|
CHÚA NHẬT II MC C:
TIN THIÊN CHÚA ĐÃ DÙNG CÁI CHẾT ĐỂ CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc
Trong cuộc sống, có nhiều điều tuy không thấy nhưng chúng ta vẫn tin. Ví dụ: ai cũng tin là trái đất quay quanh chính nó và quay quanh mặt trời hết 365 ngày 6 giờ; có nhiều hành tinh cách xa chúng ta hàng triệu năm vận tốc ánh sáng… Trong thực tế, chúng ta vẫn tin và chấp nhận những điều con người không thể giải thích được mà không hề thắc mắc. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng tin những điều vượt trên khả năng suy luận của trí khôn. Nhưng, điều chúng ta tin không phải là vô lý.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đón nhận những chân lý đức tin với một lòng vâng phục hoàn toàn, không nghi ngờ, không đặt điều kiện. Vì, có những điều con người không thể suy tưởng, không thể hình dung và không thể làm được thì Thiên Chúa có thể làm tất cả.
Bài đọc sách Sáng Thế cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương sống đức tin của tổ phụ Abraham. Vì tin vào lời của Thiên Chúa, ông đã dám từ bỏ quê hương, nhà cửa, tài sản và dòng họ để lên đường, đi theo tiếng gọi mời của Thiên Chúa. Kinh Thánh ghi lại đức tin của Abraham một cách ngắn gọn: “Ông ra đi mà không biết mình đi đâu.” Điều này có nghĩa là ông đặt trọn vẹn niềm tin, tương lai, cuộc đời và hy vọng của ông vào nơi Chúa. Ngài là Đấng mà ông tin rằng sẽ không bao giờ lừa dối ông. Ông lên đường mà không biết mình đi đâu, có nghĩa là ông đã hoàn toàn để cho Chúa dẫn đường và đưa ông đi, không hề thắc mắc.
Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một mảnh đất làm gia nghiệp, cho con cháu đông như sao trên trời như cát dưới biển và Thiên Chúa sẽ là Chúa của ông. Tuy nhiên, cho đến lúc ông tám mươi tuổi thì tất cả lời hứa của Thiên Chúa vẫn ở thì tương lai, nhưng ông vẫn tin cậy vào Thiên Chúa. Có những lúc dường như ông cũng ngã lòng và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, làm sao mà biết là con có được đất này làm sở hữu?” Để củng cố cho đức tin của Abraham, hôm nay, Thiên Chúa đã long trọng thiết lập với ông một giao ước.
Abraham đã chuẩn bị một tế đàn cùng với những con vật để làm của lễ cam kết giữa Thiên Chúa và với ông như Chúa đã truyền. Tuy nhiên câu chuyện cho thấy, trong lúc diễn ra buổi lễ ký kết giao ước, thì Abraham lại chìm vào giấc ngủ, trong khi đó, Thiên Chúa vẫn tự mình thực hiện nghi lễ ký kết bằng cách cho lửa thiêu đốt của lễ. Chi tiết này cho thấy Thiên Chúa là Đấng chủ động lập giao ước và cũng chính Ngài tự ràng buộc mình vào giao ước ký kết với Abraham. Ngài long trong lặp lại lời hứa: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai Cập đến Sông Cả.”
Cuộc biến hình trong Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa muốn các tông đồ phải đi một bước cao hơn đó là: Tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế sẽ cứu nhân loại bằng cái chết. Sau mấy năm đi theo Chúa, các tông đồ đã thấy những phép lạ Chúa làm, nhận ra quyền năng Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu của mình. Các ông đã tin: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa.” Tuy nhiên, xác tín này lại trở thành khó khăn khi các ông đồng thời phải tin rằng: “Đấng Kitô sẽ bị người ta bắt, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại.” Vì thế, hôm nay, Đức Giêsu đã đưa các tông đồ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Đang lúc Ngài cầu nguyện thì dung mạo Người bỗng biến đổi. “Cùng lúc, có ông Môsê và Êlia hiện ra cùng đàm đạo với Đức Giêsu và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.”
Thánh Luca đã nhận ra việc xuất hiện của Môsê và Êlia mang tính biểu trưng đặc biệt, là đại diện cho lề luật và các ngôn sứ cựu ước. Nhắc đến lề luật và ngôn sứ là nhắc đến toàn bộ truyền thống của Kinh Thánh. Hai vị này cùng đàm đạo với Đức Giêsu về cuộc vượt qua của Ngài. Điều này muốn nói rằng cuộc vượt qua chính là cuộc khổ nạn thập giá của Đức Giêsu đã được các tổ phụ, các ngôn sứ nói trước từ trong Cựu ước.
