|
CHÚA NHẬT PHỤC SINH:
NIỀM TIN PHỤC SINH BIẾN ĐỔI CON NGƯỜI
Lm. Đỗ Đức Trí
GP. Xuân Lộc
Cho đến ngày hôm nay sau hơn hai tuần được bầu chọn làm Giáo Hoàng, ĐTC Phancico chưa hết gây ngạc nhiên cho thế giới không chỉ về phong cách, sự giản dị, lòng khiêm nhường, mà còn là những sự đổi thay trong sinh hoạt của Giáo Hội. Trước ngày bầu cử thì Hông Y Jorge (tên của Giáo hoàng) không hề có trong danh sách dự đoán của báo chí và dư luận thế giới. Thế giới cứ muốn chon cho mình những giáo hoàng theo tiêu chuẩn của họ, và cuối cùng sau cuộc mật nghị kết thúc, một vị Hồng Y từ Nam Mỹ đã được bầu chọn đã gây ngạc nhiên cho thế giới. Điều này cho thấy Thiên Chúa muốn sử dụng những con người mà Chúa muốn, và sự tuyển chọn của Thiên Chúa thì khác với sự tuyển chọn của con người, Thiên Chúa muốn dùng Giáo Hoàng Phanxicô để làm chứng cho Chúa và cho Giáo Hội trong hoàn cảnh ngày hôm nay, cũng như ngày xưa Chúa đã chọn Phêrô, các tông đồ và những phụ nữ nhà quê và đã biến đổi hoàn toàn con người các Ngài, để biến các Ngài thành những con người loan truyền Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng cho Ngài trong những ngày đầu của Giáo hội
Kính thưa quý OBACE, Thực sự chúng ta phải ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng của Phêrô và các tông đồ, vì mới ngày hôm qua, khi các phụ nữ chạy về báo tin, thì các tông đồ còn băn khoăn, Phêrô lúc đó là người đứng đầu trong anh em đã cùng với người môn đệ được Chúa yêu chạy ra mồ và hai ông đã có hai phản ứng khác nhau về biến cố ngôi mồ trống, thì hôm nay, Phêrô đã mạng dạn, đã xác tin và đã đứng lên làm chứng về chúa Giêsu Phục Sinh.
Có thể nói lần đầu tiên khi nghe các phụ nữ chạy về báo tin tảng đá đã bị lăn ra khỏi mộ, và người ta đã lấy mất xác chúa, và chúng tôi không biết người ta đã để Người ở đâu? Thánh Gioan đã cho thấy phản ứng của hai tông đồ này với biến cố mồ trống có phần khác nhau, mặc dù cả hai cùng chạy ra xem, họ chạy ra không phải như các người phụ nữ chạy ra trong lo sợ, nhưng hai ông đã ra xem để như một nhân chứng và như một sự công nhận với tính cách là tiếng nói chính thức của Giáo Hội về màu nhiệm phục sinh này. Một đàng, người môn đệ kia (Gioan) người được Chúa yêu đã cúi đầu xuống để nhìn vào trong mồ, ông thấy những băng vải để đó, đó là một thái độ cần thiết khi tiếp cận với biến cố này. Cúi đầu để kính cần, để khiêm tốn đón nhận, và chỉ khi biết cúi đầu trước Thiên Chúa và những việc của Chúa thì mới có thể nhận ra quyền năng của Thiên Chúa trong biến cố này, và mới có thể đón nhận được với niềm tin. Chính vì thế mà người môn đệ này dù chỉ nhìn thấy những tấm khăn liệm và khăn che đầu đã được xếp gọn gàng và để riêng một chỗ, thì ông đã tin vào những dấu chỉ mà Thày của ông để lại, một dấu hiệu không thể lẫm lẫn với ai khác được.
Nếu như Gioan là người môn đệ được Chúa yêu, thì Simon Phêrô là người môn đệ yêu Chúa nhất, lại có những bước đi đến với đức tin bằng cách khác: Với sự tôn trọng mà Gioan dành cho ông trong tư cách là vị giáo hoàng đầu tiên, là người có quyền quyết định và có tiếng nói chung cuộc, Phêrô đã bước vào trong mồ để kiểm tra lại tất cả những dấu hiệu còn lại là những tấm khăn liệm, là nơi đặt xác Chúa, ngôi mồ đã trống, ông đã tin một cách sâu xa chắc chắn Thày của ông đã sống lại và phêrô đã hết sức cẩn thận, giữ một thái độ bình tình cũa một người lãnh đạo trước một biến cố lớn lao này. Tác giả Tin Mừng đã kết luận: trước khi biến cố này xảy ra, hai ông chưa hiểu hết lời Kinh Thánh, nhưng với biến cố này, cả hai ông đã hiểu và xác tin mạnh mẽ vào những lời Kinh Thánh đã đã báo trước về việc Chúa Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.
Cũng chính vì tin vào lời Kinh Thánh, suy gẫm lại và đối chiếu với những gì Chúa Giêsu đã giảng và đã làm, Phêrô và các tông đồ giờ đây đã trở thành những con người rao giảng về niềm tin phục sinh và sẵn sàng dùng cả mạnng sống mình để làm chứng về điều các ông đã thấy đã cảm nghiệm và đã tin. Nghe lại bài giảng của phêrô tại nhà ông Cornêliô trong bài đọc một hôm nay, chúng ta thấy Thánh phêrô đã nhắc lại toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu và những lời Người rao giảng, những việc Người đã làm, để thấy rằng tất cả những lời đó, những việc làm đó đều là những việc được thúc đẩy bởi quyền năng của Thiên Chúa cùng với Thánh Thần của Người.
