|
Chúa nhật XI Mùa Thường Niên – Năm B
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (4,26-34)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa."
Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Nước Thiên Chúa luôn phát triển
Một trong những hạt giống kỳ lạ nhất trên thế giới, đó là hạt giống của một loại tre bên Trung Quốc. Nó nằm trong lòng đất suốt năm năm rồi mới nhú chồi non lên trên mặt đất. Trong khoảng thời gian này, người ta phải chăm sóc, tưới nước, phải bón phân đều đặn cho nó. Thế nhưng một khi đã trồi lên khỏi mặt đất thì chỉ trong vòng sáu tuần, nó sẽ mọc lên cao tới năm mét. Các chuyên gia cho rằng suốt thời gian năm năm trong lòng đất, hạt giống của loại tre ấy đã hình thành một hệ thống rễ phức tạp. Nhờ hệ thống rễ này, mầm non có thể tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Hình ảnh loại tre này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để giải thích về Nước Thiên Chúa. Nhưng trước hết, Nước Thiên Chúa là gì? Trong Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Nước Thiên Chúa được định nghĩa là “một vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.” Như vậy Nước Thiên Chúa là một vương quốc tuyệt vời, toàn hảo cho nhân loại.
Chúa Giêsu ví Nước Thiên Chúa giống như hạt cải nhỏ bé được gieo xuống đất. Hạt giống nẩy mầm và mọc lên lớn hơn mọi thứ cây trong vườn, đến nỗi chim chóc có thể làm tổ ở đó. Điều này có nghĩa là Nước Thiên Chúa ngày càng phát triển và lan rộng trong thế giới qua mọi thời và mọi nơi.
Nhưng lời khẳng định này của Chúa Giêsu dường như đi ngược lại với những gì chúng ta nhìn thấy xung quanh mình. Nhìn ra thế giới, hầu như chúng ta chỉ thấy những tin tức về chiến tranh, mưu sát, những vụ bạo lực và bất công, v.v..., không có nơi cho công lý ngự trị.
Nhìn vào Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội ở Âu Châu, chúng ta thấy các cộng đoàn Kitô hữu ngày càng thu nhỏ lại và già nua, ơn gọi tu trì giảm sút trầm trọng, linh mục ngày càng khan hiếm. Vậy Nước Thiên Chúa lớn mạnh ở nơi nào? Dầu vậy, hôm nay Chúa Giêsu vẫn nói với chúng ta rằng, Nước Thiên Chúa luôn phát triển, cho dù chúng ta muốn hay không, và mặc dù chúng ta không nhìn thấy. Điều chúng ta cần làm là luôn tin tưởng vào Chúa trong kiên nhẫn và khiêm nhường.
Qua dụ ngôn hạt cải, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về sự kiên nhẫn. Người ví Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi được gieo, nó cần thời gian để nảy mầm và lớn lên. Người gieo giống không thể bắt hạt giống nảy mầm hay lớn lên theo ý mình được.
Công việc nào, tác phẩm nào cũng cần có sự kiên nhẫn. Hạnh phúc của đời sống vợ chồng được xây dựng theo thời gian và lòng thủy chung, chứ không phải do sự say mê của “tiếng sét ái tình”, của buổi đầu gặp gỡ. Chúng ta có thể dùng kéo cắt lá, tỉa cành, nhưng cây vẫn không thể lớn nhanh hơn được, vì thiên nhiên có nhịp độ riêng của nó. Nó không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta. Các bậc cha mẹ mong muốn thời kỳ thai nghén ngắn hơn, nhưng vẫn phải chờ đến chín tháng mười ngày đứa con mới được chào đời. Cha mẹ thường dễ thất vọng khi không thấy kết quả những giá trị mà họ đã gieo nơi con của mình. Tấm gương của người gieo giống có thể khuyến khích họ: hạt được gieo trước sau cũng sẽ nảy mầm, lớn lên và luôn luôn đơm hoa kết trái, dù cho mùa thu hoạch có khi muộn màng...
Lời Chúa giống như hạt giống được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta, để chúng ta đem gieo vào lòng nhân loại, để Lời Chúa biến đổi thế giới. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi và có niềm tin để thấy Lời Chúa đơm hoa kết trái trong thế giới này. Qua những sứ giả của Người, Thiên Chúa gieo Lời của Người vào những trái tim khô cằn nhất, trong sa mạc của những đám đông dửng dưng.
Khi ví nước Thiên Chúa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất, Chúa Giêsu cũng muốn dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường. Sứ giả chỉ là những người gieo hạt giống mà thôi, họ không phải là người làm cho nó nẩy mầm và sinh trưởng. Chỉ có Chúa mới làm được điều đó! Chúng ta trong bất cứ vai trò gì, là những giáo lý viên, là các nhà giảng thuyết, các nhà truyền giáo, hay những chứng nhân, v.v... chúng ta cũng chỉ là những người gieo hạt. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm việc trong tâm hồn người nghe để những gì chúng ta gieo vãi được trổ sinh hoa trái. Vì thế, chúng ta không tự hào hay hãnh diện trước một mùa bội thu, cũng không buồn rầu hay thất vọng khi không thấy kết quả. Chúng ta cũng không thể bắt người khác phải sinh hoa kết trái theo ý của mình. Công việc của chúng ta là gieo, gieo và tiếp tục gieo với niềm xác tín rằng hạt giống Lời Chúa sẽ nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả, dù có thể chúng ta không thấy hoặc không được thu hoạch.
Dưới con mắt thế gian, Nước Thiên Chúa bắt đầu bằng sự thất bại với cái chết trên thập giá của Con Thiên Chúa... Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Đức Giêsu như hạt giống nhỏ mà Thiên Chúa Cha gieo vào lòng nhân loại, chịu mục nát và chết đi, để từ nơi Người, Giáo Hội được sinh ra và trở thành nơi mà tất cả mọi người đều có thể đến để kín múc ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi tất cả chúng ta vừa là người gieo giống, vừa trở thành hạt giống, để qua những gì chúng ta gieo và những gì chúng ta trở thành, Thiên Chúa sẽ làm cho Nước của Người được biểu lộ một cách viên mãn. Đó là khi chúng ta làm cho tình yêu, công lý và hòa bình được hiển trị trong thế giới này.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|