|
LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
(CN 23.11.2014 – 34A)
Vui Chứng Nhân
Ở Việt Nam ta, rất ít khi thấy con dê, họa chăng thỉnh thoảng chúng ta thấy thịt dê ở những quán nhậu, còn việc thấy được một con chiên, hay còn gọi là con cừu, lại càng hiếm hoi hơn nữa. Ở bên nước Israel thì khác, con chiên con dê là những hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống của người Do thái, bởi có nhiều người dân sống bằng nghề chăn nuôi dê cừu. Chúa Giêsu đã rất tinh tế khi lấy ngay hình ảnh tách biệt dê cừu để nói cho dân chúng biết về ngày phán xét chung, ngày Thiên Chúa sẽ tách biệt người lành kẻ dữ và số phận muôn đời của họ sẽ được định đoạt.
Nhìn bề ngoài thì chiên và dê khá giống nhau. Khoa học xếp chúng có liên hệ họ hàng với nhau. Điểm khác biệt giữa chúng là ở bộ lông. Lông dê thì mịn sát với da, còn lông cừu thì dầy rậm hơn. Một điểm khác nữa là ở hành vi, chiên có xu hướng đi theo nhau từng bầy và theo mục tử, còn dê thì thích tò mò tìm kiếm lung tung, chạy nhảy tung tăng theo ý riêng mình. Có lẽ vì thế mà hình ảnh con chiên được sánh ví với những người thuộc về Nước Thiên Chúa, những người biết tin Chúa và làm theo những gì Chúa dạy; còn dê được ví như những người thuộc về nhóm bị luận phạt muôn đời, những người chỉ biết tìm kiếm những thứ thuộc về thế gian và sống theo ý riêng của mình mà không bao giờ mở lòng lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo.
Trong Bài đọc I, tiên tri Edekien đã cho chúng ta thấy hình ảnh Thiên Chúa như một mục tử chăn dắt đoàn chiên mình với tất cả tình yêu thương và trân trọng: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ chữa lành; con nào béo mập, Ta sẽ canh chừng”. Không một con chiên nào nằm ngoài sự quan tâm chăm sóc của Ngài. Vị vua mục tử này không như bất kì một vị vua hay mục tử nào khác, Ngài luôn yêu thương và chăm sóc cho từng con một. Con nào cũng đáng yêu đáng quý trong mắt của Ngài. Chắc obace còn nhớ dụ ngôn con chiên lạc mà Chúa Giêsu cũng đã từng đề cập: Thiên Chúa chấp nhận để lại 99 con chiên trong bầy trên thảo nguyên mà đi tìm con chiên lạc. Ngài không muốn mất một con chiên nào. Con chiên lạc cho dù có thế nào đi chăng nữa thì Ngài cũng rất mực yêu thương và trân trọng. Đối với Thiên Chúa, không có khái niệm “Không mợ thì chợ vẫn đông” như Việt Nam ta.Vắng một mợ là mất một mợ, buổi chợ hôm ấy sẽ khác với các buổi chợ khác vì thiếu đi sự độc đáo của mợ ấy mà không mợ nào khác có được.
Sau là đến Thánh vịnh Đáp ca, lời đáp là một lời khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.” Có lẽ chúng ta nên tự hỏi bản thân mình xem, hiện nay tôi có thực sự để Chúa chăn dắt tôi hay là tôi đang tự chăn dắt cuộc đời mình. Nếu phải chọn một thứ duy nhất trên đời, tôi có chọn Chúa và xem thế là đủ cho tôi?Phải chăng tôi chỉ thấy thiếu tiền, thiếu tình, thiếu vật chất, mà không cảm thấy mình thiếu Chúa, bởi vì tôi đã không thực sự coi Chúa là vua cõi lòng mình, là mục tử chăn dắt cuộc đời tôi? Tôi có xác tín rằng, có Chúa là có tất cả, và tất cả những gì tôi có được cho đến hôm nay đều là hồng ân của Chúa? Và tôi đã đáp lại tình thương Chúa như thế nào?Tôi có cố gắng vun đắp xây dựng cho vương quyền Vua Kitô ngự trị?
Thánh Phaolô nói trong bài đọc II: “Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân, mà kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết.” Sự chết ấy không những ám chỉ sự chết thể lý của con người mà còn là cái chết của việc con người chúng ta không thực sự yêu thương trân trọng lẫn nhau trong cuộc sống, chúng ta từ chối đem lại tình yêu và sự sống cho nhau. Khi chúng ta không cho kẻ đói ăn, không cho người khát uống, không tiếp rước khách lạ, không cho kẻ rách rưới ăn mặc, không viếng thăm người đau yếu, và không viếng thăm người bị tù đày, một cách nào đó, chúng ta đã giết chết nhân phẩm của họ, không tạo điều kiện để họ có được một cuộc sống xứng với nhân phẩm cao quý của con người. Và như vậy, thì làm sao mà vương quyền của Chúa Giêsu hiển trị cho được?Làm sao mà ta dám vỗ ngực xưng tên tôi là Kitô hữu, là con dân của Chúa Kitô?
Đối với mỗi Kitô hữu chúng ta, khi làm bác ái, ta xác tín rằng ta làm cho chính Chúa, vì chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình như những người anh em bé mọn như trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe hôm nay. Điều này đã làm cho người lành cũng như kẻ dữ trong cuộc phán xét phải sửng sốt ngạc nhiên.“Có bao giờ con thấy Chúa đói, khát, trần truồng, đau yếu, bị tù đày hay là khách lạ đâu?” Người lành là những người luôn biết thương người, bác ái chia sẻ với những ai khốn cùng, bất hạnh, xuất phát từ một trái tim nhân hậu chân thành. Họ thấy thương, thấy tội là họ giúp chứ không hề tính toán thiệt hơn.Không nói ra nhưng cách họ sống đã nói lên họ đã thực sự để Vua Tình Yêu ngự trị trong tâm hồn mình. Còn kẻ dữ là những người chỉ biết bo bo ích kỉ lo cho bản thân mình mà không hề để ý quan tâm giúp đỡ anh chị em thiếu thốn và đau khổ chung quanh. Trái tim họ vô cảm và khô cứng, và dĩ nhiên Vua Tình Yêu làm sao có thể ngự trị trong tâm hồn họ được?
Tóm lại, mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, trước hết chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì đã làm Chúa làm Vua của tất cả chúng ta. Đồng thời, hôm nay cũng là Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, cũng là một dịp tốt cho chúng ta xét lại chính mình, xem trong một năm qua, chúng ta có thực thi bác ái yêu thương chưa, có thể hiện chúng ta thuộc về đàn chiên của Vị mục tử Giêsu nhân lành, và có thực sự thuộc về Vương quốc Thiên Chúa nơi Tình Yêu ngự trị?Nếu chưa, chúng ta hãy xin Chúa thêm sức cho mỗi chúng ta trong năm sắp tới, biết sống yêu thương bác ái nhiều hơn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ bất hạnh.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|