giấu sự thật về tội lỗi, nhưng Người cũng không vùi dập kẻ có tội. Người chữa lành bằng cách nâng dậy, không phải bằng cách nghiền nát. Người biến lòng sám hối thành cơ hội phục hồi, không biến nó thành bản án tử hình.
Ngày hôm nay, có biết bao người vẫn bị lôi ra giữa đám đông, bị phán xét, bị sỉ nhục vì lỗi lầm của họ. Có biết bao lần chúng ta cũng cầm viên đá trong tay, sẵn sàng ném vào người khác bằng những lời nói ác độc, những cái nhìn khinh thường, những hành động lạnh lùng. Có biết bao lần chúng ta trở thành những kẻ tố cáo, hơn là những người cứu độ. Nhưng Chúa mời gọi chúng ta hôm nay hãy bỏ viên đá xuống, nhìn lại bản thân mình, và bước theo con đường tha thứ.
Bài học lớn nhất từ đoạn Tin Mừng này là hãy tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Người không chờ chúng ta nên hoàn hảo mới yêu thương, nhưng yêu thương để chúng ta có thể thay đổi. Người không kết án, mà chỉ chỉ đường. Người không lên án, mà trao ban cơ hội. Người không dập tắt tàn đóm, nhưng thổi cho nó bùng cháy lại. Thiên Chúa ấy chính là Cha chúng ta, là Đấng Cứu Độ chúng ta, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta.
Vì thế, nếu hôm nay bạn cảm thấy tội lỗi của mình quá lớn, hãy đến với Đức Giêsu. Nếu bạn đang thất vọng vì bị người đời khinh chê, hãy tìm đến ánh mắt Người. Nếu bạn đang bị đè nặng bởi chính lương tâm mình, hãy nghe lại lời Người nói: “Tôi không kết án bạn.” Và nếu bạn đã từng cầm viên đá trong tay để kết án người khác, thì hôm nay hãy buông bỏ nó xuống, và thay vào đó, hãy dang rộng đôi tay ra để nâng người anh em của mình dậy.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin vào lòng thương xót của Chúa. Xin đừng để chúng con trở thành những người tố cáo, nhưng trở thành những người biết tha thứ và yêu thương. Xin cho cuộc đời chúng con là một phản chiếu trung thực của ánh mắt dịu hiền của Chúa, để thế giới này bớt đi một viên đá, và có thêm một tấm lòng.
Lm. Anmai, CSsR
LỄ LỀU – PHIÊN TÒA CỦA LƯƠNG TÂM
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay diễn ra trong khung cảnh Lễ Lều. Đây là một trong ba lễ lớn của người Do Thái, gắn liền với ký ức lịch sử và niềm tin tôn giáo của dân Chúa. Khi nhắc đến Lễ Lều, là người ta nhớ lại hành trình bốn mươi năm vất vả, nhọc nhằn và đầy ơn phúc trong sa mạc, nơi mà dân Israel sống tạm bợ trong các túp lều, dưới sự dẫn dắt và che chở của Thiên Chúa. Không chỉ là một lễ nhắc nhớ quá khứ, Lễ Lều còn là dịp tạ ơn Thiên Chúa sau mùa gặt, là thời điểm vui mừng nhất trong năm phụng vụ Do Thái. Niềm vui ấy mang tính cộng đồng sâu sắc, vì lễ này không phân biệt người giàu hay nghèo, không loại trừ ai, và là dịp để mọi người tụ họp, chia sẻ, ca hát và tâm sự. Chính vì thế, Lễ Lều được gọi là lễ của Vui Mừng, lễ của Tình Huynh Đệ.
Trong bầu khí lễ hội ấy, khung cảnh Tin Mừng trở nên đặc biệt. Giữa lúc mọi người đang tưng bừng về Giêrusalem, lòng người phấn khởi, đám đông rộn ràng, thì Đức Giêsu – vị Thầy đang gây ảnh hưởng lớn nơi dân chúng – lại trở thành mục tiêu cho sự ganh tỵ và ác tâm của nhóm Pharisêu và các kinh sư. Họ đang canh chừng, tìm dịp để gài bẫy Ngài. Với họ, đây là “thời điểm vàng”, bởi dân chúng đang đổ về đông đúc. Nếu hạ được uy tín của Đức Giêsu ngay giữa đám đông, họ sẽ dễ bề triệt hạ Ngài. Và cơ hội “ngàn năm một thuở” đã đến khi họ bắt quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình.
Thật ra, trong vụ việc này, điều người ta muốn xét xử không phải là chị phụ nữ, mà chính là Đức Giêsu. Chị chỉ là một cái cớ, một quân bài, một vật hy sinh cho mưu đồ của họ. Trong mắt họ, chị phụ nữ không phải là một con người cụ thể với nỗi đau, với sai lầm, với niềm hy vọng hay khát khao được tha thứ; chị chỉ là phương tiện để gài bẫy Đức Giêsu. Và cái bẫy thì rất tinh vi: họ đặt Ngài vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Ngài đồng tình với việc ném đá, thì sẽ đi ngược lại với hình ảnh một vị Thầy nhân lành vẫn rao giảng lòng thương xót, lại vi phạm luật Rôma vì người Do Thái không có quyền xử tử. Còn nếu Ngài không đồng ý, thì sẽ bị tố cáo là chống lại Luật Môsê, bị xem là một người phá bỏ truyền thống và luật lệ. Thế là đủ để lên án Ngài.
