Love Telling ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn Cha cố Phêrô (Ns. Kim Long) được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen! Loan Pham nhắn với ACE: Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin thương cứu rỗi linh hồn Phê-rô Lm. Kim Long sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen Loan Pham nhắn với ACE: Hòa cùng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự ra đi của Lm. Kim Long là Nhạc sĩ quý mến của chúng ta...đó là sự thương xót mất mát rất lớn của Thánh Nhạc Việt Nam... chúng ta hãy cùng dâng lời nguy Loan Pham nhắn với Gia đình TCVN: Hòa cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam với sự ra đi vô cùng thương tiếc của Lm. Kim Long là nhạc sĩ Thánh Ca thân yêu của chúng ta... Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin: Giesu Matia Giuse xin thương cứu rỗi linh ThanhCaVN nhắn với ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 18 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn ĐTC Phanxicô được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen!

kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: Bài giảng lễ Chúa nhật 7 thường niên C - 2025

Threaded View

  1. #1
    gioanha's Avatar

    Tham gia ngày: Nov 2008
    Tên Thánh: Gioan
    Giới tính: Nam
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,928
    Cám ơn
    2,244
    Được cám ơn 5,747 lần trong 2,084 bài viết

    Default Bài giảng lễ Chúa nhật 7 thường niên C - 2025

    CHÚA NHẬT VII TN C:
    CÓ LÒNG NHÂN TỪ NHƯ CHA TRÊN TRỜI

    Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

    Trên Facebook thời gian vừa qua thường xuyên có những video clip ghi lại cảnh những người tham gia giao thông nổi nóng, chửi bới và hành hung người khác mỗi khi có va quẹt hoặc bất bình. Có những vụ xô xát dẫn đến án mạng chết người. Sự nóng nảy, hung hăng, côn đồ không chỉ xảy ra trong những người trẻ với nhau, mà còn nơi những người tuổi 50 – 60. Có người cho rằng, người Việt Nam không còn là dân tộc hiền hoà nữa, những phong cách sống thanh lịch của người Hà Thành, lối sống phóng khoáng, thoải mái của người Miền Nam hiện nay bị lây nhiễm bởi bạo lực, bởi thói côn đồ, cậy thế, cậy quyền. Có người giải thích các hiện tượng hung hăng, côn đồ đang xảy ra là do áp lực của cuộc sống xã hội, kinh tế, do sự bất công, bất mãn trong xã hội… Dù cho có những hoàn cảnh bên ngoài tác động, nhưng vấn đề sâu xa, cốt lõi vẫn là từ trong nền tảng giáo dục của gia đình và nhà trường. Nơi đó người ta không dạy cho học sinh và con cái chúng ta sự bao dung, quảng đại, cảm thông, nhường nhịn. Thay vào đó người ta chú tâm nhiều hơn đến việc trả thù, đấu tranh, phân biệt địch - ta, và chạy theo thành tích ảo, giá trị ảo, đồng thời tự hào trên các giá trị ảo ấy. Từ đó tạo ra những con người thiếu bao dung, thiếu kiên nhẫn và ưa dùng bạo lực.

    Hôm nay Lời Chúa mời gọi chúng ta dám sống một nếp sống khác, phản ứng theo cách khác, đó là: Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Qua cách sống nhân từ, bao dung, nhường nhịn, chúng ta thể hiện mình là con của Thiên Chúa, là những môn đệ của Chúa Kitô.

    Bài đọc một kể lại câu chuyện bao dung tha thứ của Đavít. Chuyện xảy ra là do ghen tị với Đavít mà vua Saul đã tìm cách sát hại ông. Đavít đã phải bỏ trốn vào sa mạc mhưng vẫn bị vua Saul đem quân truy sát. Đêm đó vua Saul nằm ngủ giữa đoàn tuỳ tùng, cây giáo và bình nước để phía trên đầu, Đavít và một người cháu đã âm thầm vào doanh trại của Saul, nhưng do vua và binh sĩ ngủ say nên không ai biết. Người cháu nói với Đavít: Đây là cơ hội, cậu cho cháu giết ông ta luôn. Đavít đã không đồng ý và nói rằng: Đừng giết vua, đấng mà Thiên Chúa đã xức dầu. Đavít và người cháu chỉ lấy cây giáo và bình nước của vua rồi ra đi. Sáng hôm sau, Đavít đứng bên kia hẻm núi, gọi vua Saul và nói: Xin vua cho người qua lấy lại cây giáo và bình nước. Tôi đây không hề muốn ra tay làm hại vua.

    Câu chuyện và cách ứng xử của vua Đavít trong bài đọc một cho chúng ta một lý do tại sao phải sống nhân từ bao dung với người khác, đó là vì anh chị em chính là hình ảnh, là người của Chúa, thuộc về Chúa. Trong trường hợp này, Đavít đã hết sức kính trọng vua Saul vì nhà vua chính là người được Chúa tuyển chọn và xức dầu làm vua Israel. Vì thế, Đavít đã nói với Saul: Hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con không muốn ra tay sát hạt đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong. Vì không ai làm hại đấng Chúa đã tuyển chọn mà lại được bằng an.

    Lý do thứ hai mà chúng ta cần phải sống và cư xử với nhau cách khoan dung, đó là vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Nhờ công ơn cứu chuộc của Đức Giêsu, chúng ta không còn thuộc về con người cũ, làm nô lệ cho bản năng và chiều theo thú tính của mình, nhưng đã đón nhận được Thần Khí ban sự sống từ Chúa Phục Sinh. Vì thế, chúng ta phải dám sống vượt trên những lôi kéo, những phản ứng của bản năng, thú tính, để biết cư xử với nhau bằng sự cao thượng, bằng tình yêu thương, sự bao dung, quảng đại. Nói như thánh Phaolô trong bài đọc hai đó là: Chúng ta không chỉ là những kẻ có sinh khí mà phải sống như những con người có Thần Khí; không chỉ sống như những con người bởi đất mà ra, nhưng còn được mời gọi sống như những con người từ trời mà đến và phải sống như những con người hướng nhìn lên cao.

    Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta những ví dụ cụ thể về việc sống yêu thương, quảng đại và bao dung: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Đòi hỏi này của Chúa Giêsu vượt trên tất cả những yêu cầu, đòi hỏi của các tôn giáo khác. Người đời và các tôn giáo khác chỉ dừng lại ở chỗ yêu bạn, ghét thù, làm ơn cho người khác, nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta phải dành cho người bên cạnh, kể cả kẻ thù ghét mình không chỉ vật chất qua việc làm ơn, nhưng còn giúp họ bằng cả tình cảm qua việc yêu thương và bằng cả tâm trí qua việc cầu nguyện cho những kẻ thù ghét mình. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn muốn chúng ta phản ứng cách ôn hoà, nhường nhịn, bao dung, quảng đại khi Người dạy chúng ta: Ai vả má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai đoạt áo ngoài thì cho cả áo trong, ai xin thì đừng từ chối. Vì là môn đệ của Chúa, chúng ta không thể cư xử cách bạo lực, không thể để trong tâm hồn mình sự thù oán hoặc mưu đồ làm hại anh em và cũng không thể ăn miếng trả miếng, hoặc trả thù trả đũa anh em chung quanh, vì họ cũng là anh chị em của chúng ta và vì chúng ta là môn đệ của Chúa.

    Một ví dụ khác Chúa Giêsu dạy chúng ta: Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy. Đòi hỏi này của Chúa Giêsu cũng cao hơn tất cả các đòi hỏi nơi các tôn giáo khác. Đối với Khổng Tử, ông chỉ cho các học trò: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - điều gì mình không thích, thì đừng làm cho người khác. Đức Giêsu đòi các Kitô hữu cách tích cực hơn: Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm trước cho người khác. Điều này có nghĩa là, phải biết nghĩ đến người khác trước, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Ví dụ: Mình muốn nhà cửa sạch sẽ, thơm tho thì đừng đẩy rác, xả nước qua nhà người khác; mình muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi thì đừng bắt hàng xóm nghe mình hát hò hoặc làm ồn ào.

    Để có cuộc sống chung tốt đẹp, an vui, Chúa muốn chúng ta biết cư xử với nhau cách nhân từ, bao dung, quảng đại, đừng vì những chuyện nhỏ nhặt khiến cho các tương quan gia đình, xóm giềng bị đổ vỡ. Chúng ta không cử xử với nhau theo kiểu sòng phẳng của người đời nhưng còn phải cư xử với nhau theo lòng nhân ái của người Kitô hữu: Nếu anh em yêu kẻ yêu mình, ghét kẻ ghét mình; chỉ làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì kẻ ngoại đạo và kể cả kẻ giang hồ, tội phạm cũng có thể làm được như thế. Nhưng vì là môn đệ của Chúa, Chúa đòi chúng ta phải bước cao hơn, cư xử cao hơn đó là yêu cả những kẻ không yêu mình, đón nhận và tha thứ cho kẻ thù ghét mình và còn phải làm ơn, làm phúc cho những kẻ làm hại mình. Dám sống và cư xử theo những đòi hỏi của Chúa Giêsu như thế, chúng ta mới xứng đáng là con của Thiên Chúa, là những Kitô hữu đích thực.

    Thưa quý OBACE, mặc dù chúng ta đều biết Chúa Giêsu đòi chúng ta: Yêu cả kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình và cầu nguyện cho những kẻ làm khổ mình, nhưng nhiều khi chúng ta đã không thực hành như vậy. Trái lại, nhiều người Kitô hữu vẫn phản ứng, cư xử, đối đãi với nhau như kiểu người đời, hoặc tệ hơn nữa là cư xử với nhau theo kiểu côn đồ bạo lực, mà không có tình yêu và sự bao dung. Nhiều khi chúng ta cư xử cách bạo lực côn đồ ngay với những người yêu thương mình, bên cạnh mình, và dễ dàng làm tổn thương họ. Những người đó có khi là ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái và anh em trong gia đình. Một gia đình mà các thành viên thường xuyên dùng bạo lực với nhau thì sẽ tạo ra những thế hệ nối tiếp dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Trái lại khi trong gia đình, ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái biết cư xử cách nhân từ, ôn hoà, bao dung, tha thứ với nhau, thì cũng sẽ tạo ra cho xã hội những con người bao dung, ôn hoà, nhân ái.

    Ai cũng mang trong mình sự nóng nảy, dễ phản ứng gay gắt khi không vừa ý mình; ai cũng mang trong mình cái bản năng thú tính hung hãn. Nhưng chúng ta là những người được Tin Mừng huấn luyện, được Đức Giêsu dạy dỗ, uốn nắn nên chúng ta phải biết làm chủ bản thân và nỗ lực thực thi những lời Chúa truyền dạy. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp, để trong mọi phản ứng, mọi hoàn cảnh, chúng ta biết cư xử với nhau theo lòng bao dung, độ lượng, nhân từ như chính Thiên Chúa đã cử xử nhân từ, bao dung, độ lượng với mỗi người chúng ta. Amen.

    Chữ ký của gioanha
    Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp

  2. Được cám ơn bởi:


Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com