CHÚA NHẬT XIV TN C: SỨ GIẢ CỦA BÌNH AN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí - Gp. Xuân Lộc

Thưa quý OBACE, ngay trong lần đầu tiên xuất hiện tại ban công Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Leo đã ngỏ với Giáo Hội và thế giới bằng lời của Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: “Bình an cho anh chị em.” Lời chào chúc này tuy không phải là mới, nhưng lại rất phù hợp trong hoàn cảnh của thế giới đang chiến tranh, bạo lực và bất ổn, bất an. Cũng ngay ngày Chúa nhật kế đó, khi đọc Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi hoà bình cho Ukraina. Ngài mời gọi hai bên Nga và Ukraina cùng đối thoại để tìm ra giải pháp hoà bình với lời nhấn mạnh: “Đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa.” Ngài nhắc đến bao nhiêu người phải chết mỗi ngày vì bom đạn, bao nhiêu trẻ em phải mồ côi bị đưa đi khỏi gia đình. Cũng trong bài huấn từ đầu tiên này, ĐTC ủng hộ cho việc ngừng bắn tại Israel và dải Gaza, và thúc đẩy nơi đây tìm kiếm giải pháp hoà bình bền vững. Đức Thánh Cha còn tuyên bố Toà Thánh sẵn sàng đứng ra làm trung gian để nối kết, giúp các quốc gia đối thoại và tìm kiếm hoà bình.

Không chỉ kêu gọi hoà bình cho thế giới, trong cuộc gặp gỡ với phóng viên báo chí truyền thông, ĐTC cũng nhắc nhở những người sử dụng truyền thông: “Hãy thông truyền những lời lẽ để xây dựng hoà bình, hãy cổ võ cho hoà bình, đừng dùng những lời lẽ gây hấn, thù oán khơi mầm chiến tranh.”

Qua những lần gặp gỡ tiếp xúc với các thành phần xã hội và với các cộng đoàn tín hữu, ĐTC Leo đã cho thế giới thấy, ngài đang thực hiện Lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ hôm nay: “Khi vào bất cứ nhà nào thì trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này.” Qua đó, ĐTC muốn dẫn đưa Giáo Hội và thế giới đến hoà bình, ngài muốn tìm mọi cách để các quốc gia, các dân tộc được sống trong hạnh phúc và bình an.

Bài đọc một tiên tri Isaia nhấn mạnh: Thiên Chúa là nguồn bình an, Ngài có thể biến đổi chiến tranh, hận thù trở nên an bình. Trong thời điểm tiên báo những lời này, thành Giêrusalem đang bị đe doạ bởi ngoại xâm, chiến tranh, chết chóc đang đến gần, điều đó khiến cho dân Do Thái vô cùng lo sợ. Người Do Thái hình dung sẽ đến ngày Giêrusalem bị phá huỷ, đền thờ bị xúc phạm và đoàn dân phải làm nô lệ. Trong bối cảnh lo âu như thế, tiên tri Isaia đã khơi lên niềm hy vọng khi quả quyết với dân Do Thái rằng: Những ai tin Chúa và đón nhận giáo huấn của Chúa, thay đổi lại đời sống, thì Chúa sẽ tuôn đổ sự bình an của Ngài xuống trên tâm hồn người ấy và Ngài cũng sẽ tuôn đổ sự bình an xuống trên Giêrusalem: “Này Ta sẽ tuôn đổ ơn thái bình xuống thành đô như dòng sông Cả.” Trong khung cảnh thái bình mà Thiên Chúa ban tặng, tất cả mọi người sẽ được sống trong niềm vui và hạnh phúc như những đứa trẻ được sống trong sự chăm sóc của cha mẹ, trong mái nhà của mình, được bồng ẵm bên hông, được nâng niu trên đầu gối.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai môn đệ, sai các ông từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Ở câu chuyện này, tác giả Tin Mừng đã lưu ý rằng: Chúa sai các ông đi trước và Chúa sẽ đến sau. Điều này chứng tỏ rằng, những người này sẽ trở thành sứ giả đi trước để dọn đường cho Chúa. Các ông đi không phải với tính cách cá nhân, mà là những người được sai đi; các ông sẽ phải rao giảng và làm việc trong sự hiệp thông, hiệp nhất với nhau. Các môn đệ này sẽ không làm gì khác ngoài việc khai đường mở lối để Chúa đến với từng người, từng gia đình và họ sẽ là người giúp người khác nhận ra Chúa Giêsu. Một điều cũng đáng lưu ý là thánh Luca không kể tên bảy mươi hai môn đệ này, vì tác giả muốn cho mỗi người hiểu rằng, chính mỗi chúng ta là thành phần thuộc số bảy mươi hai này, là những người đã được Chúa chọn và sai đi với cùng sứ mạng và nhiệm vụ của các tông đồ.