Nhưng Đức Giêsu không trả lời ngay. Ngài không vội vã như họ. Ngài cúi xuống, viết trên đất. Có nhiều cách giải thích về hành vi này, nhưng dù theo cách nào, thì sự thinh lặng và thái độ điềm tĩnh của Ngài là một sự đối nghịch rõ ràng với sự hăm hở, vội vàng và hung hăng của nhóm tố cáo. Có lẽ, trong thinh lặng đó, Ngài để cho cơn giận của họ hạ nhiệt; để cho đám đông dịu lại; và nhất là để lương tâm mỗi người có thời gian đối diện với chính mình.
Rồi trong một câu nói ngắn gọn nhưng đầy uy lực, Đức Giêsu xoay chuyển hoàn toàn phiên tòa. Ngài nói: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước đi!”. Không cần lý luận, không cần tranh biện, chỉ một câu hỏi để đánh thức lương tâm. Từ phiên tòa xét xử người phụ nữ, Đức Giêsu đã biến nó thành phiên tòa của chính những kẻ tố cáo. Và kết quả là gì? Người lớn tuổi nhất bỏ đi trước, rồi đến người trẻ. Họ không còn dám ở lại, bởi họ không thể tự tin nói rằng mình vô tội. Họ không thể cầm viên đá ném người khác khi chính tay mình cũng từng vấy bẩn. Tội lỗi không còn là chuyện của riêng chị phụ nữ, mà là của tất cả. Trong thinh lặng ấy, từng người một rút lui, nhường chỗ lại cho sự hiện diện duy nhất: một Đức Giêsu nhân hậu và một người phụ nữ tội lỗi đang sợ hãi và run rẩy.
Không ai lên án chị. Đức Giêsu nhìn chị và nói: “Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Một câu nói lạ lùng, bởi người duy nhất không có tội, là Đức Giêsu, lại không kết án. Thay vào đó, Ngài tha thứ. Nhưng không phải là thứ tha thứ dễ dãi hay chối bỏ sự thật. Ngài không nói rằng: “Chị không có tội”, nhưng nói rằng: “Tôi không lên án”. Ngài không làm lơ với tội lỗi, mà kêu gọi hoán cải: “Từ nay đừng phạm tội nữa”. Tình yêu thật sự luôn đi liền với sự thật. Lòng thương xót không phải là làm ngơ với sai lầm, nhưng là trao cơ hội để bắt đầu lại.
Và từ đây, mỗi người chúng ta được mời gọi đối diện với chính lòng mình. Chúng ta thường dễ dàng kết án người khác, dễ dàng rêu rao tội lỗi của tha nhân, nhưng lại bao che cho chính mình. Chúng ta nhân danh Thiên Chúa để lên án, để trừng phạt, nhưng thực chất là vì ganh tỵ, vì đố kỵ, vì muốn triệt hạ người khác. Ngày nay, biết bao người vẫn đang bị đưa ra “pháp đình công luận”, bị bêu xấu giữa cộng đồng, bị nghiền nát dưới sức mạnh của những lời đồn đại, của mạng xã hội, của truyền thông độc hại. Người ta chụp mũ, bôi nhọ, ném đá, mà không cần biết rõ sự thật. Và đau lòng thay, có khi những người ném đá ấy lại là Kitô hữu, là người đi lễ, là người mang danh phục vụ Giáo Hội.
Đáng buồn hơn nữa là khi người ta nhân danh Thiên Chúa để hạ bệ anh em mình. Không phải vì yêu mến sự công chính, nhưng vì muốn thể hiện mình là đạo đức hơn người khác. Họ thuộc hạng người mà dân gian gọi là: “Miệng tụng lời nam mô nhưng bụng chứa đầy bồ dao găm”. Lời Chúa hôm nay là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. Đức Giêsu không chỉ bênh vực người phụ nữ ngoại tình. Ngài bênh vực con người, bênh vực phẩm giá của những ai bị loại trừ. Ngài không hợp thức hóa tội lỗi, nhưng cũng không cho phép bất cứ ai nhân danh công chính để kết án kẻ khác.
Bài học lớn hôm nay là bài học về lòng thương xót. Chúng ta được mời gọi để trở thành những con người biết thứ tha, biết nhìn người khác bằng ánh mắt nhân hậu của Đức Giêsu, và biết lắng nghe tiếng thì thầm của lương tâm mình. Trước khi kết án ai, hãy tự hỏi: mình có vô tội không? Trước khi ném một viên đá, hãy cúi xuống mà nhìn lại lòng mình. Bởi biết đâu, chính mình cũng đang cần một bàn tay tha thứ.
Lạy Chúa Giêsu, cách hành xử của Chúa trong câu chuyện này thật tuyệt vời. Chúa không nói nhiều, không tranh luận, chỉ dùng ánh mắt yêu thương và sự thinh lặng để lay động lương tâm con người. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa lòng bao dung, nhân hậu và khiêm nhường. Xin giúp chúng con can đảm nhìn lại chính mình, biết tha thứ và tạo cơ hội cho anh chị em chúng con đứng dậy và làm lại cuộc đời. Xin cho chúng con đừng bao giờ nhân danh Chúa để kết án hay loại trừ người khác, nhưng biết sống theo tinh thần của Lễ Lều: là lễ của tình huynh đệ, không ai bị bỏ rơi, không ai bị loại trừ. Xin Chúa chúc lành và biến đổi chúng con, để chúng con cũng trở thành khí cụ bình an và lòng thương xót của Chúa giữa thế gian hôm nay. Amen.
Lm. Anmai, CSsR
|
|