Tin Mừng cho thấy dường như có sự trật nhịp trong niềm tin của các tông đồ. Các ông không quan tâm đến cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu với Môsê và Êlia, các ông chỉ quan tâm đến vinh quang mà các ông đang ngây ngất chiêm ngắm. Vì thế, Phêrô như trong mơ đã lên tiếng: “Chúng con được ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia.” Các tông đồ không muốn chấp nhận sự thật là Đức Giêsu sẽ bị bắt, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại mà muốn níu kéo giây phút ngây ngất này.
Trong lúc các tông đồ còn đang bị giằng co giữa một Đức Kitô vinh quang như các ông đang thấy và một Đức Kitô bị đóng đinh, thì có mây bao phủ các ngài, và có tiếng nói từ trời: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” Đó là tiếng nói của Chúa Cha muốn các tông đồ đừng cố tình tìm kiếm một Đức Kitô nào khác, mà phải tin, phải đón nhận Đức Kitô chịu đóng đinh và phải vâng nghe lời Người. Thiên Chúa Cha cũng khẳng định rằng: Đức Giêsu Kitô chính là Con Chúa Cha và là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành chương trình cứu chuộc nhân loại bằng cái chết. Cho dù rằng, đây là điều khó chấp nhận đối với con người nhưng đó lại là chương trình, kế hoạch của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã xác tín và giải thích cho cộng đoàn Philipphê về nghịch lý của mầu nhiệm thập giá mà Đức Giêsu đã trải qua. Đồng thời, mời gọi mọi người đừng sống thù nghịch với thập giá của Người, nhưng biết ép mình đi theo con đường thập giá đó. Vì chỉ có con đường thập giá của Đức Giêsu mới là con đường đưa đến ơn cứu độ và giải thoát mà thôi. Vì thế, người tín hữu đừng bao giờ hổ thẹn vì Chúa của mình phải chết trên thập giá. Trái lại, tự hào vì Chúa của mình đã yêu nhân loại đến nỗi chấp nhận cái chết đau đớn trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã dùng quyền năng để chiến thắng tử thần, đem lại cho chúng ta sự sống muôn đời.
Thưa quý OBACE, cho đến nay, đối với nhiều người, niềm tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh để cứu chuộc nhân loại vẫn là điều khó chấp nhận. Nhiều người khác còn cho rằng niềm tin của các Kitô hữu vào Chúa Giêsu là niềm tin mù quáng. Nhưng, các kitô hữu không hề tin cách mù quáng. Chúng ta tin Đức Giêsu, Thiên Chúa của chúng ta là Đấng quyền năng có thể làm được tất cả mọi sự, thì Ngài cũng có thể dùng chính cái chết đau đớn và phục sinh của Ngài thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
Cũng vì tin vào Đức Giêsu, chúng ta nghe lời của Ngài, đi theo sự hướng dẫn của Ngài. Lời của Chúa được nói trong Tin Mừng, lời đó có sức chữa lành và cứu sống chúng ta. Chúng ta đi theo sự hướng dẫn của Ngài, là chấp nhận đi vào con đường hẹp của Tin Mừng, đó là con đường hy sinh vác thập giá theo Chúa. Chỉ những ai tin và bước theo Đức Giêsu thì mới có thể đón nhận được ơn cứu độ Người đem lại cho chúng ta.
Tuy nhiên trong thực tế, thánh Phaolô đã cảnh báo chúng ta: “Trong anh em, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô…Chúa họ thờ là cái bụng. Cái mà họ lấy làm vinh dự lại là cái đáng hổ thẹn. Họ chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” Chúng ta trở thành kẻ sống đối nghịch với thập giá khi chúng ta chỉ lo tìm kiếm một cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ, buông chiều theo xác thịt thế gian. Nhiều người đã để mất nếp sống đạo của người tín hữu, của gia đình Công Giáo. Tin Chúa nhưng lại không thể hiện thái độ thờ phượng Thiên Chúa qua việc dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, không chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa trong đời sống gia đình.
Nhiều người trong chúng ta đang “thờ cái bụng” của mình qua cuộc sống ăn uống rượu chè vô độ, tìm kiếm thoả mãn vật chất, gian dối, bất công, chửi bới, cãi vã, bạo lực… như thể là không có sự hiện diện của Thiên Chúa và như những kẻ không thuộc về Thiên Chúa. Nhiều người đang mải mê tìm kiếm vinh dự địa vị trần gian mà bỏ qua giới răn lề luật của Thiên Chúa và những đòi hỏi của Tin Mừng.
Những ngày mùa chay quả thật là khoảng lặng để mỗi người tái khẳng định niềm tin vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại để ban tặng cho chúng ta sự sống đời đời. Xin cho mỗi người biết sống tâm tình cảm tạ và xác tín cách chắc chắn vào Chúa Giêsu. Cùng vâng nghe, thực hành những điều Ngài nói với chúng ta mỗi ngày. Amen.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|