Việc Chúa tuyển chọn và sai mỗi người ra đi là một sứ mạng hết sức cấp bách và cần thiết, như nhà nông bước vào mùa lúa chín đã vào vụ thu hoạch, không thể chần chừ cũng không bỏ lỡ cơ hội: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Sứ mạng và hành trang các môn đệ mang theo không phải là túi tiền hay vật chất, cũng không phải là gậy gộc hay quyền lực, cũng không phải là những lời chào hỏi, những lời lẽ sáo rỗng, nhưng mỗi người phải mang theo sự bình an của Chúa: “Khi vào nhà nào trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này.” Đây vừa là hành trang, vừa là sứ mạng của những người được Chúa sai đi, đồng thời cũng là chuẩn mực để phân biệt người nói có phải là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hay không. Vì người gây thù oán, gây chia rẽ, gây tổn thương cho người khác, thì chắc chắn không phải là môn đệ của Chúa Giêsu.

Khi mỗi người không ngại ngần để đến với anh em như sứ giả bình an; khi mỗi người rao giảng trong tư cách là người được sai đi, thì chính Chúa sẽ là sự bình an cho kẻ ấy và cho cả những người đón nhận họ. Chúa muốn những người được Chúa sai đi phải có một tâm hồn, một lối sống khiêm nhường và chính cuộc sống của họ trở thành bình an, niềm vui cho người họ gặp gỡ: không huênh hoang nhiều lời, không đòi hỏi vật chất, không tìm kiếm nơi chốn theo sở thích, vì thế: “Đừng đi hết nhà này qua nhà nọ. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta dọn cho ăn uống thứ gì thì anh em hãy dùng thứ đó.” Đặc biệt hơn nữa, Chúa muốn người môn đệ phải sống và đem lòng thương xót của Chúa đến cho những anh chị em đau khổ, bệnh tật về thể xác và tâm hồn: “Hãy chữa những người đau yếu và nói với họ: Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

Sống và đem lòng thương xót của Chúa cho anh chị em, có nghĩa là mang trong mình trái tim, con mắt, đôi tay của Chúa Giêsu, để qua từng cử chỉ, từng việc làm của người môn đệ, người khác sẽ nhận ra sự đụng chạm, tiếp xúc và chạnh thương của chính Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không mang đến cho những anh chị em lương dân sự khôn ngoan của thế gian, cũng không dùng lý lẽ của triết học, như ông chia sẻ với cộng đoàn Galat trong bài đọc hai rằng: “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Chúa Giêsu.” Phaolô đã mang chính Chúa Giêsu và những dấu tích của lòng thương xót Chúa đến với anh chị em dân ngoại. Những ai tin và đón nhận Tin Mừng mà thánh Phaolô rao giảng thì chính Thiên Chúa là nguồn bình an và lòng thương xót sẽ đến trên những người ấy.

Thưa quý OBACE, sứ mạng rao giảng Tin Mừng bình an của Chúa là sứ mạng của mỗi người tín hữu. Trong ngày lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong ngày Thêm sức, chúng ta trở nên môn đệ trung tín của Chúa, được Chúa sai đi trước để dọn đường cho Chúa đến với anh chị em. Chúa sai chúng ta vào trong môi trường xã hội này, nơi các công ty, nơi buôn bán, trường học và cả môi trường các trang mạng. Chúng ta không thể đem đến nơi đó sự bất an, hận thù nhưng là đem đến các môi trường ấy sự bình an của Chúa, đó là sự tha thứ, bao dung và chữa lành. Chúng ta đem vào các môi trường ấy những điều tích cực, những điều tốt đẹp mang tính xây dựng, cổ võ hoà bình. Khi mỗi người thực thi sứ mạng Chúa trao cách tích cực như thế, là chúng ta dọn đường để cho Chúa đến và hiện diện ở những nơi đó.

Đặc biệt, Chúa sai mỗi người vào trong môi trường gia đình của mình, mỗi người đều phải trở thành sứ giả, người kiến tạo sự bình an, hạnh phúc cho gia đình mình, biến gia đình thực sự trở thành mái ấm, thành nơi mà mỗi thành viên đều có thể cảm nhận được hơi ấm, sự nâng đỡ bởi tình yêu thương, được lắng nghe và được cảm thông. Chúng ta cũng cần lưu ý một điều hết sức quan trọng là mỗi người được sai đi không phải để làm theo ý riêng mình, nhưng là làm theo ý Chúa, Đấng đã sai mình. Mỗi người sẽ là người đi trước dọn đường để cho Chúa có thể dễ dàng bước vào và hiện diện trong gia đình của mình qua các việc đạo đức cá nhân, qua các giờ kinh tối của gia đình.

Điều quan trọng hơn cả, trước khi sai các môn đệ ra đi, Chúa muốn họ dành thời gian cầu nguyện cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và cầu nguyện cho chính những người được sai đi, để họ luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết với sứ mệnh cao cả này. Lời cầu nguyện mang trong mình sức mạnh kỳ diệu - có thể chạm đến tâm hồn con người và làm biến đổi cả thế giới. Mỗi ngày, trước khi bước vào môi trường làm việc, giao tiếp xã hội hay không gian mạng, chúng ta cần dâng lên Chúa lời nguyện cầu: xin Ngài biến đổi chúng ta thành những sứ giả mang bình an, đồng thời biến đổi những con người và không gian chúng ta đi qua trở thành nơi Chúa hiện diện.

Xin Chúa soi sáng để mỗi người chúng ta luôn ý thức sâu sắc và chu toàn sứ vụ Ngài trao phó mỗi ngày, trở thành sứ giả bình an của Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Amen.