Nếu như trước đây Pherô và các tông đồ tỏ ra là những con người nhát đảm sợ hãi, thì hôm nay các ông lại là những con người mạnh dạn và can đảm để làm chứng về sự phục sinh của Chúa. Chỉ trong một bài giảng ngắn tại nhà ông Cornêliô, Phêrô đã ba đến bốn lần nhân danh cả giáo Hội để tuyên bố rằng: Chúng tôi làm chứng về những điều đó, làm chứng về cuộc đời, về những lời giàng của Chúa Giêsu, làm chứng về cuộc thương khó, làm chứng về cái chết và an táng, cũng như làm chứng về sự phục sinh của Người, và cả các ngôn sứ cũng làm chứng về vinh quang mà Thiên Chúa Cha đã trao tặng cho Đức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Tất cả sự biến đổi nhanh chóng, lạ lùng trong cuộc đời của Phêrô và các tông đồ cũng như trong cộng đoàn sơ khai, đều bắt nguồn từ biến cố phục sinh của Chúa, và sư thay đổi này quả thực khó có thể lý giải theo những cách tự nhiên, mà chỉ có thể nói rằng chính Đấng Phục sinh đã biến đổi các tông đồ và công đòan Giáo hội sơ khai, cũng như tác động và biến đổi những người nghe lời chứng của các ngài.
Trong thứ Colose, Thánh Phaolô đã mời gọi các tin hữu thực hiện một cuộc biến đỗi tận căn hay nói đúng hơn là chấp nhận cộng tác để cho Chúa Giêsu Phục sinh biến đổi mỗi người. Lý do là vì qua dòng nước rửa tội, chúng ta đã được chỗi dậy với Đức Giesu để bắt đầu một cuộc sống mới con người mới, con người thuộc về thượng giời, tức là thuộc về Thiên Chúa, vì thế chúng ta không thể cứ mãi cúi gằm xuống đất như những phụ nữ trong Tin mừng Luca (đã chia sẻ đêm qua) để tìm kiếm những sự thuộc về đất, mà trái lại chúng ta phải ngẩng cao đầu cho xứng đáng với tư cách là những con người và là con của Thiên chúa, và tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, thuộc về Thiên chúa, và vì Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đem lại cho chúng ta vinh dự đó, thì chúng ta phải sống xứng đáng với Đức Kitô và cậy dựa vào sự nâng đỡ của Ngài.
Thưa quý OBACE, cử hành Đại lễ phục Sinh hôm nay, chúng ta được mời gọi rà soát và thẩm định lại đức tin của mỗi chúng ta vào màu nhiệm này, và để xem Màu nhiệm Phục sinh có thực sự trở thành niềm xác tin mạnh mẽ trong cuộc đời của chúng ta và có thực sự biến đổi chúng ta hay chưa?
Sở dĩ nhiều người nhiều gia đình chưa thay đổi, chưa phục sinh, chưa vui, chưa hạnh phúc là vì họ vẫn để cho tảng đá lấp cửa mộ, tảng đá chết chóc đang đè nặng trên gia đình và trên tâm hồn của mình, kiến người ấy không thể chỗi dậy để vượt ra khỏi tình trạng tội lỗi ù lỳ của mình, và không thể chạy đến với Đấng Phục sinh, vì thế mà tin vui phục sinh không đụng chạm được đến tâm hồn của họ và gia đình họ. Hãy mạnh dạn đẩy những tảng đá nóng nảy, lười biếng, rượu chè, cờ bạc ra khỏi gia đình mình để làm cho bầu khí gia đình thêm vui tươi ấm cúng hơn.
Hãy chạy đến với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, qua Thánh lễ mỗi ngày, chúng ta sẽ được Chúa cho những dấu chỉ để có thể nhận ra được sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc đời và trong gia đình mình, đồng thời cũng ở nơi Thánh lễ mỗi ngày chúng nghe sẽ gặp được Chúa Phục sinh, được nghe lời chứng của Kinh Thánh cũng như được nghe lời chứng của giáo Hội về Chúa Giêsu và cuộc phục sinh của Người giúp củng cố đức tin và gia tăng sức sống mới cho chúng ta.
Mỗi người đã được chỗi dây cùng với Đức Giêsu và đã thuộc về Đức Giêsu, thì chúng ta cũng phải biết ưu tiên tìm kiếm những sự thuộc về thượng giới, thuộc về Chúa Kitô, đừng để cho vật chất và thế gian cùng những sự hấp dẫn của nó làm cho chúng ta xa lìa Chúa và đường lối của Ngài, đừng để cho khoa học kỹ thuật cùng những lời xuyên tạc của thế gian làm lung lạc đức tin của chúng ta. Chỉ khi chúng ta thuộc về Đức Kitô thì chúng ta mới có thể làm chứng về Chúa Kitô cho người khác, còn nếu chúng ta thuộc về thế gian thì chúng ta sẽ chỉ nói, chỉ chỉ hành động và chỉ tìm kiếm những gì thuộc về thế gian mà thôi.
Xin Chúa Phục sinh biến đổi mỗi người và cả gia đình và giáo xứ chúng ta - Alleluia
|
|