THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA. TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA.
TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN [09.09.2011 20:46]
(Matthew 18: 21-35)
Nội dung của bài Phúc Âm hôm nay dẫn dắt chúng ta tiếp cận vào nền tảng của giáo huấn Kitô giáo, là kim chỉ nam mà mỗi Kitô hữu đã chọn làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Thật vậy, ngoài giới luật yêu thương, không có một sự đòi hỏi gắt gao nào khác mà Chúa Giêsu thường xuyên mời gọi mỗi người chúng ta phải đem ra thực hành trong tình liên đới. Đó là ‘các con hãy tha thứ cho nhau như Thầy đã tha thứ cho các con’.
Trong cuộc sống thường ngày, sự tha thứ thường được nhắc đến, nhưng phần lớn chỉ là lý thuyết thuần túy chứ không phải là những hành động có giá trị thực tế. Tất cả những điều đó nói lên rằng: sự tha thứ không phải là một việc làm đơn giản và đòi hỏi thật nhiều cố gắng. Ngay trong “mái ấm gia đình”, những đụng chạm, trái ý và hiểu lầm... dù là rất nhỏ nhưng đôi lúc lại trở thành những cuộc “chiến tranh lạnh” không có hồi kết. Thậm chí có những gia đình phải lâm vào cảnh đổ vỡ tang thương chỉ vì những xích mích nhỏ nhoi không đáng có. Trong tình nghĩa xóm làng, những chuyện trẻ con nghịch ngợm thiếu ý thức hay như việc trâu bò gà vịt phá phách vườn tược cũng có thể gây nên sự hằn thù ghét bỏ nhau. Trong đời sống cộng đoàn cũng vậy, sự khác biệt giữa nhóm này với nhóm khác, sự hơn thua giữa người này với kẻ nọ... khiến chúng ta nghĩ xấu về nhau hoặc có những hành động thiếu bác ái, yêu thương. Chính những thái độ đó đã gây nên sự chia rẽ trầm trọng, gây nên cảnh ‘nồi da xáo thịt’ thật đáng buồn! Về phương diện màu da chủng tộc, chúng ta thường nuôi dưỡng những vết thù hằn đã xảy ra trong quá khứ chứ không muốn mở rộng vòng tay kiến tạo hoà bình để cùng chung sống.
Cũng vì thế mà tiên tri Ezekiel trong bài đọc thứ nhất mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về sự chết. ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’ như cha ông ta thường nói và điều đó sẽ giúp cho tình đồng loại có ý nghĩa cao đẹp hơn. Nếu đã một lần chúng ta rảo bước trong nghĩa trang, ngắm nhìn những ngôi mộ thì chắc hẳn quan niệm về sự tha thứ trong lòng mỗi người sẽ thay đổi. Thật vậy, đến khi bị chôn vùi vào lòng đất, nằm kề bên nhau trong những nấm mộ không hàng rào ngăn cách, chúng ta mới cảm thấy hối tiếc vì những hận thù chỉ vì tranh chấp một tấc đất vườn tược. Và từ đó chúng ta mới hiểu được đâu là giá trị của lòng thương xót và thứ tha.
Hãy nhìn vào ánh sáng của cuộc sống vĩnh hằng và so với sự chóng qua của cuộc đời nhân thế để cảm thấy rằng hận thù và ghen ghét chỉ là những thói hư vô nghĩa mà thôi. Tiếng kêu cầu tha thứ của đời sống Kitô hữu được vọng lại từ ngọn đồi Can vê. Lời của Đúc Kitô tuyên bố từ cây thập tự giá chính là những gì Ngài đã sống và đã thực hiện vuông tròn khi mang thân phận con người ở trần gian. Vì thế, mục đích của cuộc sống và cái chết của Ngài không có gì khác hơn là đem lại sự tha thứ cho tất cả chúng sinh.
Sự giác ngộ của con người về giá trị của sự tha thứ chính là khả năng nhận thức về cuộc sống để thứ tha cho nhau. Đây chính là thước đo chiều sâu của đời sống Kitô giáo. Nên nhớ rằng, tha thứ cho nhau là điều kiện duy nhất để chúng ta được tha thứ và làm cho lời cầu nguyện của chúng ta trở nên ý nghiã hơn: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con.” Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Vậy nếu chúng ta không tha thứ cho anh em đồng loại, có nghĩa là chúng ta phủ nhận lòng thương xót và trái tim độ lượng của Thiên Chúa. Hay nói khác hơn là chúng ta đã cứng lòng không biết đến sự tha thứ vô điều kiện mà chúng ta được nhận lãnh từ Ngài.
Trong từng hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày, hiếm khi chúng ta dám thách đố chính mình để thực hiện sự tha thứ cho nhau. Có những sự đổ vỡ làm con tim mình đau quặn hoặc gây nên sự khủng hoảng tinh thần, chẳng hạn khi chúng ta bị bạn bè phản bội, bị người thân nghi ngờ kết án hay khi người yêu bỏ rơi...những cơn đau tê tái đó thường thúc dục chúng ta trả thù và gây oán. Thái độ tối cần mà Đức Kitô mời gọi chúng ta là hãy thứ tha và tiếp tục sống ôn hoà trong cảnh đời hỗn loạn đầy đau thương đó. Nếu chúng ta thật sự là máng chuyển thông ơn lành của Thiên Chúa thì Đức Kitô chính là lẽ sống của đời mình. Và qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là những người môn đệ của thật sự của Đấng đã sống để yêu thương và chết để tha thứ tội lỗi cho con người.